TRƯNG CẦU GIÁM ĐỊNH NĂNG LỰC TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ ĐỐI VỚI NGƯỜI BỊ BUỘC TỘI: PHÂN TÍCH VÀ BÌNH LUẬN!

Nếu nghiên cứu chuyên sâu, Chúng ta sẽ phát hiện ra một điều khá "thú vị" về sự "không đồng nhất" (Thiếu nhất quán/Thiếu đồng bộ) giữa quy định của Bộ luật hình sự hiện hành và Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành, khi quy định về việc xác định năng lực trách nhiệm hình sự của Người bị buộc tội trong những trường hợp nhất. định.

Thật vậy, Bộ luật tố tụng hình sự quy định: Khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của Người bị buộc tội thì bắt buộc phải giám định tình trạng tâm thần của Người đó. Nếu xét về mặt câu chữ, quy định vừa nêu, sẽ khiến Người ta hiểu rằng, chỉ khi nào liên quan đến có hay không có dấu hiệu bị tâm thần của Người bị buộc tội, thì mới bắt buộc phải trưng cầu giám định.

Tuy nhiên, Bộ luật hình sự lại quy định rằng: "Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự". Với quy định này, thì Chúng ta lại phải hiểu rằng, Người bị buộc tội có thể mặc bệnh tâm thần hay một bệnh khác, tên bệnh là gì không quan trọng, mà quan trọng nằm ở tổ hợp từ bệnh đó đã dẫn đến "Làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi" thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Hay nói cách khác, quy định của Bộ luật hình sự mang tính rộng mở hơn, và vì thế cũng chính xác hơn, bởi dưới góc độ y học thì có nhiều căn bệnh có thể dẫn đến việc "Làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi", mà không chỉ có bệnh tâm thần.

Mặc dù có sự không đồng nhất như vậy (Ít nhất là về mặt câu chữ), nhưng về bản chất, những Người có thẩm quyền, có chuyên môn buộc phải hiểu và thống nhất với nhau rằng: Khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của Người bị buộc tội thì bắt buộc phải giám định tình trạng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của Người đó. Còn sau khi giám định, mà kết quả là Họ bị mất/hạn chế tình trạng nhận thức/khả năng điều khiển hành vi, đương nhiên trong kết luận giám định sẽ phải nêu rõ nguyên nhân là do bệnh gì.

Khác với một Vụ án dân sự (Kiện cáo tranh chấp đất đai, tiền bạc) là Tòa án chỉ tiến hành xem xét việc trưng cầu giám định khi có đề nghị của Đương sự (Giống như cách mà Tòa án đã làm trong Vụ án lý hôn nổi tiếng của Vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên (Bà T đã yêu cầu trưng cầu giám định tâm thần đối với Ông V)) - Thì ngược lại, trong một Vụ án hình sự, Cơ quan tiến hành tố tụng bắt buộc phải tiến hành trưng cầu giám định năng lực trách nhiệm hình sự của Người bị buộc tội, khi có nghi nghờ về tình trạng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của Người đó, mà KHÔNG phụ thuộc vào việc có Người nào đề nghị hay phản đối.

Hiểu nôm na, việc trưng cầu giám định lúc này, là việc bắt buộc mà Cơ quan tiến hành tố tụng phải làm dựa trên căn cứ luật định, nếu không, đó sẽ là hành vi vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Bởi khác với Vụ án dân sự khi chủ yếu chỉ liên quan đến "Tình tiền", thì trong Vụ án hình sự, đó là vấn đề "Tù tội", là số mệnh pháp lý của một con Người với rất nhiều hệ lụy.

Nhưng điều quan trọng và chính yếu, là cần phải phân biệt giữa "Quyết định trưng cầu giám định" và "Kết luận giám định". "Quyết định trưng cầu giám định" chỉ mới là khi có nghi ngờ nên phải giám định, còn "Kết luận giám định" lại được ban hành sau khi đã tiến hành giám định và có kết quả giám định. Cũng chính vì thế, không phải khi nào, không phải Ai bị trưng cầu giám định tâm thần, thì sau khi giám định cũng sẽ có kết quả tâm thần - Đương nhiên không phải vậy!

Cho nên - Sẽ khá vô bổ, khi cứ tranh cãi nhau việc "có giám" hay "không giám", bởi một bên cứ nói rằng "bị nên phải giám", một bên nói không bị nên "không cần phải giám". Vì rằng, bị hay không bị "phải giám" mới biết được. Giả định cho rằng, không bị, thì cũng không cần quá hoang mang, bởi không bị thì "có giám cũng không ra". Nhưng như đã nói, việc trưng cầu giám định là quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, là việc bắt buộc phải làm khi có căn cứ luật định, mà không dựa trên bất kỳ ý kiến đồng ý hay phản đối nào của Thân nhân.

Liên quan đến đề tài này, cũng cần phải viện dẫn thêm rằng, trong trường hợp tiến hành giám định, nếu kết quả giám định là Người bị buộc tội bị mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi. Thì vấn đề chưa dừng lại tại đó, mà cần phải xác định xem Họ mắc bệnh vào thời điểm nào:

1. Nếu Họ mắc bệnh vào thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, thì sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự, nhưng Viện kiểm sát hoặc Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi chữa bệnh, nếu khỏi bệnh, cũng không phải chịu trách nhiệm hình sự cho hành vi đã thực hiện trước đó vào thời điểm bị bệnh.

2. Nếu Họ không mắc bệnh vào thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhưng trước khi bị kết án, Họ đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự - Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù. Như vậy, điều quan trọng, không chỉ là xác định Người đó có bình thường hay không, mà việc xác định không được bình thường ở giai đoạn nào là hết sức quan trọng, vì nó liên quan đến việc phải chịu trách nhiệm hình sự.

Dưới góc độ dân sự, khi một Người bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, thì cần phải có Người giám hộ. Khi Người vợ bị mất năng lực hành vi dân sự, thì Người chồng đương nhiên trở thành Người giám hộ (Và Ngược lại), trừ trường hợp khi còn bình thường Người này đã lập văn bản có công chứng, chỉ định một Người khác (Ví dụ Cha mẹ hay Con) sẽ là Người giám hộ cho Họ, trong trường hợp sau này lỡ Họ rơi vào trạng thái không bình thường (Tác giả dùng ngôn ngữ bình dân vậy cho Bà con dễ hiểu). Người giám hộ sẽ được đại diện cho Người được giám hộ trong các giao dịch dân sự/quản lý tài sản của người được giám hộ.... Tất nhiên phải vì lợi ích của Người được giám hộ (Người bị bệnh) - Đó là về mặt lý thuyết luật quy định như vậy!

Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan