VIỆC CÔNG CHỨNG VIÊN "TỪ CHỐI CHỨNG NHẬN DI CHÚC ĐỐI VỚI SỔ TIẾT KIỆM" LÀ KHÔNG CÓ CĂN CỨ PHÁP LÝ: PHÂN TÍCH VÀ LUẬN GIẢI!

Dẫn nhập: Trên báo Tuổi trẻ có đăng bài viết tựa đề "Di chúc sổ tiết kiệm nhưng phòng công chứng từ chối, tôi phải làm sao" - Có nội dung (Đại ý): Một Người dân muốn lập di chúc đối với sổ tiết kiệm là tiền gửi trong Ngân hàng, nhưng đã bị Công chứng viên từ chối chứng nhận di chúc này với lý do "Sổ tiết kiệm là tài sản có biến động". Sau đó Báo Tuổi trẻ, đã đặt vấn đề vừa nêu với một vị Chuyên gia pháp lý, thì Chuyên gia này đã trả lời rằng, nếu Công chứng viên từ chối chứng nhận di chúc, thì di chúc có thể lập bằng văn bản thường (Giấy tay) mà không cần công chứng - Có nghĩa rằng, Chuyên gia pháp lý này, cũng không hề phản đối hay có ý kiến gì về việc Công chứng viên từ chối chứng nhận di chúc như đã nêu. (Hết dẫn nhập).

Cần khẳng định ngay rằng, việc Công chứng viên từ chối chứng nhận di chúc đối với sổ tiết kiệm trong trường hợp trên là không có căn cứ pháp lý. Hay nói ngược lại, nếu Công chứng viên muốn từ chối chứng nhận di chúc đối với sổ tiết kiệm, thì Công chứng viên phải chứng minh được, giao dịch (Di chúc) đó có nội dung vi phạm điều cấm của luật/Trái đạo đức xã hội/Chưa đủ điều kiện để giao dịch, thì mới được quyền từ chối - Nhưng chắc chắn rằng, Công chứng viên không thể viện dẫn bất kỳ quy định pháp lý nào để chứng minh việc di chúc sổ tiết kiệm là vi phạm điều cấm của luật/Trái đạo đức xã hội/Chưa đủ điều kiện để giao dịch.

Công chứng viên từ chối chứng nhận di chúc sổ tiết kiệm với lý do "Vì đây là tài sản có biến động" - Hoàn toàn chỉ là nhận định mang tính chủ quan, mà không có căn cứ pháp lý. Bộ luật dân sự - Tùy vào góc độ tiếp cận, đã phân loại tài sản thành rất nhiều dạng: Động sản/Bất động sản, Tài sản hiện có/Tài sản hình thành trong tương lai, Tài sản phải đăng ký/Tài sản không phải đăng ký, Vật chính/Vật phụ, Vật chia được/Vật không chia được, Vật tiêu hao/Vật không tiêu hao, Vật cùng loại/Vật đặc định, Vật đồng bộ, và Quyền tài sản. - Nhưng tuyệt nhiên, không đưa ra Khái niệm/Phân loại nào về cái gọi là Tài sản có biến động/Tài sản không có biến động.

Bởi rõ ràng, không thể tồn tại cái gọi là "Tài sản không có biến động": Một căn nhà tọa lạc tại đường Đinh Tiên Hoàng, nhưng sau đó một đoạn của đường này bị đổi tên thành đường Lê Văn Duyệt, thì tài sản này đã có biện động - Cụ thể là biến động về thông tin (Địa chỉ); Hay một cây vàng hôm này có giá là 50 triệu đồng, nhưng ngày mai có thể lên giá 70 triệu, thì tài sản này đã có biện động - Cụ thể là biến động về giá trị. Như vậy, mọi tại sản đều có thể bị biến động ở mọi góc độ, từ biến động về thông tin, đến biến động về giá trị, thậm chí là cả bị biến động về vật lý - Do đó, nếu cứ theo cách lý giải của Công chứng viên như đã nêu trên, thì gần như không có tài sản nào có thể được lập di chúc, bởi đều có khả năng biến động??!!

Bộ luật dân sự khi quy định về tài sản là vật tiêu hao (Vật tiêu hao là vật khi đã qua một lần sử dụng thì mất đi hoặc không giữ được tính chất, hình dáng và tính năng sử dụng ban đầu) - Cũng chỉ khống chế rằng: Vật tiêu hao không thể là đối tượng của hợp đồng cho thuê hoặc hợp đồng cho mượn - Tức chỉ không được tham gia các giao dịch chỉ chuyển quyền sử dụng - Mà không hề cấm các giao dịch chuyển quyền sở hữu như là bán, tặng cho, để thừa kế đối với vật tiêu hao. Nên không hiểu dựa vào đâu, để Công chứng viên cho rằng sổ tiết kiệm không được tham gia giao dịch là lập di chúc?! Xin nhấn mạnh, Bộ luật dân sự dùng khái niệm "Vật tiêu hao" chứ không phải "Tài sản tiêu hao" - Vì tài sản ngoài vật, còn có tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

Cần lưu ý rằng: Bản thân sổ tiết kiệm không phải là tài sản, cũng giống như Giấy đăng ký xe/Sổ hồng nhà không phải là tài sản, mà bản thân Chiếc xe/Căn nhà mới chính là tài sản, còn Giấy đăng ký xe/Sổ hồng chỉ là chứng thư pháp lý chứng nhận, xác định quyền sử hữu tài sản của Chủ sở hữu đối với tài sản mà thôi. Tương tự như thế, sổ tiết kiệm, là một chứng thư pháp lý, là chứng cứ chứng minh cho sự tồn tại giao dịch gửi tiền cho vay của Người cho vay đối với Ngân hàng. Lúc này tài sản mà Người dân sở hữu không phải sổ tiết kiệm, cũng không phải là tiền đã gửi cho Ngân hàng, vì theo quy định thì tài sản cho vay đã được chuyển quyền sở hữu từ Bên cho vay (Người dân) sang cho Ngân hàng, cũng chính thế, nên trong quá trình gửi tiết kiệm, nếu tiền bị mất, bị chiếm đoạt mà không do lỗi của Người dân, thì Ngân hàng phải chịu, bởi quyền sở hữu và rủi ro đã được chuyển giao. Theo đó, lúc này, tài sản mà Người giữ sổ tiết kiệm đang nắm giữ, là quyền đòi nợ từ Ngân hàng - Là quyền tài sản, một dạng tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự, chứ không phải là sổ tiết kiệm đó.

Cho nên, gọi là "Di chúc sổ tiết kiệm" - Chỉ là cách nói ngắn gọn bình dân nôm na, còn dưới góc độ pháp lý, đó đang là việc Người lập di chúc (Người có tài sản) thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình (Là quyền tài sản/quyền đòi nợ từ tiền đã cho Ngân hàng vay) cho người khác sau khi chết. Tài sản được lập di chúc ở đây, không phải là sổ tiết kiệm, không phải là tiền đã chuyển giao cho Ngân hàng, mà là quyền đòi nợ từ Ngân hàng phải trả cho mình (Sẽ được chuyển giao thừa kế sang cho Người khác). Bộ luật dân sự, không có bất kỳ một quy định nào nói rằng, tài sản là quyền đòi nợ thì không được để thừa kế, không được lập di chúc để lại cho Người khác cả. Nên Công chứng viên không có quyền từ chối chứng nhận di chúc như trên.

Chúng ta sẽ lấy thêm một luận cứ "sắc nét" để phản biện quan điểm của Công chứng viên: Một Người gửi tiền tiết kiệm cho Ngân hàng - Không may Người này qua đời mà chưa kịp lập di chúc, lúc đó khoản tiền Ngân hàng đang nợ này sẽ được chia thừa kế theo pháp luật cho những Người thừa kế đang sống, đương nhiên phải thế! Vậy thì tài sao: Cùng là một tài sản, có thể để thừa kế theo pháp luật, nhưng lại không thể để thừa kế theo di chúc?! Câu hỏi này quá khó, nhưng đồng thời cũng là câu trả lời. Nghĩa rằng, không thể có chuyện, cùng là một tài sản, trong khi được để thừa kế theo pháp luật, mà lại không thể để thừa kế theo di chúc. Không một luật pháp nào quy định kỳ cục như vậy - Chỉ có cách hiểu, vận dụng lạ lùng như vậy mà thôi.

Hơn thế nữa, theo quy định của Luật dân sự - Di chúc chỉ phát sinh hiệu lực và có giá trị thi hành khi Người lập di chúc qua đời. Đó cũng là lý do, Tác giả từng cảnh báo rằng, đừng bao giờ yên tâm khi cầm tờ di chúc đã có công chứng - Bởi Người lập di chúc có quyền lập nhiều tờ di chúc để định đoạt một tài sản, và tờ di chúc sau luôn được ưu tiên áp dụng hơn tờ trước đó, với lý luận nó là sự thể hiện ý chí sau cùng nhất của Người chết; Thậm chí dù đã lập di chúc, nhưng sau đó Họ vẫn có quyền bán tài sản đã lập di chúc, vì như đã nói di chúc chỉ có giá trị thi hành khi Người lập di chúc chết. Cho nên khi Người lập di chúc chết, mà tài sản không còn, thì xem như di chúc không có giá trị thi hành, đơn giản vậy thôi. Tiền gửi tiết kiệm, chính xác là quyền đòi nợ, cũng hoàn toàn y chang như vậy, nếu đến lúc người lập di chúc qua đời, khoản nợ đã được tất toán, thì di chúc không còn giá trị thi hành như nhà đã bán, xe đã cho, nhưng không phải vì thế mà không được lập di chúc vào thời điểm tài sản vẫn còn thuộc quyền định đoạt của Người lập di chúc.

Tất nhiên, nếu việc lập di chúc đối với sổ tiết kiệm (Nói vậy cho Bà con dễ hiểu) là thật tậm, thực chất, thì ở đây có một chút liên quan đến nghiệp vụ Ngân hàng và công chứng cần phải lưu tâm. Đó là đối những khoản tiền gửi có kỳ hạn, thì sẽ có đáo hạn, nên khi đáo hạn, Ngân hàng không nên cấp sổ mới, mà cập nhật thông tin vào sổ cũ, trường hợp thay sổ mới thì cần lấy số hiệu thông tin của sổ cũ; Còn Công chứng viên, khi lập di chúc, thì nên chặt chẽ về câu từ, đại loại, đại ý: Tài sản để lại ngoài khoản nợ gốc, còn bao gồm cả nợ lãi phát sinh nếu có, mọi thay đổi/biến động về số dư dù tăng hay giảm đều không ảnh hưởng đến ý chí, nguyện vọng của Người lập di chúc là để lại quyền tài sản này cho Người hưởng di chúc (Với đều kiện tài sản vẫn còn một phần hoặc toàn bộ vào thời điểm mở thừa kế), mọi thay đổi/cập nhật/biến động về thông tin số liệu khoản vay (số sổ, số hợp đồng...), cũng không làm mất giá trị di chúc (Đại loại vậy)!

Nói tóm lại, Bộ luật dân sự đã quy định rất rõ một nguyên tắc vàng rằng "Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng". Trên cơ sở đó, nếu Công chứng viên muốn từ chối chứng nhận bất kỳ giao dịch dân sự nào, thì buộc phải đưa ra được căn cứ pháp lý để chứng minh rằng giao địch đó là vi phạm điều cấm của luật hoặc/và trái đạo đức xã hội - Bằng không, việc từ chối chứng nhận đó mới chính là hành vi trái pháp luật.

Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan