CẦN HIỂU VÀ XÁC ĐỊNH ĐÚNG PHẠM VI CHUYỂN QUYỀN VỀ TÀI SẢN TRONG THỪA KẾ THEO DI CHÚC: PHÂN TÍCH VÀ LUẬN GIẢI!

Có lẽ không nhiều Người, bao gồm cả các Nhà nghiên cứu, khi bàn luận về Chế định thừa kế, đã quan tâm/đặt vấn đề nhằm phân định sự khác biệt giữa Thừa kế theo di chúc với Thừa kế theo pháp luật, xét từ khía cạnh/tiêu chí là phạm vi của sự dịch chuyển quyền đối với tài sản/di sản. Trong khi việc làm rõ và khẳng định sự khác biệt này cực kỳ quan trọng, bởi không chỉ tránh được những nhầm lẫn tai hại, cũng như không vướng phải những tranh chấp không đáng có - Mà đặc biệt, còn giúp cho Người để lại di sản, có thể xử lý được nhiều tình huống nan giải, khi trong gia đình có nhiều Người với những hoàn cảnh éo le.

Đúng vậy - Nếu như trong Thừa kế theo Pháp luật, sự dịch chuyển quyền về tài sản/di sản là dịch chuyển toàn bộ quyền từ Người chết sang cho Người được nhận thừa kế đối với một tài sản/di sản cụ thể nào đó. Hiểu nôm na đó chính là sự dịch chuyển quyền sở hữu về tài sản: Khi tài sản được chuyển quyền thông qua việc Thừa kế theo pháp luật, thì Người để lại di sản có bao nhiêu quyền đối với tài sản này, Người nhận thừa kế sẽ có bấy nhiêu quyền đối với tài sản đó (Tất nhiên là trừ một số ngoại lệ, chẳng hạn một Người nước ngoài không cư trú tại Việt Nam chỉ có thể hưởng giá trị một số tài sản thừa kế nhất định (Đất đai/Nhà cửa), mà không thể đứng tên sở hữu tài sản - Đây là những quy định chuyên biệt, Tác giả chỉ nói cho đủ ý, nhưng không phải trọng tâm Bài viết này, Bà con có thể không cần chú tâm).

Trong khi đó - Đối với Thừa kế theo di chúc, thì sự dịch chuyển quyền về tài sản/di sản KHÔNG đương nhiên là sự dịch chuyển toàn bộ quyền từ Người chết sang cho Người được nhận thừa kế như trong Thừa kế theo Pháp luật vừa nêu trên - Đây chính là điểm khác biệt, mà Bà co ta cần phải hiểu cho được.

Thật vậy - Bộ luật Dân sự hiện hành quy định: "Di chúc là sự thể hiện ý chí của Cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho Người khác sau khi chết". Chúng ta cần lưu ý rằng: Luật chỉ quy định là "Chuyển tài sản" mà không hề nói là "Chuyển quyền sở hữu tài sản" - Trong khi đây là những khái niệm không đồng nhất.

Như vậy, khi lập Di chúc, Chủ sở hữu/Người để lại di sản có thể xác định là Chuyển quyền sở hữu tài sản: Tức là chuyển toàn bộ 3 quyền của một Chủ sở hữu, gồm: Quyền chiếm hữu, Quyền sử dụng và Quyền định đoạt (Giống như trong Thừa kế kế theo Pháp luật). Tuy nhiên, Người lập Di chúc cũng có thể chỉ chuyển quyền sử dụng (Quyền hưởng dụng) mà không hề chuyển quyền sở hữu cho một Người cụ thể nào đó.

Ví dụ 1: Ông A có căn nhà thuộc quyền sở hữu của mình. Ông A lập di chúc với nội dung: Khi Ông A chết, căn nhà được để lại cho Ông B, hoặc có thể ghi đầy đủ hơn: Khi Ông A chết, căn nhà thuộc quyền sở hữu của Ông B. Như vậy trong trường hợp này, khi Ông A chết, Ông B được toàn quyền định đoạt căn nhà, muốn tặng cho, trao đổi, mua bán gì tùy ý.

Ví dụ 2: Ông A có căn nhà thuộc quyền sở hữu của mình. Ông A lập di chúc với nội dung: "Khi Ông A chết, Ông B sẽ được quyền sử dụng trong vòng 20 năm, khi kết thúc thời hạn 20 năm này, Chị D sẽ được quyền sở hữu ngôi nhà đó". Như vậy, trong trường hợp này, khi Ông A chết, Ông B chỉ được sử dụng ngôi nhà, mà không được tặng cho, mua bán trao đổi như Ví dụ 1. Hay nói cách khác, ở đây Ông A chỉ chuyển quyền sử dụng căn nhà, mà không chuyển quyền sở hữu cho Ông B.

Áp dụng vấn đề vừa nêu vào trong thực tiễn cuộc sống, có thể sẽ giải quyết được vẹn toàn nhiều hoàn cảnh phức tạp. Chẳng hạn - Bà con ta xem xét ví dụ sau: Ông A có hai Người con là B và C, trong đó B là Người thiểu năng! Ông A có tài sản là một căn nhà, Ông A muốn khi mình qua đời, thì B được sử dụng căn nhà này cho đến khi B chết, còn C sẽ là Người chủ sở hữu căn nhà. Vậy Ông A phải làm thế nào, để C không bao giờ có thể đuổi B ra khỏi nhà, ngay cả khi C có bán nhà cho Người khác?! Trong trường hợp này, Ông A có thể lập di chúc nêu rõ: Khi Ông A qua đời, tài sản sẽ được chuyển quyền sở hữu cho C, nhưng B được hưởng dụng tài sản này cho đến khi B chết. Theo đó, sau khi Ông A mất, thì C có quyền khai nhận di sản chuyển quyền sở hữu cho mình. Tuy nhiên, B là Người có quyền hưởng dụng đối với căn nhà này, giả dụ lúc đầu B là Người bình thường, B có quyền cho Người khác thuê lại nhà để lấy tiền mà không cần hỏi ý kiến của C (Tất nhiên B không có quyền sở hữu nên không thể bán nhà cho ai). Còn C muốn bán nhà (Khi B chưa chết), thì Người mua sau cũng phải hiểu, B có quyền sử dụng nhà này đến khi chết, nếu chấp nhận mua thì phải chịu ràng buộc đó, là khi nào B chết mới được nhận nhà, và không được quyền đuổi B ra khỏi nhà (Đương nhiên Người mua có quyền từ chối mua căn nhà có đặc tính pháp lý như vậy, ở đây ý muốn nói rằng, nếu đã đồng ý mua, thì phải chấp nhận hệ quả pháp lý đó). Lưu ý: Vì vấn đề trên đã được Ông A nêu rõ trong di chúc, nên khi C đi làm thủ tục khai nhận di sản, vấn đề B được quyền hưởng dụng, phải được Cơ quan có thẩm quyền ghi rõ vào trong Văn bản khai nhận di sản, cũng như khi đăng ký biến động vào Giấy chủ quyền (Sổ đỏ/hồng), mà không có chuyện có thể giấu nhẹm đi việc này.

Nói tóm lại - Ở đây Bà con phải nắm rõ một vấn đề: Nếu như trong Hợp đồng mua bán, chắc chắn đó là giao dịch chuyển quyền sở hữu; Trong Hợp đồng cho thuê, chắc chắn đó chỉ là giao dịch chuyển quyền sử dụng; Trong Thừa kế theo Pháp luật, chắc chắn đó là sự dịch chuyển toàn bộ quyền; Thì đối với Thừa kế theo di chúc, đó có thể là giao dịch chuyển quyền sở hữu, cũng có thể chỉ là chuyển quyền sử dụng - Điều này, hoàn toàn phụ thuộc vào nội dung của từng Bản di chúc cụ thể. Cho nên để tránh tranh chấp về sau, khi lập Di chúc, thì trong đó cần thể hiện rõ là chuyển quyền sở hữu, hay chỉ chuyển quyền sử dụng..... Tức phải xác định rõ phạm vi của sự dịch chuyển quyền đối với tài sản/di sản.

Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan