THẮNG - THUA HAY ĐƯỢC - MẤT TRONG MỘT TRANH CHẤP PHÁP LÝ: ĐÂU MỚI LÀ VẤN ĐỀ NGƯỜI TRONG CUỘC CẦN XÁC ĐỊNH!

Đứng trước một tranh chấp pháp lý, điều mà những Người trong cuộc quan tâm và đặt câu hỏi nhiều nhất đó chính là: Vụ này kiện được không, khả năng thắng có cao không?! Trong khi đúng ra, điều Họ cần đặt vấn đề phải/nên là: “Tham chiến” trong tranh chấp này, sẽ được gì và mất gì?!

Tại sao vậy? Bởi có không ít tình huống, mà thắng trong một tranh chấp pháp lý, không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với việc sẽ đạt được những lợi ích nào đó, hay nói chính xác hơn, là những gì đạt được không bằng những gì đã/sẽ mất đi, thì thắng đó không khác gì là thua.

Một Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm bị lỗi, Người tiêu dùng đòi tiền “chuộc”, đã tìm cách tống cho được Họ vào vòng lao lý, để rồi bị Cộng đồng tẩy chay sản phẩm, làm ăn thua lỗ - Vậy tranh chấp pháp lý đó, Doanh nghiệp thắng hay thua, được hay mất? Thắng về mặt pháp lý, hẳn là có, nhưng chẳng những không được gì, mà mất mát là rất nhiều?

Một Nghệ sỹ vướng vào một vụ kiện của Người thân, chưa biết thắng thua thế nào, nhưng bị Khán giả tẩy chay, bị “ném đá”, bị hủy hợp đồng, bị mất thu nhập, ảnh hưởng đến cuộc sống – Thì cái mất thấy rõ, vì nó đã hiện diện/ngự trị…

Những trường hợp, Người trong cuộc biết trước là có thắng cũng sẽ mất, nhưng vẫn làm, đó gọi là cố chấp. Những trường hợp, Người trong cuộc biết trước là sẽ thua và mất, nhưng vẫn đâm đầu vào, đó gọi là mù quáng. Còn những trường hợp, Người trong cuộc không biết đặt vấn đề là được hay mất để mà hỏi, thì Người trả lời, cần phải phân tích cho Họ hiểu.

Ví dụ thế này - Có Bạn độc giả từng hỏi: Hai anh em họ đang tranh chấp về thừa kế, Người em đòi tỷ lệ 4/6, Người Anh chỉ chấp nhận 3/7, không ai chịu ai nên Người em đã nộp đơn kiện ra Tòa, giờ nên thể nào? Tác giả trả lời rằng: Nếu không nhường nhịn nhau, “chiến đấu” đến huynh đệ tương tàn, phán quyết cuối cùng có thể là 4/6, cũng có thể là 3/7, hoặc 5/5 – Nhưng hãy nhớ rằng, lúc đó cái 4/6 hay 3/7 không còn là của cái ban đầu nữa: 5 phần của 100 triệu (Tức 20 triệu), làm sao bằng 3 phần của 01 tỷ (Tức 300 triệu). Anh em trong nhà, lọt sàng xuống nia, có mất đi đâu cho Người ngoài mà sợ thiệt.

Cuộc sống là vậy, có nhiều thứ không phải Ai cũng biết, không phải Ai biết cũng sẽ thực hiện, nhưng không phải vì thế mà Chúng ta cứ làm thinh đi theo lựa chọn cố chấp/mù quáng của Họ dựa trên cái gọi là “Nói rồi mà Họ không nghe”, bởi khi đó Chúng ta có quyền lựa chọn cuối cùng, là “từ chối”!

Tóm lại, Thắng - Thua và Được - Mất, là những cặp phạm trù không đồng nhất, nếu không muốn nói là khác xa nhau, khi nói về hệ quả của một tranh chấp pháp lý, vào thời điểm thu dọn tàn cuộc. Vậy cho nên, Bà con ta khi chẳng may rơi vào vòng xoay pháp lý, cần phải xác định sẽ được gì hay mất gì, nếu tham chiến, để từ đó, đưa ra lựa chọn phù hợp nhất cho Mình....

Viết tại sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan