PHÂN BIỆT VIỆC ĐẶT BẢNG HIỆU/BẢNG TÊN CƠ SỞ KINH DOANH TẠI TRỤ SỞ VÀ VIỆC ĐẶT BIỂN QUẢNG CÁO DỊCH VỤ SẢN PHẨM NGOÀI TRỤ SỞ: ĐIỀU KIỆN - TRÌNH TỰ THỦ TỤC VÀ NHẦM LẪN PHÁP LÝ!
Một Bạn độc giả có liên hệ và hỏi Tác giả vấn đề thế này: Bạn ấy vừa thành lập một hãng Taxi, có đăng ký kinh doanh đàng hoàng, mọi vấn đề đều bình thường. Tuy nhiên, vì Công ty mới thành lập, Bạn ấy muốn nhiều Người biết đến, nên Bạn ấy đã liên hệ với nhiều nơi kinh doanh mà có bảng hiệu như Quán phở, Nhà hàng, để xin được chèn thêm thông tin của Công ty Bạn ấy vào đó.
Ví dụ 1: Quán phở AB ...... Taxi XYZ số điện thoại .......
Ví dụ 2: Nhà hàng hải sản MN ..... Taxi XYZ số điện thoại......
Không bao lâu sau đó, Bạn ấy được Thanh tra sở Văn hóa, mời lên làm việc về hành vi Tổ chức quảng cáo sản phẩm, dịch vụ không đúng trình tự pháp lý, và buộc phải tháo dỡ. Bạn ấy thắc mắc, không biết như vậy, có đúng hay không?! Trong Bài viết này, Tác giả sẽ phân tích, một số khía cạnh pháp lý có liên quan, nhằm làm rõ hơn Vấn đề này, để Bà con tham khảo!
I. XÁC ĐỊNH ĐÚNG BẢN CHẤT VẤN ĐỀ PHÁP LÝ
1. Thông thường, Bà con, khi thành lập một cửa hàng, từ buôn bán nhỏ, như: Cửa hàng tạp hóa, hay Quán phở - Được gọi là Hộ kinh doanh; Cho đến mô hình lớn hơn như: Doanh nghiệp tư nhân, hay Công ty cổ phần...... Thì sau khi Bà con được cấp giấy chứng nhận kinh doanh - Bà con có quyền đặt Bảng hiệu tên Công ty tại trụ sở kinh doanh, Chi nhánh, Văn phòng của mình. Ví dụ: Công ty cổ phần A chuyên buôn bán vật liệu xây dựng..... Bảng hiệu tên Công ty này vừa có chức năng nhận diện (Cho mọi Người biết ở đây có Công ty A), vừa có chức năng quảng cáo (Cho biết ở đây buôn bán vật liệu xây dựng) - Chúng ta gọi chung đây là ["Việc đặt bảng hiệu cơ sở kinh doanh (Bảng tên Doanh nghiệp) tại trụ sở"].
2. Ngoài ra, có một số Người, vì muốn doanh nghiệp của mình được nhiều Người biết đến, nhằm tăng lượng khách hàng. Vì thế, Họ đã tiến hành đặt các Biển quảng cáo (Bảng quảng cáo), tại nhiều địa điểm khác, như ví dụ về hãng Taxi đã nêu trên - Chúng ta gọi đây là ["Việc quảng cáo thông qua phương tiện Bảng quảng cáo ngoài trụ sở"]. Lưu ý rằng: Quảng cáo được tiến hành thông qua nhiều phương tiện và hình thức khác nhau, ví dụ như quảng cáo trên truyền hình, quảng cáo qua báo chí...... Trong phạm vi Bài viết này, Chúng ta chỉ bàn đến hình thức quảng cáo thông qua phương tiện Bảng quảng cáo.
Từ việc xác định Bản chất pháp lý vừa nêu, Chúng ta sẽ làm rõ sự khác nhau giữa ["Việc đặt bảng hiệu cơ sở kinh doanh (Bảng tên Doanh nghiệp) tại trụ sở"] và ["Việc quảng cáo thông qua phương tiện Bảng quảng cáo ngoài trụ sở"], để phân biệt chúng.
II. LÀM RÕ NHỮNG KHÁC BIỆT
1. Về tính bắt buộc
["Việc đặt bảng hiệu cơ sở kinh doanh (Bảng tên Doanh nghiệp) tại trụ sở"] - Là yêu cầu pháp lý bắt buộc. Tức là Bà con sau khi đăng ký kinh doanh xong, Bà con phải chưng, treo Bảng Doanh nghiệp, Hộ kinh doanh lên, theo đúng quy định của pháp luật. Việc không trưng Bảng Doanh nghiệp lên, sẽ bị phạt, và thường, sẽ không được phép phát hành Hóa đơn.
Ngược lại - ["Việc quảng cáo thông qua phương tiện Bảng quảng cáo ngoài trụ sở"], không phải là yếu tố bắt buộc về mặt pháp lý, tức là tùy thuộc vào nhu cầu của Bà con, Bà con thấy cần thiết thì quảng cáo, Bà con thấy không cần thiết, thì thôi, không sao cả.
2. Về trình tự pháp lý
["Việc đặt bảng hiệu cơ sở kinh doanh (Bảng tên Doanh nghiệp) tại trụ sở"] là việc đương nhiên phải làm, nhưng đồng thời cũng là quyền đương nhiên được làm. Tức là sau khi được cấp giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh, thậm chí là trước đó vài ngày, Bà con đã có thể treo Bảng tên Doanh nghiệp, Cửa hàng lên, mà không cần phải thông qua một thủ tục pháp lý nào cả.
Ngược lại - ["Việc quảng cáo thông qua phương tiện Bảng quảng cáo ngoài trụ sở"] phải thông qua trình tự, thủ tục pháp lý nhất định, mới được tiến hành. nghĩa rằng không mặc nhiên được làm. Cụ thể được Tác giả phân tích ở phần tiếp theo.
III. TRÌNH TỰ THỦ TỤC QUẢNG CÁO
["Việc quảng cáo thông qua phương tiện Bảng quảng cáo ngoài trụ sở"] phải thông qua trình tự, thủ tục pháp lý sau đây:
1. Về điều kiện yêu cầu
Việc đặt bảng quảng cáo, băng-rôn phải tuân thủ quy định về khu vực bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa; hành lang an toàn giao thông, đê điều, lưới điện quốc gia; không được che khuất đèn tín hiệu giao thông, bảng chỉ dẫn công cộng; không được chăng ngang qua đường giao thông và phải tuân thủ quy hoạch quảng cáo của địa phương và quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
2. Về thành phần hồ sơ
Hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo bao gồm các giấy tờ, tài liệu sau:
- Văn bản thông báo sản phẩm quảng cáo ghi rõ nội dung, thời gian, địa điểm quảng cáo, số lượng bảng quảng cáo.
- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của người quảng cáo trong trường hợp tự thực hiện quảng cáo.
- Bản sao giấy tờ chứng minh sự hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ theo quy định của pháp luật hoặc giấy tờ chứng minh đủ điều kiện để quảng cáo. Điều kiện này, chỉ áp dụng với những loại sản phẩm phức tạp, như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng........
- Bản sao văn bản về việc tổ chức sự kiện của đơn vị tổ chức trong trường hợp quảng cáo cho sự kiện, chính sách xã hội. Bà con ta, không cần mục này.
- Ma-két sản phẩm quảng cáo in mầu có chữ ký của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo hoặc chữ ký của người quảng cáo trong trường hợp tự thực hiện quảng cáo. Trong trường hợp người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người quảng cáo là tổ chức thì phải có dấu của tổ chức.
- Văn bản chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng bảng quảng cáo. Ví dụ như hợp đồng thỏa thuận với Chủ nhà, đất nơi đặt Bảng quảng cáo.
- Bản phối cảnh vị trí đặt bảng quảng cáo.
- Bản sao giấy phép xây dựng công trình quảng cáo đối với loại bảng quảng cáo phải có giấy phép xây dựng. Ví dụ trường hợp Bà con làm Bảng quảng cáo mà xây dựng to như cổng chào, thì mới cần mục này.
3. Về trình tự thủ tục
Bà con gửi Hồ sơ thông báo về việc quảng cáo đến Cơ quan có thẩm quyền tại Địa phương (Mỗi Tỉnh có sự phân quyền cho từng Cơ quan cụ thể, thường là sở Văn hóa thể thao) trước khi tiến hành quảng cáo 15 ngày. Và trong vòng 5 ngày làm việc, kể từ khi nhận Hồ sơ, mà Cơ quan có thẩm quyền không có ý kiến gì, không phản hồi gì, thì Bà con được tiến hành quảng cáo (Nghĩa rằng: Im lặng là Đồng ý). Lưu ý: Vì thế, ở đây pháp luật gọi là thông báo về việc quảng cáo, mà không phải là xin phép.
Kết luận: ["Việc quảng cáo thông qua phương tiện Bảng quảng cáo ngoài trụ sở"] hoàn toàn khác với ["Việc đặt bảng hiệu cơ sở kinh doanh (Bảng tên Doanh nghiệp) tại trụ sở"], trên hầu hết các khía cạnh pháp lý. Trong đó, việc quảng cáo phải thông qua trình tự pháp ý nhất định. Do đó, Bà con có trách nhiệm phải tuân thủ các quy định này, việc sai phạm sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý hành chính nhất định, như bị nhắc nhở hành chính, xử phạt vi phạm hành chính, buộc phải khắc phục hậu quả như phải tháo bỏ Bảng quảng cáo .......
Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!