MUA "TRÁI PHIẾU PHÁT HÀNH KHÔNG ĐÚNG PHÁP LUẬT VÀ BỊ HỦY": GIAO DỊCH VÔ HIỆU DO VI PHẠM ĐIỀU CẤM CỦA LUẬT HAY DO CÓ ĐỐI TƯỢNG KHÔNG THỂ THỰC HIỆN ĐƯỢC VÀ BỊ LỪA DỐI?!

Dẫn nhập: Báo Dân trí ngày 22/03/2024 với Bài viết tựa đề "Viện kiểm sát đề nghị "vô hiệu" phần lãi mua trái phiếu Tân Hoàng Minh" có đoạn (trích): "Sau phần đề nghị lại mức án là phần tranh luận diễn ra giữa một số bị hại với đại diện Viện kiểm sát về vấn đề trả lãi suất. Trong buổi chiều 22/3 và những ngày xét xử trước đó, một số bị hại đề nghị tòa xem xét, buộc tập đoàn Tân Hoàng Minh phải trả gốc và lãi suất cho họ. Đối đáp lại vấn đề này, nữ kiểm sát viên chia sẻ một số khó khăn mà các bị hại phải gánh chịu. Tuy nhiên, cơ quan công tố đánh giá việc các bị hại mua trái phiếu của Tân Hoàng Minh là hoạt động hợp tác kinh doanh và đây là giao dịch dân sự nên mục đích của giao dịch dân sự phải không vi phạm quy định pháp luật. Trong khi đó 9 gói trái phiếu mà Tân Hoàng Minh phát hành là vi phạm quy định pháp luật. Vì vậy, Viện kiểm sát cho rằng, 9 gói trái phiếu là vô hiệu, giao dịch dân sự giữa các bị hại và Tân Hoàng Minh là vô hiệu. Từ đó, VKS đề nghị Hội đồng xét xử xem xét và đưa ra quyết định. Sau phần đối đáp trên, một số bị hại tiếp tục đề nghị đối đáp về việc tính lãi, chủ tọa yêu cầu Viện kiểm sát tranh luận. Tuy nhiên, nữ kiểm sát viên cho rằng, trong bản luận tội ngày 21/3 và phần đối đáp đã đề cập đến việc 9 gói trái phiếu là vô hiệu". Hết Dẫn nhập!

Qua nội dung trên, cũng như một số thông tin có liên quan, trước hết Chúng ta thấy rằng, Cơ quan Công tố xác định các Khách hàng, đồng thời cũng chính là các Bị hại trong Vụ án này, sẽ nhận lại được toàn bộ tiền gốc đã bỏ ra để mua trái phiếu của Tân Hoàng Minh. Đây là một điều đáng mừng, vì không phải Vụ án hình sự nào, Bị hại cũng có thể nhận lại số tiền đã bỏ ra, bởi trong nhiều trường hợp, chỉ thu được một phần, thậm chí là mất trắng. Cho nên, với những Người có nhiều trải nghiệm về tư pháp sẽ thấy, đây là một kết quả không đến nỗi nào, so với nhiều trường hợp khác. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa, là không còn gì đáng bàn về hệ quả pháp lý trong Vụ án này. Bởi ngoài những vấn đề thực tiễn cần rút kinh nghiệm, còn liên quan đến nhiều vấn đề học thuật khác rất thú vị đáng suy ngẫm.

Thứ nhất, theo nội dung Bài báo đã nêu, thì Cơ quan Công tố xác định rằng, 9 gói trái phiếu mà Tân Hoàng Minh phát hành vi phạm pháp luật, nên giao dịch mua bán trái phiếu giữa Khách hàng và Tân Hoàng Minh là vô hiệu. Điều này hoàn toàn chính xác, không có gì phải bàn luận. Tuy nhiên, rất tiếc là Báo chí không dẫn lại hoặc Cơ quan Công tố đã không xác địch cụ thể giao dịch này vô hiệu trong trường hợp nào?! Nếu căn cứ vào lập luận: "Tuy nhiên, cơ quan công tố đánh giá việc các bị hại mua trái phiếu của Tân Hoàng Minh là hoạt động hợp tác kinh doanh và đây là giao dịch dân sự nên mục đích của giao dịch dân sự phải không vi phạm quy định pháp luật" - Có vẻ như, có ý xác định giao dịch vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật. Nếu vậy, vấn đề này cần phải được xem xét thêm. Vì lẽ, trái phiếu của Tân Hoàng Minh bị Cơ quan có thẩm quyền xác định là phát hành trái pháp luật, nên đã hủy toàn bộ trái phiếu này. Một khi trái phiếu bị hủy, có nghĩa rằng trái phiếu chưa tồn tại - Mà như vậy cũng có nghĩa là giao dịch mua bán trái phiếu này vô hiệu, vì có đối tượng không thể thực hiện được, do trái phiếu không tồn tại. Tuy nhiên, không thể vì trái phiếu phát hành bất hợp pháp, mà lại xác định giao dịch vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật - Bởi vào thời điểm mua bán, trái phiếu này chưa bị kết luận là phát hành trái pháp luật - Khách hàng, không biết và không buộc phải biết là sau này lô trái phiếu bị hủy. Nên không thể nói rằng việc mua bán trái phiếu có mục đích không phù hợp với quy định của pháp luật. Chúng ta có thể lấy ví dụ như việc mua bán ma túy, vào thời điểm mua bán, cả hai bên đều biết đây là hàng cấm, nên mục đích mua bán là trái pháp luật; Trong khi đó, việc mua trái phiếu, như đã nói, vào thời điểm mua bán, Khách hàng không biết, không thể biết trái phiếu đó là bất hợp pháp, nên không thể nói mục đích mua bán là trái pháp luật. Đó là chưa kể, trong tình huống này giao dịch còn bị vô hiệu do lừa dối, bằng chứng là Bị cáo bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tức có hành vi gian dối trong giao dịch.

Thứ hai, Cơ quan Công tố xác định giao dịch mua bán bị vô hiệu, dẫn đến việc không làm phát sinh nghĩa vụ trả lãi của Tân Hoàng Minh cho Khách hàng là chính xác. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đây, mà không xử lý hậu quả của giao dịch vô hiệu, là chưa giải quyết toàn diện, triệt để vấn đề. Bởi lẽ, Luật định rằng, khi giao dịch dân sự vô hiệu, không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của các bên - Tuy nhiên, bên nào có lỗi dẫn đến giao dịch vô hiệu, thì phải bồi thường thiệt hại cho bên kia. Do đó, trong trường hợp này, cần phải xác định, Chủ thể nào có lỗi làm cho việc mua bán trái phiếu bị vô hiệu. Đến đây - Chúng ta mới thấy, tầm quan trọng của việc xác định trường giao dịch vô hiệu đã nêu ở mục trên. Trong vụ án này, rất khó để nói Khách hàng cũng có lỗi dẫn đến giao dịch mua bán trái phiếu là vô hiệu, bởi như đã phân tích, vào thời điểm mua, Khách hàng được quyền suy đoán trái phiếu là hợp pháp. Họ không biết và không buộc phải biết, trái phiếu có tì vết, có nguy cơ bị hủy hay không. Ngược lại, Người bán, phải biết trái phiếu do mình phát hành có đúng luật hay chưa, tức có lỗi, điều này cũng hoàn toàn phù hợp với việc Họ đã có hành vi lừa dối, dẫn đến bị cáo buộc tội danh lừa đảo. Thêm nữa, trong tình huống này, việc Tân Hoàng Minh đã chiếm dụng vốn của Khách hàng là có thật, cũng có nghĩa rằng, thiệt hại của Khách hàng là hiển nhiên, chính Cơ quan Công tố, cũng thừa nhận khi chia sẻ với khó khăn của các Bị hại. Cho nên, việc Tân Hoàng Minh phải bồi thường thiệt hại cho Khách hàng là hoàn toàn có căn cứ pháp lý. Vấn đề còn lại, là xác định thiệt hại như thế nào? Thực tiễn tư pháp trong tình huống này, sẽ xác định mức lãi suất trung bình gửi tiền tiết kiệm có thời hạn tương đương, tại 3 Ngân hàng thương mại để tính toán, có nghĩa rằng lãi không thể cao như lãi trái phiếu vì giao dịch vô hiệu, mà chỉ bằng tiền lãi gửi tiết kiệm thông thường mà thôi.

Nói tóm lại, mặc dù còn có những điều về lý luận và thực tiễn, nhất là khoa học chuyên môn cần trao đổi thêm trong vài khía cạnh nhất định ở Vụ án này. Tuy nhiên, như đã nói, ở một góc độ nào đó, trải qua cả một biến cố lớn về pháp luật, nhưng các Bị hại vẫn có thể nhận lại đủ toàn bộ tiền gốc, là may mắn không phải dễ dàng có được, nếu so sánh với nhiều Vụ án khác. Cho nên, Bà con hãy cứ lấy đó làm vui, không nên quá suy tư, nặng nề, ảnh hướng đến tinh thần, sức khỏe. Đây cũng sẽ là Bài học lớn cho quá trình đầu tư của Bà con về sau, cái gì lợi nhuận càng lớn, rủi ro càng cao, đó là quy luật không thể thay đổi. Vì vậy, phải luôn cẩn trọng!

Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)