PHÂN BIỆT TIÊU CHUẨN QUỐC TẾ VỚI QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT QUỐC GIA VỀ HỘ CHIẾU VÀ ĐIỀU KIỆN NHẬP CẢNH: HIỂU THÊM VỀ CHỦ QUYỀN QUỐC GIA TRONG CÔNG PHÁP QUỐC TẾ!

Sẽ là một sự nhầm lẫn đáng tiếc, nếu không muốn nói là sai lầm khi Ai đó lấy quy định/tiêu chuẩn của pháp luật Quốc gia mình, để làm thước đo hay là sự chuẩn mực nhằm đánh giá quy định của pháp luật Quốc gia khác về cùng một vấn đề cần pháp luật điều chỉnh - Bởi Bà con ta chỉ cần hiểu một cách rất Đơn giản rằng: "Nhập gia tùy tục". Mối quan hệ giữa các Quốc gia trong Công pháp quốc tế cũng giống như vậy: Dựa trên nguyên tắc về tôn trọng Chủ quyền quốc gia - Mỗi Quốc gia luôn có quyền ban hành các quy định về trình tự, thủ tục, điều kiện để cho phép Công dân nước ngoài/Người không quốc tịch được phép nhập cảnh vào Nước mình, bao gồm nhưng không giới hạn cả ở quy định về Hộ chiếu.

Nguyên tắc trên sẽ có ngoại lệ, đó là khi một Quốc gia đã tham gia ký kết các Điều ước quốc tế song phương hoặc đa phương có liên quan đến một lĩnh vực nào đó, thì Pháp luật của quốc gia không được trái với Điều ước quốc tế đã ký kết - Đây được gọi là Nguyên tắc Pacta sunt servanda (Tuân thủ các thỏa thuận đã cam kết), hay nói cách khác Điều ước quốc tế có hiệu lực ưu tiên áp dụng đối với Quốc gia thành viên. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng, Điều ước quốc tế được áp dụng như vừa nêu, phải đúng với phạm vi, đối tượng, nội dung quan hệ pháp luật đang cần được điều chỉnh, nghĩa rằng "Không được lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia" rồi cho rằng như thế là phù hợp với tiêu chuẩn.

Ví dụ cho dễ hiểu: Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) là một Tổ chức thuộc Liên Hợp Quốc chịu trách nhiệm soạn thảo và đưa ra các quy định về hàng không trên toàn thế giới. Theo quy định/tiêu chuẩn của ICAO thì Hộ chiếu không bắt buộc có mục "Nơi sinh" hay nói cách khác, các Quốc gia có quyền lựa chọn ghi hay không ghi mục "Nơi sinh" trong Hộ chiếu - Nhưng lưu ý rằng: Quy định/tiêu chuẩn này của ICAO chỉ áp dụng cho Người/Hành khách khi tham gia vào quá trình vận tải hàng không mà thôi. Có nghĩa rằng, dù Hộ chiếu có mục nơi sinh hay không, đều được quyền tham gia vận tải hàng không dân dụng quốc tế - Nhưng sau khi bay đến nơi rồi, việc có được nhập cảnh vào Quốc gia nơi đến hay không, thì lại hoàn toàn phụ thuộc vào Quy định của pháp luật quốc gia sở tại. Ngắn gọn nôm na, khi hành khách đáp xuống sân bay đi vào địa phận làm thủ tục nhập cảnh thì tiêu chuẩn của ICAO hết hiệu lực áp dụng - Đó là kiểu mang con bỏ chợ. Nếu hành khách không được phép nhập cảnh, thì sẽ mua vé để trở về "nơi sản xuất" hoặc đến nước thứ ba nào đó.

Từ phân tích và ví dụ trên cho thấy rằng, việc dùng tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) để đánh giá quy định của Pháp luật một Quốc gia nào đó về điều kiện nhập cảnh là không chính xác, vì các tiêu chuẩn này đang có phạm trù áp dụng hướng tới mục đích khác nhau, một cái chỉ liên quan đến an ninh hàng không, một cái liên quan đến An ninh quốc gia, nên không thể nhập nhằng, nhầm lẫn, gán gép cho nhau. Bà con có thể hiểu ví von thế này: Cũng giống như trong đời thường Chúng ta, Ai đó muốn đi lại ngoài đường công cộng bằng phương tiện gì, đi như nào, đi với ai là việc của Họ, nhưng muốn vào Nhà của Bà con, thì phải được Bà con đồng ý cho vào, còn không thì mời về, nôm na, đại loại như thế.

Nói tóm lại - Dựa trên nguyên tắc tôn trọng Chủ quyền quốc gia, cho nên Quốc gia có quyền lựa chọn ban hành các quy định của pháp luật phù hợp với quyền, lợi ích hợp pháp, chính sách ngoại giao của Quốc gia mình, miễn không trái với các Điều ước quốc tế đã cam kết. Tất nhiên, trong một chừng mực nào đó, khi một Quốc gia ban hành các quy định khắt khe với Công dân nước ngoài, thì cũng có thể đón nhận hậu quả của việc "Có đi có lại" khi Quốc gia có liên quan cũng sẽ áp dụng những chính sách tương tự với Công dân nước mình.

Xuất phát từ tư duy chính sách, học thuyết chính trị, đường lối phát triển - Mà hệ thống pháp luật của mỗi Quốc gia luôn có những quy định khác nhau khi giải quyết cùng một vấn đề, từ đó đã tạo nên hiện tượng xung đột pháp luật. Tuy nhiên, thiết nghĩ rằng về lâu dài, đồi với những lĩnh vực có sự tương tác phổ biến, thì các Quốc gia cần phải đẩy mạnh công cuộc ký kết các Hiệp định song phương hoặc đa phương, nhằm tìm được tiếng nói chung trong sự thống nhất pháp luật. Có như vậy, thì mới tạo thuận lợi cho việc bang giao trên tất cả các lĩnh vực, nhất là thuận tiện cho Công dân các bên trong quá trình đi lại, học tập, lao động và sinh sống.....

Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan