PHÂN BIỆT CHỨNG CỨ ĐÃ GIAO KẾT HỢP ĐỒNG VÀ CHỨNG CỨ ĐÃ THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG: NHÌN TỪ HỢP ĐỒNG VAY TIỀN CÓ CÔNG CHỨNG!

Chúng ta hãy bắt đầu từ một ví dụ: Tháng 6 năm 2018, Ông A cho Ông B vay số tiền 500 triệu đồng; Đến tháng 7 năm đó, Ông A cho Ông B vay tiếp 500 triệu; Tổng cộng hai lần vay là 01 tỷ đồng. Cả hai lần, Các bên không thiết lập hợp đồng vay. Nhưng Ông B có làm một tờ giấy xác nhận là có nợ Ông A, số tiền 01 tỷ đồng, hẹn trong tháng 10 năm 2018 sẽ trả. Tuy nhiên, đến tháng 12 năm 2018, Ông B vẫn không trả nợ. Lo sợ rủi ro khoản tiền cho vay của mình; Nên Ông A, đã yêu cầu Ông B, ra Văn phòng công chứng, ký hợp đồng cho vay tiền. Ngày 10 tháng 12 năm 2018, hợp đồng cho vay tiền giữa Ông A và Ông B được ký kết, và được công chứng. Nội dung hợp đồng, ghi rõ: Số tiền mà Ông A sẽ cho Ông B vay là 01 tỷ đồng, thời hạn vay là 06 tháng phải trả. Không tính lãi. Sau khi cầm hợp đồng cho vay có công chứng, Ông A khá yên tâm. Vì đã hợp thức được khoản cho vay 01 tỷ trước đây, thành hợp đồng có công chứng. Nghĩ thế, nên Ông cũng bỏ quên mất Giấy xác nhận nợ mà Ông B đã ghi nhận nợ, vì cho rằng, cũng không còn quan trọng.

Thực tế, rất nhiều Bà con cũng nghĩ như Ông A, và đã từng xử lý tình huống như Ông A. Và tin rằng, hợp đồng cho vay có công chứng, là bùa hộ mệnh chắc chắn cho mình - Nhưng dưới góc độ pháp lý - Thì đó là một suy nghĩ sai lầm!

I. PHÂN BIỆT CHỨNG CỨ VỀ CÓ GIAO KẾT HỢP ĐỒNG VÀ CHỨNG CỨ ĐÃ THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG

Chúng ta, hãy diễn tiếp ví dụ trên: Giả định, khi thời hạn 06 tháng, được ghi trong hợp đồng có công chứng kết thúc, nếu Ông B vẫn không trả nợ; Thì buộc Ông A phải khởi kiện ra Tòa án.

Tại Tòa án, Ông B lập luận rằng: Ông B thừa nhận, có ký hợp đồng vay tài sản với Ông A, hợp đồng có công chứng. Tuy nhiên, sau khi ký Hợp đồng công chứng, thì Ông A không giao tiền cho vay, cho Ông B. Vì thế, Ông B không có nghĩa vụ trả nợ cho Ông A.

Trong trường hợp này, Ông A xem như thất bại. Vì trong hợp đồng cho vay đã công chứng, không có 01 từ ngữ nào, nói rằng Ông A đã giao tiền vay, cho Ông B.

Nghĩa rằng, hợp đồng vay đã công chứng trong trường hợp này. Chỉ có giá trị chứng minh là hai bên có ký kết hợp đồng - Nhưng không hề có giá trị chứng minh là Ông A đã giao tiền cho Ông B. Do đó, Ông A không thể dựa vào hợp đồng đã công chứng này, để đòi Ông B trả nợ cho mình.

Trường hợp từ ví dụ trên: Nếu Ông A đã làm mất Giấy xác nhận nợ Ông B đã lập trước đây; Thì xem như khả năng đòi lại tiền là vô vọng. Nếu Ông A còn giữ được Giấy xác nhận nợ này, khả năng Ông A được Tòa án chấp nhận yêu cầu buộc Ông B phải trả nợ là chắc chắn. Tuy nhiên, lưu ý rằng, Ông A có cơ sở đòi lại tiền, là từ giao dịch Giấy xác nhận nợ của Ông B trước đó, mà không phải từ hợp đồng cho vay có công chứng sau này. Hay nói cách khác: Hợp đồng vay có công chứng, trong ví dụ cụ thể này, gần như không có giá trị gì!

II. PHƯƠNG ÁN KHUYẾN NGHỊ

Việc nhầm lẫn giữa chứng cứ có giao kết hợp đồng và chứng cứ đã thực hiện hợp đồng, dẫn đến những hệ quả pháp lý rất xấu, nếu không muốn nói là tồi tệ. Trong trường hợp trên chúng ta thấy rằng, Giá trị giấy xác nhận nợ do Ông B tự lập, còn có giá trị gấp bội phần hợp đồng vay có công chứng của Các bên - Vì nó có giá trị chứng cứ, chứng minh các vấn đề hoàn toàn khác nhau.

Do đó, Bà con phải phân biệt đâu là chứng cứ chứng minh có giao kết hợp đồng và đâu là chứng cứ chứng minh đã thực hiện hợp đồng.

Như ví dụ trên, Chúng ta thấy rằng, hợp đồng vay tiền không cần công chứng, vẫn có giá trị pháp lý. Cho nên, chỉ cần Ông B ghi giấy nhận nợ, ký, lăn tay, là đã chắc chắn rồi, không cần công chứng. Tuy nhiên, nếu trường hợp trên, Ông A muốn hoán đổi, từ Giấy nhận nợ của Ông B, thành hợp đồng vay có công chứng. Thì trong hợp đồng có công chứng, phải có nội dung thể hiện rằng, Bên A đã giao và Bên B đã nhận đủ số tiền cho vay. Thì hợp đồng mới có giá trị chứng cứ, chứng minh là đã giao nhận tiền, là cơ sở cho Ông A có thể đòi lại tiền.

Thực tiễn pháp lý cho thấy, những điều Bà con lầm tưởng nó là chặt chẽ, thì lại không chặt chẽ chút nào, những suy luận mang tính chân thật của Bà con, đôi khi lại không có cơ sở pháp lý. Có nhiều Vụ án, thực sự Hội đồng xét xử, hoàn toàn có niềm tin nội tâm là Bà con đúng, nhưng vì không có chứng cứ, nên không thể làm gì được. Vì mọi quyết định trong tố tụng, phải dựa trên chứng cứ. Vì vậy, Bà con phải hết sức lưu tâm, để tránh những rủi ro không đáng có.

Viết tại Sài Gòn - Luật sư Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan