QUẢNG CÁO SAI SỰ THẬT – TRÁCH NHIỆM THUỘC VỀ AI: VÀ VAI TRÒ CỦA “NGƯỜI CHUYỂN TẢI SẢN PHẨM QUẢNG CÁO”!?
Luật quảng cáo nghiêm cấm hành vi “Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố”. Như vậy, một trong những hành vi bị nghiêm cấm đó là quảng cáo sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn về chất lượng của sản phẩm, hàng hóa. Hay nói cách khác, hành vì quảng cáo sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn về chất lượng của sản phẩm, hàng hóa là hành vi trái pháp luật, Người vi phạm phải chịu trách nhiệm, chế tài của pháp luật.
Bộ luật hình sự có quy định hai Tội danh trực tiếp liên quan đến lĩnh vực quảng cáo đó là “Tội quảng cáo gian dối” và “Tội lừa dối khách hàng”; Trong lĩnh vự xử phạt vi phạm hành chính, pháp luật cũng quy định rất nhiều hành vi bị xử phạt liên quan đến việc quảng cáo sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn; Riêng về phạm vi dân sự, thì đương nhiên, Chủ thể có hành vi quảng cáo sai sự thật, có trách nhiệm bồi thường cho Người tiêu dùng, theo quy định của Luật bảo vệ Người tiêu dùng, Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Nghĩa rằng, pháp luật đã quy định đầy đủ về hành vi vi phạm, trách nhiệm pháp lý, cũng như chế tài kèm theo đối với việc quảng cáo sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn.
Vấn đề đặt ra chỉ còn là: Chủ thể nào phải chịu trách nhiệm cho hành vi quảng cáo sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn đó?! Đặt ra vấn đề này, vì lẽ, trong tiềm thức của nhiều Người và của một số Bà con ta, luôn mang một suy nghĩ rằng: Quảng cáo sai sự thật, thì đương nhiên Chủ thể có sản phẩm, hàng hóa đang kinh doanh phải chịu?! Việc Bà con suy nghĩ như vậy, không phải là không có lý, bởi đương nhiên, Người kinh doanh muốn bán được sản phẩm, nên mới cần phải quảng cáo sai sự thật, mới cần phải nói quá lên, cho Người mua tin tưởng và sử dụng sản phẩm. Mặc dù vậy, việc quy kết trách nhiệm chỉ thuộc về Người kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, là chưa thật sự chính xác, vì không đầy đủ.
Một sản phẩm quảng cáo, muốn đến được với Công chúng, phải có sự tham gia của rất nhiều Chủ thể, trong nhiều công đoạn – Bao gồm: 1. Người quảng cáo: Tức là Chủ thể có hàng hóa muốn bán, dịch vụ muốn kinh doanh./. 2. Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo: Tức là Chủ thể được thuê để biên soạn, xây dựng, lên kịch bản, tạo ra nội dung quảng cáo dựa trên sản phẩm cần được quảng cáo./. 3. Người phát hành quảng cáo: Tức là Chủ thể sử dụng phương tiên để truyền tải nội dụng quảng cáo đến Công chúng./. 4. Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo: Tức là Chủ thể trực tiếp mô phỏng, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo.
Ví dụ: Khi Bà con ta, xem trên tivi kênh truyền hình A, thấy diễn viên B đang quảng cáo một chai thực phẩm chức năng do công ty C sản xuất, video quảng cáo đó được thực hiện bởi công ty quảng cáo D – Trong quảng cáo này: Công ty C là Người quảng cáo (Chủ thể sản xuất chai thực phẩm chức năng); Công ty quảng cáo D là Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo (Chủ thể xây dựng nội dung quảng cáo); Đài truyền hình A là Người phát hành quảng cáo (Chủ thể giới thiệu sản phầm đến Công chúng); Diễn viên B là Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo (Chủ thể trực tiếp mô phỏng, diễn tả công dụng…… chai thực phẩm chức năng).
Cũng chính vì một sản phẩm quảng cáo, muốn đến được với Công chúng, phải có sự tham gia của rất nhiều Chủ thể, trong nhiều công đoạn; Cho nên, nếu quảng cáo đó sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn về chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, thì trách nhiệm cho hành vi trái pháp luật đó phải thuộc về đồng thời tất cả các Chủ thể đã tham gia vào quá trình quảng cáo sản phẩm đó, mà không thể nói chỉ thuộc về một vài Chủ thể nào đó, và những Chủ thể còn lại không liên quan.
Thậm chí, xét về mặt tư duy và ý thức, rất nhiều Người bỏ tiền ra mua một sản phẩm nào đó, chỉ bởi vì Họ tin tưởng vào uy tín của kênh truyền hình đang phát sóng, uy tín của Người đang chuyển tải quảng cáo là Ca sĩ hay Diễn viên nào đó, mà không phải là vì uy tín hay thương hiệu của Nhà sản xuất, cung cấp – Cho nên, không thể nói vai trò chính gây ra nhầm lẫn ở đây, là Nhà sản xuất, cung cấp, mà phải là những Chủ thể đang phát hành, chuyển tải sản phẩm đó. Có nghĩa rằng, cần phải phân tách Người đưa ra thông tin không đúng về sản phẩm đó và Người thể hiện thông tin không đúng đó trước Công chúng, để thấy vai trò lớn nhất trong việc tạo ra sự nhầm lẫn thuộc về ai?!
Trong các hàng hóa, sản phẩm được phép kinh doanh – Pháp luật phân định thành ba nhóm lớn: Nhóm hàng hóa, sản phấm cấm quảng cáo, nhưng vẫn được kinh doanh (Ví dụ như rượu trên 15 độ, thuốc lá); Nhóm sản phẩm, hàng hóa đặc biệt là sản phẩm, hàng hóa ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và môi trường (Ví dụ các sản phẩm thực phẩm chức năng); Nhóm sản phẩm, hàng hóa thông thường (Không thuộc hai nhóm vừa rồi, ví dụ như cày bừa, cuốc xẻng).
Sở dĩ có sự phân loại như vậy, là dựa trên tác dụng, gây hại, cũng như hậu quả khi sử dụng các loại sản phẩm, hàng hóa đó. Chẳng hạn, đối với các loại thực phẩm chức năng, nó không phải là thuộc trị bệnh, nhưng khi sử dụng có ảnh hưởng đến sức khỏe con người, do đó điều kiện để quảng cáo khắt khe hơn như phải có hồ sơ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ y tế, đặc biệt phải quảng cáo đúng chất lượng. Tuy nhiên, thực tế thì rất nhiều quảng cáo, đã nói quá lên gấp nhiều lần tác dụng của nó, đặc biệt, Người trực tiếp chuyển tải sản phẩn quảng cáo đó (Bao gồm Diễn viên, Ca sĩ) mặc dù không bị những loại bệnh liên quan, cũng chưa sử dụng bao giờ, nhưng lại dõng dạc tuyên bố là đã sử dụng và thấy rất hiệu quả, điều đó thực sự rất nguy hiểm, và rất tội cho Người bệnh, vì thường có bệnh là vái tứ phương, ai nói gì nghe nấy, chỉ mong khỏi bệnh, việc kinh doanh niềm tin như vậy, rất đáng lên án.
Tất nhiên, công bằng mà nói, việc quảng cáo không có gì là sai trái, nếu đúng sự thật, mà ngay cả không đúng sự thật, nhưng đối với những sản phẩm vô thưởng vô phạt, không ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, con người, ví dụ các sản phẩm giải trí như bao da đựng điện thoại, kệ treo đồng hồ, tủ đựng dày…… thì có nói quá lên chút, nhiều chút, cũng không quá gây nguy hại, thậm chí là không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe con người. Nhưng nếu đó là những sản phẩm được quảng cáo liên quan đến việc chữa bệnh, sức khỏe, tính mạng, thì việc quảng cáo sai sự thật, nói quá lên công dụng của nó là không thể chấp nhận được, vì hậu quả của nó rất nguy hiểm, khó có thể khắc phục, cho nên đây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, mà còn rất thất đức. Điều đáng buồn là, trên thị trường, việc quảng cáo các sản phẩm liên quan đến sức khỏe con người lại đang diễn ra rầm rộ nhất, mất kiểm soát nhất.
Nói tóm lại, một sản phẩm quảng cáo, muốn đến được với Công chúng, phải có sự tham gia của rất nhiều Chủ thể, trong nhiều công đoạn; Cho nên, nếu quảng cáo đó sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn về chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, thì trách nhiệm cho hành vi trái pháp luật đó phải thuộc về đồng thời tất cả các Chủ thể đã tham gia vào quá trình quảng cáo sản phẩm đó, mà không phải chỉ thuộc về Nhà sản xuất, cung cấp. Cũng chính vì thế, Người trực tiếp chuyển tải sản phẩm quảng cáo đó (Bao gồm Diễn viên, Ca sĩ) không thể vô can, nếu như sản phẩm mà Họ đã tham gia quảng cáo đó là sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn. Vì vậy, nhưng Người của Công chúng, nên chăng cần thận trọng và có trách nhiệm với cộng đồng hơn, khi tham gia quảng cáo các sản phẩm có liên quan đến sức khỏe con người, đó không chỉ là nghĩa vụ pháp lý, mà còn là vấn đề thiện lương và tâm đức với đồng loại.
Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!