XÁC ĐỊNH THIỆT HẠI ĐƯỢC BỒI THƯỜNG TRONG TRƯỜNG HỢP DANH DỰ NHÂN PHẨM UY TÍN BỊ XÂM PHẠM: HIỂU VÀ VẬN DỤNG!
Có lẽ xuất phát từ quy định - Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, do danh dự, uy tín bị xâm phạm - Thì Người khởi kiện/Nguyên đơn/Bị hại, được MIỄN đóng tạm ứng án phí và án phí; Nên những vụ tranh chấp/kiện tụng/yêu cầu về trường hợp này có giá trị ngày càng lớn, từ hàng tỷ, hàng chục tỷ đồng, thậm chí đến hàng trăm, cá biệt có trường hợp lên đến cả ngàn tỷ đồng. Mặc dù vậy - Tư pháp thực hành, chưa ghi nhận bất kỳ một trường hợp nào, mà Đương sự, được Tòa án chấp thuận cho phép được bồi thường với con số khủng như thế!
Luật định rằng: Người nào có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ một vài trường hợp ngoại lệ - Do không phải trọng tâm vấn đề, và để bớt dài dòng, Chúng ta không bàn về các ngoại lệ trong Bài viết này. Có nghĩa rằng, ngay cả khi đã khẳng định/quy kết được có tồn tại hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín (Điều kiện cần) - Thì Người bị xâm phạm, muốn được bồi thường, phải chứng minh được là mình có thiệt hại. Thiệt hại này, chính là kết quả, là hậu quả của việc danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.
Từ đó cần phải hiểu rằng, dẫu có hành vi xâm phạm, nhưng không gây ra thiệt hại, thiệt hại không xảy ra, thì cũng không được bồi thường (Tất nhiên Người sai vẫn buộc phải xin lỗi, cải chính - Ở đây, Bà con ta đang chỉ nói về khía cạnh bồi thường thiệt hại). Đó chính là nguyên tắc phải có thiệt hại mới có bồi thường, thiệt hại tới đâu bồi thường tới đó được áp dụng cho cả bồi thường thiệt hại trong hợp đồng lẫn ngoài hợp đồng. Bởi lẽ - Bồi thường thiệt hại, mang bản chất là bù đắp những tổn thất hoặc những lợi ích mà lẽ ra Bên bị xâm phạm đáng ra được nhận nếu không có hành vi vi phạm, khoa học pháp lý gọi đây là biện pháp khắc phục hậu quả, nhằm "Khôi phục nguyên trạng" (Theo nghĩa tương đối), những gì các bên vốn có được/bị mất đi, chứ không phải để Người bị vi phạm được nhiều hơn thế.
Để cho dễ hình dung, Bà con tham khảo ví dụ đơn giản sau đây: A hứa với B, đúng 5 ngày nữa sẽ đưa B đi vào Sài Gòn. Tuy nhiên, một ngày sau, C lại nói với B rằng: A là đứa hay hứa xạo, không đáng tin, nên sẽ không đưa B đi Sài Gòn đâu. Nghe vậy, B thầm trách A là "Úy tín như ruồi". Giả dụ, sau khi C nói lừa B như vậy, rồi D nghe được và có kể lại với A, A liền phải gọi điện lại đính chính với B rằng uy tín của A là số 1, A đã hứa sẽ đưa B đi là đưa, cuộc điện thoại này mất 10.000 đồng tiền cước - Đó là thiệt hại; Hoặc nếu A không có điện thoại, nên phải chạy xe máy đi đính chính với B, hết mất 50.000 đồng tiền xăng - Đây cũng là thiệt hại; Còn giả dụ, nếu sau khi nghe C nói vậy, B liền tới nhà A để hỏi, rồi A khẳng định vẫn đưa B đi, thì xem như A không bị thiệt hại gì.
Từ ví dụ trên, Bà con ta thấy rằng: Mặc dù C đã có hành vi xâm phạm uy tín, danh dự của A, khi đã nói dối với B rằng A chỉ là kẻ hứa lèo. Tuy nhiên, có trường hợp thì A bị thiệt hại rất ít, có trường hợp nhiều hơn xíu, có trường hợp thì không bị thiệt hại. Cho nên, theo quy định của luật, không có thiệt hại thì không được bồi thường, dù cho có hành vi xâm phạm. Và khi có thiệt hại xảy ra, thì cũng chỉ những thiệt hại nào là hậu quả trực tiếp từ hành vi xâm phạm gây ra, thì mới được bồi thường. Chứ không phải thích đòi bồi thường thế nào thì đòi.
Trên cơ sở đó - Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, theo Luật định chỉ có thể bao gồm các khoản sau đây:
1. Thứ nhất - Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại! Việc A phải gọi điện, hay phải chạy xe máy đến nhà B để đính chính thông tin như ví dụ trên, thì tiền cước điện thoại, hay tiền xăng, chính là Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại. Khoản tiền này, C phải bồi thường cho A, vì nó được xác định thiệt hại. Bà con phải lưu ý cụm từ "Hợp lý", trong đoạn này: Chẳng hạn, cũng ví dụ trên, nhưng giả dụ lúc đầu A không chạy xe máy, mà lại thuê hẳn một chiếc siêu xe, có cả một dàn hộ tống, chi phí hết 50 triệu - Rõ ràng nó ko hợp lý, nên không được bồi thường. Tuy nhiên, Bà con cũng đừng nghĩ chi phí khắc phục này luôn nhỏ như ví dụ trên, có những trường hợp liên quan đến việc thu hồi sản phẩm đang lưu hành, thì chi phí cũng không nhỏ có thể lên đến vài trăm triệu hoặc hơn.
2. Thứ hai - Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút. Ví dụ như Cô D bị xâm phạm danh dự nhân phẩm, trong khi chưa có kết luận của cơ quan chức năng, nên Cô D không dám đi làm, phải xin nghỉ phép 15 ngày. Đến khi có kết luận chính thức rằng Cô bị oan, nên Cô mới đi làm, thì những ngày nghỉ không đi làm này, được coi là thu nhập thực tế bị mất, nên Người có hành vi xâm phạm phải bồi thường, ví dụ một ngày lương là 1 triệu, nghỉ 15 ngày là 15 triệu, thì phải bồi thường 15 triệu. Một lần nữa lưu ý Bà con, phải thực tế thu nhập bị mất, thì mới được coi là thiệt hại. Ví dụ, cũng rơi vào tình huống như Cô D, nhưng Cô H thì quan niệm "Cây ngay không sợ chết đứng", vẫn cứ đi làm phà phà, thì đương nhiên, không có thu nhập thực tế nào bị mất, nên cũng xem như không có khoản thiệt hại tại mục này. Có một số nghề nghiệp/công việc đặc thù, thì khoản thu nhập thực tế bị mất, khá khó xác định, ví dụ như Ca sĩ, thì phải căn cứ vào việc có buổi biểu diễn nào bị hủy hay không, có hợp đồng quảng cáo nào bị cắt hay không, với điều kiện là việc cắt/hủy phải có liên quan trực tiếp đến việc danh dự, uy tín, nhân phẩm bị xâm phạm.
3. Thứ ba - Khoản tiền bù đắp về tổn thất tinh thần. Khác với hai khoản thiệt hại trên, là phải xác định có thiệt hại xảy ra, thiệt hại là bao nhiêu, có chứng cứ gì không - Thì khoản bù đắp tổn thất này, được xem như là thiệt hại mặc nhiên, hay còn gọi là thiệt hại hành vi, khoa học pháp lý gọi đây là thiệt hại suy đoán. Tức là chỉ cần khẳng định được, có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín thì được suy đoán là có tổn thương, tổn thất về tinh thần, và đó là thiệt hại cần được bù đắp. Chính vì vậy, đây là khoản thiệt hại dễ đòi nhất, khi chỉ cần chứng mình có hành vi xâm phạm là được, nhưng cũng chính vì nó dễ đòi, nên số tiền được quy định cũng rất ít, tối đa là 10 tháng lương cơ sở, hiện tại lương cơ sở là 1.490.000 đồng, 10 tháng thì chưa được 15 triệu đồng.
Như vậy, từ phân tích trên, Bà con ta thấy rằng, khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, thì chỉ có những khoản thiệt hại đã nêu trên, mới được bồi thường - Trong đó hai khoản thiệt hại đầu tiên là: (i) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; và (ii) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút - Thì không phải mặc nhiên sẽ được bồi thường, mà Người yêu cầu (Người khởi kiện/Nguyên đơn) phải chứng minh bằng các chứng cứ vật chất hẳn hoi, chứ không phải nêu chung chung là có thiệt hại. Cho nên có thể nói rằng, để đòi được hai khoản này, không phải chuyện đơn giản, tất nhiên là có chứng cứ thì vẫn có cơ sở đòi được. Theo đó, chắc chắn và dễ được chấp nhận nhất, chính là khoản thứ ba: Tổn thất tinh thần cần được bù đắp như đã nêu.
Thực tiễn tư pháp Việt Nam, cũng như Thế giới - Các tranh chấp do danh dự nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, thông thường thứ mà Người khởi kiện/Nguyên đơn/Bị hại, hướng đến là buộc Người xâm phạm phải Xin Lỗi, cải chính công khai, còn bồi thường vật chất, chỉ là tượng trưng, nên nhiều khi Họ chỉ đòi bồi thường 1 đồng mà thôi. Việc đòi bồi thường tiền hàng chục tỷ là khá hiếm, và rất ít khi được chấp nhận vì không có cơ sở chứng cứ và căn cứ pháp lý. Còn việc đòi hàng trăm, thậm chí cả ngàn tỷ là viển vông.
Từ đó - Bà con khi khởi kiện trong các tranh chấp dân sự, hoặc đưa ra yêu cầu dân sự trong vụ án hình sự cần phải xác định tương đối chính xác các khoản tài sản, giá trị tài sản quy đổi mà mình sẽ đòi, trước hết là để đừng đòi quá cao thì phải đóng tạm ứng án phí, án phí cũng cao (Đối với trường hợp không được miễn); Quan trọng hơn, khi Bà con đòi những thứ nó quá phi lý, hay còn gọi là "Trên trời", sẽ dẫn đến bị hiểu nhầm là không am hiểu luật, hoặc bị cho là tham lam, từ đó dẫn đến việc bị xem thường, hay không có thiện cảm từ nhiều phía. Tóm lại, mọi thứ cần đúng chừng mực, có cơ sở, có căn cứ, thì sẽ luôn được coi là có thiện chí - Yếu tố quan trọng hàng đầu, trong Tư pháp thực hành! Tất nhiên cũng không loại trừ những trường hợp, có thể Người ta biết con số đó là không bao giờ đòi được, nhưng vẫn đưa ra vì những động cơ, mục đích khác - Điều đó, có lẽ chỉ có Người trong cuộc mới biết được.
Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!