TỰ Ý ĐĂNG HÌNH ẢNH NGƯỜI KHÁC LÊN FACEBOOK BỊ PHẠT 20 TRIỆU ĐỒNG: CẦN HIỂU VÀ ÁP DỤNG ĐÚNG!

Nhiều trang báo giật tít với tựa đề “Tự ý đăng hình Người khác lên Fb sẽ bị phạt 20 triệu đồng”, khiến nhiều Bà con cảm thấy “Hoang mang”! Với tựa đề như vậy, có thể dẫn đến nhiều Người đọc hiểu rằng: (i) Cứ tự ý đăng ảnh Người khác là bị phạt; Và (ii) Đăng ảnh Người khác mà họ đã đồng ý thì không bị phạt!

Tuy nhiên, cần khẳng định ngay rằng, cả 02 cách hiểu đó đều sai! Bài viết này, sẽ phân tích một số khía cạnh pháp lý có liên quan đến việc sử dụng hình ảnh của Người khác, để Bà con có thể hiểu thêm, cũng như có sự vận dụng pháp luật hợp lý, tránh bị phạt oan.

I. Đăng ảnh Người khác, mà Người đó đã đồng ý, có vi phạm hay không?!

Pháp luật ngoài việc bảo vệ từng cá nhân, tổ chức trong xã hội, thì còn hướng đến một mục tiêu cao hơn đó là bảo vệ trật tự công cộng và lợi ích chung của toàn xã hội, của cả cộng đồng.

Do đó, những hành xử của cá nhân, phải không được xâm phạm đến việc bảo vệ lợi ích chung đó. Trên cơ sở này, nếu Anh A, hay Chị B chụp hoặc quay một đoạn Clip khỏa thân của mình, và đồng ý cho Anh H đăng lên Facebook, thì việc đăng hình này vẫn vi phạm pháp luật, và vẫn bị phạt, thậm chí là có thể bị xử lý hình sự, dù rằng việc đăng hình này, đã được sự đồng ý của Người có hình ảnh đó. Đơn giản là vì, việc đăng hình đó trái với thuần phong mỹ tục, trái với đạo đức xã hội, và pháp luật không cho phép.

Kết luận 1: Việc đăng ảnh Người khác, mà Người đó đã đồng ý, vẫn sẽ bị phạt, bị xử lý theo pháp luật nếu việc đăng ảnh đó trái với thuần phong mỹ tục, trái với đạo đức xã hội, hoặc/và xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác.

II. Tự ý đăng ảnh của Người khác, có phải đương nhiên sẽ bị phạt?!

Quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình là một quyền gắn liền với nhân thân của cá nhân đó. Và từ lâu, chính xác là rất lâu, quyền cá nhân đối với hình ảnh của mình, đã được pháp luật bảo vệ. Theo đó, những trường hợp sử dụng hình ảnh của Người khác mà không đúng pháp luật, sẽ bị xử lý. Không hiểu sao, thời gian này, mới được báo chí, cộng đồng mạng khuấy lên rầm rộ như vậy, mặc dù quy định này không có gì là mới.

Lưu ý rằng, ở trên Tác giả đã sử dụng thuật ngữ, sử dụng hình ảnh của Người khác {Không đúng pháp luật}, mà Tác giả không hề sử dụng thuật ngữ “Tự ý đăng hình” sẽ bị xử lý – Vì đây là hai vấn đề khác xa nhau. Có nghĩa rằng, có trường hợp sử dụng hình ảnh của người khác phải được sự đồng ý của Người đó; Nhưng cũng có nhiều trường hợp không cần có sự đồng ý của Người đó, mà vẫn đúng pháp luật, và đương nhiên, không bị phạt.

Trên cơ sở các quy định của pháp luật có liên quan – Những trường hợp sau đây, sử dụng, đăng tải hình ảnh của Người khác mà không cần sự đồng ý của Họ; Gồm có:

1. Hình ảnh Bà con có được và sử dụng vào mục đích, cảnh báo hành vi vi phạm pháp luật của Người có hình ảnh, truy tìm tung tích của Người vi phạm. Ví dụ: Bà con đang ở nhà một mình, có 03 tên đột nhập vào nhà để trộm cắp tài sản; Bà con lấy điện thoại, lén quay hình của Chúng. Sau đó, Bà con báo Công an, đồng thời đăng những hình ảnh này lên mạng, để cảnh bảo và truy tìm hung thủ - Đương nhiên, trường hợp này, Bà con không cần sự đồng ý của Họ. Đây chỉ một ví dụ, còn thực tế trường hợp này là vô vàn, ví dụ như quay lại hình ảnh tai nạn giao thông để là bằng chứng......

2. Hình ảnh Bà con có được (Trực tiếp, hoặc gián tiếp) từ các hoạt động thể dục thể thao, biểu diễn nghệ thuật, hội thảo hội nghị ….. Thì cũng không cần phải xin phép hay sự đồng ý của Họ. Ví dụ, khi đi xem một trận bóng đá, lúc cầu thủ lên nhận thưởng, Bà con cứ chụp thoải mải, đăng thoải mái. Hay Bà con đi xem một chương trình ca nhạc, một buổi biểu diễn xiếc, Bà con cũng chụp hình thoải mái, đăng hình thoải mái.

3. Hình ảnh, Bà con chụp trích dẫn lại từ các Trang báo (Được cấp phép), Bà con cũng không cần phải xin phép, nhưng Bà con cần phải dẫn nguồn. Ví dụ Báo Tiền Phong, đăng ảnh Cô A, Chị B, thì Bà con có thể sử dụng lại hình ảnh này và đăng lên mạng, nhưng phải chú thích là lấy từ Báo Tiền phong. Còn việc Báo Tiền phong sử dụng đúng hay sai, là câu chuyện của pháp luật về Báo chí.

4. Trường hợp Bà con sử dụng hình ảnh của Lãnh tụ, các Học giả nổi tiếng Việt Nam, nhằm quảng bá Nhân tài của Việt Nam, vì mục đích phát triển cho Đất nước, quốc gia thì cũng không cần phải xin phép.

Kết luận 2: Như vậy, mặc dù hình ảnh cá nhân là một quyền nhân thân được pháp luật bảo vệ. Nhưng không phải trong mọi trường hợp, việc sử dụng hình ảnh của họ đều phải xin phép. Nghĩa rằng với những ngoại lệ đã được pháp luật quy định thì không cần sự đồng ý của Người đó.

III. Vi phạm đương nhiên và vi phạm không đương nhiên

Vi phạm đương nhiên, nghĩa rằng chỉ cần rơi vào tình huống đó là xem như đương nhiên vi phạm pháp luật, và đương nhiên bị xử lý. Vi phạm không đương nhiên hay còn gọi là vi phạm có điều kiện, nghĩa rằng, mặc dù có hành vi vi phạm, nhưng không đương nhiên bị xử lý. Mà cần phải có sự yêu cầu của Người bị hại, bị vi phạm.

Những hành vi mà xâm phạm lợi ích của Toàn dân, của Nhà nước, của công cộng, thì đương nhiên bị xử lý. Ví dụ, Anh A ra đường, chạy xe vượt đèn đỏ, thì đương nhiên đó là vi phạm, và sẽ bị xử lý, mà không cần ai yêu cầu.

Nhưng đối với hành vi xâm phạm lợi ích của cá nhân thì sẽ có điểm khác. Ví dụ Anh A đăng hình Chị B, mà chưa xin phép, thì đó là hành vi vi phạm, tuy nhiên, Cơ quan chức năng không đương nhiên được tự động mời Anh A lên để xử phạt, mà chỉ khi có yêu cầu của Chị B, thì mới tiến hành xử lý – Như vậy, là khác với việc vi phạm giao thông ở trên.

Kết luận 3: Việc sử dụng hình ảnh của người khác, không đương nhiên bị xử phạt. Mà cần phải có yêu cầu của Người có hình ảnh hoặc đại diện pháp lý của Họ.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý thêm rằng: Pháp luật không quy định cụ thể sự đồng ý ở đây được thể hiện dưới hình thức nào. Phải minh thị, tức là tỏ rõ sự đồng ý, hay cả sự mặc thị, tức là biết mà không phản đối?! Đó sẽ là điều, dễ dẫn đến những vướng mắc khi áp dụng.

Bên cạnh đó, Bà con cũng cần hiểu, pháp luật không phân biệt khi đăng hình với mục đích xấu hay tốt, do đó cho dù Bà con đăng hình với mục đích tốt, ví dụ đăng hình Cô bé nào đó và khen đẹp quá, giống thiên thần quá, mà Người đó không đồng ý, thì vẫn cứ là vi phạm.

Nói tóm lại, quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình là một quyền nhân thân, được pháp luật bảo vệ. Việc sử dụng hình ảnh phải được sự đồng ý của Người đó. Tuy nhiên, có những ngoại lệ nhất định, nghĩa rằng có những trường hợp không cần phải xin phép. Và cơ quan chức năng, không đương nhiên có quyền xử phạt Người tự ý đăng hình, mà chỉ khi có yêu cầu từ Người có hình ảnh.

Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan