HIỂU VÀ PHÂN BIỆT QUY ĐỊNH VỀ LÃI SUẤT CHO VAY GIỮA HỢP ĐỒNG VAY DÂN SỰ THÔNG THƯỜNG VÀ HỢP ĐỒNG VAY CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG (NGÂN HÀNG): PHÂN TÍCH VÀ LUẬN GIẢI!
Hợp đồng vay tài sản của Tổ chức tín dụng là giao dịch cho vay tài sản được giao kết giữa Tổ chức tín dụng (Bao gồm: Ngân hàng, Công ty tài chính, Công ty cho thuê tài chính, Tổ chức tài chính vi mô, Quỹ tín dụng nhân dân) với khách hàng là các Cá nhân, tổ chức khác (Được gọi là Hợp đồng tín dụng Hoặc Hợp đồng vay thương mại). Ví dụ: Ngân hàng A ký hợp đồng cho Bà B vay 1 tỷ đồng, giao dịch cho vay này được gọi là Hợp đồng tín dụng, vì Bên cho vay là Ngân hàng - Một Tổ chức tín dụng.
Còn Hợp đồng cho vay tài sản không phải là Hợp đồng tín dụng, là giao dịch cho vay tài sản được giao kết giữa các Cá nhân, Tổ chức với nhau mà không có sự tham gia của một trong các tổ chức tín dụng như đã liệt kê ở trên (Được gọi là Hợp đồng vay tài sản không phải là hợp đồng tín dụng Hoặc Hợp đồng vay dân sự thông thường). Ví dụ: Ông C ký hợp đồng, cho Bà D vay 2 tỷ đồng, giao dịch cho vay này được gọi là Hợp đồng vay dân sự thông thường (Không phải là hợp đồng tín dụng), vì không có sự tham gia của Tổ chức tín dụng trong giao dịch này.
Về bản chất, cả 2 loại giao dịch vừa nêu, giống nhau ở chổ đều là Hợp đồng cho vay tài sản - Nhưng do Hợp đồng tín dụng, có sự tham gia của Tổ chức tín dụng, điển hình là Ngân hàng, là những tổ chức cho vay chuyên nghiệp, hay còn gọi là kinh doanh tiền tệ, nên pháp luật có những quy định khác nhau về Lãi suất cho vay giữa 2 loại giao dịch này. Phân tiếp sau đây, Tác giả sẽ phân tích và luận giải các quy định chi tiết, để Bà con tham khảo và vận dụng khi cần thiết.
I. LÃI SUẤT ĐỐI VỚI HỢP ĐỒNG VAY DÂN SỰ
Như trên đã nêu, Hợp đồng vay dân sự thông thường (Hợp đồng vay tài sản không phải là hợp đồng tín dụng) là giao dịch cho vay tài sản được giao kết giữa các Cá nhân, Tổ chức với nhau mà không có sự tham gia của một trong các Tổ chức tín dụng. Đây là Hợp đồng dân sự thông thường, nên chịu sự điều chỉnh của Luật dân sự. Theo quy định của Bộ luật dân sự hiện hành (2015), thì Hợp đồng vay tài sản giữa Bà con ta với nhau, có các loại lãi suất và mức lãi suất như sau:
1. Lãi suất trong hạn:
Lãi suất trong hạn, hay còn gọi là lãi trên nợ gốc. Ví dụ: Ông G cho Bà H vay 100 triệu, thời hạn vay là 12 tháng (Từ 01/01/2020 đến 31/12/2020), lãi suất 1%/tháng (Mỗi tháng trả lãi 1 triệu đồng). Thì lãi suất 1%/tháng này, gọi là mức lãi suất trong hạn vay.
Lãi suất trong hạn tối đa - Bộ luật Dân sự 2015, quy định các bên có quyền thỏa thuận về mức lãi suất trong hạn, nhưng không được quá 20%/năm, nghĩa rằng không quá 1,7% tháng (Làm tròn) - Theo đó, nếu các bên thỏa thuận mức lãi suất vượt quá mức vừa nêu, thì mức vượt quá đó không có hiệu lực pháp lý! . Ví dụ: Ông G cho Bà H vay 200 triệu, thì lãi suất 1 năm không được quá 40 triệu, tức không quá 3,4 triệu/tháng. Nếu các bên thỏa thuận lãi suất là 5 triệu/tháng, thì 1,6 triệu vượt quá đó không có giá trị, tức Bên vay không có nghĩa vụ phải trả lãi cho phần cao hơn mức Luật đã định.
Kết luận 1: Khi bắt đầu thỏa thuận vay, thì chỉ phát sinh lãi suất vay trong hạn (Trừ vay không tính lãi - Chúng ta không bàn đến trong bài viết này); Mức lãi cao nhất là 20%/năm, tức 1,7% trên tháng. Và nếu Bà con trả đủ nợ gốc và lãi đúng thời hạn, thì không bao giờ phải đóng thêm loại lãi nào - Bà con nhớ kỹ điều này!
2. Lãi suất quá hạn:
Lãi quá hạn, hay còn gọi là lãi do chậm trả nợ gốc. Như vậy, khoản lãi này, chỉ phát sinh khi Người vay, chậm trả nợ gốc. Và chỉ tính trên số nợ gốc còn chưa trả. Ví dụ: Bà N cho Bà M vay 100 triệu, thời hạn vay là 12 tháng (Từ 01/01/2021 đến 31/12/2021), lãi suất 1%/tháng (Mỗi tháng trả lãi 1 triệu đồng). Nhưng đến ngày 31/12/2021, M đã không trả được nợ gốc cho N, thì từ 01/01/2022, M phải trả thêm khoản nợ lãi quá hạn, do chậm trả nợ gốc.
Mức lãi quá hạn, được khống chế là không quá 150% mức lãi suất trong hạn. Nghĩa rằng: Mức lãi suất quá hạn không quá 30%/năm, vì ở mục trên, Chúng ta đã viện dẫn Luật khống chế lãi suất trong hạn tối đa là 20%. Ví dụ: Bà V cho Ông X vay 100 triệu, thời hạn vay là 12 tháng (Từ 01/01/2020 đến 31/12/2020), lãi suất 1%/tháng (Mỗi tháng trả lãi 1 triệu đồng). Nhưng đến ngày 31/12/2020, X chỉ trả cho V được 50 triệu nợ gốc. Cho nên từ 01/01/2021, X phải trả thêm khoản nợ lãi quá hạn, do chậm trả nợ gốc: Cụ thể là 1,5%/tháng đối với số tiền 50 triệu chưa trả. Tất nhiên, là cùng với khoản lãi trong hạn 1%/tháng đối với số tiền 50 triệu chưa trả nữa. Hiểu nôm na, là từ ngày 01/01/2021, X chỉ phải trả tổng cả 02 loại lãi trong hạn và quá hạn, với mức tổng lãi suất là 2,5% tháng đối với số tiền 50 triệu chưa trả.
Kết luận 2: Khoản lãi quá hạn, hay còn gọi là lãi phạt do chậm trả nợ gốc, chỉ phát sinh khi Người vay chậm trả nợ gốc đã đến hạn mà chưa trả, và chỉ tính trên khoản nợ gốc còn lại chưa trả được. Mức lãi cao nhất là 30%/năm, tức 2,5%/tháng cho số nợ gốc chậm trả.
