NHỮNG NGƯỜI THỪA KẾ KHÔNG PHỤ THUỘC VÀO NỘI DUNG DI CHÚC: PHÂN TÍCH VÀ LUẬN GIẢI!

Theo quy định của Luật dân sự - Có 02 phương thức để lại/định đoạt di sản thừa kế (Tài sản của Người chết để lại), đó là: (i) Thừa kế theo Di chúc; Và (ii) Thừa kế theo Pháp luật. Thừa kế theo Di chúc, hiểu nôm na là việc định đoạt di sản thừa kế theo ý nguyện của Người chết (Người có tài sản để thừa kế) lúc Họ đang còn sống. Và nếu Di chúc được lập hợp pháp thì việc thừa kế theo Di chúc sẽ được ưu tiên áp dụng hơn so với các quy định về thừa kế theo Pháp luật.

Như vậy, chỉ khi nào Chủ thể không để lại Di chúc hoặc Di chúc được lập không hợp pháp (Bị lừa dối, cưỡng ép, đe dọa, lập trong trạng thái không minh mẫn….) hoặc Di chúc không định đoạt hết tài sản, thì lúc đó mới áp dụng phân chia thừa kế theo Pháp luật đối với tài sản là di sản không được định đoạt theo Di chúc. Khoa học pháp lý, gọi những quy định về thừa kế theo Pháp luật, là những quy phạm bổ khuyết/dự phòng, mang tính chất dự bị, phòng khi không có Di chúc thì mới áp dụng để điều chỉnh quan hệ pháp luật về thừa kế.

MẶC DÙ VẬY - Việc định đoạt di sản thừa kế theo Di chúc, không phải vì thế được tự do không giới hạn, mà có ngoại lệ nhất định. Nghĩa rằng, pháp luật có một sự can thiệp trong chừng mực, nhằm hạn chế quyền tự do định đoạt của Người để lại tài sản/di sản, thông qua quy dịnh về việc có một số Cá nhân đặc biệt, được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung Di chúc. Lưu ý ngay rằng: Chỉ một số cá nhân đặc biệt, trong những hoàn cảnh đặc biệt, thì mới thuộc trường hợp ngoại lệ đặc biệt này.

Đây là vấn đề mà nhiều Bà con thắc mắc nhất: Đã lập Di chúc, lại còn sinh ra những Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung Di chúc - Vậy lập Di chúc làm gì?! Thực ra đó chính là điểm công bằng của pháp luật, nhằm bảo vệ một phần những lợi ích cho một số Người yếu thế nhất định, có mối quan hệ gắn bó mật thiết, mà vốn dĩ nếu còn sống, Người để lại di sản phải có trách nhiệm trong việc nuôi dưỡng, đùm bọc, bảo vệ. Sẽ thật là vô lý, nếu Ông X trước khi qua đời lập di chúc để lại hết toàn bộ tài sản riêng của mình cho Người tình, trong khi Cha mẹ già, Con thơ lại không có gì để trang trải cuộc sống….

Trên cơ sở đó - Pháp luật quy định, những Người sau đây sẽ được hưởng một phần di sản do Người chết để lại, trong trường hợp Họ không được Người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc cho hưởng, nhưng ít hơn phần Họ đáng ra được hưởng; Bao gồm:

1. Con chưa đủ 18 tuổi.

2. Cha mẹ của Người để lại Di sản.

3. Vợ hoặc Chồng (Chưa ly hôn trước khi chết) của Người để lại Di sản.

4. Con đã đủ 18 tuổi, nhưng không có khả năng lao động (Do tàn tật......).

Như vậy, đối với Con đã đủ 18 tuổi và có khả năng lao động, thì không thuộc diện được hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung Di chúc. Hay Anh chị em ruột thịt, Cô chú bác, Cậu dì ruột thịt cũng KHÔNG bao giờ thuộc diện hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung Di chúc.

Về giá trị di sản được nhận – Mỗi Người vừa nêu chỉ được nhận thừa kế bằng 2/3 một suất thừa kế theo Pháp luật. Đoạn này hơi lằng nhằng, Tác giả sẽ ví dụ cho Bà con dễ hiểu:

Ví dụ 1: Ông A có một khối tài sản riêng là 4 tỷ đồng. Ông A có vợ là Bà B, và 7 Người con (Cha mẹ Ông A đã chết). Trong đó Người con thứ 7 mới 15 tuổi. Những Người con khác đã trên 18 tuổi có khả năng lao động, thu nhập. Ông A lập Di chúc, để lại toàn bộ tài sản 4 tỷ này cho Người con cả. Khi Ông A qua đời, di sản được chia như sau: Về nguyên tắc, Ông A có Di chúc, nên Di chúc sẽ được ưu tiên áp dụng. Tuy nhiên trong trường hợp này, có 02 Người được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung Di chúc: Vợ Ông A; Và Người con út chưa đủ 18 tuổi. Giả định, lúc đầu Ông A không có Di chúc, thì có 8 Người thuộc hàng thừa kế thứ nhất sẽ được hưởng Di sản của Ông A. 4 tỷ chia đều cho 8 Người, tức là mỗi Người 500 triệu (Mỗi suất thừa kế theo pháp luật có giá trị 500 triệu). Theo đó, Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung Di chúc được hưởng thừa kế mức bằng 2/3 suất thừa kế theo pháp luật, tức là 2/3 của 500 triệu = 333 triệu. Đáp án: Bà Vợ được 333 triệu; Người con út được 333 triệu. Còn bao nhiêu thuộc về Anh con cả. Những Người con còn lại không được gì.

Ví dụ 2: Ông A có một khối tài sản riêng là 4 tỷ đồng. Ông A có vợ là Bà B, và 7 Người con (Cha mẹ Ông A đã chết). Trong đó Người con thứ 7 mới 15 tuổi. Những Người con khác đã trên 18 tuổi có khả năng lao động, thu nhập. Ông A lập Di chúc, để lại tài sản 4 tỷ này cho Người con cả 3,8 tỷ, cho Người vợ 100 triệu, cho Người con út 100 triệu. Trong tình huống này, mặc dù Ông A có để lại di sản theo di chúc cho Vợ và Con út, nhưng giá trị mà họ được nhận là quá ít so với phần đáng ra Họ được nhận theo quy định về Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung Di chúc là 333 triệu như ví dụ vừa nêu. Nên Họ sẽ được lấy thêm từ Người con cả là 233 triệu, để cho đủ 333 triệu. Đáp án vẫn là: Bà Vợ được 333 triệu; Người con út được 333 triệu. Còn bao nhiêu thuộc về Anh con cả. Những Người con còn lại không được gì.

Ví dụ 3: Ông A có một khối tài sản riêng là 4 tỷ đồng. Ông A có vợ là Bà B, và 7 Người con (Cha mẹ Ông A đã chết). Trong đó Người con thứ 7 mới 15 tuổi. Những Người con khác đã trên 18 tuổi có khả năng lao động, thu nhập. Ông A lập Di chúc, để lại tài sản 4 tỷ này cho Người con cả 2 tỷ, cho Người vợ 1,5 tỷ, Người con út 500 triệu. Trong trường hợp này, di sản thừa kế của Ông A sẽ được chia theo Di chúc, mà không có ngoại lệ như ví dụ trên. Vì vốn dĩ có 02 Người mà pháp luật quy định được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung Di chúc, thì đã được hưởng di sản thừa kế theo Di chúc với giá trị lớn hơn so với phần Họ được nhận theo quy định về Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung Di chúc là 333 triệu như ví dụ vừa nêu. Nên không còn xuất hiện Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung Di chúc trong ví dụ này. Đáp án: Bà Vợ được 1,5 tỷ; Người con út được 500 triệu; Người con cả 2 tỷ. Những Người con còn lại không được gì.

Từ những phân tích và luận giải trên – Bà con ta cần phải hiểu rằng: Chỉ một số ít Người yếu thế nhất định, có mối quan hệ gắn bó mật thiết, mà vốn dĩ nếu còn sống, Người để lại di sản phải có trách nhiệm trong việc nuôi dưỡng, đùm bọc, bảo vệ, thì mới thuộc diện được hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung Di chúc. Vì thế cho dù Người để lại di sản đã lập Di chúc để lại hết di sản cho Người khác, mà không để lại di sản cho Họ hoặc có Di chúc để lại cho Họ mà quá ít, thì những Người này (Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung Di chúc), vẫn sẽ được hưởng một phần di sản thừa kế mà không phụ thuộc vào nội dung Di chúc đã lập đó. Đương nhiên, nếu Người để lại di sản có lập Di chúc để lại di sản cho Họ (Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung Di chúc), mà phần di sản theo Di chúc này lớn hơn phần thừa kế không phụ thuộc vào nội dung Di chúc, lúc đó Di chúc sẽ được ưu tiên áp dụng. Hay nói cách khác, lúc này pháp luật không cần xuất hiện để bảo vệ Họ nữa, vì Người để lại di sản đã lập Di chúc bảo vệ tốt hơn quyền lợi của Họ rồi.

Viết tại Sài Gòn – Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan