DI CHÚC CHUNG CỦA VỢ CHỒNG: TRANH CÃI VÀ BẤT CẬP!
Khác với Bộ luật dân sự năm 2005, thì Bộ luật dân sự năm 2015 (Có hiệu lực từ ngày 01/01/2017) đã bỏ và không còn điều luật nào quy định về Di chúc chung của vợ chồng. Điều này đã dẫn đến tranh cãi lớn trong Giới nghiên cứu luật học và những Người thực thi pháp luật rằng: Kể từ ngày Bộ luật dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành, thì Vợ chồng có còn được lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung của Vợ chồng sau khi qua đời hay không?!
Không ít Nhà nghiên cứu luật học thực sự có chuyên môn và tiếng tăm, là các Viện sĩ, Giáo sư, Tiến sĩ luật đã công khai ý kiến phản biện cho rằng: Việc Bộ luật dân sự năm 2015 bỏ quy định về Di chúc chung của vợ chồng là không hợp tình, hợp lý. Sau nhiều phân tích, viện dẫn, những Nhà nghiên cứu này đã đi đến kết luận: Bộ luật dân sự năm 2015 bỏ quy định về Di chúc chung của vợ chồng - Nhưng cũng không hề có điều luật nào cấm Vợ chồng được lập di chúc chung - Do đó, Vợ chồng vẫn có quyền lập di chúc chung kể từ 01/01/2017.
Giả định rằng: Ý kiến vừa nêu của các Chuyên gia là đúng hoặc không sai về mặt lý luận, lý thuyết và khoa học nghiên cứu. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành ý kiến vừa nêu sẽ đưa lại rất nhiều "bối rối" cho tất cả các Bên có liên quan, vì sẽ "không biết đường nào mà lần". Có nghĩa rằng, việc Bộ luật dân sự năm 2015 không quy định nhưng cũng không cấm Vợ chồng lập di chúc chung, sẽ khiến cho nhiều vấn đề rơi vào "bế tắc" nếu Vợ chồng vẫn muốn lập di chúc chung. Nổi cộm, những vấn đề lớn sau đây:
1. Thời điểm có hiệu lực của di chúc chung?
Bộ luật dân sự 2015 quy định: Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế (Là thời điểm người có tài sản (Người lập di chúc) chết). Vậy di chúc chung của vợ chồng sẽ có hiệu lực từ thời điểm nào, nếu như Vợ chồng không chết cùng thời điểm, tức có Người chết trước, Người chết sau? Lúc đó - Di chúc sẽ phát sinh hiệu lực một phần ngay khi Người vợ hoặc Người chồng chết? Hay phải đợi đến khi Người sau cùng chết, thì di chúc mới phát sinh hiệu lực toàn bộ? Bộ luật dân sự 2005 đã hết hiệu lực, quy định theo hướng là "Di chúc chung của vợ, chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết", còn Bộ luật dân sự 2015 không quy định, nên Chúng ta không có câu trả lời.
Đây là một vấn đề cực kỳ phức tạp vì nó liên quan đến thời điểm mở thủ tục thừa kế và khai nhận di sản thừa kế. Có không ít Nhà nghiên cứu luật học cho rằng, vì Bộ luật dân sự 2015 không quy định, nên sẽ áp dụng tương tự quy định về hiệu lực của di chúc cá nhân. Có nghĩa rằng, dù là di chúc chung, nhưng nếu một Người chết trước, thì di chúc sẽ phát sinh hiệu lực một phần đối với Người đã chết này, đồng nghĩa có thể chia thừa kế di sản của Người đã chết đó. Nhưng Họ quên mất rằng, nếu như vậy, thì Người vợ hoặc Chồng còn sống, chính là Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc, tức Người này sẽ được thừa kế một phần tương đương với 2/3 suất thừa kế theo pháp luật. Và khi đem chia di sản theo kiểu như vậy, cũng đồng nghĩa "phá nát" cái mục đích lập Di chúc chung ban đầu.
2. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung?
Sau khi Vợ chồng đã lập di chúc chung, nếu vào thời điểm cả 02 Vợ chồng đang còn sống, mà 01 trong 02 Người (Tức Vợ hoặc Chồng) muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung đã lập thì có cần phải có sự đồng ý của Người còn lại hay không? Nếu Người còn lại không đồng ý, thì Người vợ hoặc Chồng có được sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình hay không? Bộ luật dân sự 2005 đã hết hiệu lực, quy định theo hướng là không được, còn Bộ luật dân sự 2015 không quy định, nên Chúng ta không có câu trả lời.
Sau khi Vợ chồng đã lập di chúc chung, nếu một Người đã chết thì Người còn lại có được sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình hay không? Bộ luật dân sự 2005 đã hết hiệu lực, quy định theo hướng là được, nhưng Bộ luật dân sự 2015 không quy định, nên Chúng ta không có câu trả lời.
Từ những luận chứng nêu trên: Rõ ràng - Bộ luật dân sự năm 2015 bỏ đi định chế về Di chúc chung của vợ chồng, khiến cho nhiều vấn đề quan trọng và phức tạp không có câu trả lời, không có phương hướng để giải quyết. Đúng là bỏ không có nghĩa là cấm, những việc "bỏ" đó đã để lại một khoảng trống pháp lý mênh mông quá lớn. Và đó chính là ngọn nguồn của những tranh chấp về thừa kế, mà những tranh chấp đó rất khó hoặc không thể giải quyết được nhanh chóng thậm chí rơi vào bế tắc, bởi sự "bỏ ngỏ" của Văn bản pháp luật thực định......
Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!