PHÂN BIỆT HỢP ĐỒNG VÔ HIỆU DO BỊ NHẦM LẪN VÀ HỢP ĐỒNG VÔ HIỆU DO BỊ LỪA DỐI: LUẬN GIẢI CÁC KHÍA CẠNH PHÁP LÝ CƠ BẢN!
Hợp đồng (Khi đã bị tuyên) vô hiệu do bị nhầm lẫn hay do bị lừa dối, giống nhau ở hệ quả pháp lý của giao dịch - Đó là Hợp đồng đã giao kết đều bị vô hiệu, không làm phát sinh/thay đổi/chấm dứt quyền/nghĩa vụ dân sự của Các Bên kể từ thời điểm Hợp đồng được xác lập, Các Bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận/trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả, Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường - Hiểu nôm na, Hợp đồng mà Các Bên đã giao kết không có hiệu lực/giá trị thi hành.
Ngoài ra, Hợp đồng vô hiệu do bị nhầm lẫn hay do bị lừa dối, còn giống nhau ở khía cạnh nhận thức của Bên bị nhầm lẫn/bị lừa dối - Đó là Họ (Bên bị nhầm lẫn/bị lừa dối) đã có sự hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc/và nội dung của Hợp đồng nên đã xác lập Hợp đồng đó. Chẳng hạn như, một chiệc điện thoại đã qua sử dụng (Người khác mua và dùng thử được vài ngày, do không ưng ý đã trả lại Cửa hàng), nhưng Họ nghĩ rằng đó là chiếc điện thoại mới hoàn toàn (Chưa qua sử dụng).
Mặc dù vậy, Hợp đồng vô hiệu do bị nhầm lẫn hay do bị lừa dối, khác nhau ở một điểm căn bản, cũng chính là yếu tố quyết định để xác định Hợp đồng vô hiệu do bị nhầm lẫn hay do bị lừa dối - Đó là, đối với Hợp đồng vô hiệu do bị nhầm lẫn, nguyên nhân dẫn đến sự nhầm lẫn, là do lỗi cẩu thả, bất cẩn, kém hiểu biết của chính Bên bị nhầm lẫn hoặc do sự sơ suất, vô ý, thiếu tận tâm của Bên còn lại; Thì đối với Hợp đồng vô hiệu do bị lừa dối, nguyên nhân dẫn đến sự lừa dối, lại là do hành vi cố ý, cố tình của Bên lừa dối khiến cho Bên bị lừa dối nhận thức sai như đã nêu trên.
Chính sự khác nhau về nguyên nhân khiến Hợp đồng vô hiệu do bị nhầm lẫn hay do bị lừa dối, như vừa trình bày - Sẽ kéo theo sự khác nhau về trách nhiệm dân sự của Các Bên liên quan: Nếu như trong Hợp đồng vô hiệu do bị lừa dối, Bên lừa dối luôn là Bên có lỗi, nên Họ phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho Bên bị lừa dối (Mức độ bồi thường còn tùy thuộc vào một phần mức độ sơ suất của Bên bị lừa dối); Thì Hợp đồng vô hiệu do bị nhầm lẫn, đôi khi chính Bên bị nhầm lẫn phải bồi thường thiệt hại, do sự nhầm lẫn, sơ suất, kém hiểu biết của Họ. Chẳng hạn Ông A đặt mua một số phụ kiện cho chiếc xe của mình, nhưng do cẩu thả, nên không tính chính xác về kích cỡ của phụ kiện, khi hàng giao đến nơi, không thể lắp ráp được, trong trường hợp này, Hợp đồng có thể bị vô hiệu do sự nhầm lẫn của Ông A, nhưng chính Ông A phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho Bên Bán.
Và cũng bởi sự khác nhau căn bản về trách nhiệm dân sự phát sinh giữa Hợp đồng vô hiệu do bị nhầm lẫn hay do bị lừa dối - Nên khi có tranh chấp xảy ra, việc lựa chọn/xác định phương hướng Hợp đồng vô hiệu do bị nhầm lẫn hay do bị lừa dối, luôn là một chiến thuật khá cân não đối với Các Bên liên quan. Bởi đôi khi, ranh giới giữa sự lừa dối hay nhầm lẫn khá mong manh. Một chiếc điện thoại đã qua sử dụng, nhưng Người bán cứ khăng khẳng là điện thoại mới hoàn toàn - Hành vi lừa dối là khá rõ ràng. Nhưng một chiếc điện thoại đã qua sử dụng, Người bán không nói gì về tình trạng mới hay cũ của nó, và Người mua cũng không hỏi điều đó - Trường hợp này, khi có tranh chấp xảy ra là lừa dối hay nhầm lẫn, không dễ để xác định: Sự im lặng của Người bán, không đồng nghĩa Anh ta không lừa dối, hành vi cố tình che giấu thông tin (Bất tác vi) bị xem là lừa dối - Nhưng cũng không đương nhiên bị xem là cố ý che giấu thông tin, vì Người mua không hỏi, Anh ta có thể nghĩ là Người mua biết, nên Anh ta sơ suất không cung cấp thông tin.
Khó hơn nữa, sẽ là trường hợp một Bên cố tình đưa ra thông tin gian dối, Bên còn lại biết là bên kia đang lừa mình, nhưng vẫn giao kết Hợp đồng, vì nghĩ đằng nào cũng có lợi cho mình - Trường hợp này, khi có tranh chấp xảy ra: Là lừa dối hay nhầm lẫn, lại càng cực kỳ phức tạp. Bởi chi tiết "Bên còn lại biết là bên kia đang lừa mình, nhưng vẫn giao kết Hợp đồng, vì nghĩ đằng nào cũng có lợi cho mình" là Chúng ta đang giả định thế, còn thực tế, khi tranh chấp xảy ra, không bao giờ Người ta đi thừa nhận "Tôi biết là bên kia đang lừa mình, nhưng vẫn giao kết Hợp đồng, vì nghĩ kiểu gì cũng có lợi cho mình" mà Họ sẽ "Sống để bụng, chết mang theo". Với những giao dịch này, vốn dĩ ngay từ đầu Các Bên đều là "49 - 50" gặp nhau, không hề thiện chí với nhau, nên khi Họ trở cờ, rất khó để xác định Bên nào đúng Bên nào sai.
Từ tất cả những điều đó - Bà con ta khi tham gia các giao dịch, cần thiện chí nhưng cũng phải hết sức thận trọng. Pháp luật thực định dù rõ ràng đến mấy, khi vận dụng vào thực tiễn, vẫn tạo ra những vấn đề khá lắt léo, mà lòng Người lại thật khó đoán. Nên khi có tranh chấp xảy ra, Bà con ta có thể sẽ bị kéo vào một ma trận, với đầy rẫy những thiên la địa võng, chẳng biết đâu là lối ra. Do đó, ngay ở giai đoạn tìm hiểu, thiết lập giao dịch, cần phải suy sâu, xét kĩ, cân nhắc thận trọng, để tránh những rủi ro pháp lý - Điều đó, được đúc kết bằng lời dạy của Ông bà ta: Phòng bệnh hơn trị bệnh!
Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!