VỤ TÀI XẾ XE MERCEDES GÂY TAI NẠN CHẾT NGƯỜI VÀ TẨU TÁN TÀI SẢN: CÔNG LÝ NÀO BẢO VỆ ĐƯỢC CHO CẢ BỊ HẠI VÀ NGƯỜI THỨ BA NGAY TÌNH?!
Ngày 16.12, TAND Q.Phú Nhuận, TP.HCM xét xử sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong (32 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, là tài xế Mercedes gây tai nạn) 7 năm 6 tháng tù về tội “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”, bồi thường cho các bị hại hơn 1,8 tỉ đồng. Tại phiên tòa, bị cáo Phong khai tài sản duy nhất là căn nhà trong lúc bị tạm giam đã ký sang tên cho mẹ nên không còn tài sản nào khác để bồi thường. Bà M. (mẹ bị cáo Phong) trình bày, việc sang tên căn nhà là ý của bà, do số tiền bồi thường quá lớn bà định mang căn nhà đi thế chấp ngân hàng. Nhưng do căn nhà chưa có sổ đỏ, nên phía ngân hàng không đồng ý, sau đó bà đã sang tên căn nhà cho người khác. Luật sư phía bị hại tranh luận, số tiền bồi thường thiệt hại rất lớn nên việc chuyển nhượng tài sản trong quá trình bị cáo tạm giam được xem là hành vi tẩu tán tài sản, tránh việc phải bồi thường. Kiến nghị HĐXX xem xét hủy giao dịch chuyển nhượng căn nhà của bị cáo Phong cho mẹ, đảm bảo thi hành án. HĐXX nhận định, về vấn đề này các bên liên quan có thể khởi kiện bằng một vụ án dân sự khác" - Trích nội dung từ Báo Thanh Niên!
Có thể nói, đây là một Vụ án mà hậu quả để lại rất nặng nề! Nhưng khả năng khắc phục hậu quả đó của Người có nghĩa vụ (Chính là Bị cáo), gần như bằng không! Nghĩa rằng Anh ta không thể, không có khả năng thi hành án về phần bồi thường cho các Nạn nhân (Một Tài xế Grap bị tử vong, một Tiếp viên hàng không bị thương nặng). Mặc dù về lý thuyết: Tòa án tuyên Bị cáo phải bồi thường cho các nạn nhân số tiền 1,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, nó gần như không có ý nghĩa gì, khi Bị cáo không còn bất kì tài sản nào để thực hiện nghĩa vụ. Đây chính là lý do, mà Tác giả đã nhiều lần nói với Bà con rằng: Khái niệm Được - Mất mới quan trọng, chứ không phải là khái niệm Thắng - Thua. Dù Tòa án tuyên sẽ được bồi thường 1,8 tỷ là coi như thắng, nhưng thực tế nếu không nhận được đồng nào, thì xem như không được gì cả, thắng đó cũng chẳng để làm gì.
Trong Vụ án này có một chi tiết quan trọng - Và cũng đã được nhiều Báo chí chính thống đề cập đến: Bị cáo có mua một Căn hộ chung cư của Chủ đầu tư, nhưng chưa hoàn tất việc ra Chủ quyền (Sổ hồng). Trong khi Bị cáo đang bị tạm giam, Anh ta đã ký Văn bản chuyển nhượng Hợp đồng mua bán với Chủ đầu tư sang cho mẹ mình (Cũng là một hình thức bán nhà được pháp luật cho phép). Văn bản này có công chứng - Giá mua bán là hơn 01 tỷ đồng!..... Nhiều chuyên gia pháp lý và báo chí cho rằng: Hợp đồng mua bán này nhằm tẩu tán tài sản, nên phải tuyên vô hiệu, nghĩa là sẽ khôi phục lại tình trạng ban đầu, hủy việc mua bán. Sau đó sẽ tiến hành việc kê biên tài sản này, bán đấu giá, lấy tiền đó để bồi thường cho các Nạn nhân............ Tuy nhiên - Câu chuyện pháp lý ở đây, chưa bao giờ đơn giản như thế.
I. HỢP ĐỒNG VÔ HIỆU DO GIẢ TẠO - VÀ NẾU CHỈ DỪNG LẠI Ở ĐÓ
1. Nhiều Người còn tỏ vẻ hoài nghi - Nhưng với Tác giả, thì có thể khẳng định ngay Hợp đồng chuyển nhượng căn hộ của Bị cáo cho Mẹ mình là bị vô hiệu do giả tạo. Điều này, không có lý do gì cần phải bàn cãi, vì nó đã quá rõ ràng đến mức, chẳng thể phản chứng.
2. Theo quy định của pháp luật, thì có hai trường hợp thể hiện Hợp đồng vô hiệu do giả tạo. Một là, Các Bên thiết lập giao dịch giả tạo, nhằm che giấu một giao dịch thật khác. Ví dụ, Ông A muốn cho Bồ một căn nhà, nhưng sợ Vợ biết, nên thay vì làm Hợp đồng tặng cho, thì Các Bên lại ký Hợp đồng mua bán. Theo đó hợp đồng mua bán là giả tạo, nhằm che giấu giao dịch thật là tặng cho. Trường hợp này, Hợp đồng mua bán bị vô hiệu do giả tạo. Hợp đồng tặng cho có thể vô hiệu, cũng có thể có hiệu lực, tùy từng trường hợp, sẽ bàn ở một Bài viết khác.
3. Hai là, các Bên thiết lập giao dịch giả tạo, nhằm trốn tránh nghĩa vụ với nhà nước hoặc nghĩa vụ với Người thứ ba. Vụ việc Chúng ta đang nói đến, thuộc trường hợp này. Rõ ràng, trong lúc Bị cáo đang bị tạm giam, lại ký Hợp đồng bán nhà cho chính Mẹ mình, không có chứng cứ giao nhận tiền, không thấy đường đi của dòng tiền, không thấy tiền của người mẹ ở đâu mà có, không thấy tiền nếu có, đã được tiêu vào việc gì. Hợp đồng mua bán, là giao dịch có đề bù - Nhưng ở đây, không thấy chứng cứ vật chất nào thể hiện sự đền bù đã diễn ra - Không thấy bất kỳ dấu hiệu nào của dòng tiền. Nên không còn nghi ngờ gì nữa: Rõ ràng Bị cáo và Mẹ mình đã thiết lập giao dịch giả tạo, nhằm thay tên đổi chủ tài sản, với mục đích là để trốn tránh nghĩa vụ phải bồi thường cho Nạn nhân. Giao dịch đó bị vô hiệu do giả tạo, nên không có giá trị pháp lý để thi hành.
4. Nếu vụ việc chỉ dừng lại như vừa nêu: Mọi chuyện quá giản đơn! Chỉ cần tuyên vô hiệu Hợp đồng chuyển nhượng là xong, sau đó tiến hành kê biên tài sản của Bị cáo, để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho các Nạn nhân. Tuy nhiên, theo thông tin mà Báo chí đăng tải, thì Mẹ Bị cáo khai rằng: Đã chuyển nhượng căn hộ cho một Người khác. Đây mới chính là rắc rối - Và là Bản chất pháp lý của câu chuyện này. Tuy nhiên, cần nói rõ thêm rằng, nếu việc Người thứ ba mua lại này, cũng cấu kết với Mẹ con Bị cáo, để thiết lập Hợp đồng giả tạo này, thì tất cả vẫn đều giả tạo, nên vẫn bị vô hiệu. Việc chứng minh vấn đề này cũng không có gì là khó. Cho nên, ở đây - Chúng ta chỉ bàn luận về trường hợp, Người thứ ba này, không biết gì về những khúc mắc phía trước, đơn giản: Họ thấy mẹ Bị cáo có căn hộ rao bán, và thế là Họ mua - Pháp luật gọi họ là Người thứ ba ngay tình.
II. BẢO VỆ NGƯỜI THỨ BA NGAY TÌNH - VÀ TIẾP THEO
1. Bà con ta - Có thể cảm thấy xót xa cho các Nạn nhân, khi đứng trước nguy cơ không thể nhận được một đồng bồi thường nào. Nhưng Người thứ ba ngay tình, có thể cũng đã gom góp cả đời mới có hơn một tỷ đồng, để mua căn nhà này. Họ không có lỗi gì cả, giấy tờ pháp lý rõ ràng, có công chứng, là mua bán công khai. Nên không thể nào buộc họ phải giao trả lại căn nhà này, về tình không thể quan niệm như vậy, mà về lý - Pháp luật cũng không quy định như vậy.
2. Nghĩa rằng: Trong trường hợp, ngay kể cả khi Văn bản chuyển nhượng căn hộ giữa Bị cáo và Mẹ mình, bị tuyên vô hiệu do giả tạo như đã phân tích ở trên. Thì điều đó cũng không có nghĩa là Việc mua bán giữa Mẹ bị cáo với Người thứ ba cũng vì thế vô hiệu theo - không có chuyện đó. Nghĩa rằng, pháp luật không cho phép tuyên vô hiệu theo tính dây chuyền ở đây. Nghĩa rằng Người thứ ba ngay tình, sẽ được pháp luật bảo vệ. Lưu ý rằng: Đối tượng giao dịch trong những trường hợp này vẫn đang là Hợp đồng mua bán căn hộ, tức là Mua bán "Hợp đồng" là quyền tài sản - Mua bán hợp pháp. Nên không nhầm lẫn, nhắc đến sổ hồng ở đây.
3. Do đó - Điều mà Phía các Nạn nhân, cần làm ngay lúc này, là đừng chỉ nhắm vào việc là tuyên giao dịch vô hiệu - Vì có thể nó chẳng mang lại ý nghĩa gì cả, nếu Người thứ ba thực sự ngay tình, như đã phân tích ở trên. Mà thay vào đó, phải lập tức tiến hành việc truy xét dòng tiền mà Người thứ ba đã chuyển cho Mẹ Bị cáo, thì Mẹ Bị cáo đã làm gì với số tiền này, cất giấu ở đâu. Nếu truy xuất được rồi, thì phải yêu cầu Cơ quan có thẩm quyềm kiểm kê, hoặc phong tỏa ngay. Nhằm tránh trường hợp, lại bị tẩu tán đi theo hướng khác nữa. Tác giả một lần nữa khẳng định rằng: Mua bán là giao dịch có đền bù, nên phải có chứng cứ vật chất là đường đi của dòng tiền - Các bên không thể thủ tiêu nó. Trừ khi, tất cả là giả tạo!
III. CÔNG LÝ CÓ THỂ TUYỆT ĐỐI - NHƯNG PHỤ THUỘC VÀO CON NGƯỜI
1. Vụ việc này, sẽ đơn giản hơn, ít phức tạp hơn - Nếu ngay từ đầu, ngay khi Cơ quan điều tra khởi tố vụ án, hoặc trong quá trình điều tra: Những Người bảo vệ pháp lý cho các Nạn nhân, có đơn yêu cầu Cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời: Là cấm giao dịch, chuyển dịch về tài sản, đối với tài sản của Bị cáo. Thì sẽ không có chuyện, Bị cáo có thể ký Văn bản chuyển nhượng căn hộ cho Mẹ mình, và tất nhiên sẽ không có những giao dịch về sau. Quyền lợi của các Nạn nhân vì thế sẽ được bảo vệ tốt hơn.
2. Có một số tờ báo có đặt ra Trách nhiệm của Công chứng viên trong trường hợp này - Tác giả cho rằng, rất khó! Công chứng không biết, và không thể nào biết được, các bên thiết lập hợp đồng có giả tạo hay không. Như ví dụ: Ông A muốn cho Bồ một căn nhà, nhưng sợ Vợ biết, nên thay vì làm Hợp đồng tặng cho, thì Các Bên lại ký Hợp đồng mua bán. Thì Công chứng viên không bao giờ có thể biết nội tình đó, nếu Các Bên không nói. Vì trong Hợp đồng công chứng, luôn quy định việc giao nhận tiền do các bên tự thực hiện. Do đó, không thể hoặc rất khó để quy kết trách nhiệm cho Công chứng viên trong trường hợp này.
3. Theo đó - Quyền lợi của các Nạn nhân trong Vụ án này, chỉ có thể hi vọng được bảo vệ, tức là có thể nhận được tiền bồi thường trên thực tế, trong một khả năng của hai khả năng sau (Vì hai khả năng này loại trừ nhau): (i) Chứng minh Hợp đồng mua bán giữa Mẹ Bị cáo và Người thứ ba bị vô hiệu do giả tạo (Nếu thực sự Người thứ ba không ngay tình); Trường hợp Người thứ ba có chứng cứ đã chuyển tiền cho Mẹ bị cáo, thì không thể áp dụng cách này nữa - Hoặc (ii) Truy tìm dòng tiền, mà Mẹ Bị cáo đã nhận từ Người thứ ba, xem đang được cất giấu ở đâu. Hi vọng mong manh, nhưng không phải là không có.
------
Cụ Nguyễn Du có thơ rằng: "Xưa nay Nhân định thắng Thiên cũng nhiều" - Nếu như Người thứ ba trong Vụ việc này, là ngay tình: Thì có lẽ không thể có Công lý cho cả Nạn nhân - Và cả Người thứ ba ngay tình trong Vụ án này. Lý do là có quá nhiều nhân tố về Con Người đã can dự vào Công lý Thiên định của Vụ việc này. Không thể đỗ lỗi hoàn toàn cho một bên nào trong hệ quả này. Khuyến cáo và góp ý với Bà con, trong những vụ việc tương tự: Phải luôn có đơn yêu cầu Cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngăn chặn giao dịch về tài sản của Bên có nghĩa vụ - Hãy bịt hết lối đi của Kẻ muốn đào tẩu!
Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!