PHÁP LUẬT ĐẤT ĐAI KHÔNG CÓ QUY ĐỊNH NGƯỜI DÂN PHẢI TRỰC TIẾP SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP MỚI ĐƯỢC NHẬN THỪA KẾ ĐẤT NÔNG NGIỆP: DẪN CHIẾU VÀ PHÂN TÍCH!
Dẫn nhập: Báo Tuổi trẻ có Bài viết với tiêu đề “Phải có xác nhận 'nông dân' mới được thừa kế đất nông nghiệp”, nội dung đại ý: “Nhiều người nhận thừa kế, tặng cho hoặc sang nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp đang gặp rắc rối khi được yêu cầu phải có xác nhận là nông dân trực tiếp sản xuất mới được nhận đất” (Một số Trang báo khác cũng có nội dung tương tự). Thậm chí, sau đó Báo Tuổi trẻ còn có Bài viết “Kiến nghị bỏ quy định 'phải có xác nhận nông dân mới được thừa kế đất nông nghiệp'”.
Thú thật, Tác giả vô cùng bất ngờ với thông tin vừa nêu trên – Bởi cần khẳng định ngay rằng, pháp luật về đất đai, không hề có bất kỳ quy định nào yêu cầu Người dân phải trực tiếp sản xuất nông nghiệp, mới được quyền nhận thừa kế đất nông nghiệp – Đó là điều chắc chắn. Cho nên, chỉ có việc ai đó do yếu kém chuyên môn dẫn đến hiểu sai hoặc cố tình hiểu sai, vận dụng sai vì động cơ, mục đích nào đó – Còn Luật đất đai không quy định như vậy.
Điều 169.1.b Luật đất đai năm 2013 quy định: “Hộ gia đình, cá nhân được nhận chuyển quyền sử dụng đất thông qua nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, trừ trường hợp quy định tại Điều 191 của Luật này”. Theo quy định tại 191 Luật đất đai năm 2013, thì “Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa” và “Hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng, nếu không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó”.
Trong khi đó, Điều 169.1.d Luật đất đai năm 2013 quy định “Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được nhận chuyển quyền sử dụng đất thông qua nhận thừa kế quyền sử dụng đất” – Mà không hề có ngoại trừ nào cả như trường hợp nhận chuyển nhượng, tặng cho vừa quy định mới nêu ở trên. Điều đó, có nghĩa rằng Hộ gia đình/Cá nhân được quyền nhận thừa kế quyền sử dụng đất nông nghiệp, mà không bị hạn chế bởi bất kể lý do gì, bao gồm cả việc có hay không có đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Ngay cả Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng có quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở cũng có quyền được nhận thừa kế đất nông nghiệp bình thường như Bà con ta.
Hơn thế nữa, cần phải hiểu cho đúng quy định tại 191 Luật đất đai năm 2013: “Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa” và “Hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng, nếu không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó” – Như sau:
1. Một là, Luật chỉ đưa ra yêu cầu về hạn chế đối với đất trồng lúa, là một trong các loại đất nông nghiệp, chứ không phải mọi loại đất nông nghiệp nói chung, có nghĩa rằng đối với đất trồng cây hàng năm khác không phải đất trồng lúa, hay đất trồng cây lâu năm, cũng đều là đất nông nghiệp, nhưng không bắt buộc phải là Người trực tiếp sản xuất nông nghiệp mới được nhận chuyển nhượng. Hay nói cách khác chỉ khi nào nhận tặng cho, nhận chuyển nhượng đất trồng lúa thì mới cần phải có xác nhận là “Nông dân”, còn nếu là đất nghiệp khác thì không cần và cũng chỉ đối với giao dịch là tặng cho, chuyển nhượng mà không áp dụng đối với thừa kế, tức nhận thừa kế thì không cần phải có xác nhận này, kể cả là đất trồng lúa.
2. Hai là, Luật chỉ đưa ra yêu cầu đối với đất thuộc phạm vi trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng thì Người nhận chuyển nhượng (Mua), nhận tặng cho mới cần phải có xác nhận là “Dân thổ địa” tức phải đang sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó và cũng chỉ đối với giao dịch là tặng cho, chuyển nhượng mà không áp dụng đối với thừa kế, tức nhận thừa kế thì không cần phải có xác nhận này, nghĩa rằng ngay cả khi không sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, vẫn được nhận thừa kế đất trong khu vực này.
Giải thích thêm một chút để Bà con hiểu, riêng với việc nhận chuyển nhượng (Mua), nhận tặng cho đất trồng lúa, Luật yêu cầu Người mua, nhận tặng cho phải đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp là hợp lý, nhằm bảo vệ quỹ đất trồng lúa, cây lương thực quan trọng của nước ta, tránh trường hợp đất trồng lúa bị thâu tóm, sử dụng vào mục đích khác. Riêng trường hợp này không có gì là bất cập cả - Tuy nhiên, nhấn mạnh lại rằng, quy định chỉ áp dụng với đất trồng lúa mà thôi.
Nói tóm lại, Luật đất đai, Luật dân sự không có bất kỳ quy định nào về việc Người nhận thừa kế đất nông nghiệp phải có xác nhận là đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp mới được nhận thừa kế đất nông nghiệp. Ngay cả việc nhận chuyển nhượng, tặng cho thì Luật cũng chỉ đặt điều kiện đối với đất trồng lúa mà không hề đặt điều kiện với mọi loại đất nông nghiệp nói chung, thì huống chi thừa kế lại có thể đặt ra một quy định vô lý như vậy. Cho nên chỉ có việc ai đó do yếu kém chuyên môn dẫn đến hiểu sai hoặc cố tình hiểu sai, vận dụng sai vì động cơ, mục đích nào đó – Còn Luật đất đai không quy định như vậy!
Viết tại Sài Gòn – Luật sư: Đặng Bá Kỹ!