DI CHÚC MIỆNG (DI NGÔN) VÀ SỰ LẠC HẬU TRONG QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT TRƯỚC CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0!

“Di chúc miệng” là một thuật ngữ pháp lý, dùng để diễn tả hình thức Di chúc bằng lời nói (Khác với Di chúc bằng văn bản), mà đôi khi Bà con ta hay sử dụng với mĩ từ “Di ngôn”. Hơn 30 năm đã trôi qua, kể từ ngày có Pháp lệnh về thừa kế năm 1990, tiếp sau đó là Bộ luật dân sự năm 1995, Bộ luật dân sự 2005, và Bộ luật dân sự hiện hành 2015, hầu như không có sự thay đổi đáng kể nào về “Di chúc miệng”, thậm chí càng về sau, quy định của pháp luật càng khắt khe hơn để “Di chúc miệng” được xem là một Di chúc hợp pháp, có hiệu lực thi hành.

Thật vậy! “Di chúc miệng” được xem là hợp pháp, khi thỏa mãn các (i) Điều kiện cần và (ii) Điều kiện đủ. Điều kiện cần hay còn gọi là điều kiện chung để một giao dịch dân sự được coi là hợp pháp (Dù là di chúc miệng hay di chúc bằng văn bản đều phải đáp ứng điều kiện chung này) - Ví dụ: Người di ngôn phải có năng lực hành vi dân sự phù hợp (Nếu bị điên, tâm thần, hay tình trạng mất nhận thức vào thời điểm Di ngôn, thì Di ngôn không có giá trị), Người di ngôn phải trong trạng thái minh mẫn về nhận thức (Nếu do tuổi già hay bệnh tật dẫn đến lú lẫn, lúc nhớ lúc quên, thì Di ngôn không có giá trị), Người lập di ngôn hoàn toàn tự nguyện trong việc lập Di ngôn, không bị lừa dối, cưỡng ép…..

Nếu không thỏa mãn những điều kiện cần vừa nêu, thì Di ngôn không có hiệu lực - Tuy nhiên, đó chỉ mới là điều kiện cần. Những điều kiện đủ sau đây, mới chính là “Yếu tố quan trọng” đóng vai trò quyết định để một “Di chúc miệng” được xem là hợp pháp (Vì những điều kiện cần ở trên áp dụng chung cho mọi giao dịch dân sự nên đó là vấn đề đương nhiên phải có). Bà con lưu ý rằng, phải hội tủ đầy đủ các yếu tố sau đây, thì Di ngôn mới có giá trị thi hành:

1. Thứ nhất - Người di ngôn phải ở trong tình trạng “Tính mạng bị cái chết đe dọa và không thể lập Di chúc bằng văn bản”, hiểu nôm na là Người di ngôn phải trong tình trạng bị nguy kịch về tính mạng, ví dụ như bị tai nạn và có vài lời di nguyện trước khi tắt thở (Đại loại vậy). Như thế cũng có nghĩa rằng, một Người đang khỏe mạnh bình thường không được lập Di chúc bằng lời nói. Và những Người già bị lú lẫn, lúc nhớ, lúc quên cũng không được lập Di ngôn (Không đáp ứng điều kiện chung ở trên). Từ đó cho thấy, quan điểm của Nhà làm luật, là muốn hạn chế đến mức thấp nhất phương thức Di chúc bằng lời nói. Tức để được lập Di ngôn, phải là những tình huống hạn hữu, vô cùng hiếm gặp.

2. Thứ hai – Người di ngôn, phải thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai Người làm chứng, nếu chỉ một Người làm chứng là không có giá trị. Hơn thế nữa, Người làm chứng phải là Người không thuộc diện thừa kế theo di chúc hay theo pháp luật. Điều đó cũng đồng nghĩa rằng, Người cha trước lúc lâm chung, Di ngôn trước mặt 10 Người con của mình, nếu có tranh chấp, thì 10 Người con này đều không thể là Người làm chứng.

3. Thứ ba - Ngay thời điểm làm chứng việc Di ngôn, thì liền sau đó những Người làm chứng phải ghi chép lại nội dung di ngôn, cùng ký tên hoặc điểm chỉ vào văn bản đã ghi chép. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày Người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di ngôn đã được Người làm chứng ghi chép lại đó phải được công chứng hoặc chứng thực. Điều đó cũng có nghĩa rằng, nếu Di ngôn có đủ Người làm chứng, nhưng sau đó không được ghi chép lại, thì những lời khai sau này của những Người làm chứng không thể là bằng chứng trước Tòa án, tóm lại là không có giá trị gì. Còn giả dụ có ghi chép lại, nhưng sau đó vẫn không được công chứng, chứng thực, thì bản ghi chép này cũng vô giá trị.

4. Thứ tư – Người di ngôn phải chết trong vòng ba tháng kể từ ngày Di ngôn hoặc Còn sống nhưng luôn rơi vào trạng thái lú lẩn, mất nhận thức, không còn tỉnh táo cho đến khi chết. Có nghĩa rằng, sau ba tháng, kể từ thời điểm Di chúc miệng mà Người này còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ, tức đương nhiên không còn giá trị thi hành.

Đến đây, chắc hẳn không ít Bà con sẽ cảm thấy “hoang mang” về cái gọi là “Di chúc miệng”. Có lẽ xuất phát trong bối cách lịch sử, khi khoa học chưa phát triển, với quan niệm “Lời nói gió bay” – Nên Nhà làm luật đã rất cẩn trọng khi quy định về “Di chúc miệng”, cho nên có thể ở một thời điểm nào đó của mấy chục năm về trước, thì quy định trên là hợp lý. Nhưng hiện nay, khi khoa học kỹ thuật đã phát triển vượt trội, thì quy định đó, có vẻ không còn phù hợp và cần phải sớm được thay đổi.

Rõ ràng – Với quy định trên của Luật dân sự, thì việc một Người trung niên khỏe mạnh, năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trong một buổi sáng mùa xuân ấm áp an lành, đã tiến hành quay một video nhằm định đoạt tài sản của mình sau khi qua đời, thì video này vẫn không được coi là Di ngôn, và như thế là không có giá trị thi hành. Bởi lẽ, hãy khoan nói đến những điều kiện khác, mà chỉ ngay với điều kiện đầu tiên ở trên, Người này đã không thể đáp ứng, đó là Người di ngôn phải ở trong tình trạng “Tính mạng bị cái chết đe dọa”. Tức hành vi pháp lý Di ngôn bị vô hiệu không phải di vi phạm về hình thức, mà do bối cảnh, điều kiện để được lập Di ngôn không đáp ứng.

Tiếp nữa - Những lập luận hay viện dẫn quy định về việc giao dịch dân sự không mặc nhiên vô hiệu do vi phạm về hình thức, trừ khi đó là điều kiện có hiệu lực do luật quy định, tỏ ra không mấy thuyết phục, vì điều kiện cuối đã nêu ở trên: “Sau ba tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà Người này còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ, tức đương nhiên không còn giá trị thi hành”. Có lẽ, không khó để nhận ra, ý chí của Nhà làm luật rất quyết đoán: Nếu Ông/Bà còn khỏe mạnh, thì phải lập di chúc bằng văn bản, mà không còn lựa chọn nào khác.

Quan điểm này, rõ ràng không còn phù hợp trước sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại - Một bản ghi hình có âm thanh, với chủ đích là lập di chúc (Lưu ý là chủ đích lập di chúc bằng một tuyên bố rõ ràng trong video, chứ không phải chỉ là câu chuyện phiếm nói lúc trò chuyện bâng quơ) thực sự còn đáng tin hơn nhiều so với việc lập di chúc bằng văn bản. Bởi nhìn vào văn bản, đôi khi sẽ không ai biết được lúc lập văn bản, Người đó có tự nguyện không, có bị lừa dối không, chẳng thế mà có nhiều văn bản đã bị tuyên vô hiệu, khi người xác lập đưa ra bằng chứng hữu hiệu phản bác. Trong khi với một bản ghi hình có âm thanh, Bà con ta sẽ có nhiều cơ hội hơn để xét đoạn rằng, ý chí của người lập Di chúc có chân thực, vui vẻ, nghiêm túc hay không. Do đó, việc không ghi nhận hình thức Di chúc dưới dạng dữ liệu điện tử, có lẽ là một điều chưa hợp lý của Luật dân sự, nếu không muốn nói là lạc hậu. Mặc dù Bộ luật tố tụng dân sự ghi nhận nguồn chứng cứ có thể là dữ liệu điện tử, nhưng nó không là căn cứ trong tình huống này, với quá nhiều điều kiện để Di ngôn có hiệu lực đã nêu ở trên.

Tuy nhiên, dù còn hợp lý hay không, luật là luật – Do đó, để tránh rủi ro pháp lý, tránh những tranh chấp, kiện tụng không đáng có, nên với những quy định hiện tại, Bà con ta muốn lập Di chúc, thì cần cố gắng lập bằng Văn bản có công chứng tại Văn phòng/Phòng công chứng hoặc chứng thực tại Ủy ban xã, càng tốt. Bởi một bản ghi âm, thậm chí là ghi hình có âm thanh vẫn chưa được coi là Di chúc hợp pháp theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành.

Viết tại Sài Gòn – Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan