HIỂU VỀ LUẬT TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG CỦA NHÀ NƯỚC - DẪN NHẬP VỀ CÁC LOẠI HÌNH TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG - XÁC ĐỊNH CƠ QUAN GIẢI QUYẾT BỒI THƯỜNG!

Cho đến nay, Việt Nam đã có Hai đạo luật về Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; Đó là Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 - Đã hết hiệu lực thi hành, và Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 - Đang có hiệu lực thi hành. Trong phạm vi Bài viết này - Tác giả sẽ luận giải về các loại hình trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Cơ quan có thẩm quyền giải quyết bồi thường theo quy định của pháp luật hiện hành. Bài viết có tính chất "Nhập môn", cho lĩnh vực này.

I. HIỂU VỀ TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG CỦA NHÀ NƯỚC

1. Nhà nước - Luôn được coi là một Chủ thể của Pháp luật công trong quản lý hành chính. Tuy nhiên, bản chất quan hệ pháp luật của Trách nhiệm bồi thường Nhà nước, lại là một dạng quan hệ pháp luật dân sự. Là một dạng trách nhiệm dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

2. Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là Trách nhiệm của Nhà nước phải bồi thường thiệt hại, hoàn trả tài sản, phục hồi danh dự cho Tổ chức, cá nhân chịu thiệt hại xuất phát từ hành vi trái pháp luật của Người thực thi công vụ. Như vậy, trong Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước: Chủ thể có hành vi làm phát sinh trách nhiệm bồi thường và Chủ thể có trách nhiệm bồi thường là khác nhau.

3. Theo đó: Chủ thể có hành vi làm phát sinh trách nhiệm bồi thường Nhà nước là Người thực thi công vụ - Nhưng Chủ thể có trách nhiệm bồi thường lại là Nhà nước. Trong khi đối với Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng khác, về nguyên tắc Chủ thể có hành vi gây thiệt hại cũng chính là Người có trách nhiệm bồi thường (Ngoại trừ những ngoại lệ như Người gây thiệt hại là Người chưa thành niên .....).

4. Cũng chính vì thế - Trong Khoa học pháp lý, Người ta cho rằng: Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là một dạng trách nhiệm dân sự thay thế. Tức là Người có hành vi trái luật và Người có nghĩa vụ bồi thường là khác nhau, như đã phân tích ở trên. Tất nhiên, nếu nói sâu thêm, thì sau khi Nhà nước đã tiến hành bồi thường cho Tổ chức, Cá nhân bị thiệt hại; Tùy vào mức độ lỗi, Người thực thi công vụ phải bồi hoàn lại một phần nhất định, và có thể phải chịu hình thức kỷ luật nhất định. Hiểu nôm na: Nhà nước ứng tiền ra bồi thường cho Người dân trước, sau đó đòi lại từ Người thực thi công vụ sau.

II. DẪN NHẬP VỀ CÁC LOẠI HÌNH TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG CỦA NHÀ NƯỚC

Khi nói đến trách nhiệm bồi thường, Người ta hay nghĩ ngay đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại, và cũng đồng nhất hai khái niệm này với nhau. Chính bởi thế, với Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước - Nhiều Người cũng hiểu là chỉ trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Tất nhiên, quan niệm đó là chưa thực sự chuẩn xác. Căn cứ theo quy định của Pháp luật hiện hành - Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, bao gồm 03 loại hình thức thức trách nhiệm sau đây:

1. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Vẫn dựa trên nguyên lý chung mà Tác giả đã phân tích nhiều lần trước đây: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi có thiệt hại xảy ra - Theo đó, dù cho có hành vi vi phạm, mà không làm phát sinh thiệt hại, cũng không phải bồi thường, dù cho đó là trong quan hệ Hợp đồng hay ngoài Hợp đồng. Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cũng dựa trên nguyên lý chung của Luật dân sự đó.

Ví dụ 1: Chủ tịch ủy ban nhân dân Xã X ra quyết định cưỡng chế bằng cách phá dỡ công trình xây dựng trên đất của Bà C. Giả định sau này, có kết luận là việc cưỡng chế này bị sai, thì Nhà nước phải bồi thường thiệt hại cho Bà C, theo nguyên tắc, thiệt hại tới đâu, bồi thường tới đó. Giả định rằng, Chủ tịch ủy ban nhân dân Xã X ra quyết định cưỡng chế, nhưng chưa kịp cưỡng chế, thì Bà C khiếu nại thắng, thì Nhà nước không phải bồi thường thiệt hại về công trình này, vì thực tế chưa bị phá dỡ. Tất nhiên Bà C có thể đòi bồi thường về chi phí đi lại khiếu nại kiện tụng.

2. Trách nhiệm hoàn trả tài sản

Trách nhiệm hoàn trả tài sản xảy ra, khi trong quá trình thực thi Công vụ, Người có thẩm quyền đã áp dụng hình thức như tịch thu tài sản, hoặc yêu cầu nộp phạt...... Mà sau này, được xác định không đúng, thì phải hoàn trả.

Ví dụ 2: A mượn xe của B đi cướp giật tài sản; Cơ quan Tố tụng hình sự cho rằng đây là phương tiện gây án nên đã ra quyết định tịch thu. Tuy nhiên sau đó, Cơ quan có thẩm quyền lại xác định, B không biết, không liên can đến Vụ án; Trong trường hợp này phải hoàn trả lại chiếc xe cho B.

3. Trách nhiệm phục hồi danh dự

Trách nhiệm này, thường xảy ra trong các Vụ án oan, sai về Hình sự. Tức là việc khởi tố, điều tra, xét xử được xác định là không đúng, dẫn đến oan sai Người vô tội, thì Ngoài việc phải bồi thường thiệt hại, hoàn trả tài sản đã bị tịch thu nếu có, Cơ quan tiến hành tố tụng còn phải cải chính, xin lỗi công khai Người bị hàm oan.

Lưu ý rằng: Có những sự vụ làm phát sinh đồng thời cùng lúc cả 03 loại hình Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nêu trên. Nhưng cũng có những sự vụ chỉ làm phát sinh 02 hoặc 01 loại hình trách nhiệm mà thôi. Điều này, hoàn toàn tùy thuộc vào từng vụ việc cụ thể.

III. XÁC ĐỊNH CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT YÊU CẦU ĐÒI BỒI THƯỜNG

1. Cơ quan giải quyết bồi thường là cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hoặc Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật về tố tụng. Trong trường hợp giải quyết tại Tòa án: Thì đó có thể là Vụ án hành chính, trong trường hợp yêu cầu bồi thường cùng với Khởi kiện quyết định, hành vi hành chính; Cũng có thể chỉ là Vụ án dân sự, trong trường đã xác định được sai phạm của Người thực thi công vụ - Tức là lúc này, chỉ còn tranh chấp về giá trị bồi thường........

2. Tuy nhiên - Trong trường đã xác định được sai phạm của Người thực thi công vụ - Tức là lúc này, chỉ còn vấn đề về giá trị bồi thường. Thì trước khi khởi kiện Vụ án dân sự tại Tòa. Người dân có quyền trực tiếp yêu cầu Cơ quan có trách nhiệm giải quyết việc bồi thường. Chỉ khi nào không đồng thuận được thì mới nên khởi kiện ra Tòa.

3. Theo quy định thì: Cơ quan giải quyết bồi thường là cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại. Ví dụ 3: Trường hợp Người thi hành công vụ là Chấp hành viên của Cục thi hành án dân sự Tỉnh A, thì Cơ quan giải quyết bồi thường là Cục thi hành án dân sự Tỉnh A - Trong trường hợp bị khởi kiện ra Tòa, Bị đơn chính là Cục thi hành án dân sự Tỉnh A; Hay trong trường hợp Người thi hành công vụ là Chuyên viên văn phòng của Ủy ban nhân dân huyện B, thì Cơ quan giải quyết bồi thường là Ủy ban nhân dân huyện B - Trong trường hợp bị khởi kiện ra Tòa, Bị đơn chính là Ủy ban nhân dân huyện B.

4. Mặc dù vậy - Không phải lúc nào việc xác định Cơ quan giải quyết bồi thường là cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại, cũng là dễ dàng - Nhất là đối với Bà con không có nhiều am hiểu pháp lý. Chính bởi vậy, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã có một quy định rất đột phá, giúp Bà con khi không thể xác định được Cơ quan có trách nhiệm giải quyết là Ai: Thì Bà con cứ gửi Hồ sơ yêu cầu bồi thường đến Sở Tư pháp - Và chính sở Tư pháp sẽ có trách nhiệm xác định và chuyển Hồ sơ đến Cơ quan có thẩm quyền giải quyết cho Bà con!

Ngoài những vấn đề đã nêu trên, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước còn có nhiều nội dung quan trọng và phức tạp khác - Tác giả sẽ phân tích, luận giải trong những Bài viết về sau.

Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan