BÊN NHẬN CẦM CỐ (CẦM ĐỒ) CHO BÊN CẦM CỐ THUÊ LẠI TÀI SẢN ĐÃ CẦM CỐ: DẤU HIỆU "LẪN TRÁNH PHÁP LUẬT" VÀ LỖ HỔNG PHÁP LÝ!

Để Bà con dễ hình dung, Chúng ta giả định tình huống xảy ra trong thực tiễn như sau: A vay tiền của B, và để bảo đảm cho việc trả nợ vay, A đã cầm cố chiếc xe hơi của mình cho B; A đã nhận tiền vay và giao xe cho B; Nhưng sau đó B đã cho A thuê lại chính chiếc xe hơi này.

Trong ví dụ vừa nêu, giữa A và B đã tồn tại song hành 03 giao dịch (Hợp đồng): (i) Hợp đồng vay tài sản, trong đó B là Bên cho vay/Chủ nợ, còn A là Bên vay/Con nợ; (ii) Hợp đồng cầm cố tài sản, trong đó A là Bên có tài sản cầm cố, còn B là Bên nhận cầm cố; (iii) Hợp đồng cho thuê tài sản, trong đó B là Bên cho thuê, còn A là Bên đi thuê, tài sản cho thuê (Chiếc xe hơi) chính là tài sản thuộc quyền sở hữu của A nhưng trước đó đã cầm cố cho B.

Với hai giao dịch đầu tiên là hợp đồng vay tài sản và hợp đồng cầm cố tài sản, mọi thứ hầu như không có gì đáng bàn, vì là những giao dịch phổ biến, diễn ra hàng ngày trong đời sống dân sự. Đây là những giao dịch, không những không bị cấm/không trái luật, mà còn là những giao dịch phù hợp với quy định của luật, thậm chí được đưa vào danh mục các hợp đồng thông dụng của luật dân sự. Nên các chỉ cần đáp ứng điều kiện có hiệu lực do luật dân sự quy định, là hợp đồng có giá trị thi hành. Tất nhiên, với những Chủ thể hoạt động kinh doanh cầm đồ chuyên nghiệp, thì cần phải đáp ứng thêm các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Vấn đề rối rắm, nằm ở giao dịch thứ ba - Hợp đồng cho thuê tài sản, trong đó B là Bên cho thuê, còn A là Bên đi thuê, tài sản cho thuê (Chiếc xe hơi) chính là tài sản thuộc quyền sở hữu của A nhưng trước đó đã cầm cố cho B. Sở dĩ gọi là rối rắm, vì theo quan niệm truyền thống, đối với giao dịch cầm cố, thì Bên có tài sản cầm cố (A), sẽ giao tài sản cho Bên nhận cầm cố (B) nắm giữ (Điều 309, 310, 311 Bộ luật dân sự hiện hành).

[* Việc Bên cầm cố giao tài sản cho Bên nhận cầm cố nắm giữ, cũng chính là điểm đặc trưng để phân biệt giữa cầm cố tài sản và thế chấp tài sản: Cầm cố thì giao tài sản - Còn thế chấp thì giao giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu mà không giao tài sản ( Ví dụ A cầm cố xe cho B, thì A phải giao xe, có thể kèm theo cả đăng ký xe cho B; Nếu A thế chấp cho xe cho B, thì A chỉ giao giấy đăng ký xe cho B, mà không giao xe cho B, xe vẫn do A sử dụng). Cũng chính vì đặc trưng giao hay không giao tài sản, mà trước đây, luật dân sự quy định thế chấp áp dụng với bất động sản, còn cầm cố áp dụng với động sản, nhưng hiện nay quy định này không còn được kế thừa trong luật hiện hành. Bà con lưu ý, ở đây chỉ là giao tài sản cầm cố cho Bên nhận cầm cố nắm giữ tạm thời trong thời gian vay tiền để làm tin, chứ không phải chuyển giao quyền sở hữu như mua bán.]

Mặc dù, dựa trên quan niệm truyền thống, đối với giao dịch cầm cố, Bộ luật dân sự hiện hành vẫn quy định Bên có tài sản cầm cố (A), sẽ giao tài sản cho Bên nhận cầm cố (B) nắm giữ như đã viện dẫn nêu trên. NHƯNG - Sau đó, Bộ luật dân sự lại có quy định rằng: Bên Nhận cầm cố (Bên B) "Được cho thuê, cho mượn, khai thác công dụng tài sản cầm cố..." nếu như được sự chấp thuận (Có thỏa thuận) với Bên cầm cố (Bên A) về việc này (Điều 314.3 Bộ luật dân sự 2015).

Như vậy, với quy định vừa nêu, thì Bên A (Bên có tài sản đi cầm cố) và Bên B (Bên nhận cầm cố), được phép thỏa thuận về việc, Bên B (Bên nhận cầm cố) được quyền cho thuê tài sản cầm cố. Luật không giới hạn Bên thuê tài sản phải là Ai, nên trên nguyên tắc, Bên B (Bên nhận cầm cố) có quyền cho bất kỳ Người nào thuê, bao gồm cả A. Sẽ thật vô lý, nếu B có thể có C, D, X thuê tài sản cầm cố, nhưng lại không được cho A thuê, khi cả A cũng đồng ý điều này. Thậm chí, nếu A thuê lại chính tài sản của mình, có khi còn yên tâm hơn, vì A hiển nhiên sẽ sử dụng tài sản của chính mình, cẩn trọng hơn Người khác.

Như vậy:

1. Dưới góc độ pháp lý: Mặc dù có rối rắm trên khía cạnh logic học, nhưng dựa trên quy định rất rõ ràng của Điều luật đã viện dẫn, thì việc Các Bên xác lập Hợp đồng cho thuê tài sản, trong đó B là Bên cho thuê, còn A là Bên đi thuê, tài sản cho thuê (Chiếc xe hơi) chính là tài sản thuộc quyền sở hữu của A nhưng trước đó đã cầm cố cho B - Là giao dịch, không những không vi phạm điều cấm của Luật, thậm chí còn phù hợp, trong khi Luật quy định các Bên được xác lập những giao dịch mà không vi phạm điều cấm của luật (Điều 3.2 Bộ luật dân sự).

2. Dưới góc độ kinh tế: Việc cho thuê tài sản như vừa nêu, thực sự lợi ích về nhiều mặt, nhất là khi cho chính Bên có tài sản thuê lại. Đương nhiên rồi, một tài sản được đem ra vận hành tạo giá trị kinh tế, sẽ hơn tài sản đó bị đắp chiếu trong kho, vừa lãng phí, vừa mất công trông giữ....

Nếu chỉ dừng lại ở hai luận điểm vừa nêu, hẳn Bà con ai cũng nghĩ rằng, vậy thì việc Các Bên xác lập Hợp đồng cho thuê tài sản, trong đó B là Bên cho thuê, còn A là Bên đi thuê, tài sản cho thuê (Chiếc xe hơi) chính là tài sản thuộc quyền sở hữu của A nhưng trước đó đã cầm cố cho B - Là giao dịch hợp tình, hợp lý, dưới góc độ nào cũng thấy có lợi.

Tuy nhiên:

3. Mục đích của cầm cố, là nhằm Bảo đảm quyền đòi nợ cho Bên nhận cầm cố, nếu Người vay không trả được tiền, thì còn xử lý tài sản cầm cố để thu hồi nợ. Vì vậy, khi Bên cho vay không trực tiếp nắm giữ tài sản cầm cố, mà cho Bên vay thuê lại tài sản, thì ý nghĩa của việc cầm cố tức nắm giữ tài sản không còn ý nghĩa. Nếu Ai đó lý luận rằng, việc xác lập giao dịch cầm cố trước đó, tạo ra cho Bên cho vay một vật quyền đối với tài sản cầm cố, nên dù không nắm giữ tài sản cầm cố, thì bên cho vay vẫn được quyền truy đòi dựa trên lý thuyết vật quyền - Vậy tại sao Các Bên lại không xác lập giao dịch thế chấp tài sản, mà lại nghĩ ra một cách lằng nhằng như vậy? Khi mà thế chấp cũng tạo ra vật quyền cho Bên nhận thế chấp, và Bên thế chấp được sử dụng tài sản thế chấp, nên lợi ích kinh tế như mục trên vẫn đạt được.

4. Đến đây, thì cái khôn của Bên cho vay/Bên nhận cầm cố mới "lòi" ra. Họ không xác lập thế chấp, mà xác lập cầm cố, là vì nếu không phải Tổ chức tín dụng (Ngân hàng), mức lãi suất cho vay sẽ bị khống chế theo quy định của Luật dân sự là không vượt quá 20%/năm. Bên cho vay muốn ghi lãi cao hơn cũng không được, nên Họ phải bày ra trò lằng nhằng như trên để thu thêm tiền cho thuê tài sản (Nếu thế chấp thì không làm được vậy, vì như đã phân tích, thế chấp thì Bên thế chấp không phải giao tài sản, chỉ cầm cố mới phải giao). Điều đáng nói, giả định khi cho thuê lại tài sản, giá cho thuê xêm xêm, gần bằng giá thị trường, thì dưới góc độ đạo đức, kinh tế... mọi thứ vẫn ổn, tức không bên nào quá lợi hay quá thiệt hại dưới học thuyết số học kinh tế.

5. Vấn đề nằm ở chổ, Bên cho vay/Bên nhận cầm cố đã đưa ra giá cho thuê với mức cao bất thường hơn rất nhiều so với giá thị trường. Nhiều Người sẽ nghĩ đơn giản, vậy thôi không thuê nữa. Nếu thế, thì Bên nhận cầm cố sẽ bắt Bên cầm cố phải đóng phí trông giữ tài sản rất cao. Nói thẳng ra, việc thuê lại tài sản của chính mình với phí cao, là điều kiện để được vay tiền, chứ không phải chỉ là bài toán kinh tế chống lãng phí của Các Bên. Thẳng thắn hơn nữa thì đó chính là cách lách luật để cho vay với lãi suất cao.

Như vậy, từ phân tích trên, cho ta thấy rằng, việc Các Bên xác lập Hợp đồng cho thuê tài sản, trong đó B là Bên cho thuê, còn A là Bên đi thuê, tài sản cho thuê (Chiếc xe hơi) chính là tài sản thuộc quyền sở hữu của A nhưng trước đó đã cầm cố cho B, với giá cho thuê cao hơn rất nhiều giá thuê thị trường - Đó chính là một cách "Lẫn tránh pháp luật" (Thuật ngữ Chúng ta được tiếp cận nhiều hơn trong tư pháp quốc tế) về mức trần lãi suất cho vay trong Bộ luật dân sự. Bằng cách này, Bên cho vay đã thu được nhiều hơn mức lãi mà Luật định đối về giao dịch cho vay tài sản. Bên vay nhiều khi vì tình trạng quẫn bách phải chấp nhận sự việc đó, mà trước đây Tác giả từng gọi đó là sự tự nguyện cưỡng bách, là một tỳ vết trong tự do ý chí.

Có lẽ các Nhà làm luật, khi đưa ra quy định cho phép Bên nhận cầm cố được cho thuê lại tài sản nếu có thỏa thuận với Bên cầm cố như đã nêu, cũng không thể ngờ được rằng, trong Nhân gian lại có những cao thủ vận dụng luật một cách siêu đẳng như vậy (dù ở góc độ đạo đức, việc vận dụng đó là không tốt) - Nhưng rõ ràng lỗ hổng pháp lý để lại là quá lớn, không thể không tìm cách vá lấp.

Do đó, nếu dựa trên góc độ lợi ích kinh tế đã nêu ở mục 2, rằng việc đắp chiếu tài sản sẽ là lãng phí, thì cần sớm phải tu chỉnh lại quy định của Bộ luật dân sự, đại khái: Bên nhận cầm cố được cho Bên cầm cố thuê lại chính tài sản đã cầm cố, nhưng giá thuê không được cao hơn giá thị trường. Thế nào là giá thị trường, Luật dân sự đã có quy định dự liệu, Tác giả đã nhiều lần dẫn chiếu và phân tích trong các Bài viết liên quan, Bà con có thể tìm đọc lại trên Trang này.

Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan