NHÂN VIÊN VI PHẠM PHÁP LUẬT VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA NGÂN HÀNG!

Nhân viên ngân hàng khi làm việc, giao dịch với Khách hàng, luôn mang trong mình tư cách pháp lý là Người của Ngân hàng, hành động dựa trên sự cho phép, ủy quyền đại diện của Ngân hàng - Điều đó là đương nhiên. Cho nên mọi hành vi pháp lý của Nhân viên ngân hàng trong quá trình này, đều làm phát sinh quyền và nghĩa vụ cho Ngân hàng, bởi lúc này, hành vi của Nhân viên chính là hành vi của Ngân hàng (Được thực hiện thông qua Nhân viên ngân hàng).

Ngược lại, Khách hàng, khi giao dịch với Nhân viên ngân hàng, luôn nhận thức rằng là đang làm việc với một Người có thẩm quyền đại diện cho Ngân hàng, có một tư cách pháp lý rõ ràng, mà không phải là đang làm việc với một Con người, Cá nhân cụ thể nào đó ngoài xã hội. Nhận thức này dựa trên "Niềm tin công tín" do Ngân hàng đã tạo ra trong quá trình hoạt động, tuyển dụng, quy chế làm việc, mà không phải do Khách hàng tự ngộ nhận.

Chính vì thế, khi Nhân viên ngân hàng vi phạm pháp luật, gây thiệt hại hoặc chiếm đoạt tài sản của Khách hàng, thì Ngân hàng phải có trách nhiệm bồi thường, bồi hoàn cho Khách hàng. Đây là trách nhiệm pháp lý, là một nghĩa vụ luật định giành cho Pháp nhân đối với thiệt hại do Người của pháp nhân gây ra, mà không phải là một nghĩa cử ân tình hay ban ơn nào cả, để Ngân hàng có quyền nhận hoặc tước bỏ.

Ấy thế nhưng - Khi rủi ro pháp lý xảy ra, Ngân hàng sẽ luôn hành xử theo một bài như đã định sẵn: Kỷ luật sa thải, đuổi việc Nhân viên, và chuyển hồ sơ sang cơ quan Điều tra, rồi sau đó là thoái thác trách nhiệm. Nhưng dẫu là vậy, thì cách lẫn tránh trách nhiệm đó, hoàn toàn vô căn cứ. Bởi quyết định đuổi việc, không thể có giá trị hồi tố, không thể xóa bỏ tư cách pháp lý của Nhân viên ngân hàng đã tồn tại trong quá khứ, mà nó chỉ có giá trị từ sau ngày ban hành quyết định mà thôi, nghĩa rằng với những gì đã tồn tại, xảy ra thì vẫn mặc nhiên ràng buộc quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên với nhau.

Đôi khi - Ngân hàng cố giải thích rằng, những hành vi vi phạm pháp luật của Nhân viên, là do tự thực hiện, Ngân hàng không biết, không chỉ đạo, nên không phải chịu trách nhiệm. Đó là một lời giải thích không có cơ sở pháp lý, bởi việc Ngân hàng không biết, không chỉ đạo là đương nhiên, vì nếu biết, chỉ đạo thì đã thành Tổ chức tội phạm và cùng phải chịu trách nhiệm hình sự rồi. Chính vì Ngân hàng không biết, không chỉ đạo, nên mới chỉ có trách nhiệm dân sự là bồi hoàn, bồi thường thiệt hại cho Khách hàng, mà không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Điều đó cũng giống như, Cha mẹ có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại thay cho Con dưới 18 tuổi, khi Con gây ra thiệt hại cho Người khác. Cha mẹ không thể viện lý do là không biết, không chỉ đạo để thoái thác trách nhiệm bồi thường. Cha mẹ cũng không thể viết giấy từ Con, để lẫn tránh nghĩa vụ bồi thường - Nên Ngân hàng cũng không thể dùng chiêu bài đuổi việc Nhân viên, để chối bỏ trách nhiệm của mình. Mặc dù trong thực tế, Ngân hàng có thể bằng cách này, hay cách khác, đã có những lần "thoát nạn" thành công. Nhưng cách "thoát nạn" đó luôn khiến cho uy tín, thương hiệu của Ngân hàng bị sụp đổ, trong lòng Khách hàng và Công chúng.......

Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan