PHÂN BIỆT QUYỀN HƯỞNG DỤNG VÀ QUYỀN SỬ DỤNG TÀI SẢN: LÝ LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ VẬN DỤNG!
Chúng ta hãy bắt đầu từ 01 ví dụ: Ông A có hai Người con là B và C, trong đó B là Người thiểu năng! Ông A có tài sản là một căn nhà. Ông A muốn khi mình qua đời, thì B được sử dụng căn nhà này cho đến khi B chết, còn C sẽ là Người chủ sở hữu căn nhà! Vậy Ông A phải làm thế nào, để C không bao giờ có thể đuổi B ra khỏi nhà, ngay cả khi C có bán nhà cho Người khác?! Bài viết này, sẽ góp phần giúp Bà con tìm được câu trả lời!
Rất nhiều Người, kể cả những Người trong chuyên ngành, không phân biệt được sự khác nhau giữa quyền hưởng dụng so với quyền sử dụng có được thông qua hợp đồng thuê, mượn tài sản! Thậm chí có Người còn cho rằng hai quyền này không có gì khác nhau.
Sự nhầm lẫn này xuất phát từ việc, hai quyền này có những nét giống nhau. Tuy nhiên, những điểm khác xa giữa chúng, thì lại càng rõ ràng hơn. Và việc hiểu về nội hàm của hai quyền này, sẽ đem lại những lợi ích pháp lý rõ rệt, cho Bà con khi vận dụng.
I. ĐIỂM GIỐNG NHAU
Điểm giống nhau giữa quyền hưởng dụng và quyền sử dụng tài sản có được thông qua hợp đồng cho thuê, cho mượn tài sản là ở chổ:
1. Người sử dụng và Chủ sở hữu là khác nhau
Ví dụ 1: Ông A có một căn nhà, ký Hợp đồng cho Ông B thuê 05 năm. Ông B được sự dụng căn nhà này, nhưng căn nhà vẫn thuộc của Ông A.
Ví dụ 2: Ông M có một căn nhà, Ông M thỏa thuận cho Ông N được hưởng dụng căn nhà này trong thời hạn 5 năm. Theo đó, Ông N cũng được sử dụng căn nhà này, nhưng căn nhà vẫn thuộc của Ông M.
Kết luận 1: Qua hai ví dụ trên, Bà con có thể thấy, quyền hưởng dụng, và quyền sử dụng có được từ hợp đồng cho thuê, mượn giống nhau ở chổ, là Người được sử dụng, không đồng thời là Chủ sở hữu.
2. Quyền hưởng dụng và quyền sử dụng chỉ có tính tạm thời
Cũng từ hai ví dụ trên cho thấy, những Người hưởng dụng, sử dụng tài sản, đều chỉ được sử dụng tài sản trong một thời hạn nhất định. Mà không phải là vĩnh viễn như Chủ sở hữu. Đồng thời cũng không có quyền năng mang tính định đoạt tài sản như Chủ sở hữu, tức là không được mua bán, cho tặng tài sản ......
Chính vì những điểm giống nhau trên đây, mà nhiều Người cho rằng, hai quyền này, không có gì khác nhau!
II. ĐIỂM KHÁC BIỆT
1. Thời hạn của quyền hưởng dụng bị khống chế bởi luật
Ví dụ 3: Ông H có một thửa đất, Ông H có quyền ký hợp đồng cho Công ty Z thuê với thời hạn 10 năm, hoặc 40 hay 50 năm.
Tuy nhiên, nếu Ông H thỏa thuận để cho Công ty Z này được hưởng dụng thửa đất, thì thời hạn hưởng dụng tối đa không được quá 30 năm.
Ví dụ 4: Ông S có một căn nhà, Ông S có quyền ký hợp đồng cho Ông F thuê với thời hạn 10 năm, hoặc 40 hay 50 năm. Giả sử hợp đồng thuê mới được 5 năm, mà Ông F chết, tuy nhiên Vợ Ông F sống chung với Ông F trong nhà này, thì hợp đồng thuê vẫn không chấm dứt hiệu lực. Vợ Ông F tiếp tục thực hiện hợp đồng thuê này.
Tuy nhiên, nếu lúc đầu Ông S thỏa thuận cho Ông F hưởng dụng căn nhà này trong 30 năm, thì khi Ông F chết, quyền hưởng dụng chấm dứt, Ông S có quyền lấy lại nhà. Vợ Ông F phải đi tìm chổ khác ở.
Kết luận 2: Thời hạn sử dụng tài sản của Người có quyền hưởng dụng, bị hạn chế bởi quy định của luật. Theo đó: Thời hạn của quyền hưởng dụng do các bên thỏa thuận hoặc do luật quy định nhưng tối đa đến hết cuộc đời của người hưởng dụng đầu tiên nếu người hưởng dụng là cá nhân và đến khi pháp nhân chấm dứt tồn tại nhưng tối đa 30 năm nếu người hưởng dụng đầu tiên là pháp nhân.
2. Người hưởng dụng có quyền cao hơn Người sử dụng
Ví dụ 5: Ông H có một thửa đất, Ông H có quyền ký hợp đồng cho Công ty Z thuê với thời hạn 10 năm. Trong thời hạn thuê này, nếu Công ty Z muốn cho Người khác thuê lại, phải được sự đồng ý của Ông H.
Tuy nhiên, nếu Ông H thỏa thuận để cho Công ty Z này được hưởng dụng thửa đất với thời hạn 10 năm, thì trong thời hạn hưởng dụng này, Công ty Z muốn cho ai mượn, thuê gì đều được, không cần hỏi Ông H. Lưu ý, đây là quyền luật định, Ông H không có quyền từ chối.
Kết luận 3: Quyền hưởng dụng là quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định. Tuy cũng là một quyền sử dụng đối với tài sản của Người khác, nhưng có nhiều điểm khác biệt với quyền sử dụng thông qua hợp đồng thuê, mượn tài sản.
III. KHUYẾN NGHỊ ÁP DỤNG
Từ những phân tích trên, Chúng ta quay lại Ví dụ đầu bài: Ông A có hai Người con là B và C, trong đó B là Người thiểu năng! Ông A có tài sản là một căn nhà. Ông A muốn khi mình qua đời, thì B được sử dụng căn nhà này cho đến khi B chết, còn C sẽ là Người chủ sở hữu căn nhà! Vậy Ông A phải làm thế nào, để C không bao giờ có thể đuổi B ra khỏi nhà, ngay cả khi C có bán nhà cho Người khác?!
Trong trường hợp này, Ông A có thể lập di chúc nêu rõ: Khi Ông A qua đời, tài sản sẽ được chuyển quyền sở hữu cho C, nhưng B được hưởng dụng tài sản này cho đến khi B chết.
Theo đó, sau khi Ông A mất, thì C có quyền khai nhận di sản chuyển quyền sở hữu cho mình. Tuy nhiên, B là Người có quyền hưởng dụng đối với căn nhà này, giả dụ lúc đầu B là Người bình thường, B có quyền cho Người khác thuê lại nhà để lấy tiền mà không cần hỏi ý kiến của C. Ngay cả khi C muốn bán nhà, thì Người mua sau cũng phải hiểu, B có quyền sử dụng nhà này đến khi chết, nếu chấp nhận mua thì phải chịu ràng buộc đó.
Trong khoa học pháp lý, quyền hưởng dụng là một loại quyền đối vật, trong khi quyền sử dụng thông qua hợp đồng thuê mượn lại là một loại quyền đối nhân, quyền về chủ thể. Tuy nhiên, những vấn đề này khá hàn lâm, nên Tác giả xin phép không trình bày. Nhưng thiết nghĩ quyền hưởng dụng là một loại quyền về tài sản khá đặc biệt. Có nhiều ưu điểm, nếu Bà con vận dụng sẽ rất hiệu quả trong nhiều trường hợp.
Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!