PHÂN BIỆT TỘI DANH "CƯỚP" VÀ "CƯỚP GIẬT" TÀI SẢN: PHÂN TÍCH - LUẬN GIẢI CÁC KHÍA CẠNH PHÁP LÝ!

Dẫn nhập: "Ngày 6-11, trên mạng xã hội lan truyền đoạn video được cho là xảy ra ở quận Bình Tân, ghi lại cảnh một thanh niên lái xe máy tốc độ cao, kéo lê cô gái trên đoạn đường dài hàng trăm mét khiến nhiều người xem bức xúc. Nhận tin báo, Công an quận Bình Tân xác minh đoạn video liên quan một vụ cướp giật tài sản xảy ra khoảng 11h25 trưa 6-11 trên đường số 8, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.HCM" - Trích từ Báo Tuổi trẻ!

Trong Đạo luật Hình sự cũng như trong Khoa học pháp lý hình sự: Có 02 Tội danh (Tội phạm) khác nhau, nhưng lại thường bị đồng nhất với nhau là một - Đó là Tội "Cướp tài sản" và Tội "Cướp giật tài sản"! Ngay cả các Trang báo lớn như Tuổi trẻ hay Zing, khi đưa thông tin về Vụ việc này cũng sử dụng lúc thì gọi "Cướp" lúc gọi "Cướp giật" để thay thế cho nhau trong cùng đoạn văn, khiến Người đọc hiểu hai cụm từ này là một.

Và để Bà con có thể hiểu thêm vấn đề cũng như nội hàm của Tội danh "Cướp tài sản" và "Cướp giật tài sản" - Trong phạm vi Bài viết này, Tác giả sẽ phân tích một số khía cạnh pháp lý có liên quan để Bà con tham khảo! Việc phân biệt 02 Tội danh này có ý nghĩa quan trọng: Hình phạt đối với Tội cướp tài sản luôn nặng hơn rất nhiều so với Tội cướp giật tài sản!

I. ĐIỂM GIỐNG NHAU

Tội cướp và Tội cướp giật, sở dĩ bị nhầm lẫn với nhau, vì hai Tội danh này có một số đặc điểm giống nhau nhất định:

Thứ nhất - Cả hai Tội danh, Người thực hiện hành vi Tội phạm (Hung thủ) đều có động cơ giống nhau: Là chiếm đoạt tài sản của Người khác. Cướp cũng vì lấy tài sản, Cướp giật cũng vì lấy tài sản.

Thứ hai - Cả hai Tội danh, Người thực hiện hành vi Tội phạm đều công khai. Lưu ý là công khai về hành vi. Còn khi cướp hay cướp giật, Hung thủ có thể bịt mặt, đeo khẩu trang ..... Khác với hành vi công khai của hai Tội danh này, là hành vi lén lút, rình mò, chui lủi của Tội "Trộm cắp tài sản".

Tóm lại - Vì có một vài đặc điểm giống nhau như trên, mà thực tế có nhiều Người nhầm tưởng hai Tội danh này là một: Nên thích thì gọi cướp hay cướp giật. Tuy nhiên về mặt pháp lý và thực tế là khác nhau - Được Tác giả phân tích dưới đây!

II. ĐIỂM KHÁC NHAU

1. Về dấu hiệu khách quan của yếu tố chiếm đoạt

Cả hai Tội danh, Hung thủ đều xuất phát từ động cơ chiếm đoạt tài sản của Người khác. Tuy nhiên, dấu hiệu khách quan của yếu tố chiếm đoạt trong hai Tội danh là khác nhau:

Thứ nhất - Đối với Tội cướp tài sản: Chỉ cần Hung thủ có mục đích chiếm đoạt là thỏa mãn yếu tố bắt buộc về sự chiếm đoạt.

Ví dụ 1: A thấy B đang đi trên đường, A xông ra, rút súng và nói: Đưa tiền vàng đây, không bắn bỏ! - Chỉ cần dừng lại ở đây, mục đích chiếm đoạt đã được xác định mà không cần A phải có hành vi như khám xét Người B để lấy tiền.

Thứ hai - Tuy nhiên, đối với Tội danh cướp giật tài sản lại khác - Biểu hiện của sự chiếm đoạt phải được thể hiện bằng hành vi, mới thỏa mãn yếu tố bắt buộc về sự chiếm đoạt.

Ví dụ 2: C thấy D đang cầm điện thoại đi trên đường, C liền tìm cách tiếp cận và áp sát D, rồi giật lấy điện thoại - Đây là hành vi chiếm đoạt, khác với hành vi của A ở trên. Trong trường hợp này, bắt buộc C đã phải có hành vi chiếm đoạt. Bất kể hành vi này có thành hay không, có thể giật nhưng không được, vì Nan nhân giữ chặt quá, nhưng hành vi chiếm đoạt của C đã thực hiện.

