HIỂU VỀ YẾU TỐ "BÃI NẠI" TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ: LÝ LUẬN - THỰC TIỄN VÀ ÁP DỤNG!
Có một số Độc giả nhắn tin hỏi Tác giả rằng: Người thân của Họ phạm tội này, tội kia, mặc dù Gia đình nạn nhân đã "Bãi nại" mà tại sao vẫn bị truy tố .......
Và có lẽ, trong tâm thức của nhiều Bà con, đều luôn nghĩ rằng: Cho dù phạm tội gì, chỉ cần Gia đình nạn nhân "Bãi nại" là xem như xong, sẽ không bị sao cả.
Tuy nhiên, phải nói ngay rằng, đó là một suy nghĩ không chuẩn xác. Bài viết này, Tác giả sẽ phân tích một số vấn đề có liên quan, để Bà con tham khảo.
I. BẢN CHẤT CỦA PHÁP LUẬT HÌNH SỰ
Nếu như Pháp luật Dân sự được coi là lĩnh vực luật tư, tức là chỉ điều chỉnh mối quan hệ của các Chủ thể có liên quan đến giao dịch - Cũng chính vì thế, Cơ quan có thẩm quyền chỉ can thiệp, khi có yêu cầu của các Bên liên quan.
Thì ngược lại, Pháp luật Hình sự được coi là lĩnh vực luật công, tức là không chỉ bảo vệ quyền lợi của các Bên liên quan, mà còn duy trì trật tự công cộng, phòng chống những hành vi có thể gây nguy hiểm cho xã hội. Do đó, về nguyên tắc, khi có hành vi tội phạm xảy ra, Cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành xác minh và xử lý, bất kể có hay không có yêu cầu của nạn nhân (Trừ một vài ngoại lệ nhỏ, sẽ phân tích ở phần sau).
Ví dụ 1: Ông A cho Ông B mượn 500 triệu đồng để xây nhà, nay đến hạn mà Ông B không có khả năng trả nợ. Việc Ông B không có khả năng trả nợ khi đến hạn, là vi phạm nghĩa vụ của mình. Cũng được coi là vi phạm pháp luật. Nhưng chỉ là vi phạm pháp luật dân sự. Do đó, nếu Ông A không khởi kiện, thì cũng sẽ không có Cơ quan nhà nước nào can thiệp vào vấn đề này, và đó chỉ là chuyện riêng của các Bên. Còn nếu Ông A kiện Ông B ra Tòa, Tòa tuyên buộc Ông B phải trả nợ, nhưng khi thi hành án, xác minh thấy Ông B không có tài sản gì đáng giá, thì Ông A coi như mất trắng. Ông B vẫn bình yên vô sự.
Ví dụ 2: Ông C đánh Ông H với tỷ lệ thương tật là 70%. Sau đó, Ông C có đến xin lỗi, chấp nhận bồi thường thiệt hại cho Ông H. Ông H đã có đơn đề nghị không xử lý hình sự Ông C. Tuy nhiên, việc Ông C tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại, chỉ được xem là tình tiết giảm nhẹ khi quyết định hình phạt. Ví dụ đáng ra là 7 hay 8 năm tù, nhưng giờ được giảm xuống 5 hay 6 năm tù. Nghĩa rằng, Ông C vẫn bị điều tra, truy tố và xét xử.
Bà con có thể thắc mắc là Vì sao vậy?! Vì một Người hôm thực hiện hành vi tội phạm Giết người, Hiếp dâm trẻ em, hoăch Gây tai nạn giao thông .... thì ngày mai Họ cũng có thể làm như vậy với Người khác. Cho nên, không thể cho Hung thủ với nạn nhân tự do thỏa thuận - Vì hành vi thực hiện tội phạm không chỉ gây ra thiệt hại cho nạn nhân, mà con gây nguy hại cho xã hội, nên cần phải xử lý theo quy định.
Kết luận 1: Bản chất của Pháp luật Hình sự không chỉ là bảo vệ lợi ích của cá nhân, tổ chức nhất định nào đó, mà còn bảo vệ trật tự xã hội, của nhiều Chủ thể và nhiều quan hệ xã hội khác nhau, trước những hành vi có tính gây nguy hại. Do đó, việc "Bãi nại" tức là việc Nạn nhân hoặc Gia đình nạn nhân đề nghị không xử lý hung thủ, do hung thủ đã tự nguyện khắc phục, chỉ được xem là tình tiết giảm nhẹ - Lưu ý là giảm nhẹ, chứ không phải là xóa hẳn trách nhiệm hình sự của hung thủ.
II. VÀ NHỮNG NGOẠI LỆ
Như trên đã phân tích - Mặc dù Pháp luật Hình sự có nhiệm vụ bảo vệ trật tự công. Tuy nhiên, trong hàng trăm tội danh của Bộ luật hình sự, thì vẫn có một vài tội danh, mà hung thủ khi phạm vào Khoản 1 của tội danh đó (Khung nhẹ nhất) chỉ bị xử lý hình sự, khi có yêu cầu của Nạn nhân hoặc Gia đình họ. Bao gồm các tội danh sau:
1. Tội cố ý gây thương tích.
2. Tội cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.
3. Tội cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
4. Tội vô ý gây thương tích.
5. Tội vô ý gây thương tích do vi phạm quy tắc nghề nghiệp.
6. Tội hiếp dâm.
7. Tội cưỡng dâm.
8. Tội làm nhục Người khác.
9. Tội vu khống.
10. Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Điểm qua 10 tội danh vừa nêu - Bà con sẽ thấy có vô vàn tội danh còn lại, thì không bao giờ có khái niệm "Bãi nại" là không xử lý, ví dụ: Giết Người, Cướp, Cướp giật, Đánh bạc, Trộm cắp, Dâm ô trẻ em, Hiếp dâm trẻ em, Cưỡng đoạt tài sản, Buôn bán ma túy, Vi phạm quy định về giao thông, Cản trở giao thông, Bức tử, Không cứu Người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng............... Và hàng trăm tội danh khác.
Ngoài ra - Bà con phải lưu ý là: Với 10 tội danh vừa nêu, nhưng chỉ khi hành vi tội phạm rơi vào khoản 1, tức là khung nhẹ nhất, thì mới áp dụng quy định: Chỉ xử lý khi có yêu cầu của Nạn nhân hoặc Gia đình họ. Còn cũng tội danh đó, mà đã rơi vào khung 2, tức nặng hơn, thì không bị ràng buộc điều kiện này nữa.
Ví dụ 3: Ông M đánh Ông N bị thương tích 15%. Thì Ông M chỉ bị xử lý hình sự khi có yêu cầu của Ông N. Nhưng nếu Ông N bị thương tích 31%, thì lúc này không cần Ông N yêu cầu, Ông M vẫn bị xử lý.
Kết luận 2: Khi có hành vi thực hiện tội phạm xảy ra, Cơ quan có thẩm quyền - Đương nhiên có trách nhiệm điều tra, truy tố, xét xử Người phạm tội - Mà không phụ thuộc vào ý chí của nạn nhân, trừ một vài trường hợp đã nêu. Tuy nhiên thái độ tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại của Hung thủ và yêu cầu không truy cứu của nạn nhân, luôn được xem xét là yếu tố giảm nhẹ trách nhiệm hình sự - Và chỉ làm giảm đi một phần hình phạt, mà đáng ra Hung thu phải chịu. Đó chính là sự khoan hồng của pháp luật.
Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!