DI CHÚC HỢP PHÁP: LUẬN GIẢI CHUYÊN SÂU NHỮNG KHÍA CẠNH PHÁP LÝ!

Trước đây - Trên Trang Fanpage của mình, Tác giả đã có một Bài viết về "Một số quy định pháp lý về Thừa kế", trong đó Tác giả đã giải nghĩa các vấn đề như: Bản chất của Thừa kế; Thừa kế theo Di chúc; Thừa kế theo pháp luật; Những Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung Di chúc; Cách chia thừa kế .......

Tuy nhiên, sau đó vẫn có rất nhiều Độc giả nhắn tin hỏi thêm một số vấn đề mang tính chuyên sâu hơn về Di chúc. Vì vậy, để cho nhiều Người có thể tiếp cận được - Tác giả sẽ trình bày cụ thể thêm một số vấn đề pháp lý về Di chúc đặc biệt là về khía cạnh Hình thức của Di chúc. Riêng những nội dung, mà Tác giả đã trình bày trong Bài về Thừa kế nêu trên, xin phép không nhắc lại ở đây, Bà con có thế tìm đọc trên Trang này.

I. HIỂU VỀ KHÁI NIỆM DI CHÚC

Bộ luật Dân sự hiện hành quy định: "Di chúc là sự thể hiện ý chí của Cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho Người khác sau khi chết". Trước hết, ở đây Chúng ta cần lưu ý rằng: Luật chỉ quy định là "Chuyển tài sản" mà không hề nói là "Chuyển quyền sở hữu tài sản". Trong khi đây là những khái niệm không đồng nhất.

Như vậy, khi lập Di chúc, Chủ sở hữu có thể xác định là Chuyển quyền sở hữu tài sản: Tức là chuyển toàn bộ 3 quyền của một Chủ sở hữu, gồm: Quyền chiếm hữu, Quyền sử dụng và Quyền định đoạt. Tuy nhiên, Người lập Di chúc cũng có thể chỉ chuyển quyền sử dụng (Quyền hưởng dụng) mà không hề chuyển quyền sở hữu.

Ví dụ 1: Ông A có một căn nhà thuộc quyền sở hữu của mình. Ông A lập di chúc với nội dung: Khi Ông A chết, căn nhà được để lại cho Ông B, hoặc có thể ghi đầy đủ hơn: Khi Ông A chết, căn nhà thuộc quyền sở hữu của Ông B. Như vậy trong trường hợp này, khi Ông A chết, Ông B được toàn quyền định đoạt căn nhà, muốn tặng cho, trao đổi, mua bán gì tùy ý.

Ví dụ 2: Ông A có một căn nhà thuộc quyền sở hữu của mình. Ông A lập di chúc với nội dung: "Khi Ông A chết, Ông B sẽ được quyền sử dụng trong vòng 20 năm, khi kết thúc thời hạn 20 năm này, Chị D sẽ được quyền sở hữu ngôi nhà này". Như vậy, trong trường hợp này, khi Ông A chết, Ông B chỉ được sử dụng ngôi nhà này, mà không được tặng cho, mua bán trao đổi như Ví dụ 1. Hay nói cách khác, ở đây Ông A chỉ chuyển quyền sử dụng căn nhà, mà không chuyển quyền sở hữu cho Ông B.

Do đó, ở đây Bà con phải nắm rõ một vấn đề: Nếu như trong Hợp đồng mua bán, thì chắc chắn đó là giao dịch chuyển quyền sở hữu; Trong Hợp đồng cho thuê, thì chắc chắn đó là giao dịch chuyển quyền sử dụng; Thì đối với Di chúc, đó có thể là giao dịch chuyển quyền sở hữu, cũng có thể chỉ là chuyển quyền sử dụng - Cho nên để tránh tranh chấp về sau, trong Di chúc cần thể hiện rõ, đó là chuyển quyền sở hữu, hay chỉ chuyển quyền sử dụng!

II. DI CHÚC HỢP PHÁP

Một Di chúc được xem là Hợp pháp, khi tổng thể các yếu tố cấu thành, thiết lập nên Di chúc là Hợp pháp, bao gồm: Chủ thể, Ý chí, Nội dung, Hình thức - Đều Hợp pháp. Nghĩa rằng, chỉ cần có một yếu tố không hợp pháp, Di chúc sẽ vô giá trị.

1. Điều kiện về Chủ thể

Chỉ có Cá nhân mới được lập Di chúc. Tổ chức không có quyền này. Trước đây, Bộ luật Dân sự 2005 có quy định về Di chúc chung của Vợ chồng. Nhưng Bộ luật Dân sự 2015, không còn quy định. Do vậy, Di chúc chung của Vợ chồng hiện nay là một dấu hỏi về tính pháp lý, bởi sự bỏ ngõ của Luật.

Cá nhân lập Di chúc phải là Người đủ từ 18 tuổi trở đi và phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Nghĩa rằng Người bị bệnh tâm thần (Mất năng lực hành vi) thì không được lập Di chúc.

Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể lập Di chúc nếu được Cha mẹ hoặc Người giám hộ đồng ý. Như vậy, Người chưa đủ 15 tuổi không được lập Di chúc.

2. Điều kiện về Ý chí của Người lập Di chúc

Người lập Di chúc phải trong trạng thái minh mẫn sáng suốt, không bị lừa dối, ép buộc hay đe dọa. Nghĩa rằng khi đang say rượu, say các chất kích thích khác, tinh thần không tỉnh táo, thì không được lập Di chúc.

Người lập Di chúc phải hoàn toàn tự nguyện. Nếu bị cưỡng ép, lừa dối hay đe dọa thì Di chúc không có giá trị pháp lý.

3. Điều kiện về Nội dung

Nội dung di chúc phải không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Ví dụ, một Ông lập Di chúc để lại Cô bồ nhí của mình cho Thằng bạn, thì Di chúc này đương nhiên không có giá trị pháp lý.

4. Điều kiện về Hình thức

Di chúc có thể được lập dưới nhiều hình thức khác nhau: Ví dụ Di chúc Miệng; Di chúc bằng Văn bản; Di chúc có Công chứng, chứng thực - Với những lưu ý sau đây:

- Trường hợp Di chúc bắt buộc phải công chứng, chứng thực: Thông thường Di chúc không nhất thiết phải công chứng, chứng thực vẫn có giá trị. Tuy nhiên, đối với Người không biết chữ hoặc Người có hạn chế về thể chất, thì Di chúc bắt buộc phải có công chứng, chứng thực mới có giá trị.

- Di chúc bằng Văn bản không có Người làm chứng: Người lập Di chúc tự viết, tự ký vẫn có hiệu lực pháp lý, nếu đáp ứng đủ cả ba điều kiện nêu trên về Chủ thể, ý chí và nội dung.

- Di chúc bằng Văn bản có Người làm chứng: Luật đôi khi quy định khá khó hiểu, trường hợp Người lập Di chúc tự viết, tự ký vẫn có hiệu lực pháp lý mà không cần Người làm chứng! Nhưng nếu đã có Người làm chứng thì phải có ít nhất 2 Người làm chứng mới có giá trị; Tức 01 Người làm chứng thì không được. Lưu ý: Người được thừa kế không được là Người làm chứng. Người chưa đủ 18 tuổi cũng không được làm chứng.

- Di chúc Miệng: Khi tính mạng của Người để lại Di sản bị đe dọa (Hấp hối), không thể lập Di chúc bằng văn bản, thì có thể lập Di chúc miệng - Sau 03 tháng kể từ thời điểm Di ngôn miệng, mà Người này vẫn còn sống minh mẫn, sáng suốt, thì Di chúc miệng xem như bị hủy bỏ, không có giá trị. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất 2 Người làm chứng và ngay sau khi Người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, Người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng. Lưu ý, ở đây là Chứng thực chữ ký của Người làm chứng, không phải Công chứng nội dung Di chúc miệng.

III. DI CHÚC BỊ THẤT LẠC, HƯ HỎNG

Kể từ thời điểm Người lập Di chúc chết, nếu: (i) Bản di chúc bị thất lạc; Hoặc Bản di chúc bị hư hại, nhàu nát, cũ hỏng đến mức không thể hiện được đầy đủ ý chí của người lập di chúc và cũng không có bằng chứng nào chứng minh được ý nguyện đích thực của Người lập di chúc; Thì trong trường hợp này coi như không có di chúc; Đồng thời áp dụng các quy định về thừa kế theo pháp luật để chia di sản.

Sau khi chia Di sản thừa kế theo pháp luật: Trong vòng 10 năm đối với Động sản, 30 năm đối với Bất động sản - Tính từ ngày Người để lại di sản chết - Mà Di chúc bị thất lạc được tìm thấy, thì phải chia lại Di sản theo Di chúc, khi Người được thừa kế theo Di chúc có yêu cầu. Như vậy trong trường hợp này, trước đó Ai lỡ được nhận Di sản theo pháp luật, mà giờ theo Di chúc được tìm thấy, không được hưởng, thì phải trả lại Di sản cho Người được thừa kế theo Di chúc. Nếu tài sản không còn, thì phải trả theo giá trị.

Nói tóm lại - Di chúc được coi là Hợp pháp, khi đáp ứng đầy đủ các Điều kiện hợp pháp về năng lực Chủ thể lập Di chúc, về Ý chí vào thời điểm lập Di chúc, về Nội dung Di chúc và Hình thức Di chúc phải phù hợp với từng trường hợp nêu trên - Mà nếu thiếu một trong các yếu tố đó, Di chúc sẽ bị Vô hiệu, không có giá trị thi hành!

Viết tại Sài Gòn - Luật sư Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)