BẤT CẬP CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ NĂM 2015 TRONG QUY ĐỊNH VỀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI: PHÂN TÍCH VÀ LUẬN GIẢI!

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, thì: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại quyết định, hành vi trong tố tụng dân sự của cơ quan, người tiến hành tố tụng dân sự khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình”. Như vậy, khi Ai đó (Chủ yếu/Thường là Đương sự), cho rằng Người tiến hành tố tụng dân sự (Chủ yếu/Thường là Thẩm phán…), có quyết định, hành vi tố tụng trái pháp luật (Chẳng hạn như để án quá lâu không giải quyết, dẫn đến vi phạm về thời hạn giải quyết vụ án hoặc không đưa đủ Người liên quan vào tham gia tố tụng….), thì có quyền khiếu nại đến Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.

Bản chất và mục đích chính yếu của quy định nêu trên, nhằm tạo ra thủ tục, cơ chế để xử lý và khắc phục hậu quả đối với những quyết định, hành vi tố tụng dân sự trái pháp luật nếu có, đảm bảo quá trình tiến hành tố tụng dân sự diễn ra khách quan, minh bạch, đúng pháp luật, qua đó hướng đến việc Đương sự được “Tận hưởng” một “Trình tự pháp luật tố tụng công bằng” – Học thuyết pháp lý vĩ đại của Thế giới văn minh. Tuy nhiên, những quy định cụ thể về vấn đề giải quyết khiếu nại trong Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, còn khá sơ sài, bộc lộ nhiều điểm bất cập, có thể kể đến một số điểm chính sau đây:

1. Thứ nhất – Chỉ đưa ra quy định mà không có chế tài.

Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu là 15 ngày, kể từ ngày Tòa án, Viện kiểm sát nhận được khiếu nại. Trường hợp cần thiết, đối với vụ việc có tính chất phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể được kéo dài nhưng không quá 15 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại”. Quy định này, không xác định hệ quả pháp lý, đối với trường hợp khi hết thời hạn giải quyết khiếu nại, mà Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu, vẫn không tiến hành xử lý khiếu nại, ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, thì chuyện gì sẽ xảy ra, trách nhiệm của Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại nhưng không giải quyết là như thế nào, và Đương sự phải làm gì tiếp theo khi không được giải quyết khiếu nại lần đầu. Dưới góc độ Khoa học pháp lý, việc đưa ra quy định mà không có chế tài, sẽ khiến cho quy định này bị khuyết thiếu, và từ đó dẫn đến hiệu quả thực thi trên thực tế không cao.

2. Thứ hai – Buộc phải có kết quả giải quyết khiếu nại lần đầu, mới được khiếu nại lần hai.

Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “Đơn khiếu nại (Lần hai) phải kèm theo bản sao quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu và các tài liệu kèm theo”. Điều đó có nghĩa rằng, chỉ khi đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, thì Đương sự mới được khiếu nại lần hai, đến Người có thẩm quyền cao hơn. Cũng tức là, nếu chưa có quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, thì chưa được khiếu nại lần hai, và thực tiễn dẫu cho có khiếu nại lần hai, cũng sẽ được trả lời là cần phải có quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu. Mà như trên Chúng ta vừa phân tích, việc khiếu nại lần đầu, chưa chắc đã được giải quyết, vì Luật không quy định rõ trách nhiệm, chế tài buộc phải ban hành giải quyết khiếu nại lần đầu. Quy định này của Bộ luật Tố tụng dân sự, là thiếu hợp lý so với quy định của Luật Khiếu nại năm 2011, bởi Luật Khiếu nại quy định rõ rằng, khi hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu, mà Người giải quyết khiếu nại không giải quyết, thì Đương sự có quyền khiếu nại lần hai, đến Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại cao hơn.

3. Thứ ba – Không quy định về thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai.

Nếu như Luật khiếu nại, có đưa ra quy định về thời hạn mà người có thẩm quyền phải ra quyết định giải quyết khiếu nại lần hai (Trong vòng 45 đến 70 ngày kể từ ngày thụ lý), thì Bộ luật Tố tụng dân sự lại hoàn toàn ngó lơ vấn đề này. Có nghĩa rằng, Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai, có thể tùy ý vô hạn định về khoảng thời gian giải quyết khiếu nại lần hai. Điều này còn bất cấp hơn rất nhiều lần, so với quy định về giải quyết khiếu nại lần đầu như Chúng ta đã nói ở mục 1 nêu trên. Bởi dù đúng là Luật không quy định khi hết thời hạn giải quyết khiếu nại, mà Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu, vẫn không tiến hành xử lý khiếu nại, ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, thì chuyện gì sẽ xảy ra, và trách nhiệm của Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại nhưng không giải quyết là như thế nào – Nhưng dẫu sao, Đương sự cũng còn có thể “bấu víu” vào một lập luận, đã hết thời hạn, mà không giải quyết, có nghĩa là không làm tròn trách nhiệm, khi dẫn chiếu sang những Luật khác quy định về trách nhiệm của Cán bộ, Công chức… Còn việc không quy định về thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai, thì xem như thua, không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào để ràng buộc trách nhiệm. Trong một chừng mực nào đó, Người ta có thể vận dụng quy định mối quan hệ của cặp phạm trù về áp dụng “Cái chung – Cái riêng”, có nghĩa rằng do Bộ luật Tố tụng dân sự không quy định thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai, nên sẽ áp dụng quy định của Luật Khiếu nại năm 2011 về vấn đề này. Tuy nhiên, điều đó không đơn giản!

Từ những phân tích và luận giải trên, cho thấy rằng, quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về vấn đề giải quyết khiếu nại, còn có nhiều thứ cần phải bàn, để đi đến thay đổi. Thông qua đó, mới có thể hi vọng phát huy được hiệu quả của Chế định này trên thực tế. Đây mới thực sự là những điều quan trọng, cấp thiết cần phải tiến hành ngay, nhằm thay đổi về chất lượng tố tụng, đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước về cải cách tư pháp, nâng cao hiệu quả xét xử, chứ không phải ở việc thay đổi hình thức, chẳng hạn như việc đổi tên từ Tòa cấp huyện sang Tòa sơ thẩm……

Viết tại Sài Gòn – Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan