QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT TRONG VIỆC XÁC ĐỊNH TÀI SẢN RIÊNG - CHUNG CỦA VỢ CHỒNG: PHÂN TÍCH VÀ LUẬN GIẢI!

Chế độ tài sản của Vợ chồng là tổng hợp tất cả các quy định của pháp luật hoặc/và thỏa thuận của các bên có liên quan đến tài sản chung, riêng của Vợ chồng, cũng như các quyền, nghĩa vụ kèm theo. Theo quy định của Luật, thì Vợ chồng có thể lựa chọn Chế độ tài sản theo luật định hoặc theo thỏa thuận. Điều đó cũng được hiểu rằng, nếu không có thỏa thuận thì đương nhiên là theo luật định. Và để tránh việc "Nhồi nhét" kiến thức, trong phạm vi Bài viết này, Tác giả chỉ nêu một số vấn đề pháp lý về Chế độ tài sản của Vợ chồng theo luật định, để Bà con tham khảo.

I. Tài sản riêng của Vợ chồng

Vấn đề được nhiều Người quan tâm nhất, có lẽ là sau khi kết hôn, những tài sản nào vẫn được xem là tài sản riêng của Vợ hoặc Chồng. Đây là vấn đề vừa dễ nhưng đôi lúc cũng rất khó xác định, giữa những thực tế xảy ra vô vàn những hoàn cảnh khá lằng nhằng.

Theo quy định của pháp luật, những tài sản sau đây được coi là tài sản riêng của Vợ hoặc Chồng:

1. Tài sản hình thành trước thời kỳ hôn nhân: Nghĩa rằng, trước khi kết hôn, Anh A hay Chị B có được tài sản gì, ví dụ như nhà cửa, xe cộ, tiền vàng ..... bất kể được hình thành từ nguồn nào, nhưng cứ tạo lập trước khi kết hôn là đương nhiên đó là tài sản riêng của mỗi Người. Tuy nhiên - Nếu sau khi kết hôn, họ đồng ý nhập tài sản này vào khối tài sản chung của Vợ chồng, thì đó là tài sản chung.

2. Tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân, cũng là tài sản riêng của mỗi Người. Nghĩa rằng, tài sản này được hình thành trong thời kỳ hôn nhân, nhưng vì được tặng cho riêng hoặc được thừa kế riêng, nên nó vẫn là tài sản riêng.

Ví dụ 1: Chị B kết hôn ngày 02/01/2000. Đến ngày 20/6/2003, Chị B được một Người bà con tặng cho riêng 01 căn nhà, thì căn nhà này là tài sản riêng của Chị B, mặc dù nó hình thành trong thời kỳ hôn nhân.

3. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của Vợ chồng, cũng là tài sản riêng của Vợ chồng. Nghĩa rằng, mặc dù tài sản có thể được mua trong thời kỳ hôn nhân, nhưng do được mua từ tài sản riêng, nên nó vẫn là tài sản riêng.

Ví dụ 2: Chị B kết hôn ngày 02/01/2000. Đến ngày 20/6/2003, Chị B được một Người bà con tặng cho riêng 01 căn nhà, thì căn nhà này là tài sản riêng của Chị B, mặc dù nó hình thành trong thời kỳ hôn nhân. Sau đó Chị B bán căn nhà này rồi lấy tiền đó, để mua một chiếc xe hơi, thì chiếc xe hơi này vẫn là tài sản riêng của Chị B.

[Tuy nhiên, trong trường hợp này, vấn đề nó sẽ trở nên khá phức tạp, nếu như căn nhà Chị B bán chỉ được 2 tỷ đồng, trong khi, chiếc xe lại được mua với giá 4 tỷ, nghĩa rằng chỉ có nửa chiếc xe là được hình thành từ tài sản riêng].

4. Những tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của mỗi Người thì vẫn là tài sản riêng của Vợ chồng. Ví dụ như quần áo, giày dép ......

II. Tài sản chung của Vợ chồng

Chúng ta sẽ dùng một phép loại trừ, đó là những tài sản không thuộc tài sản riêng của mỗi Người được mô tả tại phần trên, những tài sản còn lại đương nhiên là tài sản chung. Và những tài sản không thể chứng minh là tài sản riêng, thì đó được coi là tài sản chung. Do vậy, ở đây Tác giả không liệt kê các loại tài sản thế nào là chung nữa. Mà chỉ nêu một vài lưu ý điển hình, để Bà con được biết.

1. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng, vẫn được coi là tài sản chung.

Ví dụ 3: Trước khi kết hôn, Anh A có tạo lập được một khu vườn trồng cây ăn quả. Sau khi kết hôn, Khu vườn (Mảnh đất) này vẫn của Anh A. Nhưng hàng năm cây ra quả, Vợ chồng Anh A đem bán, thì tiền bán quả này, lại là tài sản chung.

Ví dụ 4: Trước khi kết hôn, Chị B có mua được một chiếc xe tải. Sau khi kết hôn, chiếc xe này vẫn của riêng Chị B. Nhưng nếu Chị B lại cho thuê chiếc xe này, thì tiền cho thuê xe đó lại là tài sản chung.

2. Không nhầm lẫn khái niệm tài sản chung và khái niệm công sức đóng góp. Như trên Chúng ta đã nêu, loại trừ những tài sản riêng đã phân tích, còn lại là tài sản chung. Nghĩa rằng đó là tài sản chung của cả hai Vợ chồng, nhưng không đương nhiên có nghĩa là họ được hai phần bằng nhau. Việc xác định ai đóng góp bao nhiêu, để phân chia khi có tranh chấp, nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố và quan trọng ở công sức đóng góp. Tuy nhiên việc chứng minh điều này là khá khó khăn trong thực tế muôn hình vạn trạng.

3. Việc đứng tên trên giấy tờ không phải là vấn đề quá quan trọng. Nhiều Người hay nghĩ đơn giản rằng: Sổ nhà, sổ đất chỉ đứng tên ai, thì của riêng Người đó?! Nhưng pháp luật không quy định như vậy. Nghĩa rằng việc đứng tên trên giấy tờ không phải là căn cứ quan trọng và duy nhất để xác định tài sản riêng. Nếu như tài sản đó được hình thành trong thời kỳ hôn nhân, thì mặc nhiên được xem là tài sản chung, dù nó chỉ đứng tên một Người. Còn Ai nói đó là tài sản riêng thì phải chứng minh là được tặng cho riêng, thừa kế riêng, chứ không phải là chỉ dựa vào việc có đứng tên trên giấy tờ.

III. Việc định đoạt tài sản chung của Vợ chồng

Tài sản chung của Vợ chồng thì có thể có nhiều loại bao gồm nhà cửa, đất đai, xe cộ, vàng bạc..... Trong đó, việc định đoạt những tài sản sau đây, ví dụ như bán, thế chấp, cầm cố.... phải được sự đồng ý bằng văn bản của cả hai Vợ chồng:

1. Bất động sản. Ví dụ nhà cửa, đất đai.....

2. Động sản phải đăng ký quyền sở hữu. Ví dụ xe cộ, máy bay, tàu thủy ....

3. Tài sản là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của Gia đình. Ví dụ máy cày, máy tuốt lúa ....

Như vậy, những tài sản không thuộc những trường hợp trên, thì không cần sự đồng ý bằng văn bản của Vợ chồng. Và ở đây Chúng ta thấy có một vài trường hợp khá khôi hài. Đó là, Anh A muốn bán chiếc xe máy cũ giá 5 triệu đồng, vẫn phải xin phép Vợ đồng ý bằng văn bản. Vì xe máy là động sản phải đăng ký. Nhưng khi cầm vài trăm cây vàng đi bán, lại không cần xin phép Vợ đồng ý bằng văn bản. Vì vàng là động sản không cần đăng ký.

Nói tóm lại, Chế độ tài sản của Vợ chồng là một định chế pháp lý khá phức tạp. Và khi khối tài sản càng lớn, hình thành từ nhiều nguồn, lại càng rối rắm. Trên đây, Tác giả chỉ mới luận bàn một số khía cạnh; Nếu có thời gian, Tác giả sẽ nói thêm những vấn đề quan trọng khác, của Chế định này, trong các Bài viết về sau.

Viết tại Sài Gòn - Luật sư Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)