HỢP ĐỒNG (VĂN BẢN) CÓ CÔNG CHỨNG CÓ BẢO ĐẢM ĐƯỢC LỢI ÍCH CHO BÊN CÓ QUYỀN?!

Nhiều Người khi tham gia Giao dịch dân sự, thường yêu cầu Công chứng viên, chứng nhận cho giao dịch của mình, với một niềm tin cố hữu: "Có Công chứng viên, chứng nhận là yên tâm rồi, chạy đằng trời cũng không thoát được"!

Tuy nhiên, thực tế những hệ quả pháp lý xảy ra của công đoạn "Hậu công chứng", cho thấy rằng: Quan điểm trên là một sai lầm. Trong bài "Các Khía Cạnh Pháp Lý Về "Vi Bằng" Chúng ta, đã bàn luận về mục đích, ý nghĩa và giá trị pháp lý của Văn bản công chứng (Các Bạn có thể tìm thấy Bài Viết trên trang Fanpage này), nên ở đây, xin phép không nói lại. Trọng tâm của Bài viết này, nhằm giúp Người đọc, có thể hiểu hơn về vai trò của Văn bản công chứng, trong sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các Bên. Bài viết, được trình bày với ngôn ngữ và văn phong thuần túy, không phô trương kiến thức, vì tính đại chúng của nó.

1. Bản chất của Văn bản có Công chứng

Văn bản Công chứng - Là Văn bản do Công chứng viên thuộc Văn phòng/Phòng công chứng lập theo yêu cầu của khách hàng nhằm chứng nhận cho giao dịch dân sự của các bên là hợp pháp.

Theo đó - Văn bản Công chứng ghi nhận 2 vấn đề: (i) Có tồn tại giao dịch dân sự, ví dụ mua bán nhà, vay tiền ....; Và (ii) Giao dịch mà các bên đã thiết lập là đáp ứng đầy đủ các điều kiện của pháp luật.

Tuy nhiên, Chúng ta cần phải xác định rằng: Hợp đồng, giao dịch có Công chứng: Ví dụ Hợp đồng mua bán tài sản, vay tài sản có Công chứng, thì việc có Công chứng ở đây - Đó chỉ là một trong những hình thức biểu hiện, biểu đạt của Hợp đồng giao dịch đó.

Pháp luật quy định các loại hình thức của Hợp đồng giao dịch, gồm: Bằng lời nói, bằng Văn bản thường (Hay còn gọi là "Giấy tay"), bằng Văn bản có Công chứng, Chứng thực .... Và khi pháp luật không bắt buộc Hợp đồng, giao dịch không cần phải Công chứng hay Chứng thực, thì các Bên có thể giao kết dưới bất kỳ hình thức nào.

2. Hợp đồng chỉ là sự hẹn ước

Một Hợp đồng dù có công chứng hay không - Chỉ là biểu hiện về mặt hình thức của giao dịch. Nếu đó là giao dịch có công chứng, chỉ có thể khẳng định rằng các bên có tham gia giao dịch, và giao dịch đó hợp pháp, không bên nào cãi chày cối được. Nhưng nó hoàn toàn không có một chút ý nghĩa nào, trong việc bảo đảm cho bên có quyền rằng: Bên có nghĩa vụ sẽ thực hiện đúng nghĩa vụ của mình. Vì việc các bên có thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ của mình hay không, đó chỉ là một khả năng trong tương lai - Mà không ai chắc chắn cho điều đó!

Ví dụ 1: Ông A cho Ông B vay 500 triệu, lãi suất 1%/Tháng, thời hạn vay 6 tháng. Trong trường hợp này, dù là Hợp đồng có công chứng hay chỉ là bằng giấy tay, đều có giá trị pháp lý. Có chăng, nếu là bằng giấy tay, thì một bên có thể nói mình không ký Hợp đồng đó, việc chứng minh sẽ vất vả hơn. Tuy nhiên, dù là Hợp đồng có công chứng hay chỉ bằng giấy tay, trong trường hợp này, không hề có vai trò gì, trong việc bảo đảm rằng: Ông B sẽ trả nợ cho Ông A. Có nghĩa rằng: Khi đến hạn trả lãi, hay đến hạn trả nợ gốc, nếu Ông B không muốn, không thích hoặc không có khả năng trả nợ cho Ông A, thì hệ quả đều như nhau, dù trước đó các bên ký Hợp đồng công chứng hay giấy tay. Nghĩa rằng, Ông A muốn đòi lại tiền, thì phải khởi kiện ra Tòa án, khi thắng án, phải yêu cầu Chi cục Thi hành án, tiến hành xác minh xem Ông B còn tài sản không, để cưỡng chế Thi hành án ...... Cho nên bài học rút ra: Khi cho Ai đó vay tiền, hãy đánh giá khả năng trả nợ, uy tín của họ, mà không phải là dựa vào Văn bản có công chứng hay không!

3. Hình thức Hợp đồng vô nghĩa trong nhiều trường hợp

Trừ Hợp đồng vô thường (Hợp đồng tặng cho tài sản), tất cả các loại Hợp đồng còn lại đều là Hợp đồng song vụ - Nghĩa là hai bên đều có nghĩa vụ với nhau! Nhưng trong Hợp đồng song vụ, lại có thể phân ra song vụ đồng thời và song vụ không đồng thời.

(i) Song vụ đồng thời, nghĩa là hai bên thực hiện nghĩa vụ trong cùng gần như một lúc. Hiểu nôm na là: "Tiền trao, cháo múc cả nồi", trong trường hợp này, chỉ cần các bên "Ký hợp đồng miệng, đóng dấu mồm" là xong, trừ khi pháp luật yêu cầu giao dịch này phải bằng Văn bản hoặc có công chứng.

Ví dụ 2: Ông C ra tiệm vàng mua 1 lượng vàng SJC có giá khoảng 40 triệu đồng, Ông A nhận vàng, và thanh toán tiền, mọi thứ diễn ra nhanh gọn, không cần văn bản, khỏi cần công chứng. Ai cũng yên tâm, vì mọi nghĩa vụ đã hoàn thành. Hình thức Hợp đồng vô giá trị trong trường hợp này. Hiểu nôm na là không cần thiết.

(ii) Song vụ không đồng thời, nghĩa rằng trong Hợp đồng này, một bên phải thực hiện nghĩa vụ trước, bên còn lại chỉ thực hiện nghĩa vụ của mình, trên cơ sở bên kia đã thực hiện nghĩa vụ của họ. Trong trường hợp này, Bên thực hiện nghĩa vụ trước, phải gánh chịu rủi ro pháp lý, khi bên còn lại vi phạm nghĩa vụ của mình, bất kể Hợp đồng các bên ký kết bằng văn bản có công chứng hay không.

Ví dụ 3: Ông A ký hợp đồng cho Ông B vay tiền, có lãi suất, có thời hạn trả nợ gốc. Đây là Hợp đồng song vụ không đồng thời: Ông B chỉ có nghĩa vụ trả lãi, nợ gốc cho Ông A một thời gian sau đó, khi Ông A đã giao tiền vay cho Ông B; Nghĩa rằng nếu Ông A không giao tiền, thì không phát sinh nghĩa vụ trả nợ lãi và gốc của Ông B (Có cho vay đâu mà trả). Như vậy, nếu Ông A đã giao tiền vay cho Ông B, ông A phải gánh chịu một rủi ro pháp lý, đó là khi đến hạn: Không biết Ông B có trả nợ, lãi đúng và đủ cho Ông A không?! Đó là một dấu hỏi cho tương lai, mà dù cho Văn bản công chứng hay giấy tay đều không có giá trị an toàn!

4. Bảo đảm thực hiện Hợp đồng - Không phải bằng Văn bản công chứng

Tiếp tục từ ví dụ trên - Khi đến hạn trả nợ, Ông B không trả, Ông A sẽ gánh chịu rủi ro pháp lý nếu Ông B không có khả năng thanh toán; Ông A có thể mất trắng, dù cầm Hợp đồng công chứng trong tay. Như vậy, chúng ta có cơ sở để kết luận rằng: Hình thức hợp đồng (Bằng miệng, giấy tay, công chứng) hầu như không có ý nghĩa trong việc bảo đảm quyền lợi của bên có quyền, khi bên có nghĩa vụ vi phạm.

Vậy hạn chế rủi ro, bảo đảm quyền lợi bằng cách nào?! Tiếp tục từ ví dụ trên: Khi đến hạn trả nợ, nếu Ông B không trả, Ông A sẽ yên tâm, nếu vào thời điểm giao kết Hợp đồng vay, Ông B có thế chấp cho Ông A căn nhà của mình, bây giờ nếu Ông B không trả nợ, thì yêu cầu phát mại tài sản để trả nợ. Đó chính là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ Hợp đồng.

Pháp luật quy định về nhiều biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ Hợp đồng, như: Đặt cọc, ký quỹ, cầm cố, thế chấp, bảo lãnh, cầm giữ tài sản ...... Tùy vào từng trường hợp cụ thể, khi giao kết Hợp đồng, có thể chọn một biện pháp bảo đảm tương ứng, nhằm hạn chế rủi ro pháp lý, thay vì cứ chăm chăm vào công chứng.

5. Trách nhiệm bồi thường của Công chứng viên

Không phải rủi ro pháp lý nào xảy ra, đối với giao dịch có Công chứng, cũng đều có trách nhiệm của Công chứng viên - Nhấn mạnh lại, là không phải vậy. Qua những ví dụ trên, cho thấy rằng: Công chứng viên không hề có trách nhiệm gì, đối với việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của các bên dù giao dịch đó có Công chứng.

Ví dụ 4: Mua nhà, nhưng nhà bị dột nước, không phải trách nhiệm của Công chứng viên; Mua xe hơi, máy kêu như công nông, không phải lỗi công chứng viên; Vay tiền không trả, không liên quan đến công chứng viên....

Tuy nhiên, nói như vậy, không có nghĩa là Công chứng viên, không có bất kỳ trách nhiệm gì, vì nếu vậy, chẳng ai đi công chứng. Công chứng viên sẽ phải chịu trách nhiệm, liên đới bồi thường, khi mà Công chứng viên, có lỗi trong việc xác định sai những điều kiện có hiệu lực của Hợp đồng - Xin nhấn mạnh lại - Công chứng viên đã xác định sai những điều kiện có hiệu lực của Hợp đồng - Và phải chịu trách nhiệm vì việc xác định không đúng đó - Mà không phải vì bên có nghĩa vụ vi phạm hợp đồng.

Ví dụ 5: Vợ Chồng A B là đồng sở hữu chung Nhà đất, nhưng khi Bà B cầm giấy tờ Nhà đất đi bán cho Ông C, Bà B khai với công chứng viên là bà độc thân, nhưng Công chứng viên không yêu cầu chứng minh pháp lý, như không yêu cầu giấy chứng nhận độc thân..... Dẫn đến sau khi chứng nhận Hợp đồng, thì Ông A khiếu kiện, vì bán nhà, đất bán mà không nói với Ông; Khi giải quyết vụ án, trong trường hợp Tòa án tuyên vô hiệu Hợp đồng, dẫn đến (Nếu có) thiệt hại cho Người mua, thì công chứng viên phải liên đới bồi thường, vì đã có lỗi khi xác định không đầy đủ tư cách Chủ thể bán Nhà, đất.

Kết Luận: Công chứng - Chỉ là một hình thức biểu hiện bên ngoài của giao dịch dân sự, nó có giá trị trong việc chứng nhận giao dịch của các bên là đáp ứng đầy đủ các điều kiện của pháp luật, và đó là một giao dịch hợp pháp - Nhưng nó không hề có giá trị, trong việc bảo đảm cho bên có quyền rằng: Bên có nghĩa vụ sẽ thực hiện đúng và đủ nghĩa vụ của mình. Và rằng: Bên có nghĩa vụ, có thực hiện đúng nghĩa vụ của mình không, đó chỉ là một hẹn ước - Cho khả năng trong tương lai - Và không hề phụ thuộc vào việc giao dịch đó có công chứng hay không. Mà nó phụ thuộc vào: Khả năng thực hiện nghĩa vụ, tính thiện chí, uy tín của Bên có nghĩa vụ, chế tài nếu vi phạm nghĩa vụ - Và - Biện pháp bảo đảm nghĩa vụ (Nếu có)! Đây cũng chính là lý do cho sự tồn tại của Chế định Biện pháp bảo đảm nghĩa vụ trong hệ thống pháp luật của các Quốc gia!

Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan