TIỀN LÀ GÌ - TIỀN CÓ PHẢI LÀ HÀNG HÓA - CÓ THUỘC HÀNG HÓA THIẾT YẾU: DẪN CHIẾU VÀ LUẬN GIẢI!
Công cuộc phòng chống dịch bệnh covid19, của Nhân dân và Nhà nước ta, ngoài những vấn đề nóng bỏng, cam go khác, còn xuất hiện một vài tình huống khá khôi hài - Đó là có nhiều khái niệm, thuật ngữ, tưởng rằng như vốn là hiển nhiên, đương nhiên, là mặc định của đất trời, tạo hóa, nhân loại; Thì bây giờ lại xẩy ra tranh cãi, cần phải làm rõ nó là gì, và như thế nào, mà vụ việc bánh mì có phải là lương thực, thực phẩm hay không, diễn ra cách đây ít ngày, là một ví dụ điển hình; Trong câu chuyện bánh mì, Chúng ta cũng đã phải viện dẫn đến cả Luật an toàn thực phẩm, với những điều khoản cụ thể để chứng minh đó là thực phẩm......
Và mới đây nhất, một Clip dài gần 5 phút quay tại việc chốt kiểm soát dịch covid19 huyện Ninh Hải, có nội dung nhân viên lái xe chở tiền từ TP Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) về huyện Ninh Hải thì bị lực lượng chức năng chốt này chặn lại kiểm tra; Tuy nhiên, một cán bộ mặc áo xanh đến không cho xe đi, anh cán bộ này bảo: "Tiền không phải là hàng thiết yếu" nên không cho xe qua. Phải tranh cãi to tiếng hồi lâu và trình nhiều giấy tờ, cuối cùng xe chở tiền mới qua được chốt.......
Câu chuyện vừa nêu, đã dẫn đến nhiều bình luận và tranh cãi của Công chúng, về các vấn đề có liên quan đến "Tiền"! Vậy rút cuộc tiền là gì, đó có phải là một loại hàng hóa, và có phải là hàng hóa cấp thiết?! Trong Bài viết này, Tác giả sẽ dẫn chiếu và luận giải một số quy định của pháp luật, để Bà con tham khảo.
1. Tiền là gì?!
Rất may, Bộ luật dân sự 2015, tại điều 105.1 đã có khẳng định tiền là tài sản, nếu không, chắc Công chúng lại sa vào một trận tranh cãi rằng tiền là tài sản được quy định ở đâu?
Theo quy định của Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam thì: Đơn vị tiền Việt Nam là "Đồng", ký hiệu quốc gia là "đ", ký hiệu quốc tế là "VND", một đồng bằng mười hào, một hào bằng mười xu. Ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất phát hành tiền giấy, tiền kim loại. Tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam.
2. Tiền có phải là hàng hóa?!
Tiền là tài sản, và được phân loại là động sản theo quy định tại Điều 107.2 Bộ luật dân sự. Do đó, theo quy định tại điều 3.2.a Luật Thương mại 2005, thì tiền được xem là hàng hóa, chính là hàng hóa. Nhân đây, cũng xin lưu ý với Bà con, theo quy định của Luật Thương mại 2005, thì đất đai không phải là hàng hóa, dù rằng trên thực tế, nó lại chính là một trong những "mặt hàng" sôi động nhất. Tuy nhiên, về mặt lý luận, Người ta có thể lý giải rằng ở đây là đang mua bán (Chuyển nhượng) quyền sử dụng đất, chứ không phải mua bán đất đai, dẫu cho, kết cục đều như nhau cả.
3. Tiền có phải là hàng hóa thiết yếu không?!
Điều 4.3 Luật Giá năm 2012, quy định: "Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu là những hàng hóa, dịch vụ không thể thiếu cho sản xuất, đời sống, quốc phòng, an ninh, bao gồm: nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông; sản phẩm đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người và quốc phòng, an ninh". Quy định này chỉ mang tính giải nghĩa về nguyên tắc, mà không liệt kê cụ thể.
Sau khi xảy ra chuyện tranh cãi thế nào là mặt hàng thiết yếu; Thì các cơ quan chức năng ở địa phương như Sở công thương, đã ban hành những văn bản dưới dạng công văn hướng dẫn quy định về hàng hóa thiết yếu, nhưng cũng "bỏ quên'' không đưa tiền vào danh mục này. Chính vì thế, những Người thực thi căn cứ vào câu chữ, để rồi cho rằng "Tiền không phải hàng thiết yếu"!
Đó chính là sự khôi hài! Gạo, rau, củ quả, thuốc chữa bệnh là hàng hóa thiết yếu - Nhưng nếu không có tiền thì không thể mua được các thứ đó, trừ khi được tặng cho vô điều kiện. Nếu cho bán các mặt hàng thiết yếu, nhưng lại không cho rút tiền, lấy tiền, nhận tiền để thanh toán, thì hàng hóa đó bán cho ai, lấy tiền đâu để mua - Người bán có quyền, nhưng không có nghĩa vụ phải bán thiếu, bạn chịu, bán nợ......
Điều 17.2 Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định: Tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam. Như vậy, tiền không chỉ là tài sản, không chỉ là hàng hóa, mà còn là "Phương tiện thanh toán" - Cũng có nghĩa rằng, phải có phương tiện thanh toán, thì Người mua mới thực hiện được nghĩa vụ của mình đối với bên bán hàng, trong giao dịch mua bán các hàng hóa thiết yếu này. Không có tiền, nghĩa là không có phương tiện thanh toán, không có phương tiện thanh toán nghĩa là không thể thực hiện nghĩa vụ với bên có quyền tức là bên bán, đó là lý do để bên bán có quyền từ chối giao dịch.
Chính vì thế, có thể nói tiền không chỉ là hàng thiết yếu - Mà còn trên cả thiết yếu, vì đó là loại hàng hóa đặc biệt, bởi nó là vật ngang giá chung, có giá trị thanh toán, và bắt buộc phải chấp nhận thanh toán trên lãnh thổ quốc gia phát hành. Nó chính là điều kiện để tham gia vào các giao dịch có đền bù, mà cụ thể ở đây là việc mua các mặt hàng thiết yếu.
------
Tiền là hàng hóa đặc biệt, siêu thiết yếu - Đó đáng ra phải là một vấn đề hiển nhiên, không cần phải chứng minh. Nhưng vì có những hành xử không biết từ đâu mà ra, đã khiến Chúng ta phải luận chứng một vấn đề giản đơn vốn được mặc định, theo một phương pháp hết sức lằng nhằng! Nếu đòi hỏi hoặc lý luận rằng mọi thứ phải có sẵn và rõ ràng, rành rọt trong luật, là điều không bao giờ tồn tại, kể cả những quốc gia có hệ thống pháp luật phát triển bậc nhất. Cho nên, việc Người thực thi cần có tư duy pháp lý, nhận thức pháp lý, nhằm lấy cái bất biến là quy định trong văn bản luật, để xử lý cái vạn biến xảy ra trong cuộc sống là điều hết sức quan trọng và cần thiết......
Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!