BẢO HIỂM BẮT BUỘC TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ CỦA CHỦ XE CƠ GIỚI: MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN!

Hiện nay, trước đợt Tổng ra quân kiểm tra đồng loạt các phương tiện cơ giới tham gia giao thông - Bà con đổ xô đi mua Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của Chủ xe cơ giới! Nhưng đa phần chỉ mua theo cách đối phó để tránh bị phạt. Mà ít ai quan tâm đến quyền lợi của mình.

Có nhiều lý do, khiến cho việc Bà con, không mấy mặn mà với việc mua Bảo hiểm này, trong đó lý dó chủ yếu - Là ít ai kì vọng việc sẽ được bảo hiểm chi trả khi xảy ra rủi ro. Thực trạng này, có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan: Nhưng xin nhấn mạnh rằng - Chúng ta tạm không bàn về khía cạnh đó, trong phạm vi bài viết này.

Để có thể bảo vệ được quyền lợi cho mình - Thì có lẽ trước hết, Bà con phải hiểu về bản chất của loại bảo hiểm này là như thế nào, các vấn đề trọng tâm cần nắm vững, là điều hết sức cần thiết. Không những thế, có nhiều Bà con, mua nhầm loại bảo hiểm, đến khi bị kiểm tra, bị phạt, vẫn ngỡ ngàng không hiểu chuyện gì. Do đó, mục đích Bài viết này, chỉ có mong mỏi khiêm tốn, là giúp những Ai chưa biết, thì có thể hiểu được những căn bản.

1. Có rất nhiều cách phân loại bảo hiểm, như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm tài sản...... Trong đó, căn cứ vào tính chất bắt buộc, thì bảo hiểm được phân thành 2 loại: Bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện.

2. Bảo hiểm bắt buộc là loại bảo hiểm mà theo quy định của pháp luật, thì các Chủ thể có liên quan khi tham gia hoặc hoạt động trong những lĩnh vực đó, buộc phải tham gia bảo hiểm. Nếu không tham gia bảo hiểm, thì sẽ bị phạt và xử lý theo luật định. Các loại bảo hiểm bắt buộc, có thể ví dụ như: Bảo hiểm cháy nổ - Các cơ sở kinh doanh như Karaoke bắt buộc phải mua bảo hiểm cháy nổ; Bảo hiểm công trình xây dựng; Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của Chủ xe cơ giới........

3. Bảo hiểm tự nguyện, là loại bảo hiểm, mà Bà con thích thì mua, không thích mua thì thôi. Pháp luật không yêu cầu và cũng không bắt buộc. Ví dụ: Nhiều Người đi vay vốn ngân hàng, thường bị ép mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe..... Tuy nhiên, việc này là trái luật, vì đây không phải là bảo hiểm bắt buộc. Tất nhiên, nếu mình không mua, có thể bị làm khó dễ trong việc được vay vốn.

4. Như vậy, bảo hiểm trách nhiệm của Chủ xe cơ giới hiểu nôm na là Ô tô, xe máy - Là loại bảo hiểm buộc. Nghĩa rằng, Bà con phải mua loại bảo hiểm này. Nếu không mua, khi đi xe, bị kiểm tra, mà không có Bà con sẽ bị phạt. Vì vậy, Bà con cần lưu ý: Khi đi mua, Bà con phải nói rõ là, mua bảo hiểm BẮT BUỘC ý, chứ không phải thấy rẻ mua loại 10 nghìn, thì đó là bảo hiểm tự nguyện, nếu mua nhầm phải bảo hiểm tự nguyện, thì cũng bị phạt như thường.

5. Bản chất của Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của Chủ xe ô tô, xe máy, hiểu nôm na thế này: Khi Bà con tham gia giao thông, nếu chẳng may Bà con gây tai nạn, làm thiệt hại về Người và tài sản cho Người ta, thì Doanh nghiệp Bảo hiểm sẽ bồi thường cho Người ta đó:

Ví dụ 1: Ông A đi xe máy và đã mua bảo hiểm. Chẳng may Ông A tông trúng Bà B đang đi xe đạp. Cơ quan có thẩm quyền xác định, lỗi do Ông A đi sai. Khi đó sẽ xem bà B bị thương thế nào, viện phí, thuốc men chữa trị thế nào, sẽ do Bảo hiểm chi trả.

6. Như vậy việc chi trả tiền ở đây là chi trả cho nạn nhân. Không phải chi trả cho Chủ xe đã mua bảo hiểm. Ví dụ: Nếu Ông A chạy xe máy, tự va vào làn đường, bị thương nặng, xe bị hư, cũng sẽ không được bảo hiểm bồi thường gì, dù Ông A đã mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự như nêu trên. Còn nếu Ông A có mua bảo hiểm tự nguyện về sức khỏe, tài sản cho chính mình, thì vẫn được bảo hiểm chi trả. Nhưng đây là bảo hiểm tự nguyện, Chúng ta không bàn đến trong bài này.

7. Về hạn mức bảo hiểm - Hạn mức bảo hiểm là số tiền tối đa, mà Công ty bảo hiểm chi trả thay cho Chủ xe. Theo quy định hiện hành, thì mức tối đa bảo hiểm chi trả đối với Người là 100 triệu trên một vụ; Đối với hư hỏng về xe là 50 triệu (Đối với Chủ xe máy gây ra tai nạn), 100 triệu (Đối với Chủ xe ô tô gây ra tai nạn); Như vậy nếu như nạn nhân phải điều trị chi phí hết hơn 100 triệu, thì chi phí vượt quá 100 triệu này, sẽ do Chủ xe phải chịu. Xe của nạn nhân bị hư hỏng vượt quá 100 triệu hoặc 50 triệu, thì Chủ xe phải chịu phần vượt quá.

Ví dụ 2: Ông A đi xe máy và đã mua bảo hiểm. Chẳng may Ông A tông trúng Bà B đang đi xe máy. Cơ quan có thẩm quyền xác định, lỗi do Ông A đi sai. Bà B bị thương chi phí viện phí, thuốc men chữa trị hết 150 triệu; Xe bà B bị hư hỏng hết 60 triệu. Thì số tiền 100 triệu về chi phí điều trị cho Người, và 50 triệu do xe nạn nhân bị hư sẽ do Bảo hiểm chi trả. 60 triệu còn lại do Ông A chi trả.

8. Ngoài ra, Bà con cũng cần lưu ý, là mặc dù tên gọi là Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm của Chủ xe, nhưng khi Người cầm lái không phải là Chủ xe, thì bảo hiểm vẫn phải chi trả như trên.

Ví dụ 3: Ông A mua xe máy và đã mua bảo hiểm. Sao đó Ông A cho Ông B mượn xe này để đi lại. Chẳng may Ông B tông trúng Bà C đang đi xe đạp. Cơ quan có thẩm quyền xác định, lỗi do Ông B đi sai. Khi đó sẽ xem bà C bị thương thế nào, viện phí, thuốc men chữa trị thế nào, sẽ do Bảo hiểm chi trả.

9. Bà còn phải lưu ý rằng, trong những trường hợp trên, Bà con dù đã mua bảo hiểm, nhưng phải kèm theo là Bà con là Người trực tiếp cầm lái phải đã có bằng lái xe..... Thì mới được xem xét để chi trả bảo hiểm thay. Còn Bà con chưa có Bằng lái xe, thì có mua bảo hiểm cũng không ích gì.

10. Khi xảy ra tai nạn, Bà con phải gọi ngay cho Đơn vị bảo hiểm, theo số điện thoại trên Giấy chứng nhận bảo hiểm. Yêu cầu họ đến chứng kiến, xem xét, và giám định khi cần thiết. Nếu họ không đến, Bà con đề nghị các Đồng chí cảnh sát, ghi rõ biên bản, kèm nội dung đã gọi cho Bảo hiểm nhưng không tới.

Công bằng mà nói, việc mua bảo hiểm bắt buộc đối với trách nhiệm Chủ xe cơ giới là hoàn toàn đúng đắn. Được áp dụng phổ biến trên thế giới. Và nó có khởi điểm rất nhân văn - Đó là sự chia sẻ rủi ro giữa tất cả những Người mua bảo hiểm. Chỉ là cách vận dụng nó trên thực tế, có những khiếm khuyết, khiến nó bị mất đi những giá trị tốt đẹp của Nguyên lý bảo hiểm.

Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan