TỪ VỤ VIỆC CỦA CA SỸ PHI NHUNG: LUẬN GIẢI MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ VỀ VIỆC NUÔI CON NUÔI!

Thuật ngữ "Con nuôi - Cha mẹ nuôi" đôi khi được sử dụng khá tùy tiện trong đời sống xã hội, nhiều khi gọi nhau là con nuôi, cha mẹ nuôi, nhưng không chắc là có đúng như vậy không. Cũng chính vì thế, mà có một số Bạn đã nhầm lẫn và nghĩ rằng, cha nuôi, hay mẹ nuôi chỉ là người đỡ đầu về nghề nghiệp hay tình cảm, đơn giản vậy thôi. Tuy nhiên - Đó là những quán niệm hết sức sai lầm, và đưa đến nhiều hệ lụy tai hại.

Con nuôi - Cha mẹ nuôi - Nhận nuôi con nuôi, tất cả những từ ngữ này đều là thuật ngữ pháp lý trong quan hệ pháp luật về nuôi con nuôi! Và khi đã nói đến quan hệ pháp luật là nói đến quyền và nghĩa vụ pháp lý của các bên liên quan, được điều chỉnh bởi quy định của pháp luật, mà nó hoàn toàn không phải chỉ là những ngộ nhận về mặt xã hội. Một ví dụ rõ ràng nhất cho thấy điều này: Bà A sống độc thân (Cha mẹ đẻ đều đã chết), Bà A có một người con đẻ là B, một người con nuôi là C, giả sử Bà A có khối tài sản là 10 tỷ đồng, nếu Bà A chết bất ngờ mà không để lại di chúc, thì di sản 10 tỷ đồng này được chia đôi đồng đều cho B và C, mỗi người 5 tỷ, mà không phân biệt con đẻ hay con nuôi. Vì luật định rằng: Con nuôi và Cha mẹ nuôi là hàng thừa kế thứ nhất theo pháp luật của nhau.

Trong vụ việc việc của Phi Nhung, theo thông tin báo chí đăng tải thì Phi Nhung nhận Cường làm con nuôi. Tác giả không rõ là Họ gọi nhau như vậy, còn thực tế đã làm thủ tục đăng ký nuôi con nuôi tại Ủy ban cấp xã nơi thường trú của Phi Nhung hoặc của Cường hay chưa?! Vì theo quy định của Luật, việc nuôi con nuôi phải đăng ký (Tương tự như đăng ký kết hôn). Mặc dù vậy, khác với việc kết hôn là các bên chỉ được coi là vợ chồng sau khi đã đăng ký kết hôn, thì Luật nuôi con nuôi lại quy định: Kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con! Như vậy, có nghĩa rằng, mặc dù việc đăng ký nuôi con nuôi là bắt buộc, nhưng quyền và nghĩa vụ pháp lý giữa cha mẹ và con, lại phát sinh kể từ thời điểm giao nhận. Đây có lẽ là một điểm thiếu nhất quán trong các quy định của luật. Vì lẽ, sẽ có trường hợp đã giao nhận con nuôi, nhưng vài năm sau mới đăng ký, thì quyền và nghĩa vụ pháp lý giữa các bên vẫn đã phải ràng buộc từ lúc giao nhận dù chưa đăng ký?! Quy định thiếu chặt chẻ này, có thể dễ dẫn đến nhiều tranh chấp phát sinh.

