TÒA ÁN KHÔNG ĐƯỢC QUYỀN ÁP DỤNG BỘ LUẬT DÂN SỰ 2015 ĐỂ TUYÊN VÔ HIỆU GIAO DỊCH DÂN SỰ (CHƯA HOẶC ĐANG ĐƯỢC THỰC HIỆN) XÁC LẬP TRƯỚC NGÀY BỘ LUẬT NÀY CÓ HIỆU LỰC THI HÀNH: VIỆN DẪN VÀ LUẬN GIẢI!

Bộ luật dân sự năm 2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2017 (Điều 689 Đoạn 1). Theo đó, về nguyên tắc, Bộ luật dân sự năm 2015 chỉ được áp dụng để điều chỉnh các giao dịch dân sự được xác lập từ ngày 01 tháng 01 năm 2017 (Điều 156.1 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015). Hiểu nôm na, giao dịch dân sự mà Các Bên xác lập kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2017, sẽ áp dụng Bộ luật dân sự năm 2015 (Điều này là hiển nhiên và khá dễ hiểu).

Còn đối với giao dịch dân sự được Các Bên xác lập trước ngày 01 tháng 01 năm 2017, thì sẽ áp dụng Bộ luật dân sự năm 2005 hoặc Bộ luật dân sự năm 1995 (Tùy vào thời điểm Các Bên xác lập giao dịch). Hiểu nôm na, Bộ luật dân sự năm 2015 không có hiệu lực hồi tố (Không có hiệu lực trở về trước) để áp dụng điều chỉnh các giao dịch dân sự đã được xác lập trước ngày 01 tháng 01 năm 2017 (Trước ngày Bộ luật dân sự năm 2015, có hiệu lực thi hành).

Ngoại trừ ngoại lệ, đó là: Đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật dân sự năm 2015 có hiệu lực (Trước ngày 01 tháng 01 năm 2017), (Nếu) Giao dịch dân sự chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện mà có nội dung và hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 (Điều 668.1.b Bộ luật dân sự năm 2015).

Cần phải hiểu quy định vừa nêu dưới 02 góc độ:

1 – Một là: Đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật dân sự năm 2015 có hiệu lực (Trước ngày 01 tháng 01 năm 2017), (Nếu) Giao dịch dân sự chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện mà có nội dung và hình thức KHÔNG phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự năm 2005/1995, nhưng có nội dung và hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự năm 2015. Lưu ý phải là giao dịch chưa được hoặc đang được thực hiện, còn nếu giao dịch đã thực hiện xong, thì không áp dụng quy định này. Hiểu nôm na: Đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật dân sự năm 2015 có hiệu lực, (Nếu) Giao dịch dân sự chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện mà có nội dung và hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 thì ƯU TIÊN áp dụng quy định của Bộ luật dân sự năm 2015, BẤT KỂ giao dịch này có nội dung và hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự trước đó hay không. Chẳng hạn, theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005, thì giao dịch dân sự không được vi phạm điều cấm của PHÁP LUẬT, nghĩa rằng nếu vi phạm điều cấm của Pháp lệnh (Do Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành), hay vi phạm điều cấm của Nghị định (Do Chính phủ ban hành), thậm chí là vi phạm điều cấm của Thông tư (Do Bộ trưởng ban hành), thì giao dịch dân sự đó có thể bị tuyên vô hiệu. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015, thì giao dịch dân sự chỉ không được vi phạm điều cấm của LUẬT (Chỉ loại văn bản pháp lý do Quốc hội ban hành mà thôi), nghĩa rằng phạm vi văn bản để có thể làm căn cứ tuyên một giao dịch dân sự vô hiệu đã bị bó hẹp đi rất rất nhiều. Do đó: Đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật dân sự năm 2015 có hiệu lực, (Nếu) Giao dịch dân sự chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện mà có nội dung và hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 thì ƯU TIÊN áp dụng quy định của Bộ luật dân sự năm 2015, nghĩa rằng vẫn công nhận giá trị pháp lý của giao dịch, dù trước đó giao dịch này có thể vi phạm điều cấm của Pháp lệnh/Nghị định/Thông tư (Chẳng hạn như trong Hợp đồng Các Bên thỏa thuận thanh toán bằng đồng ngoại tệ là vi phạm quy định của Pháp lệnh về ngoại hối).

2 – Hai là: Đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật dân sự năm 2015 có hiệu lực (Trước ngày 01 tháng 01 năm 2017), (nếu) Giao dịch dân sự chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện mà có nội dung và hình thức KHÔNG phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự năm 2015, thì không được áp dụng quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 để điều chỉnh giao dịch này. Điều đó là đương nhiên, bởi Điều 668.1.b Bộ luật dân sự năm 2015, quy định rõ, điều kiện tiên quyết để áp dụng Bộ luật dân sự năm 2015, đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật dân sự năm 2015 có hiệu lực phải là có nội dung và hình thức phù hợp. Mà một khi, giao dịch dân sự có nội dung và hình thức phù hợp với Bộ luật dân sự năm 2015, hiển nhiên giao dịch đó phải có giá trị pháp lý (Không bị vô hiệu). Hay nói cách khác, đối với giao dịch được xác lập trước ngày Bộ luật dân sự năm 2015 có hiệu lực, mà muốn áp dụng Bộ luật dân sự năm 2015, thì phải xác định giao dịch đó có nội dung và hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự năm 2015, tức là giao dịch có hiệu lực – Còn nếu đã xác định giao dịch không có hiệu lực (vô hiệu), vì có nội dung và hình thức không phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự năm 2015, thì không được áp dụng quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 để điều chỉnh giao dịch được xác lập trước ngày Bộ luật dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành. Vì 02 vấn đề này loại trừ nhau. Mặc dù vậy, trên thực tế vẫn có Nơi áp dụng quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 để xác định vô hiệu đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành.

Có lẽ xuất phát từ suy nghĩ/quan niệm cho rằng, có một số nội dung cụ thể của Bộ luật dân sự năm 2005 hoàn toàn giống với Bộ luật dân sự năm 2015, những trường hợp như vậy, dù áp dụng Bộ luật nào cũng cho ra kết quả giống nhau, nên việc vận dụng điều luật nào không quá quan trọng. Tuy nhiên, đây là một nhầm lẫn tai hạn, bởi trước hết, nó cho thấy những Người đang vận dụng pháp luật, thật sự không có khả năng phân tích chuyên sâu về mặt pháp lý, nếu không muốn nói là hời hợt; Tiếp nữa, sự hời hợt đó, khiến cho Người khác có quyền hoài nghi về trình độ chuyên môn của Họ trong mọi vấn đề khác liên quan đến khả năng xem xét, đánh giá chứng cứ, khả năng xác định nội dung quan hệ pháp luật tranh chấp, thậm chí là cả trình tự tố tụng. Hay nói cách khác, đó là cơ sở, cho phép Người ta có quyền hoài nghi về sự tồn tại của những nhận định/phán quyết thiếu đúng đắn, thậm chí là sai lầm.

Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

Bình luận (0)


Bài viết liên quan