3. Lãi phạt chậm trả lãi
Lãi phạt chậm trả lãi, là khoản tiền lãi phát sinh, do bên vay không trả lãi, khi đến hạn trả lãi, với mức lãi không quá 10%/năm, tức xấp xỉ 0,9%/tháng đối với khoản lãi chưa trả, lưu ý là đối với khoản lãi chưa trả, chứ không phải % tính trên nợ gốc. Ví dụ: A cho B vay 100 triệu, thời hạn vay là 12 tháng (Từ 01/01/2019 đến 31/12/2019), lãi suất 1%/tháng (Mỗi tháng trả lãi 1 triệu đồng). Ngay trong tráng đầu tiên, B đã không trả lãi đúng hạn vào ngày 31/01/2019. Do đó, từ 01/02/2019, B phải trả thêm khoản lãi phạt 9.000 (Chín nghìn đồng) cho khoản lãi (1 triệu) chậm trả này.
Kết luận 03: Khoản lãi phạt do chậm trả lãi, chỉ phát sinh khi đến kì hạn trả lãi, mà Bên vay không trả lãi, với mức lãi không quá 0,9%/tháng cho số tiền lãi chưa trả.
II. LÃI SUẤT ĐỐI VỚI HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG
Với nội dung vừa trình bày nêu trên, Bà con ta thấy rằng: Hợp đồng vay dân sự thông thường, bị Luật dân sự không chế về mức lãi suất tối đa. Tuy nhiên, đối với Hợp đồng vay tín dụng, có Bên cho vay là Tổ chức tín dụng, thì lãi suất cho vay được quy định, điều chỉnh bởi Luật các tổ chức tín dụng, và các văn bản hướng dẫn thi hành, mà không chịu sự điều chỉnh về lãi suất trong Bộ luật dân sự.
Trên cơ sở đó Luật các Tổ chức tín dụng cho phép Tổ chức tín dụng và khách hàng được thỏa thuận về lãi suất theo quy định của pháp luật (Điều 91.2), quy định lấp lửng này đã từng gây ra tranh cãi, vì sự không rõ ràng. Sự tranh cãi chỉ bớt sôi nổi, khi Ngân hàng nhà nước Việt Nam ban hành thông tư 39/2016, với quy định: Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định về lãi suất cho vay tối đa trong một số trường hợp đặc biệt.
Và sự tranh cãi hoàn toàn chấm dứt, khi Hội đồng thẩm phán Tòa tối cao, ban hành Nghị quyết số 01/2019, khẳng định chắc nịch rằng: Khi giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng, Tòa án áp dụng quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng Luật Các tổ chức tín dụng để giải quyết mà KHÔNG áp dụng quy định về giới hạn lãi suất của Bộ luật Dân sự năm 2005, Bộ luật Dân sự năm 2015 để xác định lãi, lãi suất.
Hiểu nôm na, đối với hoạt động cho vay của Tổ chức tín dụng, thì không bị khống chế về mức lãi suất cho vay theo quy định của Bộ luật dân sự đã nêu trên. Nghĩa rằng, Ngân hàng tự đề xuất về mức lãi suất cho vay, dựa trên sự cạnh tranh của thị trường, nếu cho vay lãi quá cao, thì Người ta sẽ đi vay của Ngân hàng khác (Đại loại vậy). Tuy nhiên, dưới góc độ nghiên cứu khoa học, việc để cho Tổ chức tín dụng/Ngân hàng tự do trong việc quy định về lãi suất, mà không bị khống chế bởi bất kỳ hạn mức tối đa nào, cũng có một số điểm bất cập, đáng để bàn luận thêm. Bởi thực tế, đã từng xảy ra việc có Tổ chức tài chính, cho Bà con vay online, với cách tính lãi trên trời, để lại một số hệ lụy không nhỏ...... Hi vọng, qua Bài viết này, Bà con ta đã có được sự phân biệt về lãi suất của các loại giao dịch vay tài sản dân sự thông thường, với vay của Tổ chức tín dụng. Trong Bài viết sau, Tác giả sẽ giành thời gian để phân tích về trường hợp đòi nợ kiểu khủng bố những Người dù không liên quan gì đến việc vay mượn, để Bà con tham khảo.
Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!