CÁC KHÍA CẠNH PHÁP LÝ CƠ BẢN VỀ BẢO HIỂM NHÂN THỌ: HIỂU VÀ VẬN DỤNG!
Dưới góc độ pháp lý và kinh doanh, tồn tại rất nhiều loại hình bảo hiểm như: Bảo hiểm xã hội; Bảo hiểm y tế; Bảo hiểm thất nghiệp; Bảo hiểm nhân thọ; Bảo hiểm phi nhân thọ..…… Trong mỗi loại hình này, lại có nhiều loại bảo hiểm khác nhau, như trong Bảo hiểm phi nhân thọ, lại có: Bảo hiểm tài sản, bảo hiểm trách nhiệm dân sự ……..
Cho nên có thể nói rằng, hoạt động bảo hiểm giống như một "Đại ngàn ma trận" - Mà để hiểu rõ cũng như thông thuộc được nó, là một thách thức không hề nhỏ ngay cả đối với những Người có chuyên ngành về Pháp lý hoặc/và Kinh doanh bảo hiểm; Còn với phần đông còn lại, thì có thể gói gọn trong hai chữ “Mơ hồ”. Cũng chính vì sự mơ hồ đó, cùng với nhiều lý do khác, dẫn đến có những định kiến nhất định về lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nói chung.
Thể theo yêu cầu của các Bạn độc giả – Trong phạm vi Bài viết này, Tác giả sẽ trình bày một số vấn đề pháo lý có liên quan đến Bảo hiểm nhân thọ. Những vấn đề cần bàn luận có thể nói là rất nhiều; Tuy nhiên trong phạm vi hạn hẹp của Bài viết này, Tác giả chỉ trình bày những luận điểm quan trọng nhất, để Bà con có thể hiểu và vận dụng khi cần thiết.
I. BẢN CHẤT CỦA BẢO HIỂM NHÂN THỌ
Pháp luật định nghĩa về bảo hiểm nhân thọ rất đơn giản, nên mơ hồ và gây khó hiểu: “Bảo hiểm nhân thọ là loại nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm sống hoặc chết”! Tuy nhiên, Bà con ta có thể hiểu nôm na thế này: Bảo hiểm nhân thọ, là một hình thức bảo hiểm, mà đối tượng được bảo hiểm ở đây chính là: Sinh mạng, sức khỏe hoặc/và tuổi thọ của một Con Người cụ thể.
Ví dụ 1: Ông A và Công ty Kinh doanh bảo hiểm B, ký kết một Hợp đồng bảo hiểm trong đó quy định, nếu sau 3 năm kể từ ngày ký Hợp đồng mà Ông A vẫn còn sống, thì Công ty phải chi trả một số tiền bảo hiểm cho Ông A. Đây được coi là một trong các loại hình bảo hiểm nhân thọ.
Như vậy, Bảo hiểm nhân thọ, là loại hình bảo hiểm cho các sự kiện sau: Sống đến một độ tuổi nhất định; Chết trong thời hạn bảo hiểm; Ốm đau, nằm viện, phẫu thuật ….. Theo đó, những loại bảo hiểm như bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm hư hỏng tài sản, bảo hiểm trách nhiệm dân sự, thì không phải là bảo hiểm nhân thọ.
II. CÁC LOẠI HÌNH BẢO HIỂM NHÂN THỌ
Đây chính là vấn đề rắc rối nhất, dễ gây hiểu nhầm nhất. Bởi lẽ, mặc dù cùng thuộc nhóm bảo hiểm nhân thọ, nhưng mỗi loại hình cụ thể nó lại có những cách thức chi trả khác nhau, cho những sự kiện khác nhau, nên khi tham gia, Bà còn nếu không tìm hiểu cặn kẽ sẽ dẫn đến bị nhầm. Nhiều Bà con thật thà – Thấy Bác hàng xóm mua bảo hiểm nhân thọ, mình cũng mua bảo hiểm nhân thọ, nhưng cái mình mua không giống loại hình, thì đương nhiên nó sẽ khác. Hiểu nôm na: Cũng là xe máy, nhưng xe ga chạy kiểu khác, xe số chạy kiểu khác…. Không giống nhau, dù đều là xe máy.
Chính vì thế, để không nhầm lẫn, Bà con cần nắm rõ, trong bảo hiểm nhân thọ, có các loại hình bảo hiểm cụ thể sau đây:
1. Bảo hiểm sinh kỳ
Bảo hiểm sinh kỳ là nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp Người được bảo hiểm sống đến một thời hạn nhất định, theo đó Doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho Người thụ hưởng, nếu Người được bảo hiểm vẫn sống đến thời hạn được thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
Ví dụ 2: Ngày 01/01/2010 Ông A và Công ty Kinh doanh bảo hiểm B, ký kết một Hợp đồng bảo hiểm trong đó quy định, nếu đến ngày 01/01/2015 mà Ông A vẫn còn sống, thì Công ty B phải chi trả một số tiền bảo hiểm cho Ông A là 1 tỷ đồng. Đây được coi là một trong các loại hình bảo hiểm nhân thọ - Cụ thể là: Bảo hiểm nhân thọ sinh kỳ.
Như vậy, căn cứ vào đặc tính của loại bảo hiểm này là “Phải còn sống” – Nên Bà con trước khi tham gia loại bảo hiểm này, phải đi thăm khám xem mình có còn khỏe mạnh, có thể sống hơn 5 năm nữa không, thì mới tham gia loại bảo hiểm này. Còn nếu đã già yếu, hoặc mắc bệnh nan y, hoặc công việc dễ ảnh hưởng đến tính mạng, như đi rừng, đi biển, thì nên cân nhắc trước khi tham gia loại bảo hiểm này.
Thực chất của loại bảo hiểm sinh kỳ, nó giống như là gửi tiền tiết kiệm lãi suất cao, đổi lại có rủi ro, vì nếu chết trước thời hạn thì không được trả tiền bảo hiểm.
2. Bảo hiểm tử kỳ
Loại bảo hiểm này, lại ngược hẳn hoàn toàn với loại hình bảo hiểm vừa nêu. Theo đó: Bảo hiểm tử kỳ là nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm chết trong một thời hạn nhất định, theo đó Doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho Người thụ hưởng, nếu Người được bảo hiểm chết trong thời hạn được thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
Ví dụ 3: Ngày 01/01/2010 Ông A và Công ty Kinh doanh bảo hiểm B, ký kết một Hợp đồng bảo hiểm trong đó quy định, nếu Ông A chết trước thời điểm ngày 01/01/2015, thì Công ty B phải chi trả một số tiền bảo hiểm cho Con của Ông A là 1 tỷ đồng. Đây được coi là một trong các loại hình bảo hiểm nhân thọ - Cụ thể là: Bảo hiểm nhân thọ tử kỳ. Như vậy, khác với ví dụ trên, trong loại hình bảo hiểm này, nếu đến ngày 01/01/2015 mà Ông A vẫn còn sống, thì Công ty không phải chi trả bảo hiểm.
Như vậy, căn cứ vào đặc tính của loại bảo hiểm này là “Phải chết mới có tiền” – Nên Bà con trước khi tham gia, phải đi thăm khám xem mình có bệnh tật gì không, có thể sớm về với Ông bà tổ tiên không, thì mới tham gia loại bảo hiểm này. Còn nếu khỏe như vâm thì nên cân nhắc trước khi tham gia bảo hiểm này.
Tuy nhiên, bảo hiểm này cũng dễ dẫn đến tranh chấp nhiều hơn. Vì Công ty kinh doanh bảo hiểm cũng đâu có “Khờ”, Họ sẽ yêu cầu Bà con thăm khám, nếu có dấu hiệu sắp đứt, thì Họ chẳng dại gì bán bảo hiểm cho Bà con. Và khi Bà con mua bảo hiểm, mà lỡ có chết, Họ hay viện lý do là Bà con không khai đủ tiểu sử bệnh tật, có ý gian dối, để tìm cách từ chối chi trả bảo hiểm.
3. Bảo hiểm hỗn hợp
Bảo hiểm hỗn hợp là nghiệp vụ bảo hiểm kết hợp bảo hiểm sinh kỳ và bảo hiểm tử kỳ. Tức là sự kết hợp của 02 loại bảo hiểm vừa nêu với nhau, nghĩa là sống cũng được trả tiền bảo hiểm, mà chết cũng được trả tiền bảo hiểm.
Ví dụ 4: Ngày 01/01/2010 Ông A và Công ty Kinh doanh bảo hiểm B, ký kết một Hợp đồng bảo hiểm trong đó quy định, nếu đến ngày 01/01/2015 mà Ông A vẫn còn sống, thì Công ty B phải chi trả một số tiền bảo hiểm cho Ông A là 1 tỷ đồng; Nếu Ông A chết trước thời điểm ngày 01/01/2015, thì Công ty B phải chi trả một số tiền bảo hiểm cho Con của Ông A là 1 tỷ đồng. Đây được coi là một trong các loại hình bảo hiểm nhân thọ - Cụ thể là: Bảo hiểm nhân thọ hỗn hợp.
Nhiều Bà con đọc đến đây sẽ thắc mắc, là tại sao mình không mua loại bảo hiểm này, vì đằng nào cũng được trả bảo hiểm. Tất nhiên, là “Điều gì cũng có giá của nó”, loại hình bảo hiểm này, vì thế sẽ có nhiều điểm bất lợi hơn về mức phí phải đóng, hay tiền bảo hiểm được hưởng – Đây cũng là điều hợp lý, để dung hòa lợi ích của các bên. Tuy nhiên, với loại hình bảo hiểm này, khi Người tham gia bảo hiểm chết trong thời hạn, Công ty bảo hiểm cũng có thể viện lý do là Bà con không khai đủ tiểu sử bệnh tật, có ý gian dối, để tìm cách từ chối chi trả bảo hiểm.
4. Bảo hiểm trọn đời
Bảo hiểm trọn đời là nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm chết vào bất kỳ thời điểm nào trong suốt cuộc đời của người đó. Loại hình bảo hiểm này, có nét giống với bảo hiểm tử kì, tức là bảo hiểm về cái chết, nhưng khác một chổ là, không phụ thuộc vào thời điểm nào. Nghĩa rằng, vào bất kì thời điểm nào, nếu chết, đều được chi trả bảo hiểm.
Ví dụ 5: Ngày 01/01/2010 Ông A và Công ty Kinh doanh bảo hiểm B, ký kết một Hợp đồng bảo hiểm trong đó quy định, bất kể lúc nào nếu Ông A chết, thì Công ty B phải chi trả một số tiền bảo hiểm cho Con Ông A 500 triệu đồng. Đây được coi là một trong các loại hình bảo hiểm nhân thọ - Cụ thể là: Bảo hiểm nhân thọ trọn đời.
Thường thì loại hình bảo hiểm này, khá phổ biến, Người tham gia muốn đề phòng khi có bất trắc, thì sẽ có chi phí để lo những vấn đề phát sinh. Tuy nhiên, khi tham gia, Công ty bảo hiểm cũng sàng lọc rất kĩ, nếu khả năng mắc những bệnh này kia, Họ sẽ không cho tham gia.
5. Bảo hiểm trả tiền định kỳ
Bảo hiểm trả tiền định kỳ là nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp Người được bảo hiểm sống đến một thời hạn nhất định; Sau thời hạn đó Doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm định kỳ cho Người thụ hưởng theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
Ví dụ 6: Bà N có một đứa con 5 tuổi. Bà N muốn con của mình năm 18 tuổi, tức là thời điểm học đại học, sẽ có một khoản tiền hàng năm để học đại học trong 4 năm. Thì Bà N sẽ tham gia loại hình bảo hiểm trả tiền định kỳ cho Con mình. Theo đó, khi Con Bà N đến 18 tuổi, mỗi năm Công ty bảo hiểm sẽ chi trả cho Con bà N là 100 triệu đồng, và trả liên tục trong 4 năm như vậy. Đây là Tác giả ví dụ vậy, còn thực tế số tiền chi trả cho mỗi năm bao nhiêu, trả định kỳ trong bao nhiêu năm, hoàn toàn phụ thuộc thỏa thuận của Các bên.
6. Bảo hiểm liên kết đầu tư
Bảo hiểm liên kết đầu tư là sản phẩm bảo hiểm nhân thọ đặc biệt. Theo đó, sau khi trừ đi chi phí quản lý hợp đồng và chi phí trả cho doanh nghiệp bảo hiểm, phí đóng bảo hiểm sẽ sử dụng để mua các đơn vị đầu tư trong quỹ liên kết.
Hiểu nôm na, loại hình bảo hiểm này, khá giống với việc Bà con chơi chứng khoán, kiểu được ăn cả, ngã về không. Nhưng tính minh bạch, thì thua xa mua bán chứng khoán. Vì mua bán chứng khoán, mà chứng khoán qua sở giao dịch, mọi thứ sẽ được kiềm tỏa rất chặt chẽ.
Hiện nay, loại hình bảo hiểm này, đang được chào mời rất phổ biến. Nhiều Bà con không nắm rõ, vì đây là loại hình bảo hiểm phi truyền thống, khá mới mẽ, cho nên khi tham gia không hiểu, hoặc bị nhầm lẫn, cuối cùng, khi đi nhận kết quả bảo hiểm không đúng ý, đều than trời là bị lừa đảo. Nói chung, nếu không rành về lĩnh vực đầu tư tài chính, thì thiết nghĩ Bà con cần thận trọng khi tham gia loại hình bảo hiểm này.
7. Bảo hiểm hưu trí
Bảo hiểm hưu trí là nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm đạt đến độ tuổi xác định được doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Loại hình bảo hiểm này khá dễ hiểu, nó cũng giống như bảo hiểm xã hội, đủ tuổi, đủ năm đóng, thì sẽ được chi trả lương hưu vậy.
Từ những phân tích trên, cho thấy rằng: Mặc dù đều là Bảo hiểm nhân thọ, nhưng mỗi loại hình lại có một đặc trưng khác nhau, dựa trên sự kiện bảo hiểm khác nhau. Vì vậy, khi tham gia bảo hiểm, Bà con phải tìm hiểu xem là mình nên tham gia loại hình bảo hiểm nào là phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của mình.
III. MỘT VÀI LƯU Ý KHI THAM GIA BẢO HIỂM NHÂN THỌ
Dù muốn hay không, thì cũng như trong tất cả các loại hình hoạt động kinh doanh khác, việc tranh chấp là khó tránh khỏi, dù là bảo hiểm, hay ngân hàng, hay đất đai. Tuy nhiên, để tránh những tranh chấp không đáng có, Bà con, cần lưu ý những điểm sau đây, nhằm bảo vệ quyền lợi cho mình.
1. Không chuyển yêu cầu bồi hoàn trong bảo hiểm nhân thọ
Khác với bảo hiểm tài sản, là Công ty bảo hiểm sau khi chi trả tiền cho người được bảo hiểm, thì có quyền yêu cầu Người đã gây ra thiệt hại về tài sản, phải bồi hoàn tiền mà mình (Công ty) đã phải bỏ ra để trả cho Người mua bảo hiểm. Thì trong bảo hiểm nhân thọ, hoàn toàn khác: Trong trường hợp người được bảo hiểm chết, bị thương tật hoặc đau ốm do hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp của Người thứ ba gây ra, Doanh nghiệp bảo hiểm vẫn có nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm mà không có quyền yêu cầu Người thứ ba bồi hoàn khoản tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm đã trả cho người thụ hưởng. Người thứ ba phải chịu trách nhiệm bồi thường cho Người được bảo hiểm theo quy định của pháp luật.
Ví dụ 7: Ông A mua bảo hiểm tử kỳ của Công ty B. Sau đó, Ông A bị tai nạn và tử vong. Công ty B có nghĩa vụ phải trả tiền bảo hiểm cho Gia đình ông A. Người gây ra tai nạn cho Ông A vẫn phải bồi thường cho Gia đình Ông A như những trường hợp bình thường. Trong bảo hiểm tài sản lại khác: Ví dụ Ông A mua bảo hiểm của Công ty B cho xe của mình; Xe Ông sau đó bị tai nạn và hư hỏng; Công ty B phải chi trả bồi thường cho xe của Ông A; Sau đó Công ty B có quyền yêu cầu Người gây ra tai nạn phải bồi hoàn lại tiền đó cho Công ty bảo hiểm, nếu Người gây ra tai nạn có lỗi.
2. Đọc kĩ các điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm
Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm quy định trường hợp Doanh nghiệp bảo hiểm không phải bồi thường hoặc không phải trả tiền bảo hiểm khi xẩy ra sự kiện bảo hiểm. Hiểu nôm na, ví dụ như mặc dù bảo hiểm tử kỳ quy định Người mua bảo hiểm chết, sẽ được bồi thường. Nhưng Công ty bảo hiểm có thể viện dẫn những quy định loại trừ, là những quy định mà Công ty bảo hiểm không phải bồi thường, như: Người mua bảo hiểm không khai đúng tiền sử bệnh tật, cố ý tự sát ….. Chính vì vậy, bà con phải đọc kĩ các trường hợp loại trừ trách nhiệm bồi thường của Công ty bảo hiểm.
3. Thời hạn chi trả bảo hiểm
Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường theo thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm; Trong trường hợp không có thỏa thuận về thời hạn thì doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ về yêu cầu trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường.
Thuật ngữ: Hồ sơ hợp lệ, cũng là một vấn đề dễ gây tranh chấp. Cho nên, khi tham gia bảo hiểm, Bà con phải tìm hiểu thật kĩ quy định về yêu cầu cung cấp tài liệu, hồ sơ để nhận chi trả bảo hiểm.
4. Lưu ý đặc biệt về bảo hiểm có tính chất tích lũy/tiết kiệm/tích góp
Bà A tham gia loại hình bảo hiểm thuộc dạng tích lũy hay còn gọi là loại hình bảo hiểm tiết kiệm, tích góp - Giả dụ mỗi năm Bà A đóng 700 triệu, liệu 10 năm sau, Bà A có được nhận 7 tỷ không? Chắc chắc không bao giờ có chuyện đó. Vì sao vậy? Vì bảo hiểm tiết kiệm chứ không phải là tiền (sổ) tiết kiệm gửi Ngân hàng - 02 Quan hệ pháp lý này khác nhau căn bản:
- Tiền tiết kiệm mà Bà con gửi Ngân hàng sẽ luôn TĂNG theo công thức = Tiền gốc gửi vào + tiền lãi phát sinh. Bà con luôn được rút lúc nào muốn, tất nhiên nếu rút sớm trước hạn, chỉ được lãi thấp, nhưng không mất gốc, nghĩa rằng Bà con luôn nhận được nhiều hơn tiền đã gửi cho Ngân hàng. Tuy vậy - Đổi lại - So với bảo hiểm tiết kiệm, thì Bà con không được bảo hiểm gì cả.
- Trong khi đó, với loại hình bảo hiểm nhân thọ có tính chất tiết kiệm, thì tính chất tiết kiệm chỉ là phụ. Nghĩa rằng - Nếu không xảy ra sự kiện bảo hiểm như đã nói ở các mục trên (Sống hay chết, tai nạn bệnh tật vào một thời điểm) - Thì số tiền Bà con nhận khi đến hạn hợp đồng, luôn GIẢM theo công thức = Tiền gốc gửi vào TRỪ đi phí bảo hiểm. Nhưng đổi lại (So với gửi tiền tiết kiệm cho Ngân hàng), nếu trong thời hạn hợp đồng, xảy ra sự kiện bảo hiểm, thì Người mua sẽ được bảo hiểm chi trả một số tiền lớn như các Ví dụ 2 - 3 - 4 đã nêu trên.
Hiểu nôm na, giữa gửi tiền tiết kiệm cho Ngân hàng và mua bảo hiểm tiết kiệm - Thì mỗi loại hình có một thế mạnh riêng, nhược điểm riêng - Và mỗi Người sẽ tùy thuộc vào hoàn cảnh của mình để xác định, điều gì là có lợi cho mình. Giả định rằng, nếu mua bảo hiểm tiết kiệm, vừa được bảo hiểm rủi ro, vừa nhận được toàn bộ tiền gốc cộng tiền lời khi đến hạn, thì chẳng còn ai đi gửi tiền tiết kiệm cho Ngân hàng. Hay ngược lại, giả định rằng, nếu gửi tiền tiết kiệm cho Ngân hàng, ngoài việc được trả gốc và lời khi đến hạn, còn được Ngân hàng "bảo hiểm" cho sự sống, chết như khi mua bảo hiểm tiết kiệm, thì chẳng còn ai đi mua bảo hiểm. Tóm lại "Cái gì cũng có giá của nó" - Vấn đề chỉ là Người tư vấn bảo hiểm, đã nói rõ như vậy cho khách hàng biết hay chưa?!
------
Tổng kết luận: Nếu Bà con hỏi Tác giả rằng, Bảo hiểm nhân thọ nói riêng và Bảo hiểm nói chung, có thiết thực không, có lợi ích không?! Tác giả có thể khẳng định rằng: Về phương diện lý thuyết, bảo hiếm rất hữu ích, bởi đó chính là sự chia sẻ rủi ro, giữa những Người mua bảo hiểm với nhau. Tiền để chi trả bảo hiểm cho những Người gặp rủi ro, chính là tiền của nhiều Người tham gia bảo hiểm khác cộng lại, nhưng đã may mắn không gặp rủi ro. Xuất phát, khởi điểm Bảo hiểm được đặt ra để đề phòng rủi ro - Do đó, về lý thuyết bảo hiểm luôn hữu ích. Tuy nhiên, khi thực thi trên thực tế, sự đẹp đẽ và nhân văn trong khởi nguồn của ngành bảo hiểm, bị sứt mẽ đi ít nhiều, làm giảm lòng tin của những Người tham gia bảo hiểm, bởi vô vàn nguyên nhân khác nhau.....
Viết tại sài Gòn – Luật sư: Đặng Bá Kỹ!