2. Về phương thức thực hiện Tội phạm

Đây là điểm đặc trưng cơ bản dẫn đến sự khác nhau nhất giữa hai Tội danh này:

a. Thứ nhất - Đối với Tội cướp: Phương thức thực hiện Tội phạm của Hung thủ, là dùng vũ lực, hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc, hoặc dùng thủ đoạn khác làm cho nạn nhân rơi vào trạng thái không chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản. Hiểu nôm na, Hung thủ đã có hành động nhằm làm cho Nạn nhân bị tê liệt về ý chí phản kháng hoặc không thể phản kháng.

Ví dụ 3: H thấy N đang chạy xe trên đường, liên xông ra, rút mã tấu chém đứt lìa cánh tay của N, sau đó cướp xe, bỏ chạy. Đây là hành vi cướp tài sản bằng vũ lực.

Ví dụ 4: T thấy P đang đi bộ trong công viên, liên tiếp cận, kề dao vào cổ P, và yêu cầu đưa tài sản, nếu không sẽ cắt cổ ngay. Đây là hành vi cướp tài sản bằng việc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc.

Ví dụ 5: S và X ngồi nhậu với nhau, do nảy sinh ý định cướp tài sản của X, nên S đã lén bỏ thuốc mê vào ly rượu của X. Sau khi X mê man, S liền lấy xe của X đi bán lấy tiền tiêu xài. Đây là hành vi cướp tài sản bằng việc chuốc thuốc mê khiến Nạn nhân không thể chống cự được.

b. Thứ hai - Đối với Tội cướp giật: Phương thức thực hiện Tội phạm của Hung thủ, sẽ không lằng nhằng như trên - Mà sẽ đơn giản ở tổ hợp hành vi: Nhanh chóng tiếp cận - Nhanh chóng chiếm đoạt và Nhanh chóng tẩu thoát. Nghĩa rằng, sẽ không có thời gian để chuốc thuốc mê; Không có chuyện đe dọa là nếu không đưa tiền sẻ cắt cổ; Càng không có chuyện chém trước rồi lấy tài sản sau như ở Tội cướp.

Ví dụ 6: E Thấy T đang chạy xe trên đường, có đeo một túi xách ngang vai. E liên tìm cách tiếp cận, áp sát xe của T, sau đó giật lấy túi xách rồi phóng ga bỏ chạy.

Tuy nhiên - Việc nhanh chóng tiếp cận, nhanh chóng chiếm đoạt, nhanh chóng tẩu thoát, chỉ tính từ lúc Hung thủ tiếp cận tài sản và thực hiện hành vi chiếm đoạt. Nghĩa rằng, trước đó Hung thủ có thể la cà, tìm kiếm con mồi một khoảng thời gian nhất định. Nhưng ở đây, vẫn gọi là cướp giật tài sản.

Ví dụ 7: Y vào cửa hàng của Z giả vờ mua điện thoại, Y hỏi xem rất nhiều mặt hàng và chờ đợi thời cơ. Đúng lúc Z sơ hở bận nghe điện thoại, Y liên cầm lấy hai điện thoại chạy ra ngoài, lên xe vù đi. Đây vẫn là Tội cướp giật tài sản.

Nói tóm lại - Mặc dù Tội cướp và Tội cướp giật tài sản, đều xuất phát từ động cơ chiếm đoạt tài sản từ Người khác của Hung thủ! Tuy nhiên hai Tội danh này có Cấu thành tội phạm khác xa nhau: Trong khi Tội cướp tài sản, Hung thủ luôn có thiên hướng làm tê liệt ý chí của nạn nhân hoặc triệt tiêu khả năng phản kháng của nạn nhân trước như đánh đập, đe dọa đánh đập ngay, rồi sau đó mới chiếm đoạt tài sản - Thì Tội cướp giật tài sản, Hung thủ nhắm trực tiếp ngay đến việc chiếm đoạt tài sản và tẩu thoát. Chính vì vậy - Trong Khoa học pháp lý hình sự, Người ta xác định: Tội cướp tài sản trực tiếp tác động đến hai đối tượng là tính mạng, sức khỏe và tài sản của Nạn nhân; Thì Tội cướp giật, chỉ trực tiếp tác động đến tài sản của nạn nhân. Cũng vì thế Tội cướp luôn bị xem là nguy hiểm hơn, do đó hình phạt cũng nặng hơn. Tất nhiên, cũng có trường hợp trong khi cướp giật, Hung thủ làm cho nạn nhân té ngã, bị thương, nhưng đó không phải là thiên hướng chính của Tội phạm này.

III. SỰ CHUYỂN HÓA TỪ TỘI CƯỚP GIẬT THÀNH TỘI CƯỚP TÀI SẢN

Có những trường hợp, ban đầu Hung thủ thực hiện hành vi cướp giật tài sản, nhưng quá trình thực hiện Hành vi, Hung thủ lại thực hiện những hành vi khách quan của Tội cướp. Thì lúc này, Hung thủ sẽ bị xem là phạm Tội cướp tài sản.

Ví dụ 8: E Thấy T đang chạy xe trên đường, có đeo một túi xách ngang vai. E liên tìm cách tiếp cận, áp sát xe của T, sau đó giật lấy túi xách rồi phóng ga bỏ chạy. Cùng lúc đó A và B phát hiện sự việc và truy đuổi E, E liền rút súng ra bắn bị thương A, rồi vẫn giữ lấy túi xách và vù ga bỏ chạy. Lúc này E không phải phạm Tội cướp giật, mà đã chuyển hóa thành Tội cướp, vì đã có yếu tố dùng vũ lực. Ngoài ra, E còn bị xem xét Tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng.

Phải lưu ý Bà con ngay rằng: Chỉ có sự chuyển hóa từ Tội cướp giật sang Tội cướp mà không có khả năng ngược lại. Tức chỉ có khả năng chuyển hóa từ một Tội nhẹ hơn thành Tội nặng hơn. Và cũng cần nhớ rằng, việc chuyển hóa này, xuất phát từ quá trình thực hiện tội phạm của Hung thủ, mà không phải do Cơ quan có Thẩm quyền xác định sai, rồi xác định lại - Như đã ví dụ ở trên.

IV. NHẬN ĐỊNH VỀ VỤ ÁN TRONG BÀI

Mặc dù các Trang báo đều thông tin, đây là Vụ án cướp giật tài sản - Nhưng có lẽ không phải như vậy. Mà phải là Vụ án cướp tài sản mới đúng. Hay nói chính xác hơn đây là Vụ án chuyển hóa từ Tội cướp giật thành Tội cướp tài sản.

Vì lẽ - Theo thông tin thì: "Thời điểm trên, một thanh niên lái xe máy cướp giật điện thoại của cô gái trên đường số 8, phường Bình Hưng Hòa. Bất ngờ bị cướp, cô gái phản xạ giằng co lại thì bị kéo lê trên đoạn đường dài khoảng 300m mới văng ra, còn kẻ cướp tẩu thoát" - Trích từ Báo Tuổi trẻ.

Như vậy - Ban đầu, Hung thủ đã có hành vi cướp giật tài sản. Dó đó, nếu không có những hành vi phía sau, thì không có gì bàn cãi. Nhưng ở đây, sau khi bị cướp giật, Cô gái đã chống trả, đã có giằng co, tức Hung thu đã dùng vũ lực, và đã kéo lê Cô gái một đoạn dài. Thì dấu hiệu dũng vũ lực của Hung thủ đã rõ ràng, nên đã phạm phải Tội cướp tài sản. Cần phân biệt trường hợp này, với trường hợp giật tài sản, rồi làm Nạn nhân bị té ngã - Trường hợp này không có dấu hiệu giằng co và phản kháng, việc bị té chỉ là do bị tác động từ việc giật tài sản mà thôi. Tất nhiên đây chỉ mới là thông tin báo đăng, nên Chúng ta tạm nhận định vậy. Mọi thứ cần được điều tra, xác minh đánh giá từng tình tiết, hành vi, chứng cứ cụ thể có trong Hồ sơ Vụ án mới khẳng định chính xác được.

Qua sự việc này cũng góp ý Bà con nhất là Chị em phụ nữ - Còn Người thì còn của. Nên phải tùy trường hợp, nếu thấy thất thế hơn, tương quan lực lượng yếu hơn, thì nên để cho Hung thủ đi, việc tranh lại với nó nhiều khi mất cả của, mất cả mạng. Nói như vậy, không phải Tác giả cổ xúy cho việc Tội phạm lộng hành, hay sự thiếu dũng cảm. Mà thực sự là phải liệu tình hình và đánh giá đúng thực tế hoàn cảnh xảy ra. Ngoài ra, phòng bệnh hơn trị bệnh, tránh đi những đoạn đường vắng, đi một mình. Tóm lại là đừng tự đặt mình vào tình huống nguy hiểm.

Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)