TRỢ CẤP XÃ HỘI VÀ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHÁC ĐỐI VỚI NGƯỜI KHUYẾT TẬT: VIỆN DẪN VÀ PHÂN TÍCH CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT!

Vài ngày qua, có một Bạn gửi cho Tác giả đoạn hội thoại, ghi âm câu hỏi của Bạn ấy rằng: “Bạn ấy là Người khiếm thị, thì có được chính sách hỗ trợ gì của Nhà nước không, và nếu được, thì phải làm thủ tục như thế nào”?! Do khiếm thị chỉ là một trong các dạng của khuyết tật – Và nhằm để cho nhiều Người khuyết tật khác, cũng như Gia đình của họ, có thể biết được những chính sách hỗ trợ mà pháp luật quy định giành cho Người khuyết tật – Trong phạm vi Bài viết này, Tác giả sẽ viện dẫn và phân tích các vấn đề quan trọng trong việc xác định các loại khuyết tật, mức độ khuyết tật, xác định khuyết tật, trợ cấp xã hội giành cho Người khuyết tật và một số vấn đề khác có liên quan, để Bà con được biết.......

I. NGƯỜI KHUYẾT TẬT VÀ PHÂN LOẠI KHUYẾT TẬT

Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn. Nói đơn giản, Người bị khuyết tật là Người không thể vận động, lao động, sinh hoạt, học tập như những Người bình thường khác.

Pháp luật liệt kê khá nhiều các loại hình khuyết tật, như khuyết tật nghe (Khiếm thính), khuyết tật nhìn (Khiếm thị)…… Tuy nhiên, để cho ngắn gọn và dể hiểu nhất, Tác giả phân loại khuyết tật thành hai dạng: Đó là khuyết tật về thể chất; Và khuyết tật về ý thức:

1. Khuyết tật về thể chất: Là Người có các khiếm khuyết liên quan đến cơ thể, cơ địa người, ví dụ như què, mù, câm, điếc, cụt tay, chân……………

2. Khuyết tật về ý thức: Là Người có các bệnh liên quan đến tâm thần, thần kinh ví dụ như bị thiểu năng………

Có Người chỉ bị một dạng khuyết tật về thể chất, hoặc về ý thức, nhưng cũng có thể bị đồng thời cả hai loại khuyết tật. Cũng cần lưu ý rằng: Nguyên nhân dẫn đến khuyết tật, có thể là do bẩm sinh, nhưng cũng có thể là do bị tai nạn……. Pháp luật, không phân biệt nguyên nhân dẫn đến khuyết tật, nghĩa rằng những người bị khuyết tật, sẽ được hỗ trợ như nhau, bất kể nguyên nhân do bẩm sinh, hay tai nạn.

II. PHÂN ĐỊNH MỨC ĐỘ KHUYẾT TẬT

Mặc dù đều gọi là Người khuyết tật, nhưng pháp luật có phân định mức độ khuyết tật dựa trên sự nặng nhẹ khác nhau, của từng đối tượng, để thông qua đó có những chính sách hỗ trợ cho phù hợp. Đây cũng là điều hợp lý và dễ hiểu: Chẳng hạn một người bị cụt hai ngón tay, cũng được xem là Người khuyết tật, nhưng mức độ ảnh hưởng do bị khuyết tật của họ đến lao động và sinh hoạt, không thể nào nặng bằng người bị cụt cả hai tay hoặc chân, cho nên sự hỗ trợ phải là khác nhau.

Trên cơ sở đó – Pháp luật phân định mức độ khuyết tật, cụ thể như sau:

1. Người khuyết tật đặc biệt nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất hoàn toàn chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.

2. Người khuyết tật nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất một phần hoặc suy giảm chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được một số hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc.

3. Người khuyết tật nhẹ là người khuyết tật không thuộc trường hợp quy định tại hai mục vừa nêu.

Một lần nữa xin được lưu ý và nhấn mạnh rằng: Mức độ khuyết tật (Nặng hay nhẹ) là một yếu tố rất quan trọng, trong việc xác định mức trợ cấp xã hội, cũng như các chính sách hỗ trợ khác.

III. XÁC NHẬN VÀ XÁC ĐỊNH MỨC ĐỘ KHUYẾT TẬT

1. Thẩm quyền xác định có khuyết tật hay không và khuyết tật ở mức độ nào, trước hết thuộc về “Hội đồng xác định mức độ khuyết tật”. Hội đồng xác định mức độ khuyết tật này do Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (Gọi chung là cấp xã) thành lập, bao gồm các thành viên sau đây: a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã là Chủ tịch Hội đồng; b) Trạm trưởng trạm y tế cấp xã; c) Công chức cấp xã phụ trách công tác lao động, thương binh và xã hội; d) Người đứng đầu hoặc cấp phó của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh cấp xã; đ) Người đứng đầu tổ chức của người khuyết tật cấp xã nơi có tổ chức của người khuyết tật.

2. Chỉ khi nào – Xin lưu ý là chỉ khi nào: (i) Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không đưa ra được kết luận về mức độ khuyết tật; Hoặc (ii) Người khuyết, đại diện hợp pháp của người khuyết tật không đồng ý với kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật; Hoặc (iii) Có bằng chứng xác thực về việc xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không khách quan, chính xác – Thì lúc này, việc xác định mức độ khuyết tật sẽ thuộc về “Hội đồng giám định y khoa”, tức là những người có chuyên môn cao hơn.

3. Về quy trình thủ tục: Đầu tiên, khi có nhu cầu xác định mức độ khuyết tật, người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của người khuyết tật gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người khuyết tật cư trú -> Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đơn đề nghị xác định mức độ khuyết tật, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm triệu tập Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, gửi thông báo về thời gian xác định mức độ khuyết tật cho người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của họ -> Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã niêm yết và thông báo công khai kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy xác nhận khuyết tật.

4. Như vậy, Giấy xác nhận khuyết tật chính là thủ tục đầu tiên và cũng chính là bằng chứng pháp lý, để Người khuyết tật dùng làm căn cứ để yêu cầu các Cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp, chính sách hỗ trợ theo quy định của pháp luật, được phân tích cụ thể dưới đây.

IV. BẢO TRỢ XÃ HỘ ĐỐI NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Bảo trợ xã hội, là một trong những chính sách hỗ trợ đối với Người khuyết tật, nhưng vì đây là chính sách hỗ trợ trực tiếp và quan trọng nhất, nên Tác giả phân ra thành một mục riêng, nhằm tiện theo dõi.

1. Trợ cấp xã hội hàng tháng

Người khuyết tật đặc biệt nặng, và Người người khuyết tật nặng, được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Như vậy là Người khuyết tật nhẹ, sẽ không được hưởng trợ cấp xã hội.

Mức trợ cấp xã hội hàng tháng sẽ = Mức chuẩn trợ cấp xã hội x (Nhân với) hệ số trợ cấp của từng đối tượng. Trong đó mức chuẩn trợ cấp xã hội hiện tại là 270 nghìn đồng/tháng. Kể từ ngày 01/7/2021, mức chuẩn trợ cấp xã hội sẽ tăng lên là 360 nghìn đồng/tháng.

Về hệ số, được quy định như sau:

- Người từ đủ 60 tuổi trở lên, hoặc dưới 16 tuổi, là Người khuyết tật đặc biệt nặng, sẽ có hệ số trợ cấp là 2,5. Ví dụ Ông A năm nay 70 tuổi, được xác định là Người bị khuyết tật đặc biệt nặng, thì hàng tháng Ông A sẽ được hưởng trợ cấp = 270 nghìn x 2,5 = 675 nghìn/tháng (Kể từ ngày 01/07/2021 = 360 nghìn x 2,5 = 900 nghìn tháng).

- Người từ 16 tuổi đến 60 tuổi, là Người khuyết tật đặc biệt nặng, sẽ có hệ số trợ cấp là 2,0. Ví dụ Ông B năm nay 50 tuổi, được xác định là Người bị khuyết tật đặc biệt nặng, thì hàng tháng Ông B sẽ được hưởng trợ cấp = 270 nghìn x 2,0 = 540 nghìn/tháng (Kể từ ngày 01/07/2021 = 360 nghìn x 2,0 = 720 nghìn/tháng).

- Người từ đủ 60 tuổi trở lên, hoặc dưới 16 tuổi, là Người khuyết tật nặng, sẽ có hệ số trợ cấp là 2,0. Ví dụ Ông C năm nay 70 tuổi, được xác định là Người bị khuyết tật nặng, thì hàng tháng Ông C sẽ được hưởng trợ cấp = 270 nghìn x 2,0 = 540 nghìn/tháng (Kể từ ngày 01/07/2021 = 360 nghìn x 2,0 = 720 nghìn tháng). Tức là tương đương với Người khuyết tật đặc biệt nặng ở độ tuổi từ 16 đến 60.

- Người từ 16 tuổi đến 60 tuổi, là Người khuyết tật nặng, sẽ có hệ số trợ cấp là 1,5. Ví dụ Ông D năm nay 50 tuổi, được xác định là Người bị khuyết tật nặng, thì hàng tháng Ông D sẽ được hưởng trợ cấp = 270 nghìn x 1,5 = 405 nghìn/tháng (Kể từ ngày 01/07/2021 = 360 nghìn x 1,5 = 540 nghìn/tháng).

Ngoài ra - Những đối tượng vừa nêu, bên cạnh được hưởng trợ cấp xã hội với mức như đã trình bày; Nhưng nếu đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì hàng tháng còn được nhận thêm hệ số, 1,5 (Khi chỉ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi) hoặc hệ số 2,0 (Khi vừa đang mang thang, lại đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi).

Lưu ý: Người khuyết tật đặc biệt nặng không nơi nương tựa, không tự lo được cuộc sống được tiếp nhận vào nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội. Mọi chi phí do ngân sách chi trả.

2. Hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng

Khoản hộ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng này, khác với khoản trợ cấp xã hội vừa nêu. Khoản trợ cấp xã hội vừa nêu, là trợ cấp trực tiếp cho Người khuyết tật, còn khoản hỗ trợ kinh phí chăm sóc này là hỗ trợ cho Gia đình có người bị khuyết tật. Theo đó:

- Gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người đó sẽ được nhận hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng 270 nghìn. Từ 01/7/2021 là 360 nghìn đồng/tháng.

- Người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng sẽ được nhận hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng = 270 nghìn x 1,5 = 405 nghìn/tháng. (Kể từ ngày 01/07/2021 = 360 nghìn x 1,5 = 540 nghìn/tháng). Nếu nhận nuôi từ 2 người trở lên sẽ nhân với 3,0 thay vì 1,5.

3. Hồ sơ để nhận trợ cấp xã hội và kinh phí hỗ trợ chăm sóc hàng tháng

a. Hồ sơ đề nghị trợ cấp xã hội bao gồm: Tờ khai thông tin của người khuyết tật theo mẫu quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bản sao Giấy xác nhận khuyết tật; Bản sao Sổ hộ khẩu; Bản sao Giấy khai sinh hoặc chứng minh nhân dân; Giấy xác nhận đang mang thai của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bản sao Giấy khai sinh của con đang nuôi dưới 36 tháng tuổi đối với trường hợp đang mang thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

b. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí chăm sóc đối với gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng bao gồm: Tờ khai thông tin hộ gia đình theo mẫu quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bản sao Giấy xác nhận khuyết tật; Bản sao Sổ hộ khẩu; Tờ khai thông tin của người khuyết tật theo mẫu quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đối với trường hợp người khuyết tật chưa được hưởng trợ cấp xã hội hoặc bản sao Quyết định hưởng trợ cấp xã hội của người khuyết tật đối với trường hợp người khuyết tật đang hưởng trợ cấp xã hội.

c. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí chăm sóc đối với người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng bao gồm: Đơn của người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (Gọi chung là cấp xã) về đủ điều kiện nhận nuôi dưỡng, chăm sóc theo quy định; Tờ khai thông tin người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc theo mẫu quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bản sao Sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân của người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc; Tờ khai thông tin của người khuyết tật theo mẫu quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bản sao Sổ hộ khẩu của hộ gia đình người khuyết tật, nếu có; Bản sao Giấy xác nhận khuyết tật; Bản sao Quyết định trợ cấp xã hội hàng tháng của người khuyết tật đối với trường hợp người khuyết tật đang hưởng trợ cấp xã hội.

d. Hồ sơ hỗ trợ kinh phí chăm sóc đối với người khuyết tật đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi: Trường hợp người khuyết tật chưa được hưởng trợ cấp xã hội, thì hồ sơ theo quy định tại mục “a” vừa nêu; Trường hợp người khuyết tật đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, hồ sơ bao gồm: Bản sao Quyết định hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; Giấy xác nhận đang mang thai của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế, bản sao Giấy khai sinh của con dưới 36 tháng tuổi.

4. Về trình tự thủ tục nộ hồ sơ để được nhận trợ cấp xã hội, kinh phí chăm sóc hàng tháng

Để được hưởng trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc thì người đề nghị trợ cấp hoặc hỗ trợ kinh phí chăm sóc làm hồ sơ như vừa nêu trên, và gửi Ủy ban nhân dân cấp xã; Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội xã, phường, thị trấn tổ chức họp, xét duyệt hồ sơ đối tượng và niêm yết công khai kết luận tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian 07 ngày; Khi hết thời gian niêm yết công khai, nếu không có ý kiến thắc mắc, khiếu nại thì Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội bổ sung biên bản họp Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội vào hồ sơ của đối tượng và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội để xem xét, giải quyết. Trường hợp có khiếu nại, tố cáo của công dân thì trong thời hạn 10 ngày, Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội tiến hành xác minh, thẩm tra, kết luận cụ thể, công khai trước nhân dân và có văn bản kết luận của Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội để bổ sung vào hồ sơ của đối tượng. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày, nhận đủ hồ sơ đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (Gọi chung là cấp huyện) quyết định hoặc có thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã về lý do không được trợ cấp xã hội hoặc hỗ trợ kinh phí chăm sóc; Trong thời hạn 03 ngày làm việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm xem xét và ký Quyết định trợ cấp xã hội hoặc hỗ trợ kinh phí chăm sóc.

V. NHỮNG CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ KHÁC

Ngoài việc được nhận bảo trợ xã hội như đã nêu trên, Người khuyết tật còn được hưởng những chính sách hỗ trợ khác như: Được ưu tiên khi đi khám chữa bệnh, không phải xếp hàng, chờ đợi; Người khuyết tật là người mắc bệnh tâm thần ở trạng thái kích động, trầm cảm, có ý tưởng, hành vi tự sát hoặc gây nguy hiểm cho người khác được hỗ trợ sinh hoạt phí, chi phí đi lại và chi phí điều trị trong thời gian điều trị bắt buộc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Người khuyết tật được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với độ tuổi quy định đối với giáo dục phổ thông; được ưu tiên trong tuyển sinh; được miễn, giảm một số môn học hoặc nội dung và hoạt động giáo dục mà khả năng của cá nhân không thể đáp ứng; được miễn, giảm học phí, chi phí đào tạo, các khoản đóng góp khác; được xét cấp học bổng, hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập; Người khuyết tật tự tạo việc làm hoặc hộ gia đình tạo việc làm cho người khuyết tật được vay vốn với lãi suất ưu đãi để sản xuất kinh doanh, được hướng dẫn về sản xuất, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm theo quy định; Người khuyết tật đặc biệt nặng được miễn, người khuyết tật nặng được giảm giá vé và giá dịch vụ khi sử dụng một số dịch vụ văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch theo quy định; Người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng được miễn, giảm giá vé, giá dịch vụ khi tham gia giao thông bằng một số phương tiện giao thông công cộng theo quy định

------

Nói tóm lại, pháp luật có những quy định cụ thể về những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho Người khuyết tật là những Người kém may mắn hơn trong cuộc sống, đó là điều hoàn toàn hợp tình, hợp lý và nhân văn. Tuy nhiên, để đảm bảo sự công bằng, cũng như tránh bị biến tướng, bị trục lợi bởi những hồ sơ giả khuyết, thì việc quy định phải trải qua những thủ tục pháp lý nhất định, Người khuyết tật, cũng như Gia đình mới được nhận sự hỗ trợ cũng là điều dễ hiểu. Thông qua Bài viết nêu trên, để bảo vệ quyền lợi cho Người khuyết tật, thì Gia đình trước hết cần làm thủ tục xác nhận Người khuyết tật, tại xã, phường nơi Người khuyết tật cư trú, sau khi có xác nhận mức độ khuyết tật, thì Gia đình làm hồ sơ để được hưởng trợ cấp xã hội, và các chính sách khác như đã nêu.

Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan