BỘ CÔNG AN RA THÔNG BÁO TÌM BỊ HẠI TRONG VỤ ÁN LỪA ĐẢO TẠI TẬP ĐOÀN VẠN THỊNH PHÁT: NHỮNG VIỆC BỊ HẠI NÊN LÀM NGAY!
Dẫn nhập: “Ngày 30/9, thông tin với PV, đại diện lãnh đạo Cục CSĐT tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an cho biết, đơn vị đang phát đi thông báo tìm bị hại trong vụ án lừa đảo xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan… Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định những trái chủ đang sở hữu 25 mã trái phiếu do 4 Công ty phát hành nêu trên là bị hại trong vụ án và đã ủy thác điều tra đến Cơ quan CSĐT Công an các tỉnh/thành phố theo địa chỉ của trái chủ trên hợp đồng mua bán/chuyển nhượng trái phiếu tiếp nhận thông tin, lấy lời khai bị hại để xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật”. Trích từ Báo điện tử Công an Nhân dân – Hết dẫn nhập!
Trong các loại tội phạm có khách thể bị xâm phạm là quyền sở hữu (Cụ thể trong vụ án này là chiếm đoạt tài sản), việc Nạn nhân/Bị hại có nhận lại được tài sản đã bị chiếm đoạt hay không, phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng khắc phục hậu quả của Hung phạm. Khả năng khắc phục hậu quả đó, có thể được xét đến trên hai khía cạnh: Một là, tính thực tế của việc thu hồi lại tài sản đã bị chiếm đoạt nhiều hay ít, điều này phụ thuộc vào việc Hung phạm đã kịp sử dụng tài sản chiếm đoạt ít hay nhiều; Và – Hai là, những tài sản khác thuộc quyền sở hữu hợp pháp của Hung phạm, lưu ý tài sản này bao gồm cả các khoản nợ mà Chủ thể khác có nghĩa vụ phải trả cho Hung phạm trừ đi các khoản nợ mà Hung phạm có nghĩa vụ phải trả cho các Chủ thể khác được ưu tiên thanh toán trước.
Việc phân tách hai loại tài sản vừa nêu có ý nghĩa pháp lý cực kỳ quan trọng: (i) Thứ nhất, đối với chính tài sản bị chiếm đoạt đã thu hồi lại được dù một phần hay tất cả, đều phải trả lại cho Bị hại, nghĩa rằng không một Chủ thể nào được ưu tiên thanh toán hơn Bị hại, đơn giản bởi vốn dĩ đó là tài sản của Bị hại mà không phải của Hung phạm (Ví dụ: A chiếm đoạt của B một chiếc xe máy, sau đó Công an truy tìm được lại chiếc xe, thì chiếc xe này sẽ được trả lại cho B, dù cho A đã bán cho C chiếc xe, và C ngay tình không biết đó là xe A chiếm hữu bất hợp pháp); (ii) Thứ hai, đối với tài sản khác thuộc quyền sở hữu hợp pháp của Hung phạm, câu chuyện sẽ khác đi rất nhiều, bởi liên quan đến thứ tự ưu tiên thanh toán trong các nghĩa vụ thanh toán của Hung phạm, trong nhiều trường hợp, Bị hại phải xếp hàng ở thứ tự phía sau (Ví dụ: A chiếm đoạt của B một khoản tiền, và đã tiêu xài hết khoản tiền đó, tài sản hiện có của A là một căn nhà, nhưng lại đang thế chấp bằng một giao dịch hợp pháp, đã phát sinh hiệu lực để bảo đảm trả nợ cho một khoản vay, do đó nếu A không trả được nợ, thì căn nhà phải được dùng để thanh toán hết khoản nợ, sau đó còn bao nhiêu mới thanh toán cho Bị hại, không có chuyện chia tỷ lệ thanh toán trong trường hợp này).
Tiếp theo nữa, một vấn đề cần phải làm rõ đó là tài sản bị chiếm đoạt là vật đặc định hay vật cũng loại. Chỉ khi xảy ra những vụ việc như trên, Chúng ta mới thấy ý nghĩa của việc phân loại tài sản từ góc độ này, bởi nhiều Người vẫn cho đó là mớ lý thuyết khoa học, trong khi đây mới chính là kiến thức nền cực kỳ quan trọng và có tính ứng dụng thực tế cao. Theo đó, nếu tài sản bị chiếm đoạt là vật đặc định, khi tìm được tài sản, tài sản của Ai sẽ phải trả về nguyên vẹn đầy đủ cho Người bị chiếm đoạt; Còn nếu nếu tài sản bị chiếm đoạt là vật cùng loại, không xác định được cụ thể là của Bị hại nào, lúc đó phải chia theo tỷ lệ. Ví dụ: A trộm cắp 10 chiếc xe máy của 10 Nạn nhân, giả định nếu chỉ tìm lại được 05 trong số 10 chiếc xe này, thì 05 chiếc xe tìm được, cụ thể chiếc nào của Ai phải trả lại cho Người đó, còn 05 chiếc xe không tìm được, 05 Nạn nhân còn lại xem như mất, vì xe bị chiếm đoạt trong trường hợp này được xác định là vật đặc định, có số khung, số máy riêng, đứng tên riêng; Nếu là vật cùng loại câu chuyện sẽ khác, chẳng hạn A lừa đảo của 10 Nạn nhân số tiền 10 tỷ đồng, mỗi Người 01 tỷ, sau đó số tiền thu hồi lại được chỉ là 05 tỷ, thì 05 tỷ này sẽ được chia đều cho 10 Nạn nhân, vì trong trường hợp cụ thể này, tài sản bị chiếm đoạt là tiền, vật cùng loại, không thể xác định cụ thể tiền thu hồi lại được là của Người nào như chiếc xe ở ví dụ trước.
Trong Vụ án tại Tập đoàn vạn Thịnh Phát, vấn đề Bị hại có nhận lại được tiền, nhận được bao nhiêu, cũng được giải quyết hoàn toàn tương tự như trên. Thực tiễn cho thấy, tài sản bị chiếm đoạt là tiền trong những Vụ án lớn, số tiền thu hồi được thường không còn nhiều, vì trước đó Hung phạm đã sử dụng tiền vào những mục đích khác, không còn khả năng thu hồi, vì tiền là một tài sản cùng loại như đã nói, nên khả năng thu hồi đối với số tiền đã bị sử dụng, gần như không có. Cho nên, việc Bị hại nhận lại được tiền thế nào, hoàn toàn phụ thuộc vào số tiền bị chiếm đoạt được thu hồi lại là bao nhiêu cộng với những tài sản hợp pháp khác của Hung phạm không bị ràng buộc về bất kỳ nghĩa vụ trả nợ nào khác của Hung phạm như đã phân tích trên.
Chính vì thế, dựa trên nguyên lý “Ai nhanh tay còn phần”: Bà con nào đã bị lừa đảo trong Vụ án tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cần liên hệ ngay đến Cơ quan công an nơi Bà con cư trú (Bộ công an đã ủy thác điều tra cho Công an địa phương), để trình bày sự việc và cung cấp các tài liệu, chứng cứ như Hợp đồng, giao dịch mua trái phiếu, chứng từ chuyển tiền... Lưu ý, hiện Vụ án đã được Cơ quan có thẩm quyền khởi tố, điều tra, nên Bà con không còn nhất thiết phải làm Đơn tố giác tội phạm nữa, nhưng nhằm tiện cho Cơ quan chức năng nắm rõ sự việc để giải quyết, thì Bà con cần làm sẵn một Bản tường trình, trong đó nêu rõ quá trình mua bán ra sao, số tiền đã chuyển thế nào, đã nhận được thanh toán nợ, lãi lần nào chưa, và chốt lại bằng việc nêu rõ số tiền đã bị chiếm đoạt và nêu yêu cầu là mong muốn nhận lại được tiền đã bị chiếm đoạt. Bà con cần khẩn trương làm ngay việc vừa nêu, để nhanh chóng được xếp vào danh sách Bị hại, có khả năng nhận lại được tiền bị chiếm đoạt, bởi một khi Hung phạm không còn tài sản gì, thì xem như không thể có cơ hội nhận được lại tiền. Vấn đề cần làm ngay này khá đơn gian, Bà con có thể tự làm, tự liên hệ, nên không cần nhờ qua Đơn vị trung gian nào, bởi cũng không giải quyết được thêm vấn đề gì, ngoài việc lập, gửi văn bản và chờ đợi.
Hiện tại, Vụ án hình sự lừa đảo tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã được Cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố và điều tra, nghĩa rằng việc giải quyết Vụ án, bao gồm cả vấn đề lấy lại tiền đã bị chiếm đoạt, phải đi theo con đường tư pháp hình sự, thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan điều tra – Viện Kiểm Sát – Tòa án, qua các giải đoạn Khởi tố - Điều tra – Truy tố - Xét xử, theo trình tự thủ tục tố tụng được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự. Quyền, lợi ích hợp pháp của Bị hại sẽ được giải quyết theo từng giai đoạn trong suốt quá trình tố tụng vừa nêu, mà không thể khác hơn được. Nên trước mắt, Bà con chỉ cần làm xong thủ tục của mình như trên, rồi chờ sự giải quyết của Cơ quan chức năng theo trình tự như đã nêu. Bất kỳ một hành động nào khác, cũng không thể giải quyết thêm được vấn đề gì, thậm chí đôi khi còn xảy ra những hiệu ứng ngược, vì vậy Bà con cần phải hết sức thận trọng!
Viết tại Sài Gòn – Luật sư: Đặng Bá Kỹ!