HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA QUỐC TẾ: BÀN VỀ SỰ KIỆN BẤT KHẢ KHÁNG - CĂN CỨ MIỄN TRÁCH NHIỆM DO VI PHẠM NGHĨA VỤ!
[Vụ Tsakiroglou & Co.Ltd kiện Noblee Tharl GmbH (năm 1956). Trên cơ sở hợp đồng đã kí ngày 4 tháng 10 năm 1956, người bán phải giao hàng tại cảng Hamburg theo điều kiện mua bán CIF và phải khởi hành từ cảng Xudang vào tháng 11 năm 1956. Ngày 02 tháng 11 năm 1956 kênh đào Xuê bị đóng cửa do chiến tranh giữa Israen và Ai Cập. Khi đó chỉ có thể vận chuyển hàng hóa vòng qua mũi Hảo vọng. Người bán tuyên bố hủy hợp đồng với lập luận rằng việc đi vòng qua mũi Hảo vọng làm tăng gấp đôi chi phí vận chuyển hàng hóa. Ủy ban trọng tài cũng như phán quyết tòa án các cấp của Anh sau đó đều tuyên bố người bán vi phạm hợp đồng và phải bồi thường thiệt hại cho người mua với lí do: việc vận chuyển đi bằng đường biển nào không phải là vấn đề quan trọng với người mua. Thời gian vận chuyển đến cảng Hamburg không phải là điều kiện cơ bản, chủ yếu và nó cũng không được thỏa thuận trong hợp đồng. Hơn nữa việc đi vòng qua mũi Hảo vọng hoàn toàn không ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa. Và cuối cùng việc tăng gấp đôi chi phí chuyên chở, đó không phải là yếu tố có tính chất quyết định để xác định điều kiện miễn trách cho bên vi phạm nghĩa vụ].
Hầu hết các hệ thống pháp luật trên thế giới và các văn bản pháp lí quốc tế đều thừa nhận bất khả kháng là một trong những trường hợp loại trừ trách nhiệm hợp đồng. Mặc dù nội hàm của khái niệm bất khả kháng ở các hệ thống pháp luật có sự khác nhau nhất định. Theo quy định tại khoản 1 điều 79 Công ước Viên 1980 thì: một bên kết ước không chịu trách nhiệm về sự kiện không thực hiện bất kì nghĩa vụ nào của mình nếu họ chứng minh được rằng việc không thực hiện ấy là do một trở ngại nằm ngoài sự kiểm soát của họ và người ta không thể chờ đợi một cách hợp lí rằng họ phải tính đến trở ngại đó vào lúc kí kết hợp đồng hoặc là tránh được hay khắc phục được hậu quả của nó. Theo quy định tại điều 7.1.7 Bộ nguyên tắc UNIDROIT 2004 thì: bên có nghĩa vụ được miễn trừ hậu quả do việc không thực hiện của bên mình, nếu chứng minh được rằng việc không thực hiện là do một trở ngại vượt khỏi tầm kiểm soát và không thể mong chờ một cách hợp lí ở mình xem xét được những trở ngại này vào thời điểm giao kết hợp đồng, dự đoán hay vượt qua được trở ngại hoặc dự đoán hay vượt qua được hậu quả của trở ngại đó. Còn theo quy định tại điều 161 Bộ luật Dân Sự Việt Nam 2005 thì: sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể thấy trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Và theo quy định tại khoản 1 điều 294 Luật Thương Mại Việt Nam 2005 thì: bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm khi xảy ra sự kiện bất khả kháng. Như vậy, mặc dù có sự khác nhau trong việc sử dụng ngôn từ và cách thức diễn đạt nhưng các quy định trên đây đều dẫn đến một chung cục: bên vi phạm hợp đồng sẽ miễn trách nhiệm khi xảy ra sự kiện bất khả kháng, đó là sự kiện xảy ra ngoài tầm kiểm soát của các bên, các bên không thể lường trước được nó hay dự đoán được nó vào lúc giao kết hợp đồng và khi nó xảy ra thì không thể nào tránh được hay khắc phục được nó.
Như vậy, bất khả kháng, trước hết phải là một sự kiện khách quan xảy ra ngoài ý chí của các bên và vượt ra khỏi tầm kiểm soát của các bên, đó có thể là các sự kiện tự nhiên như thiên tai, hỏa hoạn hoặc là các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đây thì sự kiện đó chưa đủ để làm căn cứ miễn trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ. Theo các quy định pháp lí nói trên, trở ngại khách quan vượt khỏi tầm kiểm soát của các bên chỉ trở thành sự kiện bất khả kháng – căn cứ miễn trách nhiệm, khi chứa đựng đầy đủ các yếu tố sau:
Thứ nhất, đó phải là tình huống mà các bên không thể nhìn thấy trước hoặc dự đoán trước vào thời điểm giao kết hợp đồng và phải xảy ra sau khi kí kết hợp đồng. Nếu sự kiện khách quan gây khó khăn cho việc thực hiện hợp đồng có thể nhìn thấy trước hay dự đoán trước hoặc đã xảy ra thì phải coi là bên vi phạm nghĩa vụ đã tiếp nhận gánh chịu rủi ro về trở ngại phát sinh mà không được coi là sự kiện bất khả kháng.
Nguyên đơn (công ty Việt Nam) kí hợp đồng số 09/95 ngày 20 tháng 9 năm 1995 mua của bị đơn (công ty Ấn Độ) 20.000 MT 4% xi măng Kumgang với giá 55 USD/MT CNF FO cảng Nha Trang, giao hàng vào tháng 12 năm 1995, thanh toán bằng L/C không hủy ngang, L/C phải được mở trước ngày 30 tháng 9 năm 1995.
Trong quá trình bàn bạc, chuẩn bị soạn thảo kí kết hợp đồng mua bán xi măng giữa nguyên đơn và bị đơn, thì vào tháng 8 năm 1995 bất ngờ xảy ra lũ lụt ở nước thứ ba – nước của nhà cung cấp hàng cho bị đơn. Sau khi biết tin lũ lụt xảy ra, nguyên đơn đã điện hỏi bị đơn là nếu có xi măng thì mới kí hợp đồng, nếu không có thì không kí. Bị đơn trả lời rằng: đã điện hỏi nhà cung cấp (ở nước thứ ba) và nhà cung cấp đã điện lại khẳng định là mặc dù đang gặp nhiều khó khăn do lũ lụt nhưng vẫn có xi măng để giao và do đó, ngày 20 tháng 9 năm 1995 bị đơn đã kí hợp đồng số 09/95 để bán xi măng cho nguyên đơn với thời hạn giao hàng vào tháng 12 năm 1995 tại cảng Nha Trang. Đến ngày 19 tháng 6 năm 1996, bị đơn vẫn không giao hàng cho nguyên đơn mặc dù nguyên đơn đã nhiều lần nhắc nhở. Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu ủy ban trọng tài giải quyết.
Bị đơn lập luận rằng bị đơn đã kí hợp đồng mua xi măng của nhà cung cấp thuộc nước thứ ba nhưng vì nhà cung cấp gặp bất khả kháng (nhà máy ngừng sản xuất do lũ lụt) không giao được hàng cho bị đơn nên bị đơn không giao được hàng cho nguyên đơn. Do đó bị đơn cũng gặp bất khả kháng và được miễn trách nhiệm.
Ủy ban trọng tài đã bác bỏ lí do miễn trách nhiệm của bị đơn với lập luận cho rằng: bị đơn (công ty Ấn Độ) đã biết lũ lụt xảy ra vào tháng 8 năm 1995 ở nước thứ ba- nước của nhà cung cấp hàng cho mình, nhưng không tính toán kĩ, tin vào sự thông báo không có bảo đảm của nhà cung cấp, vẫn kí hợp đồng bán lại hàng cho nguyên đơn (công ty Việt Nam) vào ngày 20 tháng 9 năm 1995 thì phải có nghĩa vụ giao hàng đúng hợp đồng. Không giao được hàng thì bị đơn phải chịu trách nhiệm với nguyên đơn. Bị đơn biết lũ lụt xảy ra và hậu quả của nó trước khi kí hợp đồng thì rõ ràng sự kiện lũ lụt này không phải là sự kiện bất khả kháng, không phải là căn cứ miễn trách nhiện cho bị đơn về việc không giao hàng. Bởi vì sự kiện bất khả kháng phải là sự kiện không lường trước được (hay không dự kiến trước được) vào lúc kí hợp đồng và phải là sự kiện không tránh được và không thể khắc phục được.
Việc “nhà sản xuất bị đóng cửa” theo lập luận của bị đơn là một trường hợp bất khả kháng thì cũng không có căn cứ, không hợp lí, bởi lẽ: nhà sản xuát bị đóng cửa là hậu quả của lũ lụt xảy ra ở nước thứ ba – nước của nhà cung cấp, nhưng lũ lụt đó không được công nhận là sự kiện bất khả kháng, là căn cứ miễn trách nhiệm cho bị đơn như đã phân tích ở trên. Mặt khác, bị đơn đã biết nhà máy sản xuất đóng cửa trước khi kí kết hợp đồng bán hàng hóa cho nguyên đơn, cho nên việc nhà máy sản xuất bị đóng cửa trong trường hợp này không được thừa nhận là sự kiện bất khả kháng đối với bị đơn.[1]
Trong tình huống này rõ ràng là có sự hiện diện của trở ngại khách quan, tuy nhiên điều quan trọng là bị đơn đã biết trước được điều đó, cho nên yếu tố không nhìn thấy trước hoặc không thể dự đoán trước của sự kiện bất khả kháng không còn nữa, do đó trở ngại khách quan mà bị đơn gặp phải không thể coi là căn cứ miễn trách nhiệm đối với họ. Mặt khác, nếu căn cứ vào ngôn từ của điều luật, khi các quy định trên đều sử dụng cụm từ “không thể chờ đợi một cách hợp lí rằng họ phải tính tới trở ngại đó vào lúc kí kết hợp đồng”, điều đó có nghĩa là trở ngại khách quan chỉ có được thể xem là sự kiện bất khả kháng khi nó xảy ra sau khi hợp đồng đã được kí kết. Trong khi đó ở vụ việc trên thì trở ngại khách quan đã xảy ra trước khi các bên giao kết hợp đồng (lũ lụt xảy ra vào tháng 8 năm 1995, các bên kí kết hợp đồng vào tháng 9 năm 1995), chỉ ngay ở điểm này cũng đã đủ để cho trở ngại khách quan không được coi là sự kiện bất khả kháng.
Như vậy, khi có tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế xảy ra, và cần thiết phải viện dẫn về trường hợp miễn trách nhiệm, mà cụ thể ở đây là sự kiện bất khả kháng thì trước hết bên vi phạm nghĩa vụ cần phải chứng minh được rằng trở ngại khách quan đã không tồn tại vào thời điểm giao kết hợp đồng, và cũng không hề có một cơ sở nào cho mình có thể xác định được trở ngại đó có thể xảy ra trong tương lai. Nếu như không làm tốt điều này, mọi nỗ lực tiếp theo của bên vi phạm nghĩa vụ đều trở nên vô nghĩa.
Tranh chấp về hợp đồng mua bán nguyên liệu. Để phản ứng lại biện pháp của chính phủ một quốc gia đang phát triển (quốc hữu hóa các công ty nước ngoài khai thác nguyên liệu thô trên lãnh thổ quốc gia đó và giao các tài sản của các công ty này cho một doanh nghiệp nhà nước có chức năng chuyên kinh doanh các sản phẩm cùng loại) các công ty nước ngoài bị thiệt hại tuyên bố sẽ tịch thu các nguyên liệu thô đó nếu chúng được bán trên thị trường thế giới. Sau khi biện pháp quốc hữu hóa được áp dụng, doanh nghiệp nhà nước có chức năng khai thác và kinh doanh các nguyên liệu tự nhiên đã kí kết một số hợp đồng mua bán hàng hóa với các đối tác thuộc nhiều quốc gia trên thế giới. Một vài trong số các đối tác này đã từ chối thực hiện nghĩa vụ nhận hàng với lí do là sự đe dọa tịch thu của các công ty có tài sản bị quốc hữu hóa nói trên đã tạo nên một sự kiện bất khả kháng giải phóng họ khỏi nghĩa vụ nhận hàng. Căn cứ vào điều khoản trọng tài trong các hợp đồng mua bán hàng hóa, doanh nghiệp nhà nước đã kiện các đối tượng này ra trước tòa trọng tài ICC đòi bồi thường cho những thiệt hại phải chịu.
Về sự kiện bất khả kháng mà các bị đơn đưa ra các trọng tài viên ICC đã bác bỏ vì những lí do sau: một sự kiện bất khả kháng, theo nghĩa hẹp có hai yếu tố: một là sự kiện không thể lường trước được (có nghĩa là trước khi sự kiện đó xảy ra đã không có lí do đặc biệt nào để cho rằng sự kiện đó đã xảy ra); và hai là sự kiện không thể tránh được (có nghĩa là sự kiện đó làm cho các bị đơn hoàn toàn không thể khắc phục được để thực hiện hợp đồng).
Trong trường hợp này, hợp đồng được kí kết tại thời điểm mà các rắc rối xảy ra sau khi đã có việc quốc hữu hóa nói trên bắt đầu xuất hiện, do vậy sự kiện bất khả kháng được viện dẫn bởi bị đơn không bao gồm yếu tố “không thể lường trước được” hay “không thể nhìn thấy trước mà pháp luật đòi hỏi. Hơn nữa doanh nghiệp nhà nước đã chứng minh thông qua việc đệ trình trước tòa những hợp đồng khác của doanh nghiệp tương tự như hợp đồng mà họ đã kí với các bị đơn, rằng vào cũng giai đoạn này những người mua khác đã thực hiện nghĩa vụ nhận hàng hóa mà họ đã mua như thông lệ. Do vậy các bị đơn không thể viện dẫn rằng đã xảy ra sự kiện bất khả kháng làm cho họ không thể thực hiện được hợp đồng đã giao kế.t[2]
Thứ hai, đó phải là sự kiện không thể khắc phục, tức là sự kiện xảy ra phải làm cho nghĩa vụ trở nên không thể thực hiện được trong một khoảng thời gian nhất định. Việc không thể thực hiện được nghĩa vụ phải có tính chất tuyệt đối (absolument impossible). Nếu sự kiện xảy ra chỉ làm cho việc thực hiện nghĩa vụ trở nên khó khăn hơn hay đòi hỏi nhiều chi phí hơn thì không đủ căn cứ để miễn trách nhiệm. Vì thế, những khó khăn trở ngại rất đáng kể như hoạt động quân sự làm gián đoạn việc cung cấp và chuyên chở hàng hóa, những cuộc đình công làm đình trệ sản xuất…cũng không đương nhiên được coi là các căn cứ miễn trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ.[3]
Vụ Tsakiroglou & Co.Ltd kiện Noblee Tharl GmbH (năm 1956). Trên cơ sở hợp đồng đã kí ngày 4 tháng 10 năm 1956, người bán phải giao hàng tại cảng Hamburg theo điều kiện mua bán CIF và phải khởi hành từ cảng Xudang vào tháng 11 năm 1956. Ngày 02 tháng 11 năm 1956 kênh đào Xuê bị đóng cửa do chiến tranh giữa Israen và Ai Cập. Khi đó chỉ có thể vận chuyển hàng hóa vòng qua mũi Hảo vọng. Người bán tuyên bố hủy hợp đồng với lập luận rằng việc đi vòng qua mũi Hảo vọng làm tăng gấp đôi chi phí vận chuyển hàng hóa. Ủy ban trọng tài cũng như phán quyết tòa án các cấp của Anh sau đó đều tuyên bố người bán vi phạm hợp đồng và phải bồi thường thiệt hại cho người mua với lí do: việc vận chuyển đi bằng đường biển nào không phải là vấn đề quan trọng với người mua. Thời gian vận chuyển đến cảng Hamburg không phải là điều kiện cơ bản, chủ yếu và nó cũng không được thỏa thuận trong hợp đồng. Hơn nữa việc đi vòng qua mũi Hảo vọng hoàn toàn không ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa. Và cuối cùng việc tăng gấp đôi chi phí chuyên chở, đó không phải là yếu tố có tính chất quyết định để xác định điều kiện miễn trách cho bên vi phạm nghĩa vụ.[4]
Như vậy, trong quá trình các bên thực hiện hợp đồng, có thể xảy ra một số tình huống làm cho việc thực hiện hợp đồng trở nên khó khăn hơn so với dự tính ban đầu, nhưng nếu những khó khăn đó chưa đến mức độ không thể khắc phục được thì đó không thể coi là bất khả kháng, tuy nhiên trong trường hợp này các bên có thể viện dẫn “điều khoản hard ship”. (vấn đề này sẽ được đề cập sau)
Thứ ba, bên vi phạm nghĩa vụ phải thông báo cho bên có quyền biết về sự hiện diện của sự kiện bất khả kháng. Khoản 4 điều 79 Công ước Viên 1980, khoản 3 điều 7.1.7 Bộ nguyên tắc UNIDROIT 2004 đều quy định: bên có nghĩa vụ phải thông báo cho bên có quyền về sự tồn tại của trở ngại và ảnh hưởng của chúng đối với khả năng thực hiện của mình. Nếu thông báo không đến tay người nhận trong khoảng thời gian hợp lí kể từ khi bên có nghĩa vụ biết hoặc buộc phải biết về trở ngại, bên có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại gây ra do không nhận được thông báo như vậy. Còn theo quy định tại điều 295 Luật Thương mại Việt Nam 2005 thì: bên vi phạm hợp đồng phải thông báo ngay bằng văn bản cho bên kia về trường hợp miễn trách nhiệm và những hậu quả có thể xảy ra. Khi trường hợp miễn trách nhiệm chấm dứt bên vi phạm phải thông báo ngay cho bên kia biết, nếu bên vi phạm không thông báo hoặc thông báo không kịp thời cho bên kia thì phải bồi thường thiệt hại. Có thể nói rằng việc quy định về nghĩa vụ thông báo của bên vi phạm hợp đồng là hoàn toàn hợp lí, vì lẽ nếu bên vi phạm nghĩa vụ đã biết hoặc phải biết về những trở ngại khách quan ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ của mình mà không thông báo cho bên có quyền biết, điều đó có nghĩa là bên vi phạm nghĩa vụ đã không quan tâm đến những trở ngại đó, và không coi đó là sự kiện bất khả kháng. Chính vì vậy, trong trường hợp này, những trở ngại khách quan không được coi là sự kiện bất khả kháng, không là căn cứ loại trừ trách nhiệm cho bên vi phạm nghĩa vụ là hoàn toàn xác đáng. Hơn nữa trong trường hợp này còn cho phép chúng ta suy luận rằng việc bên vi phạm nghĩa vụ không thông báo cũng đồng nghĩa họ có khả năng thực hiện hợp đồng.
Tranh chấp hợp đồng mua bán gỗ. Ngày 15 tháng 8 năm 1979, nguyên đơn (bên mua Syri) đã kí hợp đồng mua của bị đơn (bên bán Ghana) 5000 m3 gỗ dán và 5000 m3 gỗ khối theo những điều kiện sau:
- Chuyến hàng đầu tiên gồm 3000 m3 gỗ dán và 1000 m3 gỗ khối sẽ được giao trong vòng hai tháng kể từ ngày mở thư tín dụng.
- Chuyến hàng thứ hai gồm 2000 m3 gỗ dán và 2000 m3 gỗ khối sẽ được giao sau chuyến hàng thứ nhất một tháng.
- Chuyến hàng thứ ba gồm 2000 m3 gỗ khối sẽ được giao sau chuyến thứ hai một tháng.
- Thanh toán bằng L/C có xác nhận và không hủy ngang
- Bảo đảm thực hiện hợp đồng trị giá 5% tổng giá trị hợp đồng do bị đơn cấp “ngay sau khi L/C tương ứng được mở”.
- Điều khoản về bất khả kháng trong đó nêu rõ: trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng, bên bán có trách nhiệm thông báo với bên mua ngay sau khi sự kiện này xảy ra.
Sau khi hợp đồng được kí kết, bảo đảm thực hiện hợp đồng được bị đơn gửi tới nguyên đơn ngày 22 tháng 11 năm 1979. Tương ứng theo đó chuyến hàng cuối cùng cũng phải được giao muộn nhất là ngày 22 tháng 3 năm 1980. Ngày 26 tháng 11 năm 1979, hai thư tín dụng có thời hạn tới ngày 22 tháng 2 năm 1980, một cho lô gỗ dán và một cho lô gỗ khối mà người thụ hưởng là bị đơn đã được xác nhận. Về phần mình nguyên đơn cũng đã kí hợp đồng bảo hiểm cho hàng hóa và chỉ định công ty giám định để kiểm tra chất lượng hàng hóa được giao.
Ngày 14 tháng 12 năm 1979, bị đơn thông báo cho nguyên đơn bằng telex rằng do mưa lớn, thiếu nhiên liệu và một số lí do khác, họ không thể giao hàng theo đúng lịch định. Ngày 26 tháng 12 năm 1979 chuyến hàng đầu tiên chỉ có 218,671 m3 gỗ dán và 415,904 m3 gỗ khối đã rời Ghana đi Syri.
Sau đó bị đơn thông báo cho nguyên đơn hẹn sẽ gửi chuyến hàng thứ hai gồm 2500 m3 gỗ dán và 1500 m3 gỗ khối vào cuối tháng 01 năm 1980, nguyên đơn đồng ý đề nghị này của bị đơn. Tuy nhiên trên thực tế điều này đã không được thực hiện. Nguyên đơn đã nhắc nhở bị đơn vài lần đề nghị được thông báo chi tiết về chuyến hàng giao ngày 7 tháng 3 năm 1980, đồng thời xin gia hạn thư tín dụng cũng như chấp nhận gia hạn thêm thời gian giao hàng cho tới ngày 31 tháng 5 năm 1980.
Bị đơn đã không hề có động thái gì và thực tế đã không tiến hành giao chuyến hàng thứ hai, ngày 02 tháng 5 năm 1980, hai bên đã đồng ý gặp nhau để bàn bạc về việc thực hiện hợp đồng. Ngày 7 tháng 5 năm 1980, viện cớ rằng mình đã phải chịu những tổn thất do giá dầu tăng, bị đơn đề nghị tăng giá lên 40 %, nguyên đơn không chấp nhận yêu cầu này. Bị đơn muốn hủy bỏ hợp đồng với lí do bất khả kháng và được thanh toán tiền hàng cho chuyến hàng đầu tiên đã giao.
Cho đến thời điểm này, nguyên đơn đã có được lệnh phong tỏa bảo đảm thực hiện hợp đồng cùng hai thư tín dụng theo quyết định của tòa sơ thẩm Damascus.
Ngày 25 tháng 8 năm 1981 nguyên đơn kiện bị đơn ra tòa trọng tài của phòng thương mại quốc tế (ICC).
Sau khi xem xét giải trình của bị đơn về trường hợp bất khả kháng và điều khoản về bất khả kháng trong hợp đồng, Ủy ban trọng tài không thể chấp nhận lí do không thực hiện hợp đồng mà bị đơn đưa ra là bất khả kháng, vì trên thực tế cho đến ngày 31 tháng 5 năm 1980 (ngày hết hạn của thư tín dụng sau khi đã được gia hạn thêm). bị đơn đã không hề đề cập một cách cụ thể bằng telex về bất khả kháng, vấn đề này chỉ được đưa ra trong cuộc thương thảo cuối tháng 7 cùng năm tại Damascus. Điều này cho phép ủy ban trọng tài kết luận là bị đơn thực tế đã có khả năng giao hàng song muốn tăng giá lên cao hơn nên đã không thực hiện nghĩa vụ giao hàng theo hợp đồng.[5]
Trong vụ việc trên bị đơn (bên vi phạm nghĩa vụ) ngoài việc vi phạm nghĩa vụ thông báo khi có trở ngại khách quan xảy ra, dẫn tới việc trở ngại đó đã không được công nhận là sự kiện bất khả kháng thì có thể thấy rằng bị đơn đã mắc một sai lầm quá “ngớ ngẫn” ngay trong chính những lập luận của mình, vì rằng bị đơn một mặt coi việc không thực hiện được nghĩa vụ của mình là do bất khả kháng, mặt khác lại yêu cầu nếu tăng giá của hàng hóa lên 40% thì sẽ thực hiện hợp đồng, như vậy suy cho cùng bị đơn đâu có không thực hiện được nghĩa vụ của mình, và như vậy trở ngại khách quan mà họ gặp phải đã không bao hàm yếu tố không thể khắc phục được; chính vì vậy trở ngại khách quan mà họ gặp phải không thể là sự kiện bất khả kháng, cho nên nếu lúc đầu bị đơn có thực hiện việc thông báo về sự kiện bất khả kháng đi chăng nữa thì điều đó cũng không được chấp nhận. Đây là một bài học kinh nghiệm mà các bên tham gia hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế cần phải lưu ý, đó là không được “tự mâu thuẫn với chính mình”.
Bên cạnh đó cũng cần phải nói thêm rằng, quy định tại điều 295 Luật Thương Mại Việt Nam 2005, về nghĩa vụ thông báo của bên vi phạm hợp đồng, thực sự là một quy định có “vấn đề”, thể hiện trên các khía cạnh:
Một là, cùng trong một điều luật, nhưng tại khoản 1 thì quy định bên vi phạm phải thông báo bằng hình thức văn bản, còn khoản 2 lại không quy định hình thức thông báo là gì. Điều đó khiến chúng ta phải đặt câu hỏi, việc thông báo theo quy định tại khoản 1 có nhất thiết phải bằng hình thức văn bản không, nếu bên vi phạm hợp đồng thông báo bằng hình thức khác (chẳng hạn như điện thoại) thì có bị coi là vi phạm nghĩa vụ thông báo do không đúng hình thức không? Và ngược lại, việc thông báo theo quy định tại khoản 2 có phải có thể được thực hiện dưới mọi hình thức không, hay cũng bắt buộc thông báo dưới hình thức văn bản như khoản 1? Từ đó có thể nói rằng, việc quy định như trên của điều luật là không rõ ràng và không thống nhất. Hơn nữa, việc bắt buộc hình thức thông báo phải bằng văn bản là không thật sự hợp lí, và gây khó khăn cho các bên. Tuy nhiên, như đã nói vấn đề của chúng ta là luật quy định như thế nào, cho nên trong trường hợp luật điều chỉnh cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là Luật Thương Mại Việt Nam 2005, thì để tránh rắc rối, bên vi phạm hợp đồng tốt nhất nên thông báo bằng hình thức văn bản cho đúng với quy định của luật, trừ khi đó là điều không thể.
Hai là, điều luật quy định rằng, bên vi phạm nghĩa vụ phải thông báo ngay cho bên kia biết. Đây thực sự là một quy định không hợp lí cả về mặt lí luận lẫn thực tiễn. Vì trong rất nhiều trường hợp việc thông báo ngay là điều không thể.
