PHÂN BIỆT TIỀN PHÁP ĐỊNH - TIỀN ĐIỆN TỬ VÀ TIỀN ẢO: LUẬN GIẢI VÀ KHUYẾN CÁO

Sự phát triển của Khoa học công nghệ đã khiến cho việc thanh toán trong mua bán được thực hiện bằng nhiều phương thức khác nhau, kèm theo đó là sự xuất hiện của cả những "Đồng tiền" phi truyền thống! Tuy nhiên, đây là những vấn đề không đơn giản, gây khó hiểu hoặc hiểu nhầm. Từ đó dẫn đến những rủi ro pháp lý không đáng có. Nhằm giúp Bà con có thể nắm được vấn đề bản chất nhất, trong phạm vi Bài viết này, Tác giả xin luận giải một số vấn đề cơ bản có liên quan, để Bà con tham khảo.

Chúng ta hãy bắt đầu từ Ví dụ: Ông A có 1 tỷ đồng tiền mặt. Ông A ra ngân hàng B để lập một tài khoản ATM, sau đó Ông A yêu cầu ngân hàng cung cấp dịch vụ cho Ông được thực hiện thanh toán điện tử, tức là khi mua hàng thì có thể "Chuyển tiền" thông qua mạng internet hay máy tính ...... Trong trường hợp này, số tiền mặt 01 tỷ đồng ban đầu của Ông A là tiền pháp định; Sau khi 01 tỷ đồng này được chuyển vào tài khoản của Ông A tại ngân hàng, thì tiền nằm trong tài khoản này được gọi là tiền điện tử.

Sau đó Ông A lại dùng toàn bộ số tiền này, để đầu tư mua 100 triệu tiền Kỹ thuật số BCI (Tiền mã hóa) do Công ty X phát hành - Thì lúc này, 100 triệu tiền BCI được gọi là "Tiền ảo"! Như vậy, từ ví dụ trên, Chúng ta thấy rằng: Tiền điện tử và tiền ảo là hoàn toàn khác nhau. Dù nhiều Người đã luôn lầm tưởng nó là một. Nhưng thực tế, thì khác xa nhau hoàn toàn, dù tiếp cận dưới bất kì góc độ nào. Cụ thể được phân tích, luận chứng như sau:

I. TIỀN PHÁP ĐỊNH

Ở ví dụ trên, Chúng ta thấy rằng: 01 tỷ tiền mặt ban đầu của Ông A, được gọi là tiền pháp định. Tiền pháp định là tiền do Cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước ban hành, được thể hiện dưới dạng: Tiền giấy và Tiền kim loại!

Đặc điểm của tiền pháp định là được bảo đảm thanh toán và quy đổi bởi luật pháp do Nhà nước ban hành. Ít nhất, trong lãnh thổ quốc gia đó, đồng tiền này có giá trị thanh toán tuyệt đối, mọi tổ chức cá nhân, phải chấp nhận thi hành.

Ví dụ 1: Ông H đến tiệm Kim cương, mua 01 hạt Kim cương có giá 5 tỷ đồng. Ông A có quyền mang theo 1 xe tải toàn tiền 5 nghìn đồng, thậm chí 1 nghìn đồng để thanh toán. Tiệm Kim cương phải cử Người đếm tiền, mà không được từ chối. Nếu từ chối, xem như chống lại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Như vậy, hiểu nôm na, đồng tiền pháp định luôn có giá trị và được bảo đảm thanh toán, bảo đảm Giá trị bởi Nhà nước.

II. TIỀN ĐIỆN TỬ

Như trên đã phân tích, Ông A gửi tiền vào tài khoản của mình; Thì số tiền này, khi nằm trong tài khoản ngân hàng của Ông A, được gọi là tiền điện tử. Như vậy, tiền điện tử có các đặc điểm sau đây - Và chính những đặc điểm này sẽ phân biệt với Tiền ảo:

1. Tiền điện tử là giá trị quy đổi bằng nhau với Tiền pháp định

Ví dụ 2: Ông M gửi 1 tỷ đồng vào tài khoản. Thì 1 tỷ đồng tiền mặt sẽ chuyển thành 01 tỷ đồng tiền điện tử - Không hơn không kém.

2. Tiền điện tử được bảo đảm quy đổi và hoàn giá trị

Ví dụ 3: Ông N gửi 1 tỷ đồng vào tài khoản. Thì 1 tỷ đồng tiền mặt sẽ chuyển thành 01 tỷ đồng tiền điện tử! Hai ngày sau, Ông N có việc cần, thì Ông N hoàn toàn có quyền ra ngân hàng rút một phần hoặc toàn bộ số tiền này, mà ngân hàng không có quyền từ chối.

3. Tiền điện tử được bảo đảm thanh toán giá trị như tiền pháp định

Ví dụ 4: Bà S ra tiệm vàng mua 1 cây vàng. Giá niêm yết là 40 triệu! Thì dù Bà S thanh toán bằng tiền mặt hay chuyển khoản cũng chỉ phải thanh toán 40 triệu.

Từ những đặc điểm trên, Chúng ta có thể hiểu nôm na: Tiền điện tử chính là Tiền pháp định được thể hiện dưới hình thức điện tử và có giá trị ngang bằng với tiền pháp định, được bảo đảm thanh toán như tiền pháp định.

III. TIỀN ẢO

Tiền ảo thuộc nhóm tài sản ảo! Và để hiểu về tài sản ảo, Chúng ta bắt đầu từ ví dụ: Bà con ta hay đi siêu thị, khi mua hàng, hay có cái gọi là tích điểm, tức là mua nhiều hàng, thì sẽ có bao nhiêu điểm thưởng đó.

Và khi điểm thưởng này đạt đến mức nhất định, Bà con sẽ được quy đổi điểm thưởng này, thành phiếu giảm giá, hoặc phiếu mua hàng, thanh toán bằng điểm thưởng. Nhưng điểm đặc biệt ở chổ: Điểm thưởng này, chỉ có giá trị quy đổi trong hệ thống siêu thị này mà thôi, phiếu giảm giá hay mua hàng, cũng chỉ có giá trị khi sử dụng mua hàng trong siêu thị này. Hiểu nôm na, ra khỏi siêu thị, thì điểm thưởng này vô giá trị. Điểm thưởng này là 01 loại tài sản ảo, có giá trị thanh toán vô cùng hạn chế, bởi tổ chức phát hành ra nó. Tiền ảo, cũng hiểu tương tự như vậy, và có đặc điểm sau đây:

1. Tiền ảo là một loại tiền phát minh được phát hành bởi Tổ chức tư nhân

Theo đó, tiền này về nguyên tắc, chỉ có giá trị thanh toán hạn chế trong phạm vi mà Tổ chức phát hành có thể kiểm soát được. Hay nói cách khác, nó chỉ có giá trị thanh toán hạn chế trong phạm vi hoạt động của Tổ chức đó. Như ví dụ siêu thị vừa nêu. Tức là không thể dùng tiền ảo đi đổ xăng, đi mua xe, mua nhà .......

2. Tiền ảo không có giá trị quy đổi với tiền pháp định theo nguyên tắc luật định, mà theo nguyên tắc cung cầu thị trường

Ví dụ 5: Ngày hôm nay, Ông A bỏ ra 100 triệu đồng tiền thật, để mua 10 triệu đồng tiền ảo BCI: Tức là tỷ lệ 10 ăn 1. Nhưng 10 ngày sau, khi Ông A đi bán 10 triệu đồng tiền ảo này, có thể được 200 triệu tiền thật, nhưng cũng có thể chỉ được 100 nghìn, thậm chí là không có Người mua. Tóm lại, giá trị của Tiền ảo là rất mơ hồ, như mua vé số vậy.

3. Tiền ảo không có giá trị bảo đảm và chuyển hoàn

Khác với tiền điện tử, chuyển vào bao nhiêu, được rút ra bấy nhiêu, trên nguyên tắc ngang giá tiền pháp định. Nhưng Tiền ảo thì không phải vậy, bỏ tiền thật ra mua, cầm tiền ảo, khi muốn rút, có thể không rút được hoặc giá trị thấp, vì nó không có giá trị bảo đảm.

Như vậy, hiểu nôm na, Tiền ảo, là một loại tiền phát minh, được phát hành bởi các tổ chức tư nhân, không có bảo đảm giá trị thanh toán, và không ngang bằng với giá trị tiền thật.

Lưu ý: Là ở đây, Chúng ta đang nói đặc điểm của Tiền ảo "Chân thực", mà còn rủi ro như vậy! Còn nếu là Tiền ảo của Tổ chức lừa đảo, thì không còn gì đáng bàn.

IV. GIÁ TRỊ PHÁP LÝ CỦA TIỀN ẢO

Có một số Quốc gia, thừa nhận tính hợp pháp của Tiền ảo. Có nghĩa là Việc giao dịch bằng tiền ảo không bị cấm. Nhưng Bà con phải hiểu, dù không bị cấm, thì tiền ảo vẫn có những đặc điểm rủi ro như trên! Đây là hai vấn đề khác nhau! Hiểu nôm na như đốt pháo nổ, có Nước cấm, Nước không cấm, nhưng sự nguy hiểm của pháo nổ là như nhau.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam: Tiền ảo là bất hợp pháp! Không được thừa nhận trong thanh toán và giao dịch. Vì vậy đã rủi ro, lại càng rủi ro. Bà con nên xem việc đầu tư vào đây như đánh bạc: Được ăn cả, ngã về không! Tất nhiên, đầu tư thì có lời, có thua. Nhưng khi tranh chấp, giao dịch bị xem là vô hiệu tuyệt đối. Do đó, Bà con nên cân nhắc thận trọng.

Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan