PHÒNG VỆ CHÍNH ĐÁNG – TRƯỜNG HỢP LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ: PHÂN TÍCH VÀ LUẬN GIẢI!

Phòng vệ chính đáng, ngôn ngữ bình dân, Bà con ta hay gọi là: Tự vệ! Đây là trường hợp mà, Người có hành vi tự vệ, không phải chịu bất kỳ trách nhiệm hình sự nào, dù có thể đã gây ra thiệt hại cho Người khác, bởi hành vi tự vệ này, thuộc trường hợp: Phòng vệ chính đáng - Là hành động được Pháp luật cho phép, và khuyến khích.

Nghe qua, thì có vẻ khá đơn giản và dễ hiểu. Tuy nhiên, trong thực tế, việc xác định một hành vi có thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng hay không, lại không hề đơn giản chút nào. Nhiều Bà con, hiểu không đúng, nên đến khi bị xem xét trách nhiệm, lại tỏ ra ngỡ ngàng, không hiểu vì sao lại như vậy.

Chính vì thế, để giúp Bà con có thể hiểu hơn về phòng vệ chính đáng, trong Bài viết này, Tác giả sẽ phân tích các quy định pháp lý có liên quan, để Bà con tham khảo và vận dụng trên thực tế! Đây là một đề tài rất dễ gây tranh cãi, Bà con khi đọc đôi khi có thể cảm thấy bất bình, vì nó khác hẳn với suy nghĩ của Bà con từ trước tới nay. Trong trường hợp như vậy, mong Bà con hiểu, ở đây Tác giả đang phân tích quy định pháp lý, mà không phải đưa ra quan điểm bảo vệ ai.

I. HIỂU VỀ NỘI HÀM KHÁI NIỆM PHÒNG VỆ CHÍNH ĐÁNG

Phòng vệ chính đáng là hành vi của Người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của Người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết Người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm. Từ quy định này, Chúng ta cần lưu ý một số vấn đề sau:

1. Phòng vệ chính đáng, diễn ra, không phải chỉ bảo vệ lợi ích của chính mình, mà có thể vì bảo vệ lợi ích của bất kỳ ai. Đó cũng là lý do vì sao, gọi là phòng vệ, mà không gọi là tự vệ, vì tự vệ, thường hiểu theo nghĩa, là bảo vệ cho chính mình.

Ví dụ 1: Ông A, nhìn thấy Cô B, bị 03 tên cướp tấn công, để cướp tài sản, Ông A liền dùng gậy, đuổi đánh 03 tên cướp này. Trong trường hợp này, hành vi của Ông A vẫn được xem là phòng vệ chính đáng, dù Ông A, không quen biết gì Cô B cả.

2. Hành vi phòng vệ chính đáng, được pháp luật cho phép, thậm chí là khuyến khích mọi người thực hiện; Vì vậy, phòng vệ chính đáng, có thể gây ra những thiệt hại nhất định, nhưng Người phòng vệ không phải chịu bất kì trách nhiệm gì.

Ví dụ 2: Ông H nhìn thấy một chiếc xe tải, bị mất lái, đang lao băng băng, sắp tông vào một nhóm Em nhỏ học sinh; Ông H liền đẩy khúc gỗ lớn ra chắn, chiếc xe lao vào khúc gỗ, văng lộn ngược, nổ thùng xăng, xe bốc cháy, lái xe thương vong...... Mặc dù trong trường hợp này, hành vi đẩy khúc gổ của Ông H, dẫn đến xe bị tai nạn và bốc cháy, lái xe thương vong; Nhưng Ông H không phải chịu bất kì trách nhiệm nào, bởi đây là hành vi phòng vệ chính đáng, bảo vệ các Em nhỏ.

3. Hành vi đang xâm phạm của Người khác, làm phát sinh quyền phòng vệ chính đáng, không nhất thiết phải là hành vi tội phạm. Nghĩa rằng, bằng nhận thức thông thường, Chúng ta đánh giá được rằng, hành vi của Ai đó, đang xâm phạm lợi ích của Người khác, là được phát sinh quyền phòng vệ, mà không nhất thiết hành vi xâm phạm đó là hành vi thực hiện tội phạm.

Ví dụ 3: B là Người bị tâm thần, đang cầm dao để chém Người khác. Hành vi của B không phải tội phạm, vì B không có năng lực trách nhiệm hình sự. Nhưng những Người khác vẫn có quyền phòng vệ chính đáng trước sự tấn công của B.

Ví dụ 4. Ông A, phát hiện C đang ăn trộm một con gà, Ông A vẫn có quyền bắt giữ C, mặc dù hành vi của C chưa phải là tội phạm, mà chỉ là vi phạm hành chính, thuộc dạng ăn cắp vặt.

II. CƠ SỞ LÀM PHÁT SINH QUYỀN PHÒNG VỆ CHÍNH ĐÁNG

Cơ sở làm phát sinh quyền phòng vệ chính đáng, hay còn gọi là căn cứ, để bà con biết mình được quyền phòng về chính đáng đó là: Khi Người nào đó [Đang] có hành vi xâm phạm lợi ích của cá nhân, tổ chức nhất định. Ở đây, Chúng ta cần lưu ý những điểm sau:

1. Cơ sở phát sinh quyền phòng vệ, phải là trước một hành vi xâm phạm [Đang] diễn ra, hoặc đe dọa diễn ra ngay tức khắc. Điều đó có nghĩa rằng, nếu hành vi xâm phạm chưa có khả năng diễn ra ngay tức khắc, hoặc đã diễn ra xong xuôi, thì không còn quyền phòng vệ nữa.

Ví dụ 4: Ông A, thấy Ông B đang lấy mũ bảo hiểm đánh Bà C, hành động của Ông B đang diễn ra, đang đánh, thì Ông A có quyền xông vào can ngăn, chống trả cần thiết, để cho Ông B không tiếp tục hành hung tấn công Bà C.

2. Nếu hành vi xâm phạm đã diễn ra xong xuôi, việc phòng vệ bị coi là phòng vệ quá muộn, và phải chịu trách nhiệm do phòng vệ quá muộn.

Ví dụ 5: Tương tự như Ví dụ 4, giả dụ Ông B sau khi dùng mũ bảo hiểm tấn công Bà C, đã rời bỏ đi, Ông A thấy thể, đuổi theo, dùng mũ bảo hiểm tấn công Ông B, trường hợp này gọi là phòng vệ quá muộn, mang tính trả thù. Nên Ông A sẽ phải chịu trách nhiệm như những trường hợp bình thường. Bà con, nếu thắc mắc, vậy trường hợp này nên thế nào: Thì Ông A có thể giữ Ông B lại, và báo chơ Cơ quan chức năng đến giải quyết.

3. Nếu hành vi xâm phạm chưa diễn ra, và cũng không có dấu hiệu diễn ra ngay tức khắc, thì việc phòng vệ, được coi là quá sớm và Người phòng vệ phải chịu trách nhiệm như bình thường.

Ví dụ 6: Ông H đang đi ngoài đường, nghe thấy Ông P nói và chửi bới rằng, sẽ tìm và giết Ông S. Ông H liền nhảy vào đánh Ông P. Trường hợp này, được xem là phòng vệ quá sớm, thậm chí là phòng vệ tưởng tượng. Vì Ông P mới chỉ chửi vu vơ vậy, và lúc đó Ông S cũng không có ở đây, nên không có dấu hiệu gì, cho thấy Ông P sẽ hành động cả.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp hành vi xâm phạm đã diễn ra hoàn thành, nhưng việc phòng vệ cũng không bị xem là quá muộn, nếu như liền ngày sau đó, người phòng vệ có hành động ngăn chặn hậu quả của hành vi tội phạm. Chẳng hạn, như trường hợp đuổi theo kẻ cướp giật để đòi lại tài sản. Mặc dù việc cướp giật đã xong, thủ phạm đã bỏ chạy, nhưng việc đuổi theo, đánh nhau, để bắt giữ, vẫn được xem là phòng vệ đúng thời điểm.

III. PHẠM VI CỦA PHÒNG VỀ CHÍNH ĐÁNG

Phạm vi hay còn gọi là giới hạn của phòng vệ chính đáng là: Chống trả lại một cách cần thiết. Tức là phải mang tính tương xứng, vừa đủ. Tất nhiên là không thể mang tính tuyệt đối. Nhưng cũng không thể một cách thái quá.