Như trên vừa nêu, Luật định rằng: "Kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con". Do đó, một khi quan hệ pháp luật về nuôi con nuôi đã được xác lập, thì quyền và nghĩa vụ pháp lý giữa cha mẹ nuôi và con nuôi, hoàn toàn giống giữa cha mẹ đẻ và con đẻ. Thậm chí, về phương diện pháp luật, vai trò của cha mẹ đẻ lúc này, được xếp sau vai trò của cha mẹ nuôi. Nhiều Bạn độc giả có thể thắc mắc, tại sao Luật lại quy định như vậy, thì vì thế này: Bạn là cha mẹ đẻ, bạn có quyền không cho con mình được nhận nuôi, còn một khi Bạn đã chấp nhận việc con mình được nhận nuôi, thì Bạn phải thừa nhận vai trò của cha mẹ nuôi; Hơn nữa, việc Luật quy định như vậy, là nhằm để xác định vai trò trách nhiệm của cha mẹ nuôi, đối với con nuôi. Tránh việc đùn đẩy trách nhiệm. Chúng ta sẽ lấy thêm ví dụ để thấy rõ ý nghĩa của quy định này: A là trẻ vị thành niên, A có cha mẹ đẻ là BC, có mẹ nuôi là M, trong một lần vào trung tâm thương mại mua đồ, do bất cẩn nên A làm vỡ đồ cả gian hàng của trung tâm nên phải đền 100 triệu, A không có tiền riêng và do A dưới 18 tuổi, nên cha mẹ A phải lãnh trách nhiệm đền thay, nhưng trong trường hợp này người có trách nhiệm đền thay A, là Bà M mẹ nuôi của A, mà không phải cha mẹ đẻ A, do đó nếu có kiện thì trung tâm phải kiện Bà M, mà không phải BC.

Quyền và nghĩa vụ luôn có mối quan hệ gắn bó với nhau, nên Luật định rằng: "Trừ trường hợp giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi có thỏa thuận khác, kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ đẻ KHÔNG còn quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, đại diện theo pháp luật, bồi thường thiệt hại, quản lý, định đoạt tài sản riêng đối với con đã cho làm con nuôi". Điều đó có nghĩa rằng, nếu không có thỏa thuận nào khác, thì mặc nhiên người quản lý thậm chí là định đoạt tiền của Cường sẽ là Phi Nhung mà không phải cha mẹ đẻ của Cường. Tất nhiên đó là khi con nuôi chưa đủ 18 tuổi, còn khi Họ đã đủ 18 tuổi thì việc quản lý, định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu của chính người đó, mà không ai khác được quyền này, vì lúc này Họ đã có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Trường hợp Cường đủ 18 tuổi, cũng phải hiểu như vậy.

Tuy nhiên, không nên hiểu nhầm quan hệ nuôi con nuôi sẽ đương nhiên chấm dứt khi con nuôi đủ 18 tuổi. Chỉ là vì cũng giống như con đẻ, khi đã đủ 18 tuổi thì được quyền tự mình tham gia các giao dịch dân sự, định đoạt tài sản vì đã là người thành niên mà thôi. Quan hệ nuôi con nuôi chỉ kết thúc, bằng một quyết định có hiệu lực của Tòa án về việc chấm dứt nuôi con nuôi. Cho nên nếu không có gì thay đổi, khi cha mẹ nuôi từ trần, con nuôi đã 50 tuổi vẫn được quyền hưởng di sản từ cha mẹ nuôi chết để lại, mà không bị bất kỳ ảnh hưởng nào từ vấn đề tuổi tác.

------

Thông qua sự vụ của Ca sỹ Phi Nhung - Trong Bài viết này, Tác giả chỉ luận giải nhằm giúp Bà con hiểu rõ hơn về quy định của pháp luật đối với việc nhận nuôi con nuôi, ràng buộc quyền và nghĩa vụ pháp lý giữa cha mẹ, con và các bên liên quan như thế nào. Nhưng Tác giả xin phép không đưa ra bất kỳ đánh giá cụ thể về các nhân vật trong câu chuyện này, vì Tác giả không nắm rõ nội tình. Quan trọng hơn, khác với những quan hệ pháp lý sòng phẳng như hợp đồng, khi mà Chúng ta có thể cứ dựa trên luật mà nói - Thì quan hệ nuôi dưỡng nó còn là một vấn đề thiên về tình cảm, trong đó sẽ có nhiều thứ mà chỉ các bên mới hiểu. Anh em ruột thịt, cha mẹ ruột thịt nhiều khi sống chung còn có những bất hòa, thì huống chi là những mối quan hệ pháp lý khác. Tuy nhiên, từ thực tế cuộc sống cho thấy, bao dung thôi chưa đủ, mà bản lĩnh xử lý sự cố là một phần quan trọng, khi xảy ra biến cố, nếu không khéo léo, sẽ dẫn đến tác dụng ngược, bởi có những lúc, đúng thật: im lặng là vô giá. Nếu lương tâm thanh thản, không hổ thẹn với bản thân, thì không việc gì phải bằng mọi cách chứng tỏ mình "vô tội", bởi cách biết bảo vệ con, trước cuồng phong, bão tố - Đó không chỉ thể hiện lòng thương yêu, mà còn là một sự can đảm! Hãy để mọi thứ tự nhiên, nếu mình đúng, sau này khi trưởng thành, chín chắn - Con sẽ hiểu! Chỉ cần vậy thôi......

Viết tại Sài Gòn, tối muộn ngày 17/06/2021 - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ VỀ VỐN ĐIỀU LỆ CÔNG TY CỔ PHẦN KHI ĐĂNG KÝ THÀNH LẬP VÀ SAU ĐÓ: VIỆN DẪN – PHÂN TÍCH – LUẬN GIẢI!

Để xác định vốn điều lệ của công ty cổ phần – Chúng ta phải phân định hai thời điểm khác nhau: (i) Một là, thời điểm tính từ khi đăng ký thành lập công ty tại cơ quan có thẩm quyền cho đến hết thời hạn 90 ngày, kể từ ngày đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Hiểu nôm na là trong vòng 03 tháng đầu tiên kể từ ngày công ty được thành lập); Và (ii) Hai là, thời điểm kể từ sau khi công ty đã được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp vượt quá 90 ngày (Hiểu nôm na, là công ty đã được thành lập trên 03 tháng).

Tại sao lại có mốc thời điểm là trong vòng 90 ngày (03 tháng) kể từ ngày công ty được thành lâp và mốc thời điểm sau đó?! Là vì thế này: Vào thời điểm nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp để thành lập công ty, thì Luật doanh nghiệp không yêu cầu đã có thực tế góp được vốn, cho nên có thể đăng ký thành lập công ty với vốn điều lệ hàng vạn triệu tỷ, dù chưa có 01 đồng nào. Chỉ khi nào công ty đã được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp, thì kể từ ngày này cho đến hết 90 ngày tiếp theo (Trong vòng 03 tháng), Họ (Cổ đông) mới bắt buộc phải góp đủ số vốn (thanh toán giá trị cổ phần) đã đăng ký mua (Cam kết góp).

Ví dụ 1: A, B, C cùng thỏa thuận thành lập công ty D. Họ xác định vốn điều lệ công ty là 09 tỷ đồng, mỗi người góp 03 tỷ. Ngày 01/07/2021, Họ nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp, thì vào thời điểm này, Họ không cần chứng minh mình có 01 đồng nào cả. Giả định ngày 05/07/2021, Họ được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Ngày doanh nghiệp được thành lập), thì trong vòng 90 ngày, tức cho đến hết ngày 05/10/2021, Họ mới bắt buộc phải góp đủ số vốn này.

Trên cơ sở đó – Theo quy định của Luật, thì: “Vốn điều lệ của công ty cổ phần khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty”, nghĩa rằng vốn điều lệ của công ty cổ phần vào thời điểm thành lập, chính là vốn mà các cổ đông đã cam kết sẽ góp. Ở đây, Chúng ta phải lưu ý thuật ngữ “Đã được đăng ký mua” (Đã cam kết sẽ góp) mà không phải là là vốn dự kiến sẽ huy động sau khi thành lập. Theo đó một khi “Siêu công ty 500 nghìn tỷ” đã đăng ký thành lập với vốn điều lệ như thế, có nghĩa rằng các cổ đông sáng lập (Theo thông tin là 03 người) đã đăng ký mua (Cam kết sẽ góp) toàn bộ 500 nghìn tỷ này và những người này buộc phải góp đủ số tiền vừa nêu trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày được thành lập. Ngoài ra, cũng cần phải hiểu thêm, Luật quy định: “Các cổ đông sáng lập phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán khi đăng ký thành lập doanh nghiệp”, chứ không phải 20% vốn điều lệ, do đó Vốn điều lệ của công ty cổ phần khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty, mà không phải vốn dự kiến huy động hay một tỷ lệ nào đó.

Cho nên, việc ông Nguyễn Vũ Quốc Anh, cổ đông lớn nhất, đồng thời là người đại diện pháp luật và Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn Cầu (Auto Investment Group) - doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ 500.000 tỷ đồng, nói rằng hiện tại ông ta không có tiền, nhưng khẳng định không "nổ", chất xám và ý tưởng của ông ấy sẽ giúp huy động vốn từ những nguồn khác – Chứng tỏ một điều rằng: Ông ấy không hiểu khái niệm vốn điều lệ khi thành lập doanh nghiệp.

Sau khi hết thời hạn 90 ngày nêu trên, nếu những cổ đông nào đã đăng ký mua cổ phần (Cam kết góp vốn) nhưng đã không thực góp (Không thanh toán) đồng nào, sẽ không còn là cổ đông của công ty nữa; Người nào góp (Thanh toán) chỉ một phần vốn đã đăng ký, cam kết thì chỉ có quyền tương ứng với số tiền thực tế đã góp đó. Trong thời hạn 30 ngày tiếp theo (Sau khi kết thúc 90 ngày nêu trên), công ty phải thực hiện thủ tục đăng ký lại vốn điêu lệ tương ứng với số vốn đã thực góp (Cổ phần đã thực thanh toán).

Ví dụ 2: A, B, C cùng thỏa thuận thành lập công ty D. Họ xác định vốn điều lệ công ty là 09 tỷ đồng, mỗi người góp 03 tỷ. Ngày 05/07/2021, Họ được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Ngày doanh nghiệp được thành lập), thì trong vòng 90 ngày, tức cho đến hết ngày 05/10/2021, Họ mới bắt buộc phải góp đủ số vốn này. Giả định hết ngày 05/10/2021, mà mỗi người chỉ góp được 500 triệu đồng, thì công ty buộc phải làm thủ tục giảm vốn điều lệ từ 09 tỷ xuống 1,5 tỷ (Trừ khi có một người khác xuất hiện và góp đủ 7,5 tỷ còn thiếu, thì công ty không phải đăng ký giảm vốn điều lệ, nhưng phải đăng ký biến động về cổ đông sang lập).

Sau khi kết thúc các mốc thời hạn nêu trên (Bao gồm 90 ngày kể từ khi thành lập để thanh toán, góp đủ vốn và 30 ngày tiếp theo để đăng ký giảm vốn điều lệ nếu không góp đủ) – Kể từ đây, Vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã bán, tức là chỉ bao gồm những loại cổ phần đã được cổ đông thanh toán đầy đủ cho công ty. Và khác với giai đoạn thành lập, là công ty có thể tự khai vốn điều lệ, dù chưa có đồng nào, thì trong quá trình hoạt động này, việc tăng vốn điều lệ chỉ được tiến hành đăng ký, khi vốn điều lệ đã thực có tăng lên (Có rồi mới được đăng ký).

Từ phân tích trên, cho thấy “Siêu công ty 500 nghìn tỷ” đã có dấu hiệu vi phạm điều cấm của luật, khi đã “Kê khai khống vốn điều lệ”, còn việc Họ không góp đủ, thì Chúng ta phải đợi kết thúc 90 ngày như trên, mới khẳng định được, dù rằng Chúng ta đều biết trước đó là viễn cảnh chắc chắn. Tuy nhiên, ngay cả khi việc họ không góp đủ vốn như cam kết, thì cũng không đương nhiên Họ sẽ bị phạt từ 10 đến 20 triệu như một số Chuyên gia đã phát biểu, mà Họ chỉ bị phạt khi không góp đủ số vốn (và) nhưng đã không hề làm thủ tục đăng ký giảm vốn điều lệ trong 30 ngày như đã nêu trên - Có nghĩa rằng, nếu Họ góp không đủ, nhưng đã làm đúng và đủ thục tục giảm vốn điều lệ, thì cũng không bị phạt. Có lẽ, vì muốn tạo thuận lợi cho công cuộc đại khởi nghiệp, mà pháp luật hiện hành, quy định rất thoáng, cho khâu thành lập doanh nghiệp, theo chế độ “Hậu kiểm” thay vì “Tiền kiểm”, tức chỉ tiến hành kiểm tra, giám sát sau khi doanh nghiệp đã được thành lập. Nhưng cũng chính vì thế mới có những câu chuyện khôi hài với những siêu công ty toàn ảo như vậy.

Viết tại Sài Gòn – Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan