TỘI THAM Ô TÀI SẢN VÀ NHẬN DIỆN NGƯỜI CÓ CHỨC VỤ/QUYỀN HẠN TRONG CÁC DOANH NGHIỆP NGOÀI NHÀ NƯỚC: TIẾP CẬN TỪ CÁC HỌC THUYẾT PHÁP LÝ!

Tiền đề 1. Bộ luật hình sự hiện hành (Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017, có hiệu lực thi hành từ năm 2018) khi quy định về “Tội tham ô tài sản” đã có một thêm quy định mới, so với các Bộ luật hình sự trước đây – Theo đó, Chủ thể của tội phạm này, không chỉ là những Người có chức vụ, quyền hạn trong lĩnh vực công (Ngôn ngữ bình dân gọi là “Người nhà nước”), mà còn có thể bao gồm cả Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước (Những Người hoạt động trong lĩnh vực tư nhân, ví dụ như Chủ tịch hội đồng quản trị một Công ty cổ phần do nhiều cá nhân sở hữu cổ phần, cũng có thể là Chủ thể của loại tội phạm này).

Tiền đề 2. Trong Vụ án hình sự liên quan đến Tập đoàn V.T.P, đã có tranh luận gay gắt giữa đại diện Viện kiểm sát (Cơ quan công tố có chức năng buộc tội) và Bà Tr.M.L cũng như các Luật sư của Bà Tr.M.L (Người bào chữa có chức năng gỡ tội) về vấn đề định danh loại Chủ thể của tội phạm này. Cụ thể - Trong khi các Luật sư cho rằng Bà Tr.M.L không thể là Chủ thể của “Tội tham ô tài sản”, vì Bà không có chức vụ, quyền hạn gì trong Ngân hàng SCB (Hiểu nôm na: Dường như các Luật sư có ý ám chỉ là Bà Tr.M.L phải giữ một trong các chức vụ như Chủ tịch/Thành viên hội đồng quản trị, Tổng giám đốc… Thì mới có thể là Chủ thể của loại tội phạm này); Thì ngược lại, Cơ quan công tố cho rằng, Bà Tr.M.L gián tiếp nắm giữ hơn 90% cổ phần của SCB, thừa khả năng chi phối hoạt động của SCB, nên là Chủ thể của tội phạm này. Tòa án cấp sơ thẩm phán quyết, chấp nhận quan điểm của Viện kiểm sát.

Tiền đề 3. Felix Frankfurter – Tác giả của cuốn sách “Mr. Justice Holmes and the Supreme Court” khi bình luận về một Vụ án đã từng cho rằng: “Sẽ là một quan niệm hẹp hòi về luật học, nếu giới hạn khái niệm “luật” trong phạm vi những gì được ghi trong sách luật, và bỏ qua sự bóng bẩy mà cuộc sống đã viết lên nó” (Dẫn theo “Các lý thuyết pháp luật đương đại trên Thế giới” – Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội). Nói chung ngay cả khi Người ta chấp nhận đứng chung trong một Trường phái/Học thuyết pháp lý – Ví dụ, chẳng hạn như “Chủ nghĩa pháp lý hiện thực ở Mỹ”, nhưng vẫn có những phân nhánh của nó (i) Chủ nghĩa hoài nghi quy tắc, hay (ii) Chủ nghĩa hoài nghi sự thật, nên việc trái ngược quan điểm là điều bình thường, vấn đề là, giới hạn của nó đến đâu, để không tạo ra sự lệch lạc.
----------

Xác định cấu thành tội phạm của “Tội tham ô tài sản” là một thách thức không hề nhỏ, đối với một số sự vụ nhất định trên thực tế - Trong tình huống đó, đòi hỏi Người thực hành phải có kiến thức pháp luật tổng hợp của rất nhiều lĩnh vực, có nghĩa rằng nếu chỉ chuyên về một lĩnh vực nào đó như nhiều Người vẫn tuyên ngôn, rất có thể khiến cho vấn đề trở nên bế tắc và trầm trọng. Đầu tiên – Hãy khoan chỉ nói đến Chủ thể - Mà hãy nói đến tài sản bị chiếm đoạt, đó chính là tài sản mà Người bị cho là tham ô có trách nhiệm quản lý, lưu ý là quản lý chứ không phải là chiếm hữu.

Ngay việc xác định nội hàm thuật ngữ “Quản lý” trong bối cảnh này, đã là vấn đề của mọi vấn đề! Tác giả Ngô Huy Cương, một Chuyên gia pháp luật hàng đầu trong lĩnh vực dân sự và hợp đồng với những Tác phẩm chất lượng, đã từng nhiều lần cho rằng “Hình sự là cái bóng của Dân sự”, nhưng áp dụng trong tình huống này, cũng có những khó khăn nhất định. Nếu dựa trên lý thuyết về vật quyền, thì Người không phải là Chủ sở hữu có thể được chiếm hữu, sử dụng, thậm chí là định đoạt, nếu có thỏa thuận với Chủ sở hữu hoặc luật định, nhưng Luật dân sự không dùng từ quản lý trong tình huống này. Vậy trong sự đối sánh của “Hình sự là cái bóng của Dân sự”, thì nội hàm thuật ngữ “Quản lý” ở đây phải xác định thế nào, là quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt hay rộng hơn là chỉ cần có thể chi phối được – Lưu ý rằng, ngay cả khi nếu chỉ hiểu hạn hẹp, quản lý chính là trông coi, trông giữ, thì trong đó cũng đã phải có quyền chiếm hữu?! Lúc này, vấn đề sẽ ở nội hàm của từ chiếm hữu được xác định ở biên độ nào. Trong Vụ án V.T.P không thấy Bên nào khai thác luận điểm này, dù đây mới chính là chi tiết đắt giá nhất – Tài sản bị chiếm đoạt phải là tài sản mà người chiếm đoạt có trách nhiệm quản lý. Vậy ai có trách nhiệm quản lý tiền của SCB – Chưa thấy ai hỏi, đương nhiên cũng chưa có ai trả lời!?!

Nhiều Chuyên gia luật học nổi tiếng như Tác giả Nguyễn Ngọc Điện, trong nhiều Chuyên khảo luật học cho rằng, chiếm hữu là một trạng thái thực tế, từ trạng thái thực tế này sẽ suy đoán ra Người có quyền và Người có nghĩa vụ chứng minh về Người nào mới là Người có quyền. Cùng quan điểm như vậy, có nhiều Tác giả đã phân tích sâu hơn và cho rằng, chiếm hữu không chỉ nên xem đó là một trạng thái vật lý, giống như đang cầm, nắm, mà phải hiểu rộng hơn, Người có thể chi phối tình trạng tài sản đó, cũng được coi là Người chiếm hữu. Ví dụ như A cho B mượn một chiếc xe, B đi chiếc xe này, và có gửi tại một bãi giữ xe khi đi công việc, mặc dù vào thời gian gửi xe, B không trực tiếm cầm, nắm chiếc xe, những vẫn được xem là đang chiếm hữu xe, vì có quyền chi phối, tức có quyền lấy xe ra, hoặc tiếp tục gửi ở đó. Tuy nhiên – Ngay cả khi như vậy, trong thời gian gửi xe, Ai đang có trách nhiệm quản lý chiếc xe này? Người trông xe hay B?! Có vẻ như cả hai, tùy vào góc độ tiếp cận. Đối với A, A cho B mượn xe, A xem B là người có trách nhiệm quản lý xe mượn, nếu mất xe ngay cả khi B đang gửi xe ở bãi trông xe, thì B vẫn phải đền xe cho A. Nhưng đối với B, thì người quản lý và để mất xe chính là Chủ dịch vụ trông coi xe, những Người này phải đền cho B. Tất nhiên, không phải vụ việc nào cũng đơn giản như vậy!

Về vấn đề “Người có chức vụ quyền hạn trong Doanh nghiệp” mà các Bên đang tranh luận như đã nêu ở Tiền đề 2. Giả sử lúc đầu Bà Tr.M.L nắm một trong các chức vụ quan trọng trong SCB, thì chẳng có gì đáng bàn, ngôn ngữ bình dân gọi nôm “Như thế thì dễ quá rồi” – Điều cân não, ở chổ là về hình thức Bà Tr.M.L không giữ bất kỳ chức vụ nào. Cho nên, những Người bảo vệ Bà, đã cố gắng hết sức có thể, để bám vào ngữ nghĩa của mỗi câu chữ và giải thích nó một cách hẹp nhất có thể, với kỳ vọng, nếu xác định Bà không có chức vụ gì trong SCB, thì cấu thành tội phạm không thể thỏa mãn. Tuy nhiên, dẫu cho “Hình sự là cái bóng của Dân sự” thì “Người có chức vụ” theo định nghĩa của Luật Hình sự vẫn khác xa so với định nghĩa trong Luật doanh nghiệp. Theo luật hình sự thì Người có chức vụ là Người KHÔNG chỉ do được bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng MÀ CÒN do một hình thức khác (Điều 352.2). Như vậy, Chức vụ theo Luật hình sự, và Chức danh theo Luật doanh nghiệp là không đồng nhất. Dường như - Theo Luật hình sự, việc mang chức danh gì không phải là vấn đề quá quan trọng, mà quan trọng là có nhiệm vụ và quyền hạn hay không. Vậy Chúng ta tự hỏi: Chức danh quan trọng hay quyền lực thực tế quan trọng.

Ví dụ như: 3 Cổ đông A, B, C thành lập công ty D, họ thuê 5 Người làm Thành viên hội đồng quản trị, Tổng giảm đốc cho Công ty. Nhưng mọi quyết sách đều do 3 cổ đông quyết định, từ việc nhỏ đến việc lớn. 5 Người được thuê chỉ đứng tên về mặt danh nghĩa, và có thể bị đuổi việc bất cứ lúc nào, khi không nghe lời. Nếu xem A, B, C không có chức vụ, quyền hạn gì trong tình huống này, đó sẽ là một khe hở không lồ, để cho nhiều Người phạm pháp lọt qua. Bởi thực tế Họ đang có “Siêu quyền lực” trong Công ty.

Trường phái học thuyết pháp luật hiện thực, chứng thực, khi luận bàn về những vấn đề trên, thường đưa ra những khái niệm như Chủ sở hữu ẩn danh, Người quản lý giấu mặt… Cho nên, việc xác định chức vụ, quyền hạn, sẽ cần phải xem xét dựa trên yếu tố thực tế, là Ai mới là Kẻ nắm quyền hành thực sự sau bức màn che danh nghĩa. Theo đó - Trong Vụ án V.T.P, quan điểm của Cơ quan công tố là vượt trội hơn, tất nhiên vì thế cũng có cơ sở vững chắc hơn. Vì vậy – Dường như, việc lựa chọn tranh luận về vấn đề câu chữ của quy phạm, mà không dựa trên bản chất của nó, là một nước đi khá mạo hiểm Bên phía Bà Tr.M.L, chính điều này, có lẽ khiến Bà không được xem xét các tình tiết giảm nhẹ như ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo.

Không hiếm Người cho rằng, vì thiên chức là gỡ tội, nên đôi khi phải nói theo hướng gỡ tội, dù luận cứ khá mơ hồ. Quan điểm này, có lẽ cần phải được thay đổi. Ngay cả Cơ quan công tố, dù có chức năng buộc tội, nhưng họ vẫn phải có trách nhiệm xem xét cả những tình tiết gỡ tội, hay tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Bởi công lý là sự thật, không thể vì bất cứ lý do gì mà đổi trắng thay đen, càng không thể cãi lấy được, dù sai đi cả kiến thức chuyên môn cơ bản, để rồi bị đánh giá là kém hiểu biết.

Tuy nhiên, trong Vụ án của Bà Tr.M.L có một điểm rất quan trọng cần xem xét, như trên đã nêu, quy định về Người ngoài nhà nước cũng là chủ thể của “Tội tham ô tài sản” là một quy định mới có hiệu lực từ năm 2018. Nguyên tắc của luật hình sự là không được áp dụng hồi tố một trách nhiệm pháp lý mới, một trách nhiệm pháp lý nặng hơn, đối với những hành vi xảy ra trước khi quy định đó có hiệu lực. Cho nên thiết nghĩ, trong Vụ án này, cần phải phân tách hành vi của Bà Tr.M.L trước và kể từ ngày Bộ luật hình sự hiện hành có hiệu lực, trên cơ sở đó có thể phân hóa được trách nhiệm hình sự cho Bà Tr.M.L, khi kết hợp với việc Bà thừa nhận có quyền lực trong SCB, để có thể thận trọng xem xét lại hình phạt cho Bà. Dẫu sao, trước một án tử, không thể không có những suy tư…….


Viết tại Sài Gòn – Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

Bình luận (0)


Bài viết liên quan