HIỂU VỀ TỘI DANH "CHIẾM GIỮ TRÁI PHÉP TÀI SẢN": NHÌN TỪ VIỆC NHẶT ĐƯỢC TÀI SẢN CỦA NGƯỜI KHÁC ĐÁNH RƠI/BỎ QUÊN MÀ KHÔNG TRẢ LẠI!
Trước nay, Chúng ta hay được chỉ dạy rằng: "Nhặt được của rơi, tìm Người trả lại"! Điều đó được xem như là một nghĩa cử cao đẹp, xét dưới góc độ đạo đức. Và Chúng ta, ít khi để ý rằng: Đó cũng là một nghĩa vụ pháp lý, dưới góc độ pháp luật!
Nhiều Người hay quan niệm rằng, khi nhặt được tài sản do Ai đó đánh rơi, hay bỏ quên, thì nghiễm nhiên, tài sản đó thuộc quyền sở hữu của Mình. Thậm chí, có nhiều Người, còn ra giá "Chuộc lại", đối với Người đã đánh rơi, bỏ quên tài sản. Tuy nhiên, đó chính là hành vi trái pháp luật.
Trong phạm vi Bài viết này, Tác giả sẽ phân tích một số khía cạnh pháp lý về vấn đề có liên quan, trên cả phương diện pháp luật Dân sự lẫn Hình sự!
I. Nghĩa vụ khi phát hiện được tài sản của Người khác bị đánh rơi, bỏ quên
1. Nếu biết địa chỉ của Người đánh rơi, bỏ quên tài sản, thì Bà con phải thông báo với họ đến lấy lại, hoặc giao trả tại địa chỉ của họ (Nếu phát sinh chi phí đi lại, thì họ phải chịu).
2. Nếu không biết địa chỉ của Người đánh rơi, bỏ quên tài sản, thì Bà con phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban xã, Công an xã nơi gần nhất, để thông báo công khai cho Người đánh rơi, biết mà đến nhận (Khi giao nộp, Bà con, nhớ làm Biên bản bàn giao).
3. Sau 01 năm, kể từ ngày thông báo công khai, mà không xác định được Chủ sở hữu hoặc Chủ sở hữu không đến nhận, thì: Nếu tài sản nhỏ hơn 10 tháng lương cơ sở, sẽ hoàn toàn thuộc về Người nhặt được. Nếu tài sản lớn hơn 10 tháng lương cơ sở thì trước hết, Người nhặt được vẫn sẽ được giá trị 10 tháng lương cơ sở, sau đó phần còn lại sẽ chia đôi, Người nhặt được, được 1/2, và 1/2 còn lại sẽ thuộc về Nhà nước.
Ví dụ 01: Ông A nhặt được 1 hộp, trong đó có 10 cây vàng, mà không biết là của Ai l, thì Ông A phải báo với Chính quyền xã, để thông báo công khai. Sau 01 năm thông báo, không có ai đến nhận. Giả định 10 cây vàng có giá trị 500 triệu; 10 tháng lương cơ sở Nhà nước quy định vào thời điểm chia chác là 50 triệu. Thì A sẽ được 50 triệu trước. Còn lại 450 triệu cưa đôi; A được 225 triệu; 225 triệu của Nhà nước.
II. Cấu thành tội phạm của Tội danh chiếm giữ trái phép tài sản
Như trên, Chúng ta thấy, pháp luật đã quy định rất rõ, nghĩa vụ của Người phát hiện được tài sản, do Người khác đánh rơi, bỏ quên, thì phải làm thế nào?! Và trong điều kiện nào, thì Người nhặt được mới có thể có được một phần hay toàn bộ tài sản.
Như vậy, ngay vào thời điểm Bà con phát hiện được tài sản do Người khác bỏ quên, đánh rơi, và Bà con giữ lấy, thì đó chưa phải là hành vi trái pháp luật. Chỉ khi nào, sau đó, Bà con không thực hiện nghĩa vụ nêu trên, thì mới vi phạm.
1. Hành vi, không trả lại tài sản do Người khác đánh rơi, bỏ quên, sẽ bị cấu thành tội phạm hình sự của Tội danh "Chiếm giữ trái phép tài sản" khi: Tài sản có giá trị từ 10 triệu đến dưới 200 triệu (Hoặc dưới 10 triệu nhưng tài sản là di vật, cổ vật), và Người nhặt được cố tình không trả lại, mặc dù Người bị mất đã yêu cầu được nhận lại tài sản đó hoặc Cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu giao nộp, mà vẫn cố tình không chịu giao trả. Khung hình phạt là phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm, hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể!
Ví dụ 2: Anh A nhặt được 1 cái ví, có giá trị là 8 triệu đồng của B. Mặc dù B yêu cầu nhưng A không trả. Trong trường hợp này, hành vi của A chưa cấu thành tội phạm. Vì tài sản chưa đến 10 triệu đồng. Nhưng A có thể bị phạt hành chính. Giả định, cái ví có giá trị 20 triệu đồng, thì hành vi của A đã có dấu hiệu tội phạm.
2. Trường hợp "Chiếm giữ trái phép tài sản" bị đánh rơi, bỏ quên khi: Tài sản có giá trị trên 200 triệu đồng hoặc bảo vật quốc gia. Thì khung hình phạt có thể lên đến 05 năm tù.
Bà con lưu ý rằng, ở đây, Chúng ta đang bàn đến trường hợp Tài sản do Người khác đánh rơi, bỏ quên, và Bà con phát hiện hay nhặt được do ngẫu nhiên; Và sau đó Người bị mất biết, và đòi lại mà vẫn không chịu trả, thì mới có dấu hiệu vi phạm như đã phân tích. Còn những trường hợp mà Chủ sở hữu chủ ý từ bỏ, ví dụ mang cái ti vi ra để ở ngoài đường, rồi nói cũ rồi không dùng, thì đây được xem là từ bỏ quyền sở hữu, và Ai thích cứ lụm, mà không phải vi phạm như đã nêu trên.
Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!