TỪ VỤ HÓA ĐƠN HẢI SẢN HẾT 42 TRIỆU ĐỒNG: HIỂU VỀ THẨM QUYỀN ĐẠI DIỆN!

Tác giả vốn định không viết bài về vụ việc này, vì những vấn đề pháp lý có liên quan như trường hợp đã thỏa thuận trước về giá cả, trường hợp giá cả đã được công bố công khai, trường hợp không có thỏa thuận trước về giá cả và giá cả cũng chưa được niêm yết công khai, sẽ dẫn đến hệ quả pháp lý như thế nào - Đều đã được Tác giả trình bày rất cụ thể trong Bài viết về vụ việc ly cà phê hơn 7 triệu đồng tại Đà Lạt, cách đây không lâu (Đường dẫn: https://luatsudangbaky.com/ly-ca-phe-hon-7-trieu-dong-va-quy-dinh-cua-phap-luat-ve-thuan-mua-vua-ban-.html). Nên Bà con nếu đã đọc Bài viết này, thì có thể hiểu và vận dụng tương tự, như trong vụ việc hải sản tại Nha Trang, cũng chỉ có 03 khả năng pháp lý có thể xảy ra như vậy thôi.

Tuy nhiên, vụ việc hải sản, có thêm một tình tiết pháp lý khá thú vị, đó là: Nhóm khách hàng có cho rằng, khi gọi món và thỏa thuận giá, chỉ là một Người trong Nhóm (Chúng ta tạm gọi là Ông A) đứng ra đại diện giao dịch với Nhà hàng, nhưng khi tính tiền thì lại là một Người khác (Cũng trong cùng Nhóm)?! Vậy vấn đề đặt ra ở đây là: Ông A có thẩm quyền đại diện cho 21 Người còn lại, để trao đổi (Ngôn ngữ pháp lý gọi là đàm phán) với Nhà hàng, về việc gọi món, thống nhất giá cả hay không?! Bài viết này, sẽ giúp Bà con hiểu rõ thêm về các vấn đề pháp lý có liên quan. Mặc dù đây là một vụ việc nhỏ, nhưng trong thực tiễn, việc tranh chấp liên quan đến thẩm quyền tư cách đại diện là khá phổ biến, bao gồm nhiều vụ án lớn, về người đại diện của công ty.....

1. Đại diện là việc một/nhiều Người nhân danh và vì lợi ích của một/nhiều Người khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Ví dụ: Ông A ủy quyền cho Ông B bán căn nhà của Ông A. Trong trường hợp này, Ông A là Người được đại diện, Ông B là Người đại diện. Bà con có thể tìm hiểu thêm về Hợp đồng ủy quyền, Giấy ủy quyền và các vấn đề pháp lý khác có liên quan đến ủy quyền tại các Bài viết đã được Tác giả đã đăng trên trang này.

2. Căn cứ xác lập quyền đại diện bao gồm: (i) Quy định của pháp luật về đại diện đương nhiên, ví dụ Cha mẹ đại diện cho Con chưa thành niên; (ii) Xác lập giao dịch ủy quyền, ví dụ Ông X ký giấy ủy quyền cho Ông Y đại diện đi lãnh tiền bồi thường; (iii) Theo điều lệ của pháp nhân, ví dụ điều lệ Công ty Z, quy định Chủ tịch hội đồng quản trị là Người đại diện của Công ty; (iv) Theo quyết định của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ví dụ Tòa án trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, sẽ chỉ định Người đại diện của Đương sự trong một số trường hợp nhất định.

3. Quay lại với vụ việc nêu trên, Chúng ta thấy rằng Nhóm gồm 22 Người này đi chung với nhau, và Ông A là một trong 22 Người này. Ông A là Người đứng ra gọi món, thỏa thuận giá cả với Nhà hàng, vậy Ông A có được xem là Người đại diện của Nhóm hay không, có thẩm quyền đại diện, thay mặt Nhóm xác lập giao dịch với Nhà hàng hay không?! Có thể thấy - Đây không phải là đại diện đương nhiên theo pháp luật, cũng không phải đại diện theo điều lệ của pháp nhân, càng không phải theo quyết định của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền - Như vậy, chỉ còn một trường hợp có thể vận dụng: Đại diện theo ủy quyền!

4. Tất nhiên, không có văn bản ủy quyền nào đã được lập trong trường hợp này cả - Và pháp luật không hề quy định việc ủy quyền bắt buộc phải lập thành văn bản, trừ một số trường hợp nhất định. Và pháp luật cũng đã có những dự liệu cụ thể cho trường hợp như vụ hải sản vừa nêu, để tránh những Người thiếu thiện chí có thể tìm cách trốn tránh nghĩa vụ. Thật vậy - 22 Người trong một nhóm đi chung với nhau, Ông A đứng ra gọi món, thống nhất giá cả: 21 Người còn lại trong nhóm, biết rõ điều này nhưng không hề phản đối, vẫn để cho Ông A xác lập giao dịch, và sau đó cả nhóm cùng thưởng thức. Như vậy việc 21 Người này biết mà không phản đối và còn ăn chung sau đó, cho thấy Họ chấp thuận mặc nhiên cho Ông A đại diện Họ, để giao dịch với Nhà hàng. Do đó theo quy định tại Điều 142.1.a và 142.1.b Bộ luật dân sự 2015, thì giao dịch mà Ông A đã xác lập có giá trị pháp lý và hiệu lực thi hành với cả Nhóm.

5. Ngoài ra, việc cả Nhóm đi chung với nhau, Ông A đứng ra gọi món cho cả 22 Người ăn, nhưng không ai có động thái gì, cả Nhóm vẫn ngồi ăn vui vẻ - Điều này, khiến cho Nhà hàng, có quyền suy luận hợp lý rằng, Ông A chính là "Trưởng đoàn". Do đó - Theo quy định tại Điều 142.1.c Bộ luật dân sự 2015, thì chính những Người này đã có lỗi dẫn đến việc Nhà hàng cho rằng, Ông A có tư cách đại diện, do đó giao dịch đã thực hiện có giá trị pháp lý với cả Nhóm người này. Hay nói cách khác, có quá nhiều căn cứ pháp lý để khẳng định rằng, Ông A - Người gọi món và thỏa thuận giá, có thẩm quyền đại diện cho cả Nhóm, nên không thể lập luận rằng chỉ mình Ông A thống nhất giá cả, không có giá trị pháp lý thi hành.

Như đã nêu ở phần đầu Bài viết, ở đây Chúng ta chỉ bàn về khía cạnh Người có quyền đại diện, bởi những vấn đề khác đã được nêu trong những Bài viết với vụ việc tương tự. Nhưng có thể nói rằng, cách lập luận của Nhóm khách hàng, chỉ xét riêng ở lập luận "Khi gọi món và thỏa thuận giá, chỉ là một Người trong nhóm (Chúng ta đã tạm gọi là Ông A) đứng ra đại diện giao dịch với Nhà hàng, nhưng khi tính tiền thì lại là một Người khác" - Lập luận này khá "vô duyên", nó đẩy Xã hội vào tình thế phải "Kém duyên" với nhau. Vì không lẽ bây giờ cứ thấy một Nhóm nhiều Người đi chung với nhau, nhưng khi chỉ một Người đứng ra gọi món, thống nhất giá, thì Nhà hàng lại phải hô to lên: Cho hỏi cả Nhóm có đồng ý là Ông này sẽ đại diện gọi món, trả giá không, hay sao?! Nghĩa rằng, ngay cả khi muốn tố giác sự chặt chém - Dù trong vụ này có vẻ như không, thì cũng phải dựa vào lập luận khác, chứ không thể nói rằng, chỉ một Người trong nhóm đã thống nhất giá mà thôi. Với những Bạn Độc giả nào muốn biết tính pháp lý về nội dung vụ việc, thì có thể ngắn gọn rằng: Đã thỏa thuận, thống nhất về giá, nghĩa rằng đã thuận mua vừa bán, thì đó là giao dịch hợp pháp, có hiệu lực thi hành...

Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan