ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG TRÁI PHÁP LUẬT VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG: LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN!
Mặc dù Hợp đồng lao động, cũng là một loại Hợp đồng dân sự, tức là được giao kết trên cơ sở tự nguyện, tư do và bình đẳng. Tuy nhiên, xuất phát điểm từ vị thế, khiến cho Người lao động luôn bị yếu thế hơn trong quan hệ lao động với Chủ doanh nghiệp. Không hiếm trường hợp, Chủ doanh nghiệp sẵn sàng đuổi việc Người lao động một cách bất hợp pháp, không tuân thủ theo một quy trình nào cả. Ngay cả khi Chủ doanh nghiệp sai, thì cũng đã có một "Đội ngũ pháp lý" hùng hậu, có thể chiếm lĩnh được thế thượng phong, với những Người lao động không hiểu biết về pháp luật lao động, và để rồi cuối cùng, phải chấp nhận thiệt thòi về mình.
Trong phạm vi hạn hẹp của Bài viết này, Tác giả sẽ cố gắng trình bày những vấn đề cốt lõi, trọng tâm nhất có liên quan đến Hợp đồng lao động và việc Đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động trái pháp luật của Chủ doanh nghiệp, với mong muốn khiêm tốn, là giúp Bà con, Người lao động có thể nắm được quy định pháp luật, và vận dụng khi cần thiết; Ngoài ra cũng để các Chủ doanh nghiệp có thể biết được hơn các quy định pháp luật, nhằm áp dụng chính xác, tránh bị khiếu kiện khi chấm dứt Hợp đồng lao động.
I. MỘT SỐ ĐIỂM LƯU Ý KHI KÝ KẾT - THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
Nhiều Chủ doanh nghiệp, khi giao kết Hợp đồng lao động, bao gồm cả việc các Cơ sở giáo dục ký Hợp đồng với các giáo viên, đều đưa ra một số quy định trái pháp luật, có thể ví dụ:
1. Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của Người lao động.
2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện Hợp đồng lao động.
3. Buộc người lao động thực hiện Hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động.
4. Buộc Người lao động, muốn Đơn phương chấm dứt Hợp đồng phải báo trước 2 tháng, 4 tháng, 6 tháng ......
Thì cần lưu ý rằng, những quy định, ràng buộc vừa nêu là trái pháp luật. Do đó, nó không có giá trị thi hành! Có nghĩa rằng, ngay cả khi Người lao động có ký vào Hợp đồng có những nội dung vừa nêu, thì cũng không có nghĩa vụ phải thi hành, vì đó là quy định bất hợp pháp.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều Công ty, quy định và áp dụng việc trừ lương của Người lao động do Họ vi phạm nội quy lao động, ví dụ Người lao động đi làm muộn, Người lao động không mặc đồng phục, quên mang bảng tên...... Thì cần lưu ý rằng: Việc khấu trừ lương trong những trường hợp này là trái luật. Vì theo quy định của Bộ luật lao động, thì Người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản... mà thôi. Ngoài trường hợp này ra, không được khấu trừ lương cho bất kì vi phạm nào khác.
II. CÁC TRƯỜNG HỢP NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG ĐƯỢC ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
Người sử dụng lao động có quyền Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp sau đây:
1. Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo Hợp đồng lao động.
2. Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà Người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc.
3. Người lao động không có mặt tại nơi làm việc trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn Hợp đồng lao động.
*** Lưu ý: Khi đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động trong các trường hợp vừa nêu, Người sử dụng lao động phải báo cho Người lao động biết trước: Ít nhất 45 ngày đối với Hợp đồng lao động không xác định thời hạn; Ít nhất 30 ngày đối với Hợp đồng lao động xác định thời hạn; Ít nhất 03 ngày làm việc đối với Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
4. Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với Người làm theo Hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với Người lao động làm theo Hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn Hợp đồng lao động đối với người làm theo Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.
*** Lưu ý: Khi đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động trong trường hợp vừa nêu tại mục 4, Người sử dụng lao động phải báo cho Người lao động biết trước ít nhất 3 ngày làm việc!
Như vậy, Người sử dụng lao động, chỉ được Đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động, trong các trường hợp với các căn cứ vừa nêu. Đồng thời phải báo trước cho Người lao động biết. Theo đó, nếu Người sử dụng lao động, Đơn phương chấm dứt Hợp đồng mà không có một trong các căn cứ nêu trên hoặc có căn cứ nêu trên nhưng lại "Quên" không báo trước, thì đều là Đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động trái luật!
Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng: Ngay cả khi Người lao động rơi vào một trong các căn cứ nêu trên, thì Người sử dụng lao động vẫn không được Đơn phương chấm dứt Hợp đồng, nếu như:
1. Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo quyết định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, trừ khi đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.
2. Người lao động đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng và những trường hợp nghỉ khác được Người sử dụng lao động đồng ý.
3. Lao động nữ đang mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
4. Người lao động (Bao gồm cả Nam (Người Cha)) đang nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
III. NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG KHI ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG TRÁI LUẬT
Như trên đã phân tích, Người sử dụng lao động chỉ được xem là Đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động đúng luật - Khi cùng lúc thỏa mãn 2 điều kiện: Một là, chỉ được Đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động, trong các trường hợp với các căn cứ đã nêu ở mục trên; Và hai là, Đồng thời phải báo trước cho Người lao động biết.
Do đó, nếu Người sử dụng lao động, Đơn phương chấm dứt mà không có một trong các căn cứ nêu trên hoặc có căn cứ nêu trên nhưng lại "Quên" không báo trước cho Người lao động, thì đều là Đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động trái luật! Khi đó, Người sử dụng lao động phải có trách nhiệm, nghĩa vụ sau đây:
1. Phải nhận Người lao động trở lại làm việc theo Hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những khoảng thời gian Người lao động không được làm việc, cộng thêm với ít nhất 02 tháng tiền lương theo Hợp đồng lao động.
2. Trường hợp Người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 vừa nêu, Người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc cho Người lao động đã giao kết và làm việc từ năm 2008 trở về trước, cứ mỗi năm làm việc được trợ cấp nửa tháng lương. Từ năm 2009 trở về sau, do đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp, nên ko được trợ cấp thôi việc nữa.
3. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và Người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại mục 1 và trợ cấp thôi việc tại mục 2 vừa nêu, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo Hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.
4. Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong Hợp đồng lao động mà Người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại mục 1 vừa nêu, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung Hợp đồng lao động.
5. Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho Người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của Người lao động trong những ngày không báo trước. Nghĩa rằng, việc Đơn phương chấm dứt Hợp đồng là có căn cứ, nhưng Người sử dụng lao động "Quên" không báo trước, thì chỉ bồi thường tiền tương ứng tiền lương cho thời gian không báo trước này.
IV. KHỞI KIỆN TẠI TÒA ÁN
Từ những phân tích nêu trên, khi bị Đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động, nếu Bà con cho rằng việc Đơn phương chấm dứt đó là trái luật, thì Bà con có quyền khiếu nại với Chủ doanh nghiệp, đồng thời yêu cầu Ban chấp hành công đoàn hỗ trợ, để bảo vệ quyền lợi cho mình.
Trong trường hợp không được giải quyết, Bà con có thể khởi kiện trực tiếp ra Tòa án để yêu cầu giải quyết. Khi khởi kiện, Bà con cần lưu ý các điểm sau:
1. Tòa án có thẩm quyền là Tòa cấp quận, huyện nơi Công ty có trụ sở. Nếu đó là Công ty nước ngoài, thì Tòa có thẩm quyền là Tòa cấp tỉnh nơi Công ty có trụ sở. Trong trường hợp Bà con Ký Hợp đồng lao động với Chi nhánh của Công ty, Ví dụ Công ty ở Sài Gòn, còn Bà con ký với Chi nhánh tại Trà Vinh, thì Bà con kiện tại Sài Gòn hoặc Trà Vinh đều được.
2. Thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp này là 01 năm. Hết 01 năm này, Bà con mất quyền kiện. Do đó, khi bị chấm dứt Hợp đồng, Bà con muốn kiện thì cần phải kiện trong vòng 01 năm kể từ ngày bị chấm dứt. Bà con phải lưu ý việc này, tránh bị hết thời hiệu khởi kiện.
3. Về Đơn khởi kiện, Bà con có thể đến Tòa hoặc ra các tiệm Photo mua một mẫu, về điền đại ý các nội dung, trong đó lưu ý mục kính gửi Tòa nào, chính là Tòa có thẩm quyền vừa nêu. Nội dung đơn Bà con, ghi đúng nội dung sự việc, ghi dài ngắn gì thì tùy, không cần ghi căn cứ pháp lý. Tuy nhiên, đến đoạn cuối cùng, Bà con phải ghi cụ thể giống mô tả dưới đây:
"..........
Yêu cầu Tòa án giải quyết:
Từ những trình bày nêu trên, nay Tôi kiện Công ty Abc ra Tòa án nhân dân Huyện Y, để yêu cầu Tòa án giải quyết các vấn đề cụ thể sau:
1. Tuyên bố Quyết định Đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động do Công ty Abc ban hành ngày ... tháng .... năm.... là trái pháp luật.
2. Buộc công ty Abc phải nhận tôi trở lại làm việc. (Nếu Bà con không muốn làm lại, thì bỏ mục này).
3. Buộc Công ty Abc phải trả lương cho Tôi trong xx tháng không được làm việc, với số tiền là...... (Ví dụ lương mỗi tháng 6 triệu, phụ cấp 200 ngàn một tháng, bị mất việc 5 tháng thì ghi rõ là 31 triệu).
4. Buộc Công ty Abc phải trả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho Tôi trong thời gian 5 tháng không được làm việc.
5. Buộc Công ty Abc phải bồi thường cho Tôi thêm 02 tháng tiền lương là ..... (Ví dụ lương mỗi tháng 6 triệu, phụ cấp 200 ngàn một tháng thì ghi rõ 02 tháng là 12 triệu 400 ngàn)".
* Lưu ý: Số tiền Bà con đòi và được chi trả chính là Tổng số của các khoản trên đây cộng lại với nhau. Nhưng trong Đơn kiện, phải ghi rõ từng mục để Tòa có cơ sở giải quyết!
V. VỀ VIỆC NỘP TẠM ỨNG ÁN PHÍ - ÁN PHÍ KHI KHỞI KIỆN
Người lao động khởi kiện đòi tiền lương, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, tiền bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; giải quyết những vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật - Thì được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí. Tức là không phải nộp khoản tiền nào cả. Tuy nhiên, Bà con phải có đơn đề nghị miễn nộp.
Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!