Ba là, quy định “nếu bên vi phạm không thông báo hoặc không thông báo kịp thời cho bên kia thì phải bồi thường thiệt hại”, được đặt trong khoản 2 của điều 295, ngay sau cụm từ “khi trường hợp miễn trách nhiệm chấm dứt, bên vi phạm hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết”, và chỉ cách nhau bởi dấu “;” mà không xuống đoạn. Điều này khiến chúng ta phải hiểu, cụm từ “nếu bên vi phạm không thông báo hoặc không thông báo kịp thời cho bên kia thì phải bồi thường thiệt hại” chỉ bổ nghĩa cho đoạn “khi trường hợp miễn trách nhiệm chấm dứt, bên vi phạm hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết”. Đồng nghĩa với việc biến quy định tại khoản 1 điều 295: “bên vi phạm hợp đồng phải thông báo ngay bằng văn bản cho bên kia về trường hợp được miễn trách nhiệm, và những hậu quả có thể xảy ra”, chỉ mang tính hình thức. Còn nếu nói cụm từ “nếu bên vi phạm không thông báo hoặc không thông báo kịp thời cho bên kia thì phải bồi thường thiệy hại” bổ nghĩa cho cả khoản 1 điều 295 thì rõ ràng khó có thể chấp nhận cho kiểu hành văn ấy được.
Như vậy, bất khả kháng với ý nghĩa là một căn cứ miễn trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ phải bao hàm đầy đủ các thuộc tính như đã phân tích. Thiếu đi một thuộc tính nào đó trở ngại khách quan chỉ được coi là những khó khăn thông thường gặp phải trong quá trình thực hiện hợp đồng mà không phải là “bất khả kháng”.
Ngoài ra, từ những quy định pháp lí nêu trên có một điều mà chúng ta cần phải lưu ý, đó là: các quy định nêu trên chỉ hàm chứa sự kiện bất khả kháng là nguyên nhân của việc không thực hiện được nghĩa vụ mới là căn cứ miễn trách nhiệm. Điều đó có nghĩa, nếu trở ngại khách quan không ảnh hưởng gì đến việc thực hiện nghĩa vụ, nhưng lại ảnh hưởng đến hậu quả của việc thực hiện nghĩa vụ thì vẫn không được coi là bất khả kháng. Có thể nói rằng đây chính là một điểm thiếu sót của các quy định pháp lí nêu trên. Vì lẽ, trên thực tế có những trở ngại khách quan xảy ra nhưng nó không ảnh hưởng gì đến việc thực hiện nghĩa vụ của các bên, nhưng lại biến hậu quả của việc thực hiện nghĩa vụ của các bên trở nên không còn ý nghĩa, thiết nghĩa rằng trong những trường hợp này vẫn nên coi trở ngại mà các bên gặp phải là sự kiện bất khả kháng, để từ đó miễn trách nhiệm cho bên vi phạm nghĩa vụ.
Tháng 9 năm 1989, A một công ty kinh doanh hàng điện tử có trụ sở tại Công hòa dân chủ Đức cũ, mua của B có trụ sở tại nước X, cũng là một nước xã hội chủ nghĩa cũ. Bên B phải giao hàng vào tháng 12 năm 1990.Tháng 11 năm 1990 A thông báo cho B là không biết dùng hàng hóa đó vào việc gì nữa với lí do là sau khi thống nhất Cộng hòa liên bang Đức, không còn thị trường cho hàng hóa nhập khẩu từ nước X nữa.
Trong tình huống trên chúng ta có thể thấy rằng, trở ngại khách quan xảy ra không ảnh hưởng gì đến việc thực hiện nghĩa vụ của bên mua, vì nghĩa vụ của bên mua đơn giản là nhận hàng và thanh toán tiền hàng, còn sau đó việc bên mua dùng hàng vào việc gì, tiêu thụ ở đâu không nằm trong mối quan hệ nghĩa vụ hợp đồng với bên bán. Tuy nhiên trong trường hợp này nếu thực hiện hợp đồng thì rõ ràng mục đích của bên mua đã không đạt được, hay nói cách khác khi trở ngại khách quan xảy ra khiến cho bên mua không biết dùng hàng vào việc gì, đã dẫn tới sự vô ích của hợp đồng. Do đó, sẽ thật hợp lí và công bằng nếu trong trường hợp này chúng ta coi trở ngại khách quan mà bên mua gặp phải là sự kiện bất khả kháng, để từ đó miễn trách nhiệm cho họ, dù rằng trở ngại khách quan đó không trực tiếp ảnh hưởng tới việc thực hiện nghĩa vụ mà chỉ ảnh hưởng đến hậu quả của nó. Tuy nhiên như đã nói, các quy định pháp lí nêu trên đã không bao hàm vấn đề này, nên thiết nghĩ các bên có thể đưa nó vào điều khoản miễn trách trong hợp đồng.
Về hậu quả của sự kiện bất khả kháng đối với quyền và nghĩa vụ của các bên. Khoản 5 điều 79 Công ước Viên 1980 quy định: các quy định của điều này không ngăn cấm bên nào sử dụng bất kì quyền hạn nào của mình ngoài quyền được yêu cầu bồi thường thiệt hại theo hiệp ước này. Còn theo quy định tại khoản 4 điều 7.1.7 Bộ nguyên tắc UNIDROIT 2004 thì: những quy định của điều khoản này không ngăn cấm việc các bên thực hiện quyền hủy hợp đồng, hoãn thực hiện nghĩa vụ hoặc yêu cầu thanh toán tiền lãi cho khoản tiền đến hạn. Nếu như theo cách quy định của Công ước Viên 1980 thì sẽ dẫn đến một tình trạng, đó là nếu như trong trường hợp hợp đồng của các bên có thỏa thuận về hình thức phạt vi phạm thì khi có sự kiện bất khả kháng xảy ra, bên vi phạm vẫn phải thực hiện nghĩa vụ nộp phạt của mình vì Công ước chỉ loại trừ quyền đòi bồi thường thiệt hại. Đây chính là hệ quả của việc trước đó Công ước Viên 1980 đã không quy định về hình thức trách nhiệm phạt vi phạm mà chúng ta đã đề cập ở chương trước. Đây là điều mà các bên phải lưu ý, đặc biệt khi luật áp dụng để điều chỉnh hợp đồng chính là Công ước Viên 1980. Do vậy, để có một sự an toàn cần thiết các bên cần phải thỏa thuận vấn đề này vào trong hợp đồng của mình. Khác với Công ước Viên 1980 khi dùng phương pháp loại suy, Bộ nguyên tắc UNIDROIT 2004 đã sử dụng phương pháp liệt kê, tức là quy định các quyền mà các bên vẫn được thực hiện mặc dù xảy ra sự kiện bất khả kháng, tuy nhiên phương pháp này đã dẫn tới sự hạn chế quyền của các bên, chẳng hạn Bộ nguyên tắc đã không quy định các bên có quyền áp dụng chế tài buộc thực hiện hợp đồng…Nói chung khi quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên khi xảy ra sự kiện bất khả kháng, giữa Công ước Viên 1980 và Bộ nguyên tắc UNIDROIT 2004 đã không tìm được tiếng nói chung, chính vì vậy các bên khi giao kết hợp đồng cần phải thỏa thuận và quy định rõ các vấn đề này nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Ngoài trường hợp bất khả kháng, hệ thống pháp luật của nhiều nước trên thế giới hiện nay cũng bắt đầu lưu ý một trường hợp không ảnh hưởng nặng như bất khả kháng, song ảnh hưởng đến sự bình đẳng của các bên trong hợp đồng, gọi là tình trạng khó khăn của một bên, dưới tên gọi là “điều khoản hard ship”. Điều 6.2.2 Bộ nguyên tắc UNIDROIT 2004 quy định: hoàn cảnh hard ship được xác lập khi xảy ra các sự kiện làm thay đổi cơ bản sự cân bằng giữa các nghĩa vụ hợp đồng, hoặc do chi phí thực hiện nghĩa vụ hợp đồng tăng lên, hoặc do giá trị của nghĩa vụ đối trừ giảm xuống, và: (i) các sự kiện này xảy ra hoặc được bên bị thiệt hại biết đến sau khi giao kết hợp đồng; (ii) bên bị bất lợi đã không thể tính một cách hợp lí đến các sự kiện đó khi giao kết hợp đồng; (iii) các sự kiện nằm ngoài sự kiểm soát của bên bị bất lợi, và (iv) rủi ro về các sự kiện này không được bên bị bất lợi gánh chịu. Và khi xảy ra hoàn cảnh hard ship thì bên bị bất lợi có quyền yêu cầu tiến hành đàm phán lại hợp đồng. Như vậy theo các quy định trên đây thì hoàn cảnh hard ship giống với bất khả kháng ở chỗ đó là đã xảy ra các sự kiện khách quan ngoài tầm kiểm soát của các bên và các bên không thể lường trước được vào lúc giao kết hợp đồng. Tuy nhiên điều khác nhau cơ bản giữa hai trường hợp này, đó chính là mức độ ảnh hưởng của trở ngại khách quan đến việc thực hiện hợp đồng. Nếu như trở ngại khách quan trong bất khả kháng là sự kiện xảy ra làm cho nghĩa vụ trở nên không thể thực hiện được và không thể khắc phục được, thì trong hoàn cảnh hard ship trở ngại khách quan chỉ làm thay đổi cơ bản sự cân bằng giữa các nghĩa vụ trong hợp đồng, mà hoàn toàn chưa đến mức độ là không thể thực hiện được nghĩa vụ và không thể khắc phục được. Cũng chính vì thế mà khi xảy ra sự kiện bất khả kháng thì bên vi phạm nghĩa vụ được miễn trách nhiệm, trong khi đó nếu xảy ra hoàn cảnh hard ship thì bên bị bất lợi chỉ có thể yêu cầu đàm phán lại hợp đồng. Tuy nhiên, trong thực tế cũng có những hoàn cảnh có thể đồng thời được coi là trường hợp hard ship và sự kiện bất khả kháng. Trong trường hợp này, bên bị ảnh hưởng bởi các sự kiện đó phải quyết định lí do viện dẫn, nếu bên đó viện dẫn sự kiện bất khả kháng thì nhằm lí giải việc không thực hiện nghĩa vụ của mình. Còn nếu viện dẫn hard ship thì trước hết nhằm đàm phán lại các điều khoản của hợp đồng để hợp đồng được tiếp tục tồn tại với các điều khoản sửa đổi.
Ngoài ra, cũng có một số tác giả khi nghiên cứu về các căn cứ miễn trách nhiệm theo quy định của Công ước Viên 1980, đã dựa vào quy định tại khoản 2 điều 79 của Công ước và cho rằng: một trong các căn cứ để miễn trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ là trường hợp do lỗi của người thứ ba.[6] Tuy nhiên, cần khẳng định rằng quan điểm trên không thực sự chuẩn xác. Thật vậy, khoản 2 điều 79 Công ước Viên 1980 quy định: nếu một bên không thực hiện hợp đồng là do sự không thực hiện của bên thứ ba mà bên đó thuê để thực hiện toàn bộ hoặc một phần hợp đồng, bên đó chỉ được miễn trừ trách nhiệm nếu: (i) bên đó được miễn trừ căn cứ theo khoản 1 điều 79 của công ước (trường hợp về bất khả kháng); hoặc (ii) và người mà bên đó thuê cũng sẽ được miễn trừ như vậy nếu các quy định của khoản đó được áp dụng cho anh ta. Như vậy, để được miễn trách nhiệm theo quy định tại khoản 2 điều 79 Công ước Viên 1980, cần phải thỏa mãn hai điều kiện:
Một là, người thứ ba ở đây không phải là người thứ ba bất kì nào, mà phải là người thứ ba được bên vi phạm nghĩa vụ thuê để thực hiện một phần hoặc toàn bộ hợp đồng; và
Hai là, việc không thực hiện được hợp đồng là do ảnh hưởng của sự kiện bất khả kháng, chứ không phải với bất kì một lí do nào khác.
Theo đó khi muốn được miễn trách nhiệm theo quy định tại khoản 2 điều 79 Công ước Viên, thì bên vi phạm nghĩa vụ buộc phải chứng minh được sự không thực hiện được nghĩa vụ của mình là do việc không thực hiện của người thứ ba mà mình thuê, và nguyên nhân mà người này không thực hiện do sự kiện bất khả kháng, chứ không phải đi chứng minh việc không thực hiện nghĩa vụ là do có lỗi hay không có lỗi của người thứ ba, vì điều này không mang lại ý nghĩa gì cả. Như vậy, suy cho cùng để được miễn trách nhiệm theo quy định tại khoản 2 điều 79 thì bên vi phạm nghĩa vụ buộc phải chứng minh việc không thực hiện ấy là do một trở ngại nằm ngoài sự kiểm soát của họ và người ta không thể chờ đợi một cách hợp lí rằng họ phải tính tới trở ngại đó vào lúc kí kết hợp đồng hoặc là tránh được hay khắc phục được hậu quả của nó, đó là sự kiện bất khả kháng. Cho nên cần khẳng định rằng căn cứ để miễn trách nhiệm theo quy định tại khoản 2 điều 79 Công ước Viên 1980 cũng chính là trường hợp bất khả kháng; chỉ có điều khác với khoản 1 điều 79 Công ước Viên, trong trường hợp này sự kiện bất khả kháng ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng của người thứ ba do bên vi phạm nghĩa vụ thuê chứ không phải là ảnh hưởng trực tiếp tới họ.
Khác với các văn bản pháp lí quốc tế, cũng như hệ thống pháp luật của nhiều quốc gia, Luật Thương mại Việt Nam 2005 còn quy định một trong các căn cứ để miễn trách nhiệm đó là hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lí nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng (điểm d, khoản 1, điều 294). Tuy nhiên, thiết nghĩ rằng đây là một quy định không thật sự cần thiết, vì lẽ theo truyền thống từ trước đến nay, người ta vẫn quan niệm hành vi vi phạm nghĩa vụ do thực hiện quyết định của cơ quan quản lí nhà nước có thẩm quyền là một trong những sự kiện cụ thể của trường hợp bất khả kháng. Thật vậy, cả Công ước Viên 1980, cũng như Bộ nguyên tắc UNIDROIT 2004, đã không có một quy định nào, nhằm đặt trường hợp vi phạm nghĩa vụ do thực hiện quyết định của cơ quan quản lí nhà nước có thẩm quyền là một căn cứ miễn trách nhiệm riêng bên cạnh trường hợp bất khả kháng. Và trong phán quyết, giải quyết tranh chấp dưới đây, Tòa án Anh, một trong những hệ thống tòa án rất có uy tín, đã dựa vào quy định của pháp luật Anh, một hệ thống pháp luật hiện đại có chất lượng hoàn hảo,[7] là hệ thống pháp luật “bố/mẹ” của dòng họ Common Law, một trong hai dòng họ pháp luật lớn nhất trên thế giới,[8] cũng đã khẳng định hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lí nhà nước có thẩm quyền là bất khả kháng. Hơn thế nữa, điều dặc biệt là, trong lập luận của mình, Tòa án Anh đã dẫn chiếu đến quy định về trường hợp bất khả kháng của Hiệp hội buôn bán đường quốc tế, một tổ chức quốc tế có sự góp mặt của nhiều quốc gia, trong đó cũng xác định, sự vi phạm nghĩa vụ như đã nêu trên chỉ là một trường hợp cụ thể của bất khả kháng.
Công ty thương mại nhà nước của Ba Lan bán đường cho một công ty Anh. Hợp đồng được kí kết trên cơ sở hợp đồng mẫu của hiệp hội buôn bán đường quốc tế vào tháng 5 năm 1974 và thời hạn giao hàng được quy định vào tháng 10-11 năm 1974. Đường là đối tượng của hợp đồng được tinh chế từ củ cải đường. Trong điều khoản miễn trừ trách nhiệm có quy định trong trường hợp có sự can thiệp của chính phủ thì thời hạn thực hiện hợp đồng được gia hạn và cuối cùng hiệu lực của hợp đồng sẽ chấm dứt.
Vì có mưa nhiều trong tháng 8 nên phần lớn củ cải đường bị chết, tháng 11 Bộ ngoại thương Ba Lan ban hành quyết định cấm xuất khẩu đường và quyết định này có hiệu lực đến tháng 6 năm 1975.
Công ty thương mại Ba Lan không thể thực hiện nghĩa vụ giao hàng của mình bởi do trường hợp bất khả kháng, Tòa án Anh quyết định rằng lí do công ty thương mại Ba Lan đưa ra là có cơ sở bởi vì lệnh cấm xuất khẩu đường của chính phủ nhằm mục đích tránh những biến động có tính chất xã hội và chính trị trong nước. Biện pháp này cần được coi là cơ sở miễn trừ trách nhiệm và nó cũng phù hợp với quy định của hiệp hội buôn bán đường quốc tế về trường hợp bất khả kháng.[9]
Như vậy, có thể nói, việc phân các căn cứ miễn trách nhiệm thành các trường hợp do sự kiện bất khả kháng và do thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là không thực sự cần thiết và ít có giá trị về mặt thực tiễn. Việc phân định này ít nhiều chỉ có giá trị về mặt khoa học nghiên cứu, chính xác là nó ủng hộ cho học thuyết phân biệt các trường hợp không thực hiện được nghĩa vụ hợp đồng. Theo học thuyết này, các trường hợp không thể thực hiện được nghĩa vụ hợp đồng được phân thành trường hợp không thể thực hiện được hợp đồng “về mặt thực tế” và trường hợp không thể thực hiện được hợp đồng “về mặt pháp lí”. Những trường hợp không thể thực hiện được hợp đồng về mặt thực tế thường liên quan đến những hợp đồng có đối tượng là vật đặc định (ví dụ, khi vật đặc định phải chuyển giao bị mất cắp, bị tiêu hủy mà không được áp dụng đối với những trường hợp có đối tượng là vật có tính chất cùng loại, vì bao giờ cũng vậy, những vật có tính chất cùng loại như tiền chẳng hạn, chúng gần như luôn luôn tồn tại trên thị trường giao dịch). Hoặc việc không thực hiện được liên quan đến những biến cố tự nhiên như thiên tai, hỏa hoạn. Còn những trường hợp mà nghĩa vụ hợp đồng, kể cả trường hợp nghĩa vụ hợp đồng có thể thực hiện được về mặt thực tế, trở nên không thể thực hiện được do có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (ví dụ, trường hợp có lệnh đình chỉ kinh doanh ngành nghề đã đăng kí hợp pháp trước đó, hay trường hợp có lệnh cấm xuất nhập khẩu mặt hàng là đối tượng hợp đồng…) thì được gọi là việc không thể thực hiện được hợp đồng về mặt pháp lí.
Tuy nhiên điều cần nhấn mạnh ở đây là, ở các hệ thống pháp luật, có sự tiếp nhận học thuyết phân chia các trường hợp không thể thực hiện được nghĩa vụ hợp đồng thành trường hợp không thể thực hiện được hợp đồng về mặt thực tế và trường hợp không thể thực hiện được hợp đồng về mặt pháp lí, đều nhằm đến mục đích: trong trường hợp hợp đồng không thể thực hiện được về mặt pháp lí, người có quyền bị vi phạm có thể kiện yêu cầu cơ quan nhà nước đã ban hành quyết định có trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra nếu quyết định ban hành bị tòa án tuyên bố là trái pháp luật. Trong khi đó pháp luật Việt Nam không có quy định nào tương tự về vấn đề này, cho nên như đã nói việc phân định của Luật Thương mại 2005 về căn cứ miễn trách nhiệm thành trường hợp bất khả kháng và trường hợp thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là không mang nhiều giá trị. Hơn nữa về mặt lí luận cũng như thực tế khi có tranh chấp xảy ra và một bên muốn viện dẫn trường hợp miễn trách nhiệm do sự kiện bất khả kháng hay do thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì đều phải chứng minh trên các luận điểm giống nhau đó là: việc vi phạm nghĩa vụ là do ảnh hưởng của trở ngại vượt khỏi tầm kiểm soát, không thể lường trước hay dự đoán trước vào lúc giao kết hợp đồng, và không thể khắc phục được. Chỉ có một điểm khác đó là vấn đề về mặt sự kiện, nhưng thiết nghĩ đó không phải là yếu tố quan trọng để chúng ta cần phải phân định hai trường hợp miễn trách nhiệm theo quy định của Luật Thương mại Việt Nam 2005 như đã nói ở trên.
Khi nghiên cứu về sự kiện bất khả kháng, có một điểm quan trọng nữa mà chúng ta cần phải lưu ý, đó là thời gian tồn tại của sự kiện bất khả kháng. Khoản 3 điều 79 Công ước Viên quy định: sự miễn trừ được quy định bởi điều này có hiệu lực trong suốt thời gian hiện diện sự trở ngại. Còn khoản 2 điều 7.1.7 Bộ nguyên tắc UNIDROIT 2004 quy định: khi trở ngại chỉ có ý nghĩa tạm thời, sự miễn trừ có hiệu lực trong một thời hạn hợp lí có tính đến các hậu quả của trở ngại đó đối với việc thực hiện hợp đồng. Điều 296 Luật Thương mại Việt Nam 2005 cũng có quy định tương tự. Như vậy, theo các quy định trên đây thì trở ngại dẫn tới việc hợp đồng không thực hiện được phải mang tính chất lâu dài, tức là nó phải kéo dài tới mức làm cho việc tiếp tục thực hiện hợp đồng sau khi trở ngại chấm dứt không còn ý nghĩa. Nếu trở ngại chỉ có ý nghĩa tạm thời, tức là nếu nó chỉ làm trì hoãn việc thực hiện hợp đồng trong một khoảng thời gian ngắn nhất định thì căn cứ miễn trách nhiệm chỉ có hiệu lực trong thời gian tồn tại trở ngại đó.
Nói tóm lại, bất khả kháng là một trong các căn cứ miễn trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Tuy nhiên đây là một khái niệm có nội hàm rất rộng và rất phức tạp. Và trong thực tiễn việc chứng minh sự kiện bất khả kháng thường gặp phải những khó khăn nhất định. Mặt khác, các quy định pháp lí về trường hợp bất khả kháng còn khá chung chung. Do đó các bên khi giao kết hợp đồng cần phải có những thỏa thuận cụ thể và chi tiết về vấn đề này. Trên nguyên tắc chung, bên vi phạm hợp đồng, khi viện dẫn bất khả kháng làm căn cứ miễn trách nhiệm cần phải làm tốt những vấn đề sau:
Một là, phải chứng minh được trong quá trình thực hiện hợp đồng đã có sự xuất hiện của những trở ngại khách quan nằm ngoài tầm kiểm soát của mình, ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng và trở ngại đó hoàn toàn vượt khỏi phạm vi trách nhiệm của mình. Muốn làm được điều này, bên vi phạm cần phải nêu rõ sự kiện trở ngại là gì (mưa gió, bão lũ, chiến tranh, hay hỏa hoạn…) cũng như quy mô, mức độ ảnh hưởng của nó.
Hai là, cần phải làm rõ được, mặc dù mình đã cố gắng lưu tâm một cách hợp lí đến các tình tiết, các sự kiện và đã có kế hoạch đề phòng, bất trắc khi quyết định tham gia vào quan hệ hợp đồng. Tuy nhiên sự xuất hiện của trở ngại khách quan là một điều hoàn toàn không thể lường trước được, vượt ra khỏi khả năng dự kiến trước và cũng không thể nhìn thấy trước được. Đây là một vấn đề rất quan trọng vì nếu không chứng minh được điều này bên vi phạm sẽ được coi là đã chấp nhận rủi ro khi giao kết hợp đồng. Cũng có thể bên có quyền sẽ đưa ra một số thông tin, dữ liệu để cho rằng trở ngại đó có thể dự đoán trước. Trong tình huống này bên vi phạm cần phải làm rõ những thông tin, dữ liệu đó là quá yếu để có thể khẳng định một vấn đề và rằng sự logic chỉ có được khi trở ngại khách quan đã xảy ra, còn trước đó việc dự kiến được là điều không thể. Chẳng hạn khi giao kết hợp đồng, đồng tiền thanh toán đã có hiện tượng mất giá so với các đồng tiền mạnh khác nhưng chỉ ở mức độ không đáng kể. Nhưng đến giai đoạn thực hiện hợp đồng thì đồng tiền đã bị mất giá đến 90% so với các đồng tiền mạnh khác. Rõ ràng các thông tin, dữ liệu ban đầu (đồng tiền bị mất giá không đáng kể) không thể đủ để có thể dự đoán được các diễn biến xảy ra sau đó (mất giá đến 90 %).
Ba là, phải chứng minh được khi trở ngại khách quan xảy ra, mặc dù với tinh thần thiện chí, trung thực và đã cố gắng đến mức có thể, vận dụng nhiều phương án khác nhau, nhưng do qui mô và mức độ ảnh hưởng của trở ngại là quá lớn nên việc thực hiện nghĩa vụ là hoàn toàn không thể được. Đặc biệt bên vi phạm sẽ phải không được có một động thái nào để “mặc cả” về việc thực hiện hợp đồng, chẳng hạn như đòi tăng giá hàng hóa hoặc giảm giá hàng hóa để tiếp tục thực hiện hợp đồng. Vì rằng, đó sẽ là cơ sở để kết luận nghĩa vụ vẫn có thể thực hiện được và như vậy không thể nào tồn tại cái gọi là sự kiện bất khả kháng để làm căn cứ miễn trách nhiệm bởi đã thiếu đi yếu tố “không thể khắc phục được.”
Thêm vào đó, khi xảy ra sự kiện bất khả kháng, thì bên vi phạm nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ thông báo về sự kiện bất khả kháng đến bên có quyền trong một thời gian hợp lí ngay sau khi có sự hiện diện của sự kiện bất khả kháng. Cần lưu ý rằng: các yếu tố trên đây cần phải được tuân thủ một cách đầy đủ, vì rằng chỉ cần có một yếu tố nào đó không đáp ứng được, điều đó cũng đồng nghĩa với việc không có sự tồn tại của sự kiện bất khả kháng.
Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!
[1] Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), “50 phán quyết trọng tài quốc tế chọn lọc”, tr 130-134.
[2] Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), “50 phán quyết trọng tài quốc tế chọn lọc”, sđd, tr 61-65.
[3] Conrinne Renoalt- Brahinsky, Đại cương về pháp luật hợp đồng, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2002, tr 109-110.
[4] Konrd Zweigert, Hein Kotz, nhập môn so sánh trong lĩnh vực luật tư, NXB quan hệ quốc tế, Matxcơva, 1998, p276, 277 dẫn theo TS Nguyễn Ngọc Khánh.
[5] Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), “50 phán quyết trọng tài quốc tế chọn lọc”, sđd, tr 47-55.
[6] Đại học quốc gia thành phố TP. HCM, Giáo trình luật hợp đồng luật thương mại quốc tế, tr 79; Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo tình tư pháp quốc tế, tr 156; Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật thương mại quốc tế, tr 256.
[7] Michael Bogdan, Comparative Law, Kluwer Norstedts Juridik Tano, 1994, tr 18.
[8] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật so sánh, NXB CAND, Hà Nội, 2008, tr 21.
[9] C.Czaroikow Ltd. V.Rolimpex (1979-A.C 351) dẫn theo giáo trình luật hợp đồng thương mại quốc tế.