PHÁP LUẬT NGHIÊM CẤM PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ TRONG LAO ĐỘNG: HIỂU VÀ ÁP DỤNG!

Hiến pháp hiện hành của nước Việt Nam - Đạo luật quan trọng bậc nhất của một Quốc gia quy định: "Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội"; Và "Nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động......"!

Bộ luật lao động năm 2019, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, cũng quy định: "Nghiêm cấm phân biệt đối xử trong lao động"! Như vậy, từ Hiến pháp đến Luật, đều quy định rất rõ việc "Phân biệt đối xử trong lao động" là hành vi trái pháp luật, do đó bị nghiêm cấm thực hiện hành vi này. Vậy thế nào là "Phân biệt đối xử trong lao động".

Luật định rằng: "Phân biệt đối xử trong lao động là hành vi phân biệt, loại trừ hoặc ưu tiên dựa trên chủng tộc, màu da, nguồn gốc quốc gia hoặc nguồn gốc xã hội, dân tộc, giới tính, độ tuổi, tình trạng thai sản, tình trạng hôn nhân, tôn giáo, tín ngưỡng, chính kiến, khuyết tật, trách nhiệm gia đình hoặc trên cơ sở tình trạng nhiễm HIV hoặc vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có tác động làm ảnh hưởng đến bình đẳng về cơ hội việc làm hoặc nghề nghiệp"!

Hiểu nôm na, là khi làm việc, mà ưu ái hơn với Người dân tộc Hoa, khắt khe hơn với Người dân tộc Thái, đó chính là phân biệt đối xử. Hoặc khi tuyển dụng cùng một loại công việc mà cả nam và nữ đều làm được như nhau, nhưng chỉ tuyển Nam hoặc chỉ Nữ, đây cũng là phân biệt đối xử. Tuy nhiên, cũng có ngoại lệ, là đối với những ngành nghề đặc thù, chỉ phù hợp với một số Người nhất định, ví dụ như việc làm trong các hầm mỏ, nguy hiểm, nên chỉ tuyển người đủ điều kiện, thì không bị coi là phân biệt đối xử: "Việc phân biệt, loại trừ hoặc ưu tiên xuất phát từ yêu cầu đặc thù của công việc và các hành vi duy trì, bảo vệ việc làm cho người lao động dễ bị tổn thương thì không bị xem là phân biệt đối xử"!

Như vậy, việc Doanh nghiệp tuyển dụng lao động mà nêu rõ không tuyển dụng Người vùng miền nào đó, như Nghệ An, Thanh Hóa.... Thi thoảng là Cà Mau hay những vùng miền khác như Bài trong hình, thì rõ ràng đây chính là hành vi phân biệt đối xử trong lao động, là hành vi trái pháp luật; Theo quy định thì hành vi này bị xử phạt từ 10 đến 20 triệu đồng.

Trên một số diễn đàn, cũng có Người cho rằng, việc phân biệt đối xử như vậy là có nguyên do, đại loại như do Người vùng đó thì thế này, thế khác..... Tuy nhiên, những lập luận như thế, không xác đáng. Nhân gian có câu: "Ở đâu cũng có anh hùng - Ở đâu cũng có đứa khùng, đứa điên"; Cho nên không thể đánh đồng mọi Người luôn là giống nhau, định kiến rằng Họ là như nhau, chỉ vì Họ là "Đồng hương" của nhau. Lập luận như thế, chẳng khác nào Chúng ta đồng tình với việc một số Công chúng ở Âu châu, luôn cho rằng họ mới là thượng đẳng, là tinh hoa, và xem thường Người dân Châu á, Châu phi, tức luôn phân biệt chủng tộc là đúng.

Cho nên, trên nguyên tắc bình đẳng và nguyên tắc trách nhiệm hành vi, rằng Chúng ta không thể buộc một Người phải chịu bất kì trách nhiệm nào, cho một hệ quả, vốn chẳng xuất phát từ hành vi nào của Họ; Càng không thể buộc Họ phải gánh chịu chung một hậu quả, chỉ đơn giản và duy nhất, chỉ vì Họ có một đặc tính giống với Kẻ sai phạm nào đó về giới tính, dân tộc, màu da, xuất thân xã hội ........ Đó là một điều hết sức phi lý và bất công. Vì vậy, dưới phạm trù đạo đức hay luật pháp, hành vi phân biệt đối xử trong lao động, bị nghiêm cấm là hoàn toàn hợp tình, hợp lý, và phù hợp với Công ước quốc tế về chống phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp năm 1958 (Công ước số 111) mà Việt Nam là thành viên.

Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan