HỨA THƯỞNG: LUẬN GIẢI MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ CƠ BẢN!

Bộ luật Dân sự năm 2015, không trực tiếp đưa ra một khái niệm/định nghĩa về thế nào là giao dịch hứa thưởng; Mà chỉ gián tiếp đề cập đến vấn đề này, thông qua quy định trực tiếp về nghĩa vụ của Người hứa thưởng - Theo đó, Điều 570.1 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: "Người đã công khai hứa thưởng phải trả thưởng cho người đã thực hiện công việc theo yêu cầu của người hứa thưởng".

Hiểu một cách đơn giản: Hứa thưởng là hứa hẹn, cam kết một cách công khai của Người trao thưởng (Người hứa thưởng) về việc sẽ trả thưởng (trao thưởng) cho một Người nào đó - Nếu Người này thực hiện được một công việc theo đúng yêu cầu của Người trao thưởng (Người hứa thưởng). Ví dụ: Trước trận đấu bóng đá giữa Việt Nam và Thái Lan, Công ty A có hứa thưởng rằng: "Nếu Đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng, thì Công ty A sẽ thưởng cho Đội tuyển Việt Nam 01 tỷ đồng" - Đây được coi là giao dịch dân sự về hứa thưởng, trong trường hợp nếu kết thúc trận đấu Đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng, thì Công ty A có nghĩa vụ phải trao thưởng (thanh toán) số tiền thưởng 01 tỷ đồng này cho Đội tuyển Việt Nam.

Hứa thưởng là một giao dịch dân sự - Nhưng là một hành vi pháp lý đơn phương, tức do một Bên tuyên bố đưa ra, đây không phải là Hợp đồng, nên không cần có sự thỏa thuận thống nhất ý chí giữa các bên, không cần phải ký kết ghi nhận, nhưng vẫn làm phát sinh nghĩa vụ pháp lý cho Bên đã hứa thưởng. Như ví dụ trên: Trước trận đấu bóng đá giữa Việt Nam và Thái Lan, Công ty A có hứa thưởng rằng: "Nếu Đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng, thì Công ty A sẽ thưởng cho Đội tuyển Việt Nam 01 tỷ đồng" - Thì Đội tuyển Việt Nam KHÔNG cần phải tuyên bố đáp lại rằng là chấp nhận lời tuyên bố của Công ty A, nhưng khi kết thúc trận đấu, nếu Đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng, thì Công ty A có nghĩa vụ phải trao (thanh toán) số tiền thưởng 01 tỷ đồng này cho Đội tuyển Việt Nam.

Một tuyên bố bày tỏ công khai về hứa thưởng có thể hướng đến một đối tượng cụ thể, như ví dụ vừa trên là chỉ hướng đến Đội tuyển bóng đá Việt Nam, nhưng cũng có thể hướng đến Công chúng - Ví dụ, Ông B tuyên bố rằng, sẽ thưởng 100 triệu đồng, cho bất kỳ ai bơi được qua Sông Sài Gòn, thì hứa thưởng này được hướng đến tất cả mọi Người, và chỉ cần có ai thực hiện được yêu cầu, sẽ làm phát sinh nghĩa vụ trả thưởng của Ông B.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng - Theo quy định tại Điều 570.2 Bộ luật Dân sự năm 2015, thì: "Công việc được hứa thưởng .... không (được) vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội", do đó nếu đưa ra những lời hứa thưởng như là vận chuyển chót lọt ma túy, dám đốt cây rơm nhà hàng xóm... - Thì hứa thưởng này không có giá trị pháp ý, vì giao dịch bị vô hiệu do vi phạm điều cấm của Luật.

Ngoài ra - Có một điểm quan trọng đáng chú ý, đó là: Người đã đưa ra tuyên bố hứa thưởng có thể rút lại tuyên bố hứa thưởng - VỚI ĐIỀU KIỆN việc rút lại đó phải diễn ra trước khi đến hạn bắt đầu thực hiện công việc - Nghĩa rằng khi thời hạn bắt đầu công việc đã diễn ra, thì không được rút lại nữa. Như ví dụ trên: Trước trận đấu bóng đá giữa Việt Nam và Thái Lan, Công ty A có hứa thưởng rằng: "Nếu Đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng, Công ty A sẽ thưởng cho Đội tuyển Việt Nam 01 tỷ đồng" - Thì Công ty A chỉ được rút lại tuyên bố hứa thưởng trước khi trận đấu bắt đầu diễn ra, còn trận đấu đã diễn ra hay đã kết thúc, thì không được rút lại tuyên bố hứa thưởng nữa. Đương nhiên, điều đó cũng có nghĩa rằng, khi công việc đã hoàn thành theo yêu cầu, thì không được rút lại tuyên bố hứa thưởng nữa.

Trong trường hợp, Người hứa thưởng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ trao thưởng của mình (Khi Người có quyền nhận thưởng đã thực hiện đúng yêu cầu) chẳng hạn như hứa thưởng mà không trao thưởng, hoặc hứa thưởng 01 tỷ mà chỉ trao 200 triệu .... Có nghĩa rằng Người hứa thưởng đã vi phạm nghĩa vụ dân sự của mình! Vi phạm nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ (Điều 351.1 Bộ luật Dân sự 2015).

Việc vi phạm nghĩa vụ của Người hứa thưởng lúc này, sẽ làm phát sinh trách nhiệm dân sự của Họ với Người có quyền nhận thưởng - Bao gồm phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ (Phải trao thưởng như đã tuyên bố) và bồi thường thiệt hại phát sinh nếu có xảy ra do việc chậm thực hiện trao thưởng.

Nếu như Người hứa thưởng không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ trao thưởng của mình - Thì bên có quyền nhận thưởng, được phép tiến hành các phương thức bảo vệ quyền dân sự của mình theo quy định tại Điều 11 Bộ luật Dân sự 2015 - Một trong các phương cách, đó là khởi kiện vụ án dân sự ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền, để yêu cầu Tòa án buộc Người hứa thưởng phải trao thưởng và bồi thường thiệt hại (Nếu có). Lưu ý rằng đây chỉ là tranh chấp dân sự thuần túy, nên thẩm quyền giải quyết tranh chấp thuộc về Tòa án, nếu không có ai kiện cáo gì, thì Tòa án sẽ không bao giờ giải quyết - Không có dấu hiệu vi phạm hình sự trong giao dịch hứa thưởng này, nên không tồn tại tố cáo hay tố giác gì ở đây cả...

Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan