BÀN VỀ LỖI CỦA BÊN CÓ QUYỀN – CĂN CỨ MIỄN TRÁCH NHIỆM DO VI PHẠM NGHĨA VỤ TRONG HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA QUỐC TẾ!

          Như những phần trước đã phân tích, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là hợp đồng song vụ, các bên tham gia hợp đồng có quyền và nghĩa vụ đối trừ nhau. Về nguyên tắc, khi hợp đồng đã được giao kết và có hiệu lực, thì bên có nghĩa vụ phải thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ của mình đối với bên có quyền. Tuy nhiên cũng cần phải lưu ý rằng, trong rất nhiều trường hợp, bên có nghĩa vụ không thể nào hoàn thành được nghĩa vụ của mình nếu như thiếu đi sự hợp tác của bên có quyền. Chẳng hạn bên bán sẽ không thể hoàn thành nghĩa vụ giao hàng của mình đúng thời hạn theo như thỏa thuận trong hợp đồng nếu bên bán chậm trễ trong việc tiếp nhận hàng. Trên cơ sở đó, đã hình thành nguyên tắc bên vi phạm nghĩa vụ sẽ được miễn trách nhiệm trong trường hợp sự vi phạm là do lỗi của bên có quyền. Thật vậy, điều 80 Công ước Viên 1980 quy định: một bên không được viện dẫn một sự không thực hiện nghĩa vụ của bên kia trong chừng mực mà sự không thực hiện nghĩa vụ đó là do những hành vi hay những sơ suất của chính họ. Điều 7.1.2 Bộ nguyên tắc UNIDROIT 2004 quy định: một bên không thể đòi bồi thường do bên kia không thực hiện hợp đồng trong chừng mực mà việc không thực hiện là do một hành vi hay sự sơ suất của chính bên này hoặc do một sự kiện mà bên này phải chịu rủi ro. Khoản 1 điều 294 Luật Thương mại Việt Nam 2005 cũng có quy định tương tự: bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong trường hợp hành vi vi phạm hoàn toàn do lỗi của bên kia.

          Có một số tác giả, khi nghiên cứu về trường hợp miễn trách nhiệm do lỗi của bên có quyền đã cho rằng: căn cứ miễn trách nhiệm do lỗi của bên có quyền là trường hợp mà việc vi phạm nghĩa vụ có nguyên nhân trực tiếp và chủ yếu từ những hành vi của bên có quyền.[1] Tuy nhiên, có thể nói rằng ý kiến trên đây là đúng nhưng chưa thật sự đầy đủ. Ví nó đã bỏ hẹp đi các trường hợp được miễn trách nhiệm cụ thể của bên vi phạm do lỗi của bên có quyền. Vì rằng, nếu theo quan điểm trên đây thì căn cứ miễn trách nhiệm do lỗi của bên có quyền chỉ được nhận diện dưới một trường hợp duy nhất, đó là: chỉ khi những xử sự của bên có quyền chính là nguyên nhân dẫn đến việc không thể thực hiện được hợp đồng của bên có nghĩa vụ, mới là căn cứ miễn trách nhiệm. Điều này là không thực sự hợp lí cả về mặt lí luận lẫn thực tiễn. Căn cứ miễn trách nhiệm do lỗi của bên có quyền cần phải được hiểu theo nội hàm rộng hơn như thế. Thể hiện ở các khía cạnh sau:

  • Thứ nhất, bên vi phạm nghĩa vụ sẽ được miễn trách nhiệm trong trường hợp việc vi phạm đó là do chịu ảnh hưởng từ những hành xử của bên có quyền, hay nói cách khác chính những hành vi của bên có quyền là nguyên nhân, khiến cho nghĩa vụ không thể thực hiện được, mà nếu không có những hành vi đó thì nghĩa vụ đã được thực hiện một cách bình thường. Cũng chính vì việc không thể thực hiện được nghĩa vụ là do lỗi của mình, nên bên có quyền không được đòi bên có nghĩa vụ phải có trách nhiệm với mình.

Tranh chấp hợp đồng mua bán gạo. Bị đơn (công ty Hongkong) kí hợp đồng mua của nguyên đơn (công ty Việt Nam) 500 MT gạo trắng loại 5% tấm với giá 340 USD/MT, FOB cảng Sài Gòn hoặc Cần Thơ, thanh toán bằng L/C không hủy ngang giao hàng trong vòng 25 ngày kể từ ngày bên bán nhận được thông báo L/C. Bị đơn ủy thác cho nguyên đơn thuê tàu chở hàng và tiền cước thanh toán bằng TTR.

Một công ty Ma Kao (người mua lại lô hàng đó của bị đơn) do bị đơn chỉ định đã thay bị đơn mở L/C tại ngân hàng thương mại MaKao cho nguyên đơn hưởng lợi. Sau khi nhận được thông báo L/C, nguyên đơn đã thuê tàu và ngày 20 tháng 8 năm 1995 đã giao xong 5000MT gạo trị giá 1.700.000 USD.

Hàng đã được dỡ và lưu kho cảng, nhưng một phần hàng đã bị ẩm từ trong hầm tàu và bị hư hỏng. Người mua MaKao không chấp nhận bộ chứng từ đã đi nhận hàng với lí do bộ chứng từ không hợp lệ.

Ngày 25 tháng 10 năm 1995 bị đơn thông báo cho nguyên đơn rằng người mua lại lô gạo (người thứ ba) sẽ chấp nhận bộ chứng từ không hợp lệ và thanh toán trước cho nguyên đơn 1.200.000 USD để lấy bộ chứng từ đi nhận hàng và đòi công ty bảo hiểm bồi thường tổn thất. Nếu công ty MaKao đòi được bảo hiểm thì sẽ thanh toán tiếp cho nguyên đơn, nếu số tiền thực trả ít hơn 500.000 USD thì công ty MaKao sẽ thương lượng với nguyên đơn để giải quyết. Bị đơn cho rằng nếu vì nguyên đơn không đồng ý với phương án này mà hàng để lâu trong kho cảng tiếp tục bị tổn thất thì nguyên đơn phải chịu trách nhiệm cho những tổn thất đó.

Nguyên đơn thông báo bằng fax cho bị đơn đồng ý nhận thanh toán trước 1.200.000 USD, nhưng yêu cầu rằng phần tiền hàng còn lại (500.000 USD) phải được thanh toán trong vòng 10 ngày sau lần thanh toán thứ nhất.

Trên thực tế nguyên đơn đã nhận được 1.200.000 USD, sau đó tiếp tục đòi người mua lại (công ty MaKao) trả tiếp 500.000 USD nhưng không được; nguyên đơn quay lại đòi bị đơn (người kí hợp đồng mua bán với nguyên đơn).

Nguyên đơn sau đó tiếp tục đòi cả bị đơn lẫn cả công ty MaKao phần tiền hàng còn lại nhưng không có kết quả. Do đó, nguyên đơn đã kiện ra trọng tài đòi bị đơn trả: (i) 500.000 USD tiền hàng; (ii) tiền lãi chậm thanh toán 40 ngày đối với số tiền 1.200.000 USD và tiền lãi thanh toán chậm 500.000 USD cho đến ngày thanh toán thực tế.

 Về khoản tiền lãi do thanh toán chậm mà nguyên đơn đòi bị đơn, ủy ban trọng tài đã có phán quyết như sau:

Ủy ban trọng tài bác tiền lãi do chậm thanh toán 40 ngày đối với khoản tiền 1.200.000 vì việc chậm thanh toán 1.200.000 là do lỗi của nguyên đơn đã để có những sai sót về chứng từ, thời gian chậm thanh toán đó là thời gian các bên thỏa thuận thương lượng về cách giải quyết những bất hợp lệ trong chứng từ về số tiền mà bị đơn đã có thể trả để lấy vận đơn đi nhận hàng.

Về tiền lãi do chậm thanh toán 500.000 USD ủy ban trọng tài cũng bác vì: người thứ ba đã đề xuất trả trước 1.200.000 USD, số 500.000 USD còn lại sẽ thanh toán khi đòi được công ty bảo hiểm bồi thường. Nguyên đơn đồng ý nhận trước 1.200.000 USD, còn lại 500.000 USD phải được thanh toán trong vòng 10 ngày kể từ ngày thanh toán 1.200.000 USD. Bị đơn biết vậy nhưng không có ý kiến gì. Như vậy, rõ ràng giữa nguyên đơn và bị đơn (cũng như người thứ ba) chưa thống nhất được thời hạn thanh toán 500.000 USD. Hơn nữa trong các lần đòi bị đơn thanh toán 500.000 USD sau đó, nguyên đơn không đưa ra thời hạn thanh toán, phương thức thanh toán, không chỉ định tài khoản. Từ đó không có đủ căn cứ hợp pháp để bắt bị đơn trả tiền lãi của 500.000 USD.[2] 

Cũng cần phải nói thêm rằng, lỗi của bên có quyền phải là nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp gây nên sự vi phạm hợp đồng của bên có nghĩa vụ thì bên vi phạm nghĩa vụ mới được miễn trách nhiệm. Còn nếu lỗi của bên có quyền không phải là nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp hay nói cách khác mặc dù bên có quyền đã có những xử sự không đúng, nhưng dù có hay không có những xử sự này thì việc vi phạm nghĩa vụ vẫn xảy ra, trong trường hợp này lỗi của bên có quyền sẽ không được coi là căn cứ để miễn trách nhiệm cho bên có nghĩa vụ, vì rằng bên có quyền đã không có một đóng góp nào đáng kể dẫn đến việc vi phạm hợp đồng.

Ngày 26 tháng 6 năm 1999 nguyên đơn và bị đơn đã kí hợp đồng mua bán; theo đó, nguyên đơn bán cho bị đơn 1500 MT thép tấm cán nóng theo điều kiện CIF FO cảng Hải Phòng với tổng trị giá hợp đồng là 370.880 USD, giao hàng vào tháng 7 năm 1999, thanh toán bằng L/C không hủy ngang có xác nhận vào ngày 30 tháng 6 năm 1999. Điều 7 hợp đồng quy định rằng trong trường hợp chậm trễ giao hàng hoặc nhận được L/C chậm hơn 15 ngày so với ngày hợp đồng quy định thì bên bán/bên mua có quyền hủy hợp đồng, bên vi phạm phải trả một khoản tiền phạt là 5% tổng giá trị hợp đồng cho bên kia.

Ngày 30 tháng 6 năm 1999, ngày cuối cùng để mở L/C, do sợ không thu xếp kịp việc mở L/C đúng hạn theo quy định của hợp đồng nên bị đơn đã gửi văn thư cho nguyên đơn trình bày khó khăn khách quan của bị đơn và đề nghị xin hủy hợp đồng số 06/99 đã được kí giữa hai bên. Khó khăn khách quan được bị đơn trình bày là bị đơn chưa trả hết nợ cho ngân hàng nên ngân hàng không mở L/C theo yêu cầu của bị đơn.

Ngày 3 tháng 7 năm 1999, tức ba ngày sau khi hết thời hạn mở L/C nguyên đơn đã telex cho bị đơn theo đó nguyên đơn đồng ý gia hạn ngày mở L/C đến ngày 7 tháng 6 năm 1999 (until june 7th 1999). Nếu nguyên đơn không nhân được L/C trong thời gian đó có nghĩa là bị đơn đã không thực hiện hợp đồng. Trong trường hợp này bị đơn phải nộp cho nguyên đơn tiền phạt là 18.544 USD theo điều 7 của hợp đồng. Bị đơn đã nhận được bản telex này. 20 phút sau khi telex cho bị đơn, nguyên đơn phát hiện ra có sự sai sót về ngày tháng nên đã sửa tháng 6 (june) thành tháng 7 (July) và telex lại ngay cho bị đơn. Nhưng sau này bị đơn nói là không nhận được bản telex sửa đổi này của nguyên đơn.

Đến ngày 9 tháng 8 năm 1999, nguyên đơn vẫn không nhận được L/C cũng như không nhận được tiền phạt từ phía bị đơn. Do vậy, nguyên đơn đã kiện bị đơn ra trọng tài đòi nộp phạt 18.544 USD.

Phản bác lại đơn kiện, bị đơn trình bày như sau: ngày 30 tháng 6 năm 1999, bị đơn đã trình bày khó khăn khách quan và đề nghị xin hủy hợp đồng; ngày 3 tháng 7 năm 1999 nguyên đơn không trả lời về việc hủy hợp đồng mà lại thông báo đồng ý gia hạn thêm thời gian cho việc mở L/C nhưng lại ghi đến ngày 7 tháng 6 năm 1999 (until June 7th 1999) tức gia hạn lùi về quá khứ, như vậy nguyên đơn có ý đồ thúc ép bị đơn.

Về vấn đề này ủy ban trọng tài đã nhận định như sau: khi nhận được telex ngày 3 tháng 7 năm 1999 của nguyên đơn thông báo gia hạn ngày mở L/C đến trước ngày 7 thàng 6 năm 1999, tức là gia hạn lùi về quá khứ nhưng bị đơn không hề có phản ứng gì, không điện hỏi nguyên đơn tại sao lại như vậy, cũng không đề xuất thời gian cụ thể cho việc gia hạn mở L/C. Như vậy, việc gia hạn mở L/C của nguyên dơn không làm cho bị đơn quan tâm, sai sót về ngày tháng trong telex gia hạn mở L/C của nguyên đơn hay ý đồ gia hạn mở L/C lùi về quá khứ của nguyên đơn không hề ảnh hưởng đến ý chí thực của bị đơn về việc xin hủy hợp đồng, bởi vì bị đơn đã xin hủy hợp đồng vào ngày 30 tháng 6 năm 1999. Mặt khác, sự sai sót về ngày tháng trong telex gia hạn mở L/C hay ý đồ gia hạn lùi về quá khứ của nguyên đơn không phải là nguyên nhân của việc không mở L/C, mà nguyên nhân đích thực của việc không mở L/C là do bị đơn gặp khó khăn về tài chính như đã đề cập ở trên. Vì vậy bị đơn không được miễn trách nhiệm do việc không mở L/C.[3]

Ngoài ra ở đây chúng ta cũng cần phải phân biệt giữa trường hợp việc không thực hiện được nghĩa vụ hợp đồng (vi phạm hợp đồng) do lỗi của bên có quyền với trường hợp các bên vi phạm nghĩa vụ qua lại lẫn nhau. Trường hợp việc không thực hiện được nghĩa vụ do lỗi của bên có quyền như đã nói, chính những hành vi của bên có quyền là nguyên nhân khiến cho nghĩa vụ bị vi phạm. Hay nói cách khác giữa hành vi của bên có quyền với việc vi phạm nghĩa vụ có mối quan hệ nhân quả tất yếu với nhau, việc vi phạm nghĩa vụ sẽ không xảy ra nếu không có lỗi của bên có quyền, do vậy bên vi phạm nghĩa vụ được miễn trách nhiệm. Trong khi đó trường hợp các bên vi phạm nghĩa vụ qua lại lẫn nhau, là việc mỗi bên đều tự vi phạm nghĩa vụ của mình nhưng việc vi phạm nghĩa vụ đó không xuất phát từ việc có lỗi của phía bên kia mà chỉ mang tính chất “trả đũa” cho nên mỗi bên phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện nghĩa vụ của mình, mà không phải là căn cứ miễn trách nhiệm.

Bị đơn (người mua) kí ba hợp đồng với nguyên đơn (người bán) mua cùng một loại sản phẩm theo những quy cách phẩm chất đã quy định trong hợp đồng. Theo hợp đồng, bị đơn đã thanh toán 90% giá trị mỗi hợp đồng, khi nhận được đầy đủ bộ chứng từ gửi hàng.

Hàng được giao theo hợp đồng thứ nhất và thứ ba đạt đúng theo quy cách phẩm chất quy định, tuy nhiên các bên đã có tranh cãi về phẩm chất hàng giao theo hợp đồng thứ hai trước khi hàng được giao lên tàu. Khi tiến hành giám định lô hàng lần thứ hai tại cảng đến, người ta phát hiện rằng hàng không đạt quy cách phẩm chất quy định trong hợp đồng. Cuối cùng sau khi đã gia công lại để hàng dễ bán hơn, bị đơn đã phải bán lại lô hàng trên cho bên thứ ba với một khoản lỗ khá lớn.

Lấy lí do lô hàng giao theo hợp đồng thứ hai không đạt quy cách phẩm chất quy định tại hợp đồng, bị đơn từ chối thanh toán 10% trị giá còn lại của các hợp đồng. Nguyên đơn đã khởi kiện trước trọng tài đòi thanh toán số tiền 10% trên. Về phần mình, bị đơn kiện lại yêu cầu khoản 10% đó phải được dùng để thay thế vào khoản tiền lẽ ra nguyên đơn phải bồi thường cho bị đơn cho khoản tiền lỗ trực tiếp, chi phí tài chính, thất thu lợi nhuận và lãi suất do lô hàng thứ hai được giao không đúng chất lượng.

Về vấn đề này, ủy ban trọng tài xác định: trong giao dịch thương mại, việc hàng hóa được giao không đúng quy cách phẩm chất quy định trong hợp đồng xảy ra khá thường xuyên và điều đó thường kéo theo những thiệt hại không nhỏ cho người mua hàng. Về mặt pháp lí, người mua có quyền yêu cầu người bán bồi thường cho mình những thiệt hại phát sinh từ việc giao hàng không đúng như quy cách trong hợp đồng. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là bên mua có quyền bảo vệ quyền lợi chính đáng đó của mình bằng cách tự khấu trừ một phần trên giá trị hợp đồng, vì như vậy là họ đã vi phạm nghĩa vụ của mình. Trên cơ sở đó ủy ban trọng tài đã chấp nhận đồng thời các yêu cầu của nguyên đơn và đơn kiện lại của bị đơn. Do đó hai khoản tiền bù trừ nhau, bị đơn không phải trả cho nguyên đơn số tiền mà nguyên đơn yêu cầu còn nguyên đơn cũng không phải bồi thường cho bị đơn những chi phí mà bị đơn đã phải gánh chịu.[4]

Trong tình huống vừa nêu trên, chúng ta thấy rằng mặc dù nguyên đơn (bên bán) đã vi phạm hợp đồng là giao hàng không đúng quy cách phẩm chất nhưng hành vi vi phạm của nguyên đơn không phải là nguyên nhân dẫn tới việc bị đơn không thể thực hiện được nghĩa vụ thanh toán của mình. Do vậy, việc không thanh toán đầy đủ của bị đơn là hành vi vi phạm hợp đồng. Ngược lại việc không thanh toán của bị đơn không phải là căn cứ để miễn trách nhiệm cho hành vi vi phạm nghĩa vụ của nguyên đơn trước đó (giao hàng không đúng chất lượng). Cho nên cả hai đều phải chịu trách nhiệm về việc vi phạm nghĩa vụ của mình là điều hợp lí.

  • Thứ hai, bên vi phạm nghĩa vụ sẽ được miễn trách nhiệm, trong trường hợp bên có quyền có lỗi trong việc không phát hiện ra sự vi phạm nghĩa vụ (trong trường hợp lẽ ra phải biết hoặc/và bắt buộc phải biết) hoặc đã phát hiện nhưng không thông báo đến bên vi phạm nghĩa vụ trong thời gian hợp lí. Như vậy, khác với trường hợp thứ nhất là chính hành vi của bên có quyền (lỗi của bên có quyền) khiến cho nghĩa vụ hợp đồng không thực hiện được thì ở trường hợp thứ hai này, sự vi phạm nghĩa vụ đã xảy ra mà không xuất phát từ một hành vi nào của bên có quyền, nhưng lỗi của bên có quyền ở đây là đã sơ suất, cẩu thả, chủ quan khi đã không phát hiện ra sự vi phạm hợp đồng của bên có nghĩa vụ, hay nói cách khác lỗi của bên có quyền chính là sự thiếu trách nhiệm và để mặc cho hậu quả xảy ra. Mặc dù bên có quyền đã không có bất cứ một hành vi nào trực tiếp dẫn đến việc nghĩa vụ không được thực hiện như trường hợp thứ nhất, nhưng nếu bên có quyền cẩn trọng trong việc tiếp nhận nghĩa vụ thì họ đã có thể phát hiện ra sự vi phạm và từ đó có thể giúp bên có nghĩa vụ hoàn thành đúng nghĩa vụ của mình nếu như vẫn còn thời hạn để khắc phục. Từ đó, chúng ta có thể kết luận rằng lỗi của bên có quyền trong trường hợp này là đã tạo điều kiện cho hành vi vi phạm nghĩa vụ được hoàn thành. Chính điều này đã tước đi quyền được áp dụng chế tài trách nhiệm của bên có quyền và là căn cứ miễn trách nhiệm cho bên vi phạm nghĩa vụ. 

Chúng ta có thể tìm thấy điều này trong các quy định của luật. Thật vậy, khoản 1 điều 39 Công ước Viên 1980 quy định: nếu không thông báo cho bên bán trong thời hạn hợp lí về tính chất không phù hợp của hàng hóa sau khi đã phát hiện hoặc lẽ ra phải phát hiện sự không phù hợp này, bên mua mất quyền khiếu nại về sự không phù hợp đó. Khoản 4 điều 44 Luật Thương mại Việt Nam 2005 cũng có quy định tương tự: bên bán không phải chịu về những khiếm khuyết của hàng hóa nếu bên mua hay đại diện của bên mua đã biết hoặc phải biết nhưng không thông báo cho bên bán trong thời hạn hợp lí sau khi kiểm tra hàng hóa. Như vậy theo các quy định này, mặc dù bên bán đã vi phạm nghĩa vụ (giao hàng không đúng hợp đồng) nhưng họ vẫn không phải chịu trách nhiệm vì bên mua đã có lỗi trong việc đánh giá sự vi phạm hoặc thông báo về sự vi phạm.

Ví dụ, người mua (công ty Việt Nam) và người bán (công ty Nhật Bản) kí với nhau hợp đồng, theo đó người bán sẽ bán cho người mua một lô hàng máy tính xách tay. Trong hợp đồng có thỏa thuận về kiểm tra hàng hóa trước lúc giao hàng tại cảng đến (cảng Việt Nam) và còn quy định thêm rằng: nếu trong quá trình kiểm tra mà phát hiện ra sự khiếm khuyết của hàng hóa thì người mua phải thông báo cho người bán trong vòng 30 ngày kể từ ngày phát hiện ra sự khiếm khuyết của hàng hóa. Trong trường hợp này chúng ta giả định rằng: khi hàng đã về đến cảng người mua đã không tiến hành kiểm tra hàng hóa hoặc đã tiến hành kiểm tra nhưng do cẩu thả không phát hiện ra sự khiếm khuyết của hàng hóa hoặc đã tiến hành kiểm tra và đã phát hiện ra sự khiếm khuyết của hàng hóa nhưng lại không thông báo cho bên bán đúng như thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng; trong bất cứ tình huống nào nêu trên, mặc dù hàng hóa đã giao có không phù hợp với hợp đồng đi chăng nữa thì bên bán vẫn được miễn trách nhiệm của mình vì bên mua đã có lỗi trong việc để xảy ra sự vi phạm hợp đồng.

Tuy nhiên cũng cần phải nói thêm rằng, trường hợp trên chỉ được áp dụng khi bên vi phạm hợp đồng đã không biết và không buộc phải biết về sự vi phạm của mình thì mới là căn cứ miễn trách nhiệm, còn nếu bên vi phạm đã biết hoặc không thể không biết về sự vi phạm đó và đã không thông báo cho bên có quyền thì vấn đề trách nhiệm của họ luôn được đặt ra. Thật vậy, điều 40 Công ước Viên 1980 quy định: bên bán không có quyền viện dẫn các điều 38 và 39 nếu như bên bán không tiết lộ cho bên mua các sự kiện liên quan tới sự không phù hợp của hàng hóa mà bên bán đã biết hoặc không thể không biết. Còn theo khoản 5 điều 44 Luật Thương mại Việt Nam 2005 thì: bên bán phải chịu về những khiếm khuyết của hàng hóa mà bên mua hay đại diện của bên mua đã kiểm tra nếu các khiếm khuyết của hàng hóa không thể phát hiện được trong quá trình kiểm tra bằng biện pháp thông thường và bên bán đã biết hoặc phải biết về các khiếm khuyết đó nhưng không thông báo.

  • Thứ ba, bên vi phạm nghĩa vụ sẽ được miễn trách nhiệm trong trường hợp việc không thực hiện được nghĩa vụ là do hậu quả của một sự kiện mà người có quyền phải chịu rủi ro theo quy định rõ ràng hay ngầm hiểu trong hợp đồng. Để được miễn trách nhiệm trong trường hợp này, bên vi phạm nghĩa vụ cần phải thỏa mãn các điều kiện sau đây:

          Một là, việc không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng là do chịu ảnh hưởng từ những sự kiện nhất định xảy ra một cách bất thường mà các bên không biết trước được. Tuy nhiên, các sự kiện xảy ra trong trường hợp này không nhất thiết phải là một trở ngại khách quan vượt ra tầm kiểm soát của bên vi phạm như trong sự kiện bất khả kháng, nó cũng không nhất thiết phải xuất phát từ những biến cố tự nhiên hay quyết định của cơ quan quản lí nhà nước có thẩm quyền, mà nó có thể xuất phát từ hành vi bất cẩn của một bên nào đó thậm chí là cả của bên vi phạm nghĩa vụ.

          Hai là, hậu quả của sự kiện xảy ra dẫn đến việc không thực hiện được hợp đồng của bên thực hiện nghĩa vụ là rủi ro mà bên có quyền phải gánh chịu. Khác với các trường hợp đã nêu trên, trong trường hợp này bên có quyền đã không có bất kì một hành vi nào dẫn đến việc không thể thực hiện được hợp đồng, cũng không phải là thiếu trách nhiệm để hành vi vi phạm xảy ra mà chỉ đơn giản việc không thực hiện được nghĩa vụ là rủ ro không may mà họ là người phải gánh chịu.

          Ba là, việc không thực hiện được nghĩa vụ là hậu quả của sự kiện mà người có quyền chịu rủi ro phải được thỏa thuận quy định rõ ràng hay ngầm hiểu trong hợp đồng. Điều đó có nghĩa là những rủi ro bất thường dẫn tới việc không thể thực hiện được hợp đồng của bên có nghĩa vụ, không được mặc nhiên coi bất là những rủi ro mà bên có quyền phải gánh chịu để từ đó miễn trách nhiệm cho bên vi phạm nghĩa vụ, nếu trước đó vấn đề này đã không được ghi nhận trong hợp đồng.

          Ngoài ra cũng cần lưu ý thêm rằng, rủi ro xảy ra dẫn tới đến việc không thực hiện được nghĩa vụ phải không xuất phát từ lỗi của bên nào, bởi nếu như bên có quyền có lỗi để cho sự kiện xảy ra dẫn đến việc vi phạm hợp đồng thì lúc này bên có nghĩa vụ sẽ được miễn trách nhiệm theo trường hợp thứ nhất đã nêu ở trên. Còn trường hợp nếu rủi ro xảy ra là do lỗi của bên vi phạm nghĩa vụ thì lúc này, đó không được coi là rủi ro mà bên có quyền phải gánh chịu nữa vì rằng “rủi ro là khả năng gặp nguy hiểm là tính bất thường của sự kiện.[5] Cho nên trong  trường hợp này bên vi phạm nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm của mình.

          Nói tóm lại vi phạm nghĩa vụ do lỗi của bên có quyền là một trong những căn cứ miễn trách nhiệm trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Tuy nhiên điều cần nhấn mạnh ở đây là, lỗi của bên có quyền trong sự vi phạm hợp đồng của bên có nghĩa vụ, không chỉ được hiểu theo nghĩa hẹp là chính những hành vi của bên có quyền là nguyên nhân trực tiếp và chủ yếu dẫn đến sự vi phạm nghĩa vụ hợp đồng. Mà lỗi của bên có quyền trong trường hợp này cần phải được hiểu ở một nội hàm rộng hơn như chúng ta đã phân tích ở trên. Cho nên khi cần viện dẫn lỗi của bên có quyền để làm căn cứ miễn trách nhiệm, bên vi phạm nghĩa vụ cần phải xác định rõ lỗi của bên có quyền ở đây thỏa mãn trường hợp cụ thể nào, trên cơ sở đó, để có thể viện dẫn được các cơ sở pháp lí chính xác, cũng như đưa ra những lập luận thuyết phục.

Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 


[1] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình tư pháp quốc tế, tr 155.

[2] Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), “50 phán quyết trọng tài quốc tế chọn lọc”, sđd, tr 144-149.

[3] Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), “50 phán quyết trọng tài quốc tế chọn lọc”, tr 164-169.

[4] Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), “50 phán quyết trọng tài quốc tế chọn lọc”, tr 55-60.

[5] Trường đại học Công nghiệp TP.HCM, Giáo trình nguyên lí bảo hiểm, NXB Thống kê, 2008, tr 6.

Bình luận (0)


Bài viết liên quan