CÓ ĐƯỢC TỪ CHỐI NHẬN THANH TOÁN BẰNG PHƯƠNG THỨC CHUYỂN KHOẢN: BÌNH LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ!
Thanh toán với nội hàm là một nghĩa vụ dân sự, có thể xuất phát từ Hợp đồng (Ví dụ nghĩa vụ thanh toán tiền mua hàng, tiền sử dụng dịch vụ, tiền thuê tài sản), cũng có thể xuất phát từ Cam kết đơn phương (Ví dụ nghĩa vụ thanh toán tiền hứa thưởng), có thể xuất phát từ Hành vi pháp lý (Hành vi có ý thức của Con Người), nhưng cũng có thể xuất phát từ sự biến pháp lý (Ví dụ nghĩa vụ thanh toán tiền do phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng bởi máy móc, cây cối, gia súc gây ra).
Hình thức thanh toán thông thường là tiền, vì tiền chính là phương tiện thanh toán, nhưng không nhất thiết và không bắt buộc luôn luôn phải là thế. Luật dân sự khi quy định chung về nghĩa vụ, có nói nghĩa vụ trả tiền, nhưng không kèm theo thuật ngữ “thanh toán” trước hay sau quy định “nghĩa vụ trả tiền”, dẫn đến suy luận rằng, việc thanh toán không nhất thiết phải bằng hình thức trả tiền, mà có thể bằng vàng, kim khí quý, đá quý (Thực tế đặt cọc có thể bằng tiền, vàng, kim khí quý, đá quý, và khi thực hiện hợp đồng, những tài sản này được cấn trừ vào nghĩa vụ thanh toán, nên buộc phải hiểu có thể thanh toán bằng hình thức khác tiền). Tuy nhiên, có những giao dịch cụ thể ví dụ mua bán tài sản, Luật dân sự lại định nghĩa, bên mua phải trả tiền, điều này đôi khi sẽ dẫn đến những tranh cãi, và quy định này khá khó hiểu. Do không phải trọng tâm bài viết, nên Chúng ta không bàn sâu thêm khía cạnh này.
Phương thức thanh toán (Đôi khi cũng được gọi là Hình thức thanh toán) đối với nghĩa vụ cụ thể là thanh toán tiền (Đến đây, Chúng ta chỉ nói về tiền), thực tế có tồn tại nhiều phương thức về việc thanh toán tiền: Có thể là tiền mặt, có thể theo phương thức chuyển khoản qua thiết bị di động, cũng có thể là quét thẻ… Nói chung, khoa học càng phát triển, sẽ hứa hẹn tồn tại, sản sinh ra nhiều phương thức thanh toán khác nhau bằng tiền. Vấn đề đặt ra là: Vậy Người có nghĩa vụ, có luôn luôn được tự do lựa chọn phương thức thanh toán không (Tức muốn trả tiền mặt hay chuyển khoản là tùy ý Người trả tiền) hay ngược lại, Người có quyền nhận tiền, có được từ chối phương thức thanh toán cụ thể nào đó không (Tức có quyền yêu cầu thanh toán theo phương thức nhất định)?
Luật chung về nghĩa vụ dân sự quy định rằng: Nghĩa vụ trả tiền phải được thực hiện theo phương thức đã thỏa thuận. Điều đó có nghĩa là gì: Nghĩa là vào thời điểm giao kết Hợp đồng, nêu Các Bên đã thỏa thuận phương thức thanh toán bằng tiền mặt, thì khi thanh toán, Người có nghĩa vụ phải thực hiện bằng phương thức trả tiền mặt (Nếu trường hợp Người có nghĩa vụ muốn thay đổi hình thức, tức muốn sửa đổi Hợp đồng, thì buộc phải được Người có quyền đồng ý). Nói tóm lại, nếu đã có thỏa thuận từ trước, thì buộc phải thực hiện theo thỏa thuận. Một dạng thỏa thuận ngầm định khác, đó là trước một Cửa hàng, nếu Người bán có đưa ra thông báo là chỉ nhận thanh toán bằng chuyển khoản, và Người mua vẫn ghé mua hàng, nghĩa là chấp nhận yêu cầu về phương thức thanh toán. Đây cũng được coi là có thỏa thuận trước về phương thức thanh toán.
Tình huống sẽ phức tạp hơn, nếu Các Bên không có thỏa thuận trước như trên, chẳng hạn trước khi ăn thì không rõ phương thức thanh toán là gì?! Luật chung về nghĩa vụ dân sự không dự liệu về tình huống này, nhưng điều đó không có nghĩa là Bên có quyền được quyền yêu cầu lựa chọn về phương thức thanh toán. Bởi những quy định riêng về các giao dịch dân sự, sẽ có những sự bổ khuyết. Chẳng hạn, đối với việc mua bán tài sản, nếu Các bên không thỏa thuận trước về phương thức thanh toán cụ thể, lúc này phương thức thanh toán sẽ được xác định theo tập quán tại địa điểm và thời điểm giao kết Hợp đồng. Việc xác định có tồn tại tập quán, khó hơn nhiều so với việc xác định không tồn tại tập quán. Tuy nhiên, giả định rằng, trong cả một khu chợ, một phố hàng, mà nơi thì chịu nhận tiền mặt, chổ chịu nhận chuyển khoản, hẳn rất khó đề Người có quyền được yêu cầu phương thức thanh toán theo dạng cụ thể nào, trừ khi có thỏa thuận trước. Và ngay chính việc có nơi nhận chuyển khoản, có nơi nhận tiền mặt, đó thậm chí được coi là tập quán thanh toán theo kiểu nào cũng được, và lúc này chính Bên có quyền phải chấp nhận theo phương thức Bên có nghĩa vụ chọn lựa. Tuy nhiên, có một ngoại lệ đó là thói quen giao dịch giữa Các bên, nếu có tồn tại điều này, sẽ được ưu tiên áp dụng hơn tập quán.
Từ những phân tích trên – Chúng ta có quyền đi đến kết luận: Nếu Các bên có thỏa thuận trước về phương thức thanh toán, thì khi thực hiện nghĩa vụ, phải thực hiện theo đúng phương thức đã thỏa thuận đó, Bên có quyền được phép từ chối phương thức thanh toán khác thỏa thuận. Còn nếu không có thỏa thuận trước, lúc đó buộc phải áp dụng quy định của pháp luật, thói quen trong giao dịch của các bên, tập quán… Nói chung khá rối rắm! Cho nên, Bà con ta trong mọi việc có liên quan đến tiền, tốt nhất nên có thỏa thuận trước về giá, phương thức thanh toán, thời hạn thanh toán. Chẳng hạn, các Cửa hàng nếu muốn từ chối nhận phương thức thanh toán nào thì nên có thông báo rõ ràng, ngược lại Bà con ta trước khi mua hàng, nên hỏi trước là được thanh toán theo phương thức nào, cho đỡ mất công tranh cãi về sau. Lưu ý, có một số ít những lĩnh vực, trường hợp, việc thanh toán phải theo quy định của Nhà nước, lúc này thỏa thuận của Các bên phải phù hợp với quy định đó.
Tất nhiên, suy cho cùng, pháp luật cũng chỉ là một khía cạnh của cuộc sống, dù rất quan trọng. Trong khi có những hoàn cảnh, bối cảnh cụ thể, đòi hỏi không thể xử sự quá nguyên tắc, máy móc, mà cần linh hoạt ứng đối sao cho hợp tình, hợp lý và nhân văn. Bởi ngoài nghĩa vụ pháp lý, còn có nghĩa vụ luân lý/nghĩa vụ đạo đức/nghĩa vụ tự nhiên - Tuy nghĩa vụ đó, không bị ràng buộc bởi chế tài pháp luật với sức mạnh cưỡng chế Nhà nước - Nhưng một xã hội văn minh, bác ái, thì không thể thiếu những nghĩa vụ đó...
Viết tại Sài Gòn – Luật sư: Đặng Bá Kỹ!