TỪ VỤ ÁN XÂM PHẠM CHỖ Ở BẤT HỢP PHÁP CỦA CỰU PHÓ CHÁNH ÁN QUẬN 4 - HIỂU VỀ PHƯƠNG THỨC TỰ BẢO VỆ QUYỀN DÂN SỰ: KHUYẾN CÁO VỀ THỜI ĐIỂM BÀN GIAO NHÀ TRONG GIAO DỊCH VỀ MUA BÁN NHÀ Ở!
Chúng ta hãy bắt đầu bằng một ví dụ: Ông A cho Ông B vay 50 triệu đồng; Đến hạn đã lâu, nhưng Ông B không chịu trả nợ cho Ông A, mặc dù Ông B hoàn toàn có khả năng trả khoản nợ này. Liên tục đòi nợ không được, một hôm, Ông A đến nhà Ông B yêu câu trả nợ, nhưng Ông B vẫn nói chưa có trả; Ông A nhìn thấy Ông B có một chiếc xe máy để trước sân, liền nói: Vậy bây giờ, Tôi lấy chiếc xe này để trừ dần vào nợ?! Mặc dù Ông B phản đối, nhưng Ông A vẫn dắt xe về.
Ví dụ trên đây là một trong những tình huống xảy ra rất nhiều trên thực tế. Ngôn ngữ bình dân, Bà con ta hay gọi là gán nợ, ngôn ngữ báo chí thường gọi là xiết nợ. Một bộ phận không nhỏ trong xã hội, cho rằng, việc hành xử như ví dụ vừa nêu là hoàn toàn hợp tình, hợp lý, với lập luận: Có vay thì có trả, không có tiền mặt, thì phải trả bằng tài sản?! Tất nhiên, đó là một quan niệm, đôi khi có thể hợp tình, nhưng đương nhiên, nó không hợp lý, vì đó là trái pháp luật. Phản chứng một cách đơn giản thế này: Khi Bà con vay tiền Ngân hàng, Bà con có ký một Hợp đồng thế chấp nhà, đất cho Ngân hàng, nội dung đại ý: Nếu không trả nợ, Ngân hàng, có quyền phát mại tài sản để thu hồi nợ. Mặc dù quy định như thế, nhưng khi đến hạn, nếu Bà con không trả nợ, Ngân hàng cũng buộc phải kiện ra Tòa án, để yêu cầu được phát mại tài sản, và khi có Bản án đồng ý cho phát mại, thì Người thực hiện thủ tục phát mại đó, cũng là Cơ quan thi hành án có thẩm quyền, còn Ngân hàng không được tự động làm như thế (Trừ khi Bà con đồng ý) - Có bao giờ Bà con tự hỏi tại sao lại như vậy, tại sao Ngân hàng không dựa vào Hợp đồng thế chấp, để khi đến hạn, Bà con không trả nợ, thì Ngân hàng sẽ tự phát mại tài sản luôn, mà phải thông qua thủ tục kiện tùng lằng nhằng như vậy?!
Dựa trên nội dung Vụ án xâm phạm chỗ ở bất hợp pháp của Cựu Phó chánh án Tòa quận 4 - Bài viết này, sẽ giúp Bà con hiểu hơn về phương thức tự bảo về quyền dân sự, cùng các vấn đề pháp lý có liên quan. Tóm tắt nội dung Vụ án: "Căn nhà 29 Nguyễn Bình Khiêm (quận 1) do bà Hoàng Trọng Anh Chi đứng tên chủ sở hữu. Bà Chi ký hợp đồng nhận cọc với bà Thảo, bàn giao căn nhà đang xây dựng dở cho bà Thảo thi công nốt. Trong quá trình thi công, phía bà Thảo đã có những vi phạm và bị xử phạt. Tháng 9-2018, bà Thảo tiếp tục thuê đơn vị thi công đến hoàn thiện căn nhà và đến tháng 3-2019, bà Thảo cùng các con chuyển đến đây sống. Việc mua bán giữa 2 bên không tiếp tục thực hiện được do xảy ra tranh chấp, việc khởi kiện về tiền cọc đã được TAND quận 1 thụ lý. Khoảng 14h ngày 19-9-2019, cả ông Lâm Hoàng Tùng (Giảng viên trường Kiểm sát là em họ Bà Chi - Bên bán) và Nguyễn Hải Nam (Cựu phó chánh án quận 4 bạn của Tùng) cùng một số người xông vào nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm đuổi người ra khỏi nhà và chiếm giữ căn nhà trên. Sau đó, bà Thảo (Bên mua) đã gửi đơn đến cơ quan chức năng tố cáo sự việc. Tối 1-10-2019, Công an quận 1 đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Hải Nam và Lâm Hoàng Tùng. Tòa án nhân dân Tp.HCM đã xét xử sơ thẩm tuyên Ông Nam 15 tháng tù giam, Ông Tùng 24 tháng tù giam" - Trích từ Báo Tuổi trẻ. Ngày hôm nay, Tòa án nhân dân cấp cao tại Tp.HCM đã xét xử phúc thẩm vụ án, bác kháng cáo của các bị cáo và y án sơ thẩm.
I. PHẢI PHÂN BIỆT KHÁI NIỆM "SỞ HỮU NHÀ Ở HỢP PHÁP" VÀ KHÁI NIỆM "CHỖ Ở HỢP PHÁP"
1. Một số Nhà báo và Chuyên gia pháp lý, nêu ý kiến băn khoăn về Vụ án, bởi Họ cho rằng: Việc mua bán nhà trên chưa hoàn tất, chỉ mới đặt cọc, do đó Bên bán (Tức phía Bà Chi, ủy quyền cho Ông Tùng) vẫn đang là Chủ sở hữu hợp pháp ngôi nhà, nên việc Ông Tùng, Ông Nam tới nhà thuộc sở hữu của Bên bán, thì không thể nói là xâm phạm chỗ ở bất hợp pháp của Bà Thảo (Bên mua), vì Bà Thảo chưa phải Chủ sở hữu ngôi nhà.
2. Thực ra, những Người đưa ra quan điểm nêu trên đang bị nhầm lẫn giữa khái niệm "Quyền sở hữu Nhà ở" và Khái niệm "Chỗ ở" (Nơi ở). Đây là hai khái niệm khác xa nhau. Lưu ý rằng: Hiến pháp - Đạo luật quan trọng bậc nhất của một Quốc gia, quy định rõ về Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, nơi ở hợp pháp (Không phải bất khả xâm phạm về quyền sở hữu nhà ở); Trên cơ sở đó - Bộ luật Hình sự cụ thể hóa bằng tội danh: Xâm phạm chỗ ở bất hợp pháp (Không phải xâm phạm quyền sở hữu nhà ở bất hợp pháp). Cho nên, mấu chốt trong Vụ án này, là phải xem xét: Căn nhà này có phải là chỗ ở hợp pháp của Bên mua (Bà Thảo) không, mà không phải ở chổ làm rõ, Ai là chủ sở hữu ngôi nhà. Vì đương nhiên, việc mua bán chưa hoàn tất, chỉ mới đặt cọc, chưa ký hợp đồng mua bán, nên nhà này vẫn đang thuộc quyền sở hữu của Bên bán, điều đó là đương nhiên, không ai đi tranh luận chổ này cả. Cho nên, việc cứ đi theo lập luận rằng: Bên bán vẫn đang là chủ sở hữu ngôi nhà, là không đúng bản chất vụ án. Vì sao vậy?
3. Để Bà con khỏi thắc mắc, Chúng ta lấy ví dụ quá đỗi dễ hiểu này: Ông A là Chủ sở hữu căn nhà; Ông A cho Ông B thuê nguyên căn. Sau khi ký Hợp đồng thuê, Ông A bàn giao nhà cho Ông B sử dụng. Vậy trong quá trình Ông B thuê nhà, Ông A có được lấy tư cách là Chủ nhà, được tự ý mở khóa vào nhà không?! Đương nhiên là không. Đúng là Ông A vẫn là Chủ sở hữu, vì Ông A chỉ cho thuê, chứ không bán, nhưng Ông A đã chuyển giao quyền sử dụng tạm thời cho Ông B, và đây là chỗ ở hợp pháp của Ông B. Nên Ông A không được quyền tự ý vào nơi ở hợp pháp của ông B. Điều đó có nghĩa rằng: Ông A có thể bị truy tố về tội danh xâm phạm chỗ ở bất hợp pháp, khi Ông ta đột nhập vào chính ngôi nhà của mình - Nhưng đã là chỗ ở hợp pháp của Người khác. Việc luật quy định như vậy là hoàn toàn hợp tình, hợp lý, vì lẽ: Nếu bỏ tiền ra, để thuê nguyên nhà, mà chủ nhà vẫn tự do ra vào, thì thuê làm gì, rồi mất mát gì, ai chịu trách nhiệm.
4. Tương tự như vậy - Trong vụ án này, việc mua bán chưa hoàn tất, Bên bán vẫn là Chủ sở hữu căn nhà. Nhưng mấu chốt nằm ở chổ: Bên bán đã bàn giao căn nhà cho Bên mua được tiếp tục thi công xây dựng, sửa chữa căn nhà. Và đồng ý cho Bên mua dọn đến đây để ở. Như vậy, việc Bên mua được quyền tiếp quản sử dụng, quản lý căn nhà này là dựa trên giao dịch hợp pháp, được sự đồng ý hợp pháp của Bên bán - Mà không phải là do Bên mua tự ý xông vào. Đổi ngược lại, nếu lúc đầu mọi chi tiết vụ án không có gì khác, chỉ là Bên bán chưa bàn giao nhà, mà bên mua tự ý dọn vào ở thì chính bên mua sẽ phạm tội sử dụng trái phép tài sản hoặc tội xâm phạm chỗ ở bất hợp pháp (Nếu Bên bán đang cư ngụ trong đó).
Kết luận 1 - Luật định rất rõ: Chỗ ở hợp pháp là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật. Như vậy, cần hiểu rằng: Khái niệm chỗ ở hợp pháp rộng hơn rất nhiều so với khái niệm Chủ sở hữu nhà ở. Khi Chủ sở hữu nhà ở, cư trú trong chính ngôi nhà của mình, thì đó vừa là nhà của Họ, vừa là chỗ ở hợp pháp của Họ. Còn nếu, chủ sở hữu đã chuyển giao quyền sử dụng cho Người khác thông qua việc cho thuê, cho mượn, thì đó vẫn là nhà hợp pháp của Họ, nhưng lại là chỗ ở hợp pháp của Người khác. Lúc này, nếu có ai đến đòi đập nhà, phá nhà Người có quyền bảo về là Chủ sở hữu; Nhưng nếu có Ai tự ý vào nhà, quyền không cho vào, đuổi ra, là của Người đang sử dụng chỗ ở hợp pháp. Do đó, cần phân biệt và không được nhầm lẫn khái niệm sở hữu nhà ở và chỗ ở hợp pháp.
II. KHÔNG ĐƯỢC LẠM DỤNG QUYỀN - NGUYÊN TẮC CƠ BẢN CỦA LUẬT DÂN SỰ
1. Mục vừa trình bày nêu trên, có thể khiến nhiều Bà con cảm thấy còn bỡ ngỡ và thắc mắc tại sao: Chủ sở hữu lại bị hạn chế quyền!? Vấn đề ở chổ: Luật quy định rất rõ, Chủ sở hữu tài sản có toàn quyền sử dụng, định đoạt tài sản của mình, có thể bán, tặng cho, cho thuê, thậm chí là tiêu hủy. Điều đó không có gì bàn cãi - Nhưng nếu Chủ sở hữu đã thông qua những giao dịch khác, để san sẽ quyền của mình, đồng thời nhận lại một lợi ích khác, thì đương nhiên họ sẽ phải đền bù tương xứng bằng cách bị hạn chế quyền của mình. Hoặc đối với những trường hợp không có đền bù, chẳng hạn như cho mượn, thì chủ sở hữu cũng bị hạn chế quyền của mình, khi đã tự nguyện san sẽ quyền đó cho Người khác.
2. Chính vì là Chủ sở hữu tài sản, nên Chủ sở hữu mới có quyền cho thuê tài sản, và nhận tiền thuê. Sẽ thật vô lý, nếu Chủ sở hữu đã cho thuê tài sản, lấy tiền thuê rồi, mà vẫn có toàn quyền với tài sản như trước đây, vậy chẳng khác nào quyền của Chủ sở hữu là không biên giới. Theo đó, Anh là Chủ sở hữu, nhưng đã cho Người ta thuê sử dụng, Anh ta được nhận tiền thuê, thì đổi ngược lại, Anh ta bị mất quyền sử dụng tài sản tương ứng với thời gian thuê. Đó không những hợp tình, hợp lý, mà còn công bằng.
3. Trong Vụ án Chúng ta đang bàn cũng vậy - Dù việc mua bán chưa xong, nhưng Chủ sở hữu đã nhận tiền cọc, đã bàn giao quyền chiếm hữu nhà cho Người mua, thì không thể tự ý đến cưỡng chế lấy lại. Chủ sở hữu có quyền lấy lại, nhưng phải thực hiện theo đúng trình tự luật định. không thể tự ý hành xử theo kiểu mạnh được, yếu thua. Như vậy sẽ dẫn đến một xã hội loạn lạc, vô pháp, sống và hoạt động theo kiểu thế giới ngầm. Đó là điều không thể cổ súy.
Kết luận 2: Chủ sở hữu tài sản hợp pháp, luôn được pháp luật bảo vệ, được mọi Người tôn trọng. Chủ sở hữu, theo quy định của pháp luật được quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của mình, được pháp luật bảo vệ khi bị xâm phạm. Tuy nhiên, Chủ sở hữu không được lạm dụng quyền của mình mà gây ảnh hưởng, hay xâm phạm đến quyền lợi của người khác, chẳng hạn như không thể nhà của mình thì muốn đập bỏ thể nào cũng được, nếu nó có thể gây ảnh hưởng đến các công trình xung quanh. Đồng thời Chủ sở hữu sẽ bị hạn chế quyền của mình, tương ứng với những giao dịch đã tham gia, mà trong đó Chủ sở hữu đã chia sẽ quyền của mình cho Người khác.
III. TỰ BẢO VỆ QUYỀN LỢI PHẢI ĐÚNG PHƯƠNG CÁCH
1. Chủ sở hữu có quyền tự bảo vệ quyền lợi của mình - Nhưng với điều kiện: Việc tự bảo vệ quyền phải phù hợp với tính chất, mức độ xâm phạm đến quyền lợi và không được trái với các nguyên tắc cơ bản luật định. Điều đó có nghĩa rằng, không thể tự bảo vệ quyền lợi bằng mọi cách: Ông A bị mất một chiếc nhẫn kim cương vài trăm tỷ; Sau khi xem Camera biết là Ông B lấy; Ông A không thể vì thế mà có quyền kêu gọi người, vác mã tấu đến chém chết 10 Người từ già đến trẻ trong nhà Ông B để lấy lại chiếc nhẫn kim cương.
2. Tương tự như thế - Quay lại ví dụ đầu Bài: "Ông A cho Ông B vay 50 triệu đồng; Đến hạn đã lâu, nhưng Ông B không chịu trả nợ cho Ông A, mặc dù Ông B hoàn toàn có khả năng trả khoản nợ này. Liên tục đòi nợ không được, một hôm, Ông A đến nhà Ông B yêu câu trả nợ, nhưng Ông B vẫn nói chưa có trả; Ông A nhìn thấy Ông B có một chiếc xe máy để trước sân, liền nói: Vậy bây giờ, Tôi lấy chiếc xe này để trừ dần vào nợ?! Mặc dù Ông B phản đối, nhưng Ông A vẫn dắt xe về". Trường hợp này, nhẹ thì Ông A sẽ bị truy tố về Tội danh "Công nhiên chiếm đoạt tài sản", nặng thì Tội danh "Cưỡng đoạt tài sản".......
3. Như vậy, Chủ sở hữu có quyền tự bảo vệ quyền lợi cho mình khi bị xâm phạm. Nhưng chỉ ở mức độ tương xứng, tương đối, là luật cho phép hay không cấm. Chẳng hạn, khi có Người cướp điện thoại, móc ví, Bà con ta có thể giằng, giữ lại, tiện tại thì có thể tung thêm vài cú đấm, đá hoặc khi có ai đó vào nhà mình thì có quyền đuổi ra, nếu nó nằm lỳ không chịu ra kiểu ăn vạ, thì có thể hè nhau ôm vác ra ngoài, đóng cửa lại, nhưng tuyệt đối, nếu nó chỉ vào để nằm ăn vạ, không đụng tay chân gì, thì Bà con không thể đánh đến mức tàn phế, hay xiên chết, vì không tương xứng.
4. Trong Vụ án chúng ta đang bàn thì lại khác, Chính Chủ sở hữu đã tự nguyện bàn giao Nhà cho Người ta, nên Chủ sở hữu đã mất quyền tự bảo vệ. Nghĩa rằng nếu lúc đầu Họ tự tiện vào ở, thì Chủ sở hữu có quyền đuổi ra, như vừa mới nêu trên. Còn ở đây, Chủ sở hữu đã bàn giao Nhà cho Người ta sử dụng, thì không thể tự bảo vệ bằng cách "Đánh chiếm lại thành" như vậy. Mà phải thông qua các phương cách được nêu ở mục tiếp theo đây.
Kết luận 3: Khi quyền lợi của mình bị xâm phạm trong những trường hợp nhất định - Chủ sở hữu được quyền tự bảo vệ tương xứng với mức độ xâm phạm, khả năng của mình, và pháp luật cho phép. Luật pháp không cho các bên được toàn quyền tự xử với nhau, nhằm ngăn chặn những hậu quả khôn lường.
IV. CÁC PHƯƠNG THỨC BẢO VỆ QUYỀN LỢI BỊ XÂM PHẠM
1. Nhà nước và pháp luật sinh ra, không chỉ để bảo vệ các bên có liên quan đến vụ việc nào đó, mà còn có một chức năng quan trọng là bảo vệ trật tự công công, duy trì trật tự xã hội. Nếu trong xã hội, mà các bên phải tự bảo vệ quyền lợi của mình, thì kẻ yếu sẽ luôn thua. Do đó, trong các phương thức bảo vệ quyền lợi, ngoài việc cho phép Chủ thể tự bảo vệ mình, như đã nêu ở trên với những hạn định rõ ràng. Thì việc bảo về quyền lợi hợp pháp khi bị xâm phạm, cần phải thực hiện thông qua Tòa án và Các Cơ quan có thẩm quyền khác.
2. Điều đó có nghĩa rằng: Khi Bà con vay tiền ngân hàng, dẫu cho Bà con có ký một Hợp đồng thế chấp nhà, đất cho Ngân hàng, nội dung đại ý: Nếu không trả nợ, Ngân hàng, có quyền phát mại tài sản để thu hồi nợ. Mặc dù quy định như thế, nhưng khi đến hạn, nếu Bà con không trả nợ, Ngân hàng cũng buộc phải kiện ra Tòa án, để yêu cầu được phát mại tài sản, và khi có Bản án đồng ý cho phát mại, thì Người thực hiện thủ tục phát mại đó, cũng là Cơ quan thi hành án có thẩm quyền, còn Ngân hàng không được tự đồng làm như thế (Trừ khi Bà con đồng ý) - Nếu Bà con không đồng ý, Ngân hàng không bao giờ được tự ý cưỡng chế, trục xuất Bà con ra khỏi nhà, để lấy nhà của Bà con, cho dù đúng là Bà con có vay, chưa trả, đã thế chấp. Vì Ngân hàng không có chức năng cưỡng chế, trục xuất như vậy.
3. Trong Vụ án này cũng vậy - Nếu Bên Bán cho rằng, quyền lợi của mình bị xâm phạm, thì Họ có quyền: Tố giác tội phạm hình sự về tội danh sử dụng trái phép tài sản hay chiếm giữ trái phép tài sản (Dù rằng khả năng này khó, vì như đã nếu Bên bán tự nguyện giao nhà cho bên mua) - Hoặc khởi kiện Vụ án dân sự ra Tòa án có thẩm quyền, yêu cầu Tòa án buộc bên mua phải giao trả lại nhà. Mà không thể, tự ý điều người đến chiếm lại như vậy.
Kết luận 4: Khi quyền lợi bị xâm phạm - Chủ sở hữu được bảo vệ quyền lợi của mình theo những phương thức luật định. Trong đó có những phương thức chỉ có Cơ quan có thẩm quyền mới được tiến hành. Do đó, chủ thể bị xâm phạm, cần phải tuân theo trình tự luật định, yêu cầu Cơ quan có thẩm quyền bảo vệ mình, mà không được tự ý hành xử.
V. TỔNG KẾT LUẬN:
1. Đây là vụ án hình sự về tội danh xâm phạm chỗ ở bất hợp pháp - Không phải Vụ án dân sự về tranh chấp quyền sở hữu nhà. Cho nên mấu chốt ở đây, không phải làm rõ ai đang là Chủ sở hữu căn nhà - Mà phải làm rõ, đây đang là chỗ ở hợp pháp của ai, và có hay không hành vi xâm phạm chỗ ở bất hợp pháp. Việc xác định không đúng bản chất pháp lý, sẽ khiến cho việc viện dẫn các quy định pháp luật bị sai, không phản ánh đúng nội dung vụ việc, từ đó dẫn đến những nhận định pháp lý sai lầm. Khi quyền lợi ích bị xâm phạm, Bà con muốn được bảo vệ, cần phải theo đúng quy định của pháp luật, tránh hành xử tùy tiện, rồi tiền mất, tật mang. Tác giả chỉ viện dẫn quy định pháp luật, phân tích và luận giải để Bà con hiểu, tránh gặp rủi ro pháp lý, mà không bênh vực hay bác bỏ ai trong Vụ án này.
2. Từ Vụ việc trên - Dưới góc độ quan hệ dân sự, Bà con ta phải rút ra bài học kinh nghiệm là phòng bệnh hơn chữa bệnh. Thế gian lắm quỷ nhiều ma, nên cần phải thận trọng ngay từ đầu, sẽ tránh được nhiều rủi ro pháp lý. Trong Vụ án này chẳng hạn - Mới chỉ ký hợp đồng đặt cọc, thì không nên bàn giao nhà cho Bên mua - Nếu Bà Chi không bàn giao nhà cho Bà Thảo quản lý, sử dụng, thì không bao giờ xảy ra tình thế trên. Nói tóm lại, là phải "Tiền trao cháo múc cả nồi" - Khi nào Bên mua giao tiền ít nhất phải 90% giá trị mua bán, thì hãy bàn giao nhà. Để sau đó, nếu có bị giở quẻ, thì thiệt hại cũng đã hạn chế đến mức tối đa. Đây là thông điệp của Bài viết này - Tác giả muốn gửi gắm đến Bà con ta!
------
ĐÔI LỜI TÂM SỰ CÙNG BÀ CON
Khác với lĩnh vực đầu tư kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận, luôn chứa đựng yếu tố rủi ro khi đòi hỏi có sự mạo hiểm, và đôi khi chính sự mạo hiểm đã mang lại những thương vụ thành công với những khoản lợi nhuận khổng lồ - Thì ngược lại, trước những tranh chấp pháp lý, yếu tố an toàn pháp luật, luôn là đòi hỏi đầu tiên và cao hơn tất cả. Bởi chỉ cần một sơ sẩy nhỏ, có thể phải đánh đổi cả một vận mệnh pháp lý.
Và rằng - Khác với khoa học pháp lý nghiên cứu, tại các hội thỏa khoa học, tại các diễn đàn chuyên môn, nơi Người ta hoàn toàn tự do thể hiện quan điểm chuyên môn của mình, và bằng mọi cách, kể cả sự bảo thủ Cá nhân, để bảo vệ cho quan điểm đó, bất chấp mọi lý lẽ khác, nhưng rồi cũng không sao cả, vì cũng chẳng "Chết ai" - Nhưng ngược lại, trong tư pháp thực hành, hoàn toàn khác, nơi mà mọi hành xử phải luôn ở mức an toàn nhất có thể. Đừng chờ đợi đến lúc mà rủi ro pháp lý là 50/50, mới nghĩ đến sự mất an toàn, mà chỉ cần tồn tại 1% rủi ro, đó đã là vấn đề của mọi vấn đề. Như vụ án đang được nói tới, vào thời điểm thực hiện hành vi, một Ông đương kim phó Chánh án tòa án, cùng một Giảng viên về pháp lý - Có thể Họ cũng tự tin cho rằng đó không phải là hành vi vi phạm, chứ đừng nói là hành vi phạm tội. Nhưng Họ quá chủ quan không nhận ra rằng, hành vi đó ẩn chứa rủi ro, và chỉ cần 1% thôi, là đã đủ thất bại, thực tế chứng minh điều đó. Vậy thì - Bà con ta, cần phải hiểu rằng, đến những Người có chuyên môn pháp lý như thế, mà còn dính phải rủi ro, do sự đánh giá vấn đề thiếu an toàn, huống chi Bà con không nắm vững pháp lý, thì còn có thể dẫn đến những nhầm lẫn và sai lầm pháp lý gì. Có nghĩa rằng, trong mọi tranh chấp và hành xử pháp lý, phải luôn đặt vấn đề đầu tiên và trước hết rằng: Hành vi, việc làm này của mình có gặp rủi ro pháp lý gì không?! Rồi hẵng tính đến lợi ích, thắng thua, những vấn đề khác. Nếu cảm thấy có bất kì rủi ro pháp lý gì, dù nhỏ nhoi, cũng nên cần thận trọng xem xét lại, đánh giá toàn diện vấn đề, rồi hẵng quyết định......
Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!