Ví dụ 7: Ông A, thấy Ông B đang lấy mũ bảo hiểm đánh Bà C, thì Ông A có thể bằng tay không hoặc dùng phương tiện như gậy, vào vừa ngăn cản, vừa đe dọa chống trả. Để cho Ông B phải sợ và dừng lại. Chứ Ông A không thể dùng dao, rựa xông vào, chém Ông B loạn xạ, bất kể hậu quả. Vì rõ ràng, là việc chống trả đó quá mức cần thiết.

Ví dụ 8: Trường hợp này khá phổ biến - Ông A thấy Ông B vào nhà ăn trộm tài sản, liền hô hoán con cái, dùng gậy, đuổi đánh Ông B đến chết. Rõ ràng, trong trường hợp này, việc chống trả là quá mức cần thiết. Nếu như Ông B không chống trả, thì chỉ có thể bắt giữ, chứ không được đánh.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp sẽ rắc rối, khi Ông B dùng dao đánh trả, nhiều tình huống, dẫn đến Bà con hay cho rằng, vì nó dùng dao chống trả, nên phải đánh chết nó. Trường hợp này, nếu phân tích, thì khá chuyên sâu. Nhưng Chúng ta phải hiểu, ở đây B dùng dao, có thể chỉ nhằm hù dọa, để trốn thoạt, tức là không phải vì mục đích nhằm đâm chém Chủ nhà. Do vậy - Việc nên phản ứng như thế nào trong trường hợp này, sẽ là một cuộc tranh luận không có hồi kết.

Tuy nhiên, để tránh rủi ro pháp lý, thì tác giả khuyến nghị Bà con, là khi bắt trộm kiểu này, phải liệu tình hình, tương quan lực lượng, nếu gặp phải thằng điên quá, thì nên để nó đi, và trình báo cơ quan chức năng. Nghĩa rằng nếu nó chỉ muốn tẩu thoát thì nên như vậy. Chỉ thật bất đắc dĩ, khi nó trộm, bị mình phát hiện, mà nó còn dùng đao kiếm, đòi chém mình, thì mới cần chống trả. Dù rằng, thực tế, bọn trộm, thường khi bị phát hiện, nó chỉ muốn tẩu thoát, chứ ít khi muốn tấn công gia chủ. Bà con có thể thấy ức chế đoạn này. Nhưng nói gì thì nói, việc trộm tài sản, và tước đoạt mạng người là khác xa nhau. Nên không thể cứ thấy trộm là giết được.

Ngoài ra - Bà con phải lưu ý, là cần phân biệt trường hợp trộm nêu trên, với Vụ cướp của giết Người ở Bình Phước mấy năm trước! Đây không phải là trộm, mà là cướp của giết Người, nên trong trường hợp đó, thì lại phải chống tới bến, chống trả tới cùng, bởi mục đích của chúng là muốn tàn sát gia Chủ, cho nên có quyền chống trả bằng mọi phương cách. Thậm chí là tước đoạt mạng sống của đám Hung thủ này.

Nghĩa rằng, Bà con phải xác định được những yếu tố có liên quan như, bối cảnh, tương quan lực lượng, phương tiện, công cụ..... Của Bên kia, nhằm đánh giá đúng vấn đề, để có biện pháp chống trả phù hợp. Nếu việc phòng vệ, rõ ràng là vượt quá mức cần thiết, thì Người phòng vệ phải chịu trách nhiệm, nhưng không phải chịu trách nhiệm như bình thường, mà với trường hợp nhẹ hơn, gọi là: Chịu trách nhiệm hình sự do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

-----------

TỔNG KẾT LUẬN:

Cụ Đồ Chiểu - Có thơ rằng:

"Nhớ câu kiến ngãi bất vi,

Làm người thế ấy cũng phi Anh hùng".

Việc phòng vệ cứu mình, cứu Người, đó không chỉ là một quy định pháp lý cho phép, mà còn là một nghĩa vụ đạo đức, là truyền thống giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau. Tuy nhiên, việc phòng vệ phải là chính đáng, không được mang yếu tố trả thù, báo thù. Nghĩa rằng việc phòng vệ phải đúng lúc, đúng thời điểm và tương xứng với hành vi xâm phạm của Kẻ khác. Tất nhiên, việc xác định thế nào là cần thiết và tương xứng, không thể mang tính tuyệt đối. Nhưng cũng phải ở giới hạn chấp nhận được, không thể phòng vệ một cách thái quá với mức cần thiết thông thường.

Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

Bình luận (0)


Bài viết liên quan