PHÂN BIỆT: VỤ ÁN LY HÔN VÀ VỤ VIỆC LY HÔN - KHỞI KIỆN LY HÔN VÀ THUẬN TÌNH LY HÔN!
Nhiều Bạn Độc giả nhắn tin hỏi - Nên Tác giả xin phép không trả lời riêng, mà viết một Bài ở đây, nhằm để những Bà con nào quan tâm có thể cùng tìm hiểu. Thông thường một Vụ ly hôn (Dù là Vụ án hay Vụ việc) về nguyên tắc sẽ có 03 mối quan hệ pháp luật cần phải giải quyết trong một Vụ ly hôn đó: (i) Thứ nhất là quan hệ nhân thân giữa vợ chồng: Tức trả lời câu hỏi có được hay không được chấm dứt quan hệ hôn nhân (Có còn là Vợ chồng của nhau hay không)?; (ii) Thứ hai là quan hệ con cái: Tức trả lời câu hỏi Người nào sẽ trực tiếp nuôi con chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng bị bệnh tật không có khả năng lao động, con ở chung với ai, cấp dưỡng thế nào?; Và (iii) Thứ ba là quan hệ tài sản: Tức trả lời câu hỏi tài sản nào thuộc về ai, nợ nần giải quyết thế nào?! Tuy nhiên, cũng có những Vụ ly hôn, mà Các bên chưa có con chung, không có tài sản, nợ chung thì chỉ có một mối quan hệ pháp lý đầu tiên cần phải giải quyết như đã nêu.
I. Thuận tình ly hôn
Thuận tình ly hôn hay còn gọi đồng thuận ly hôn - Là Vụ việc ly hôn mà trong đó cả hai bên Vợ chồng đều đồng ý ly hôn và không có bất kỳ có tranh chấp gì về tài sản hay con cái. Có thể họ có con chung hoặc/và tài sản, nợ chung nhưng họ đã tự thỏa thuận với nhau về việc ai nuôi con, ai được tài sản gì. Hiểu nôm na, là giữa Họ không có tranh giành gì về con cái, không có tranh giành gì về tài sản, thực sự muốn giải thoát cho nhau. Thì cả hai sẽ cùng làm Đơn yêu cầu Tòa án công nhân việc thuận tình ly hôn.
Theo quy định tại Điều 29.2 Bộ luật tố tụng dân sự - Yêu cầu tòa án công nhân thuận tình ly hôn, được xếp vào loại Việc dân sự, tức là không có tranh chấp, mọi việc đã được các bên thỏa thuận với nhau - Và nhiệm vụ của Tòa án chỉ là xem xét công nhận hoặc không công nhận điều đó (Thường thì Tòa sẽ công nhận, trừ khi phát hiện những khuất tất ví như ly hôn giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ....).
Tuy nhiên cần lưu ý rằng - Yêu cầu Tòa án công nhân thuận tình ly hôn, chưa làm chấm dứt quan hệ hôn nhân. Mà chỉ khi nào Tòa án đã ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn - Thì quan hệ hôn nhân mới được coi là chấm dứt theo đúng quy định của pháp luật.
Có một điều khá thú vị, đó là Quyết định giải quyết việc dân sự nói chung của Tòa cấp sơ thẩm vẫn có thể bị kháng cáo hoặc kháng nghị, để Tòa phúc thẩm xem xét lại. Tuy nhiên theo quy định tại Điều 371 Bộ luật tố tụng dân sự, thì Quyết định công nhận thuận tình ly hôn không được kháng cáo, kháng nghị, nghĩa rằng có hiệu lực thi hành ngay. Nhưng tóm lại, vẫn phải đã có quyết định của Tòa án là công nhận thuận tình ly hôn thì quan hệ hôn nhân mới chấm dứt.
II. Vụ án ly hôn
Gọi là vụ án ly hôn, khi các bên có tranh chấp với nhau và chỉ một bên khởi kiện ra Tòa án yêu cầu chấm dứt quan hệ hôn nhân. Vụ án ly hôn xảy ra khi có một bên khởi kiện được gọi là Nguyên đơn, bên còn lại là Bị đơn. Ngược lại với thuận tình ly hôn, thì Vụ án ly hôn xảy ra khi các bên có tranh chấp, có thể chỉ có 01 tranh chấp nhưng cũng có thể có cùng lúc cả 03 tranh chấp về hôn nhân, con cái, tài sản, như đã nêu ở đầu Bài viết. Nhưng chỉ cần có tồn tại một quan hệ tranh chấp, nghĩa rằng Các bên không thể tự giải quyết được, phải khởi kiện ra Tòa án, thì đó vẫn là Vụ án ly hôn.
Chẳng hạn khi hai người đều cùng muốn ly hôn, không muốn nhìn mặt nhau nữa, nhưng lại có tranh giành việc nuôi con, thì đó vẫn phải là Vụ án ly hôn. Hiểu nôm na, chỉ coi là thuận tình ly hôn, khi Các bên thỏa thuận được với nhau về mọi vấn đề có liên quan đến hôn nhân, con cái, tài sản - Còn một khi đã có bất kỳ tranh chấp nào không thể tự giải quyết, buộc phải khởi kiện, thì đó sẽ là Vụ án ly hôn.
Tại sao phải phân biệt Vụ án ly hôn/Khởi kiện ly hôn và Vụ việc ly hôn/Thuận tình ly hôn: Bởi Vụ án ly hôn diễn ra khi có tranh chấp, nên quá trình giải quyết sẽ hết sức lằng nhằng, nan giải, có vụ diễn ra 3 - 4 năm vẫn chưa xong (Điển hình như Vụ ly hôn của Vợ chồng vua cà phê), quá trình giải quyết Vụ án, nếu không hòa giải thành, thì Tòa án phải tiến hành xét xử và ra Bản án sơ thẩm - Bản án sơ thẩm có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
Thậm chí khi đã có Bản án phúc thẩm rồi, vẫn còn có thể bị kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm. Hi hữu nhất, như Vụ án ly hôn của Vợ chồng vua cà phê, khi đã có Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa tối cao, vẫn còn bị Viện trưởng viện kiểm sát tối cao đề nghị xem xét lại. Trong khi đó, như đã nêu, Thuận tình ly hôn là việc dân sự, thủ tục giải quyết rất đơn giản, nếu không muốn nói là cực kỳ chóng vánh, bởi Các bên đã thỏa thuận hết mọi bề, nên có thể chỉ vài tuần là xong, chậm lắm cũng chỉ độ một vài tháng.
III. Kết luận
Nói tóm lại Vụ án ly hôn/Khởi kiện ly hôn và Vụ việc ly hôn/Thuận tình ly hôn đều sẽ dẫn đến một kết quả cuối cùng hoàn toàn giống nhau nếu đều được chấp thuận ly hôn: Giá trị pháp lý của Quyết định công nhận thuận tình ly hôn được ban hành bởi Tòa án và Giá trị pháp lý của Bản án ly hôn được ban hành cũng bởi Tòa án, một khi đã phát sinh hiệu lực, đều có giá trị thi hành như nhau. Chỉ là khác nhau về con đường đi của mỗi phương cách, khác nhau về thời gian, khác nhau về công sức, khác nhau về sự phức tạp, khác nhau về chi phí..... Từ đó cho thấy rằng: Nếu đăng ký kết hôn dễ dàng thế nào, thì ly hôn lại khó khăn gian truân, vất vả gấp vạn lần như thế, nhất là khi một Bên nào đó không muốn ly hôn - Điều đó có nên không, thì tùy thuộc vào từng suy nghĩ, cảm nhận, và quan điểm của mỗi Người.......
Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!