PHÂN BIỆT KHỞI KIỆN VỤ ÁN DÂN SỰ VÀ TỐ GIÁC TỘI PHẠM
Có nhiều Bà con nhắn tin hỏi Tác giả về một số vướng mắc pháp lý, thông qua các câu hỏi đó, Tác giả nhận thấy nhiều Bà con vẫn còn lúng túng, chưa phân biệt hoặc là phân biệt chưa thật sự chính xác vấn đề - Cụ thể: Khi nào thì phải kiện Vụ án dân sự; Khi nào thì phải báo Cơ quan Công an, liên quan đến vấn đề pháp lý của Bà con?! Bài viết này, nhằm giải nghĩa về vấn đề đó - Và được chuyển tải, trình bày theo ngôn ngữ dân túy để Bà con dễ hiểu hơn.
Trên Fanpage này, Tác giả đã có một Bài viết về "Những vấn đề pháp lý khi khởi kiện Vụ án dân sự", trong đó, đã trình bày khá chi tiết về các nội dung có liên quan như xác định quan hệ tranh chấp, luật áp dụng, cách soạn thảo Đơn khởi kiện, trình tự thủ tục, khi khởi kiện Vụ án dân sự. Nên Tác giả xin phép không nhắc lại trong bài viết này.
Khởi kiện Vụ án dân sự, là việc Bà con, khi có tranh chấp về tài sản, hợp đồng, thừa kế, các tranh chấp dân sự khác, nên đã quyết định khởi kiện Vụ án dân sự tại Tòa án. Để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền lợi cho mình. Như vậy, cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp Vụ án dân sự là Tòa án, chứ không phải Cơ quan Công an. Tòa án là cơ quan giải quyết từ đầu đến cuối một Vụ án dân sự, về tranh chấp dân sự, và trong quá trình đó, không có sự xuất hiện, cũng như vai trò của Cơ quan Công an (Trừ lực lượng hỗ trợ tư pháp, bảo vệ phiên tòa, bảo vệ nhân chứng khi cần thiết).
Ví dụ 1: Ông A ký hợp đồng Bán cho Ông B một lô hàng hóa. Hẹn chậm nhất 15 ngày sau sẽ giao hàng, nhưng đến 25 ngày sau, Ông A mới giao hàng. Việc giao hàng chậm làm Ông B bị thiệt hại rất nhiều. Nhưng nếu Ông B muốn Ông A bồi thường, thì phải kiện ra Tòa án, yêu cầu Tòa án giải quyết, mà không phải đi báo Công an. Vì nếu có báo, Cơ quan Công an cũng không giải quyết. Vì đây là vấn đề dân sự.
Ví dụ 2: Ông C cho Ông D mượn một chiếc xe máy, trong quá trình sử dụng, chẳng may Ông D sơ ý để bị trộm mất. Thì Ông D có nghĩa vụ đền cho Ông C chiếc xe này. Nếu Ông D không đền, thì Ông C khởi kiện Ông D ra Tòa án. Để yêu cầu Tòa án buộc D phải bồi thường cho mình. Mà Ông C không thể báo Công an để bắt Ông D đền, vì có báo thì cơ quan Công an cũng không giải quyết vì đây là tranh chấp dân sự (Tất nhiên Ông C có thể báo về vụ trộm, nhưng đây không phải vấn đề giữa Ông D và Ông C).
Nói tóm lại, khi nói đến Khởi kiện Vụ án dân sự, là nói đến việc tranh chấp dân sự liên quan đến tài sản, nghĩa vụ hợp đồng, thừa kế, đất đai, các tranh chấp dân sự khác và được giải quyết bởi Tòa án, mà không phải bởi Cơ quan Công an. Và trong Vụ án dân sự thì không bao giờ có vấn đề tù tội. Mà Người thua kiện chỉ phải trả tiền, trả tài sản, giao tài sản hay thực hiện nghĩa vụ dân sự nào đó.
Trong khi đó Tố giác tội phạm, là khi Bà con bị ai đó xâm phạm bất hợp pháp tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, quyền công dân hoặc tài sản của mình, hoặc các quyền lợi khác mà có dấu hiệu Tội phạm, thì Bà con sẽ báo Cơ quan Công an, để họ điều tra, xác minh có hay không có dấu hiệu Tội phạm, để tiến hành điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.
Ví dụ 3: Tương tự như ví dụ 2, nhưng chỉ khác chi tiết đó là: C cho D mượn một chiếc xe máy, nhưng sau khi mượn xong thì D lại đem đi cầm cố hoặc đi bán để lấy tiền tiêu xài. Thì trong trường hợp này, C có thể báo Công an, vì hành vi của D đã có dấu hiệu của Tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Ví dụ 4: A bị B đánh, gây thương tích. Hành vi của B có dấu hiệu của Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của Người khác. Do đó A cần phải Công an, để yêu cầu điều tra xử lý.
Như vậy, Bà con chỉ báo Công an, khi hành vi của Người khác có dấu hiệu Tội phạm hình sự hoặc Vi phạm hành chính. Nếu sau khi tiếp nhận tin Tố giác tội phạm, xét thấy vụ việc có dấu hiệu tội phạm, thì Cơ quan Công an sẽ tiến hành khởi tố Vụ án hình sự, khởi tố bị can, tiến hành điều tra, kết luận điều tra. Sau đó sẽ chuyển hồ sơ Vụ án hình sự sang cho Viện kiểm sát truy tố, và Tòa án xét xử vụ án hình sự. Khi đó Tòa án sẽ tuyên hành vi vi phạm là có tội hay không có tội.
Trong thực tiễn, cũng có nhiều Vụ việc, ban đầu nó là vấn đề dân sự, nhưng sau đó chuyển hóa thành vụ án hình sự. Ví dụ: A vay tiền của B. Nếu A không có tiền để trả, thì không sao, đây chỉ là tranh chấp dân sự. Và B muốn đòi tiền, thì phải Khởi kiện Vụ án dân sự ra Tòa án. Nhưng nếu A vay tiền xong, rồi ôm tiền bỏ trốn, thì hành vi này lại có dấu hiệu của Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Lúc này, B phải báo Công an để tố giác về hành vi có dấu hiệu tội phạm của A.
Việc xác định được lúc nào thì đó là một tranh chấp dân sự, để khởi kiện ra Tòa án; Và lúc nào, đó là hành vi có dấu hiệu Tội phạm, để Tố giác ra Cơ quan Công an, là một vấn đề hết sức quan trọng. Vì điều đó, sẽ giúp Bà con xác định đúng hướng đi của Vụ việc: Về Cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trình tự thủ tục giải quyết vụ việc, quyền và nghĩa vụ của Bà con trong quá trình giải quyết vụ việc đó, nhằm để Bà con, có thể bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho mình.
Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!