MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ THÀNH LẬP VÀ GÓP VỐN THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP!

Việc thành lập doanh nghiệp, với góc độ là lập hồ sơ và tiến hành đăng ký kinh doanh tại Cơ quan có thẩm quyền, là một thủ tục khá đơn giản. Trên thị trường, cũng có rất nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ đăng ký thành lập Doanh nghiệp với chi phí khá rẻ. Do đó, trong phạm vi Bài viết này, Tác giả xin phép không luận bàn về quá trình thành lập Doanh nghiệp với ý nghĩa là một thủ tục đăng ký thành lập tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Mà thay vào đó, Tác giả sẽ trình bày, phân tích một vài khía cạnh pháp lý có liên quan, để Bà con có thể biết và vận dụng, trong trường hợp muốn thành lập hoặc góp vốn thành lập Doanh nghiệp - Mà thực tiễn, Tác giả thấy đây chính là những vấn đề rất dễ phát sinh tranh chấp trên thực tế!

I. Lựa chọn loại hình Doanh nghiệp

Pháp luật về Doanh nghiệp và pháp luật có liên quan, quy định các loại hình Doanh nghiệp sau đây, để Bà còn có thể lựa chọn, khi thành lập Doanh nghiệp, tổ chức hoạt động. Mỗi loại hình Doanh nghiệp này, tất nhiên có chế độ pháp lý và tổ chức hoạt động khác nhau. Bao gồm:

1. Công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên: Là loại hình Công ty chỉ có 1 cá nhân hoặc 1 tổ chức góp vốn thành lập. Là loại Công ty 1 chủ. Chủ công ty chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào Công ty.

2. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên: Là loại hình Công ty có từ hai thành viên trở lên góp vốn thành lập và tối đa không quá 50 thành viên. Thành viên góp vốn có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Thành viên chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn với số vốn đã góp vào Công ty. Hiểu nôm na, muốn thành lập Công ty thì phải có ít nhất hai Người, tổ chức trở lên.

3. Công ty cổ phần: Là loại hình Công ty có tối thiểu là 3 thành viên góp vốn (Cổ đông) thành lập và không hạn chế số lượng tối đa. Thành viên góp vốn (Cổ đông) có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Thành viên chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn với số vốn đã góp vào Công ty. Hiểu nôm na, muốn thành lập Công ty thì phải có ít nhất ba Người, tổ chức trở lên.

4. Công ty hợp danh: Là loại hình công ty có ít nhất là 02 cá nhân (Không phải tổ chức) là thành viên hợp danh liên kết để thành lập Công ty. Và thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình. Ngoài ra công ty hợp danh, còn có thể có thành viên góp vốn.

5. Doanh nghiệp tư nhân: Là loại hình doanh nghiệp chỉ do một Cá nhân bỏ vốn thành lập. Và phải chịu trách nhiệm vô hạn mọi khoản nợ của Doanh nghiệp bằng toàn bộ tài sản cá nhân của mình.

6. Hộ kinh doanh: Không được coi là Doanh nghiệp. Đây là một Chủ thể kinh doanh do một cá nhân, một hộ gia đình hoặc một nhóm Người thành lập. Và phải chịu trách nhiệm vô hạn mọi khoản nợ của Hộ kinh doanh bằng toàn bộ tài sản cá nhân của mình.

II. Số lượng Doanh nghiệp có thể thành lập

Phụ thuộc vào loại hình doanh nghiệp, mà việc thành lập bao nhiêu Doanh nghiệp sẽ bị khống chế bởi luật. Cụ thể như sau:

1. Một Cá nhân có thể thành lập, góp vốn thành lập nhiều Công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên, Công ty trách nhiệm hai thành viên trở lên, hoặc Công ty cổ phần. Trừ trường hợp đã từng bị tuyên bố phá sản.

Ví dụ 1: Ông A thành lập Công ty B. Sau đó Ông A có thể thành lập tiếp Công ty C. Hoặc góp vốn cùng Ông Z thành lập Công ty AZ.

2. Môt cá nhân chỉ được thành lập một Doanh nghiệp tư nhân. Và khi đã thành lập Doanh nghiệp tư nhân, thì không thể thành lập Công ty hợp danh, không thể thành lập hộ kinh doanh. Nhưng có thể thành lập nhiều Công ty trách nhiệm hữu hạn và Công ty cổ phần.

Ví dụ 2: Ông A đã thành lập Doanh nghiệp tư nhân B. Thì Ông A không thể thành lập tiếp Doanh nghiệp tư nhân C. Không thể thành lập Hộ kinh doanh D. Nhưng có thể thành lập thêm tiếp Công ty C. Hoặc góp vốn cùng Ông Z thành lập Công ty AZ.

Lưu ý: Ngoài Hộ kinh doanh không được thành lập chi nhánh. Tất cả các loại hình còn lại đều được thành lập chi nhánh và văn phòng đại diện.

III. Chế độ trách nhiệm của Chủ doanh nghiệp

Đọc phần trên, có nhiều Bạn sẽ thắc mắc: Tại sao lại có sự khác biệt về số lượng Doanh nghiệp được thành lập như vậy. Lý do, là bởi vì nó liên quan đến chế độ trách nhiệm tài sản của Chủ doanh nghiệp. Cụ thể:

1. Chủ (Thành viên góp vốn) Công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên và hai thành viên trở lên, Chủ (Cổ đông) Công ty cổ phần chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn đối với mọi khoản nợ của Công ty trong số vốn đã góp vào Công ty.

Ví dụ 3: Ông A bỏ ra 01 tỷ đồng, để thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn B. Trong quá trình kinh doanh, nếu Công ty B có thua lỗ, bể nợ, thì Ông A cũng chỉ chịu trách nhiệm trong 1 tỷ đã góp vào Công ty. Các chủ nợ không thể đòi ông A lấy các khoản tiền khác ra để trả nợ. Dù Ông A vẫn còn rất giàu.

2. Chủ Doanh nghiệp tư nhân, Chủ Hộ kinh doanh, Thành viên hợp danh của Công ty hợp danh phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng mọi tại sản của mình đối với các khoản nợ của Doanh nghiệp.

Ví dụ 4: Ông A bỏ ra 01 tỷ để thành lập Doanh nghiệp tư nhân B. Nếu trong quá trình kinh doanh bị thua lỗ, mà Doanh nghiệp tư nhân B không đủ tiền để trả, thì Ông A phải bán hết các tài sản của Ông A như nhà cửa, đất đai khác để lấy tiền trả nợ.

IV. Việc góp vốn thành lập Doanh nghiệp

Phần này, chỉ nói về Công ty nhiều chủ, tức nhiều Người cùng thỏa thuận góp vốn thành lập Công ty. Bởi vì trường hợp này rất hay xảy ra tranh chấp.

Pháp luật không hề bắt buộc các thành viên phải góp vốn như dự định vào thời điểm trước khi hoặc ngay khi thành lập Doanh nghiệp. Mà thời hạn này là 90 ngày, sau khi Doanh nghiệp được thành lập.

Ấy thế nhưng, có nhiều trường hợp, có những thành viên thường yêu cầu thành viên khác phải góp vốn ngay khi mới đi làm thủ tục đăng ký kinh doanh. Dẫn đến hệ quả là, có khi Doanh nghiệp không được thành lập, hoặc được thành lập nhưng không có thành viên đã góp vốn thực tế. Từ đó xảy ra tranh chấp, kiện tụng nhau.

Cho nên ở đây khuyến nghị với Bà con thế này: Tất nhiên khi bắt đầu mới thành lập Công ty, có một số khoản đã cần phải chi tiêu như thuê mặt bằng, mua trang thiết bị, nghĩa là cần tiền. Nhưng số tiền này không nhiều. Nên Bà con chỉ góp tạm thời một ít thôi, đủ để trang trải.

Sau đó, đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn, khi nào Công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Bà con thấy có tên mình ghi trong đó, thì lúc này mới thức tế chuyển vốn góp cho Công ty, và yêu cầu Công ty xác nhận và cấp Giấy chứng nhận vốn góp.

Còn đối với Công ty cổ phần, sau khi Công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Công ty cổ phần thì lại không ghi tên Bà con vào trong Giấy đó như Công ty trách nhiệm hữu hạn), nên sau khi Công ty đã thành lập, Bà con mới góp vốn, đồng thời yêu cầu Công ty phải cấp Giấy chứng nhận cổ phần, và ghi tên Bà con vào sổ đăng ký cổ đông, Bà con chụp lại một bản Sổ đăng ký Cổ đông cho chắc chắn, làm chứng cứ.

Các vấn đề pháp lý liên quan đến Doanh nghiệp là vô vàn và phức tạp. Tác giả sẽ cố gắng viết về những khía cạnh khác, trong những Bài viết về sau.

Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

Bình luận (0)


Bài viết liên quan